Chàng trai cụt hai tay mơ làm thày giáo
Dù bị cụt tay sau tai nạn điện giật kinh hoàng, nhưng hơn 10 năm nay, Lý Láo Lở vẫn cố gắng theo đuổi giấc mơ ham học của mình. Hàng ngày Lở vẫn đạp xe đi làm thêm và viết chữ bằng cánh tay tật nguyền.
Khi chúng tôi đến, Lý Láo Lở đang lặng lẽ ngồi bên chiếc bàn nhỏ trong căn phòng trọ tuềnh toàng chưa đầy 15m2. Dưới ánh điện mờ tỏ, đôi tay áo èo uột buông thõng như sợi dây trên cái thân thể còm cõi, chàng sinh viên nghèo với đôi mắt vẫn ánh lên khi chào khách lạ. Lấy chân kéo vội chiếc ghế mời khách ngồi, em chậm rãi kể cho chúng tôi nghe về “ngã rẽ” đầy nghiệt ngã của đời mình.
Lý Láo Lở cụt cả 2 tay vẫn chăm chỉ học.
Em sinh ra và lớn lên với số phận éo le, tuổi thơ thiếu bàn tay chăm sóc và che chở của người mẹ khi em mới tròn 4 tuổi. Từ khi mẹ mất, cha em tối ngày tần tảo với nương lúa, nương ngô trên núi nuôi em khôn lớn. Nhưng số phận lại càng nghiệt ngã và trớ trêu hơn khi cướp đi của em hai cánh tay sau một tai nạn điện giật kinh hoàng. Trong buổi lao động tại trường phổ thông dân tộc nội trú Bát Xát (Lào Cai), em bị điện cao thế phóng vào người khi đang mang ống típ nước từ thư viện tới sân trường. Em được thầy cô đưa ngay đến bệnh viện huyện, nhưng thương tích quá nặng, sau đó em được xuống Hà Nội chữa trị.
Để cứu sống em, các bác sĩ tại Viện Bỏng Quốc gia đã phải cắt đi hai cánh tay bị hoại tử. 14 tuổi, cái tuổi mà lẽ ra như bao đứa trẻ khác em được vui chơi, được ước mơ về một tương lai tươi sáng thì cuộc đời lại để em phải chịu nỗi mất mát quá to lớn. Trở về nhà, Lở thấy các bạn hàng ngày tung tăng cắp sách tới trường, từng giọt nước mắt của em cứ lặng lẽ chảy dài trên khuôn mặt ngây thơ.
Hơn 10 năm trôi qua, chưa bao giờ Lở quên được những ngày đầu tập viết chữ và làm các công việc nhà nông nặng nhọc bằng đôi tay tật nguyền. Từng có lúc em ngỡ mọi cánh cửa cuộc đời như đóng lại vĩnh viễn. Nhưng cũng chừng ấy năm, nghị lực và lòng kiên trì đã giúp Lở vượt lên nỗi đau tật nguyền để tiếp tục đến trường viết tiếp những ước mơ. Khi chúng tôi hỏi em về quá trình tập viết. Lở lặng thầm và sẻ chia: "Mỗi sáng các bạn gọi nhau đi học, em lại mơ làm thế nào em cũng được tới lớp như xưa, đó là ao ước lớn nhất của em".
Mỗi lần đi làm về, em lại lấy vở ra tập viết. Đầu tiên, em buộc bút vào cùi tay, cách này không được bởi tay đau quá, viết bằng chân cũng không ổn, tiếp là hai cùi tay kẹp vào bút em viết dễ dàng hơn. Cứ như vậy em tập dần, sau ba tháng em đã viết được. Không những vậy, Lở còn học làm những việc nhỏ trong gia đình như quét nhà, rửa bát, nấu cơm… Những năm gần đây em còn biết cày, bừa giúp bố. "Đó là niềm vui lớn nhất của em, cố gắng kiên trì vượt qua tất cả để được tiếp tục đến trường và chia sẻ gánh nặng gia đình cùng cha", Lở mỉm cười khoe.
Dù cụt hai tay nhưng Lở vẫn đạp xe đi học và đi làm thêm để kiếm tiền trang trải cuộc sống.
Từ nhỏ Lở luôn ước mơ lớn lên trở thành giáo viên dạy môn xã hội. Ước mơ đó trở thành hiện thực khi em thi đỗ vào trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội. Giờ đây, chàng sinh viên Lở đã tự tin và mạnh dạn hơn rất nhiều. Em luôn được các bạn bè trong lớp giúp đỡ.
Thế nhưng, với em, để có tiền theo đuổi ước mơ trở thành thầy giáo lại trở nên rất khó khăn. Hàng ngày, để tiết kiệm tiền đi học, Lở chỉ dám ăn mì tôm trừ bữa, thậm chí có những ngày không có tiền, Lở còn xin cơm thừa của bạn để ăn qua bữa. Cuộc sống khó khăn khiến sức khỏe của em giảm sút dần, Lở chỉ nặng có 45kg vì suy dinh dưỡng nặng.
Dù cuộc sống khó khăn khi một mình lên Hà Nội theo đuổi khát vọng học tập, nhưng Lở luôn vui vẻ, lạc quan để chiến thắng số phận của cuộc đời. Còn gì hạnh phúc hơn khi người khuyết tật không tự ti, biết tự thân vận động, tự rèn luyện để chiến thắng lại số phận, tạo chỗ đứng cho mình hòa nhập với cộng đồng - xã hội và Lý Láo Lở là một tấm gương như thế.
Sưu tầm. Nguồn: VNE.