NHÂN KỶ NIỆM 125 NĂM NGÀY SINH BÁC HỒ XIN POST HÌNH CỦA BÁC VỚI QUÊ HƯƠNG

Nghé Ọ

Thượng Tá
77. BÀI HỌC VỀ SỰ TIẾT KIỆM

Trước kia, Thông tấn xã Việt Nam hàng ngày đều đưa bản tin lên cho Bác xem. Khi in một mặt, Bác phê bình là lãng phí giấy. Sau đấy Thông tấn xã in hai mặt bằng rônêô, nhoè nhoẹt khó đọc hơn nhưng Bác vẫn đọc. Sang năm 1969, sức khoẻ Bác yếu và mắt giảm thị lực, Thông tấn xã lại gửi bản tin in một mặt để Bác đọc cho tiện. Khi xem xong, những tin cần thiết Bác giữ lại, còn Người chuyển bản tin cho Văn phòng Phủ Chủ tịch cắt làm phong bì tiết kiệm hoặc dùng làm giấy viết. Ngày 10-5-1969, Bác đã viết lại toàn bộ đoạn mở đầu bản Di chúc lịch sử bằng mực xanh vào mặt sau tờ tin Tham khảo đặc biệt ra ngày 3-5-1969. Từ giữa năm 1969, sức khoẻ Bác yếu đi nhiều nên Bộ Chính trị đề nghị: Khi bàn những việc quan trọng của Đảng, Nhà nước thì Bác mới chủ trì, còn những việc khác thì cứ bàn rồi báo cáo lại sau, Bác cũng đồng ý như vậy. Tháng 7, Bộ Chính trị họp ra nghị quyết về việc tổ chức 4 ngày lễ lớn của năm: ngày thành lập Đảng, ngày Quốc khánh, ngày sinh Lênin và ngày sinh của Bác. Sau khi báo Nhân Dân đăng tin nghị quyết này, Bác đọc xong liền cho mời mọi người đến để góp ý kiến: “Bác chỉ đồng ý 3/4 nghị quyết. Bác không đồng ý đưa ngày 19-5 là ngày kỷ niệm lớn trong năm sau. Hiện nay, các cháu thanh thiếu niên đã sắp bước vào năm học mới, giấy mực, tiền bạc dùng để tuyên truyền về ngày sinh nhật của Bác thì các chú nên dành để in sách giáo khoa và mua dụng cụ học tập cho các cháu, khỏi lãng phí”.



78. TRÊN GIƯỜNG BỆNH

Đầu năm 1969, một chị cán bộ trong Nam ra thăm miền Bắc. Như bất cứ đồng bào miền Nam nào khác, khi tới thủ đô, chị mong ngày mong đêm được sớm thấy Bác Hồ. Một hôm, thật hết sức bất ngờ, chị được Trung ương gọi vào Phủ Chủ tịch gặp Bác!

Cùng tiếp khách với Bác hôm ấy có cả Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Gặp Bác, điều đầu tiên chị thưa với Bác là:

- Chúng cháu ở miền Nam, vâng theo lời Bác, không nề hy sinh gian khổ đánh Mỹ đến một trăm năm cũng không sợ. Chỉ sợ một điều là Bác trăm tuổi.

Chị đã nói ra cái điều mà mọi người hằng nghĩ, nhưng không ai dám và muốn nhắc đến. Một cái gì thoáng qua nhanh, rất nhanh, trên vầng trán, đôi mắt, đôi môi và chòm râu bạc của Bác. Bác quay lại hỏi Thủ tướng Phạm Văn Đồng:

- Năm nay Bác bảy mươi mấy rồi, chú?

- Thưa Bác, năm nay Bác bảy mươi chín.

Bác mỉm cười, mắt ánh lên hóm hỉnh:

- Thì thì còn đến hai mươi mốt năm nữa Bác mới trăm tuổi. Bác kêu gọi các cô, các chú đánh Mỹ năm, mười năm, hai mươi năm chứ có bao giờ Bác nói hai mươi mốt năm đâu. Nếu hai mươi năm nữa mà ta thắng Mỹ thì Bác cũng còn một năm để vào thăm các cụ, các cô, các chú, các cháu miền Nam…

Thấy Bác nói vui như vậy, chị cán bộ miền Nam thấy vững lòng. Chị thầm tin rằng, rồi đây đánh Mỹ xong, thế nào Bác cũng sẽ vô thăm đồng bào miền Nam, để đồng bào miền Nam thoả lòng mong ước.

Trước ngày mồng 2-9-1969, Nha khí tượng phát đi một thông báo khô khan như thường lệ: “Cơn bão số 3…”

Tối hôm mồng một, không thấy Bác dự lễ mừng Quốc khánh, người dân thủ đô cảm thấy lo lắng. Chưa có thông báo chính thức thế nào về sức khỏe của Bác, nhưng nhân dân cũng biết Bác mệt nhiều.

Không biết tin ở đâu phát ra mà ở thủ đô từng nhóm người tụ tập đều truyền cho nhau nghe tin Bác mệt, và kể lại cho nhau nghe câu chuyện sau đây:

“Trên giường bệnh, Bác hỏi:

- Trong Nam mấy hôm nay đánh thế nào?

- Thưa Bác, anh em trong ấy đang đánh tốt lắm.

- Quốc khánh năm nay có đốt pháo hoa cho đồng bào vui không?”…
 

Bình luận từ Facebook

Top