Ngày 13:
Phở sắn trộn nhộng và chuối cây
Bên cạnh mì Quảng, phở sắn là món ăn quen thuộc của người dân nơi vùng đất “chưa mưa đà thấm”. Phở sắn được sản xuất chủ yếu ở vùng trung du Quế Sơn của Quảng Nam, làm từ bột sắn (bột khoai mì) với nhiều công đoạn rất vất vả mà nếu được tận mắt chứng kiến thì mới có thể hiểu hết được giá trị của món ăn dân dã này.
Vùng đất khô cằn với những con người chịu thương chịu khó đã biến những thứ sẵn có của quê nghèo - sắn - thành một loại thức ăn mà trước kia chỉ chuyên dành cho người khá giả - phở - như một nghệ thuật ẩm thực tuyệt vời.
Sắn tươi sau khi thu hoạch được xắt lát phơi khô, xay thành bột mịn rồi đem ngâm với nhiều lần thay nước trong vài ngày, cho đến khi bột không còn đục. Khâu ngâm bột nếu làm không kỹ thì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của phở. Sau đó, đem bột hấp chín, đưa vào khuôn ép, dùng sức ép thành sợi theo hình lưới.
Thông thường, một người dùng tay kéo chày ép bột chảy thành sợi rơi xuống tấm vỉ phía dưới, một người khác nhanh tay đưa chiếc vỉ theo hình chữ X cho bột dàn đều khắp vỉ. Mang vỉ này ra phơi nắng, đợi đến khi khô thì dỡ tấm phở sắn ra khỏi vỉ. Do có hình giống như tấm lưới B40 nên phở sắn còn được người Quảng gọi bằng cái tên gần gũi là “bún lưới”. Phở sắn được bán khá phổ biến tại các chợ trong tỉnh.
Phở sắn rất dễ chế biến, làm được nhiều món khác nhau, phù hợp với nhiều vị nước lèo được nấu từ thịt, cá, tôm... Người địa phương ăn phở sắn chan nước cá nục, cá ngừ biển tươi ngon, khá nổi tiếng.
Ngoài ra còn một món không thể không nhắc tới là món phở sắn trộn nhộng và chuối cây, vừa đậm đà, vừa nồng ấm tình quê cha, đất mẹ.
Tấm phở sắn khô đem bẻ thành miếng nhỏ vừa ăn, ngâm nước khoảng 15 phút cho vừa mềm rồi vớt ra rổ để cho ráo nước. Chuối cây chọn thân cây còn non, xắt thành từng lát thật mỏng rồi ngâm vào thau nước cho trắng, sau đó vớt ra để ráo. Đậu phộng (lạc) rang chín, chà vỏ, giã sơ cho nát.
Cho phở sắn vào thau, thêm chuối cây, đậu phộng vào. Khử dầu với vài củ nén, củ hành, bỏ nhộng vào xào chín rồi đổ vào thau gỏi. Tiếp tục nêm thêm chén nước mắm ớt tỏi, một ít bột ngọt và vắt vài lát chanh, trộn đều, cho ra đĩa rồi rắc một ít rau thơm, hành ngò lên trên.
Vị dai dai, nồng nồng của sợi phở, hòa quyện với vị béo, bùi của nhộng, vị ngọt mềm chuối non, mùi thơm của tỏi dầu, đậu phộng rang, rau quế, cùng vị cay của trái ớt vườn nhà đã trở thành một hương vị rất đặc biệt. Món ăn sẽ càng đậm đà hơn nếu có thêm một cái bánh tráng gạo nướng chín bẻ nhỏ bỏ vào để ăn cùng. Có thể ăn cùng với cơm nóng hoặc dùng bữa thay cho cơm.
Kết tinh từ tình đất tình người quê hương, đĩa phở sắn trộn nhộng và chuối cây đã trở thành món ăn thân thương, không chỉ là ấm lòng những đứa con xa xứ mỗi lần về thăm quê mà hương vị đặc trưng, mặn mà của nó còn níu lòng những du khách một lần ghé thăm được thưởng thức.