NHÂN KỶ NIỆM 125 NĂM NGÀY SINH BÁC HỒ XIN POST HÌNH CỦA BÁC VỚI QUÊ HƯƠNG

Nghé Ọ

Thượng Tá
"Bác nắm bàn tay THAN BỤI của chúng tôi"

Hôm ấy, Bác đáp tàu từ Hà Nội lên thăm tỉnh Lào Cai. Anh Tư được phân công phục vụ toa có Bác. Thoạt đầu, anh đứng trên toa, nhìn xuống sân trông rõ Người. Anh đứng lên xoay mãi quả đấm cửa mà không mở được. Ngày thường anh chỉ “xoạch” một cái là đẩy rộng cửa ra. Bác đưa tay ra hiệu bảo Tư cứ từ từ, bình tĩnh. Anh thật không ngờ hôm nay được dịp thuận lợi nhất để tỏ lòng kính yêu Bác. Theo thói quen, anh đã chăm sóc toa xe sạch sẽ, bóng lộn. Cả bàn ghế cũng đã sáng loáng như gương. Thế mà anh vẫn thấy mình chưa tròn nhiệm vụ. Tư mời Bác nghỉ lưng, Bác ôn tồn bảo:
- Chú cứ để mặc Bác.
Tàu vẫn chạy như thường mà sao Tư thấy lắc lư nhiều. Tư lo cho Bác không được yên tĩnh. Mặt trời từ từ vén sương núi ngoi lên vàng chóe. Bình minh ở miền trung du thật đẹp đẽ, dịu dàng. Bác từ trong toa bước ra vui vẻ hỏi anh trật tự viên:
- Chú có thể cho Bác đứng ở đầu toa ngắm phong cảnh chứ?
Anh trật tự vâng một tiếng nhẹ và cúi xuống đóng chấn song cửa cẩn thận. Tàu chạy nhanh. Vẻ mặt Bác hồng hào. Gió lùa chòm râu bạc bay lướt qua trên các cánh đồng xanh mướt và núi rừng trùng điệp. Chiếc áo nâu giản dị bay phấp phới. Bác xoay qua Tư hỏi:
- Chú đi tập kết có gia đình đi cùng không?
- Dạ thưa Bác, không ạ!
- Có nhớ vợ con không?
- Dạ có.
- Nhớ nhiều không?
- Dạ nhiều.
- Thế là tốt. Càng nhớ càng cố gắng làm việc nhé?
Bác hỏi đến cô Thọ, nhân viên trên tàu:
- Quê cháu ở đâu?
- Thưa Bác, cháu ở Hồng Quảng.
- Công tác ngành đường sắt được bao lâu rồi?
- Dạ cháu đã làm hơn ba năm...
Bác cười:
- Ở ngành nào cũng đều có mặt các cháu gái, thế là tốt.
Khi tàu đỗ, Bác đi thoăn thoắt lên đầu máy. Anh Thị lái tàu và anh em đốt than, phụ việc tay còn dầu mỡ, lấm lem, thấy Bác đến thì luống cuống. Tất cả đứng thẳng mà hai bàn chân cứ nhấp nhổm. Bác chìa tay ra. Có anh vì tự thấy tay mình bẩn quá không dám bắt tay Bác. Bác ôn tồn bảo:
- Chính là có than bụi bám bàn tay các chú thì Bác và bà con đây mới được ngồi thảnh thơi mà vẫn đi đến nơi về đến chốn được.
Thế là mọi người đều mạnh dạn đưa bàn tay đen sạm nắm lấy tay Bác. Anh Thị cảm động quá giữ bàn tay Bác một hồi lâu. Bác chúc anh em kéo hàng vượt mức và đạt kỷ lục tiết kiệm than cao hơn nữa.
Ở Lào Cai, Bác lên tàu rất đúng giờ. Tàu bắt đầu chạy mà còn hai anh làm công tác báo chí và điện ảnh đến muộn, xách cặp, vác máy chạy theo vẫy gọi tàu. Bác đồng ý đề nghị của anh em công nhân đỗ tàu lại vài phút đợi. Khi hai người leo được lên tàu yên ổn, Bác mới phê bình:
- Báo chí, điện ảnh thì phải đi trước chứ. Các chú đừng để phải chạy theo sau đoàn tàu nữa nhé!
Hai anh ngồi vào toa đưa mắt nhìn nhau bẽn lẽn. Bác đi thăm nhiều nơi: Lào Cai, mỏ A-pa-tít, cầu Làng Giàng, thị xã Yên Bái. Nơi nào cũng đông nghịt đồng bào và công nhân nghe Bác nói chuyện. Nhất là thiếu nhi thì nhanh tay, nhanh chân hơn cả. Các em vừa hoan hô vừa đổ về phía Bác như làn sóng nhỏ cuốn vào bờ. Bác về đến Hà Nội lâu rồi mà dư âm của chuyến đi còn truyền mãi...

(Theo cuốn “Hồ Chí Minh- Một huyền thoại kỳ vĩ”, NXB Lao động)
Ảnh: Bác Hồ tặng quà cho ông Trần Văn Nỏ (Tam Đường, Lào Cai) năm 1958.
 

Nghé Ọ

Thượng Tá
Bác Hồ với chị Lý


Mọi người thường nghe nói đến những địa danh Bác Hồ hay qua lại trên con đường hoạt động cách mạng như Phan Thiết, Sài Gòn, Niu York, Pari, Hà Nội... Đọc câu chuyện còn ít người biết tới này mới hay còn có những địa danh quê hương khác đối với Bác cũng rất thân thương...
Giữa năm 1958, sau hơn 2 năm bị giặc giam cầm và tra tấn, chị Trần Thị Lý được đưa ra Bắc chữa bệnh và là bệnh nhân đặc biệt của bệnh viện Hữu nghị Việt–Xô. Tình trạng suy kiệt, 42 vết thương trên người liên tục rỉ máu… sức khỏe giảm sút nghiêm trọng (lúc ấy chị chỉ còn nặng chưa đến 26 kg). Đến thăm chị, Bác Hồ rất cảm động. Nhìn chị đau đớn, Bác tìm cách nói chuyện để chị nguôi đi phần nào nỗi đau thể xác. Bác nói về con người đất Quảng kiên trung, hỏi “đố” chị về những nét độc đáo của quê hương chị. Câu chuyện của hai bác cháu rất thú vị...

Thói quen của người Quảng

Bác hỏi chị Lý rằng đặc điểm đáng nhớ nhất của người Quảng Nam là gì ? Chị kê hàng loạt, nào là: Quảng Nam hay cãi, “ăn cục nói hòn” mà chất phác, hiền hậu, đảm đang… Nhưng Bác cười và cho là chưa phải. Bác bảo rằng: cái không lẫn vào đâu được chính là đi đâu họ cũng mang theo cái “nhiệt kế” bên mình. Chị Lý ngỡ ngàng, nghĩ mãi không ra. Bác cười hóm hỉnh và giải thích: Quê của con có thói quen uống nước chè xanh nấu thật đậm đặc, còn nóng hổi rồi rót ra gáo dừa, chế thêm một ít nước lạnh rồi dùng ngón tay út “đo” xem vừa độ uống chưa…
Ôi, cái “nhiệt kế” thân thuộc, tiện ích ấy mà chị (có lẽ tất cả những người Quảng cũng không nghĩ được thói quen đã ăn đậm trong mình ấy) lại không nhận ra, đúng là không lẫn vào đâu được. Bác ơi, Bác thật tình cảm, gần gũi, nhưng cũng thật khôi hài khi ví von một cách thân thương đến vậy.

Đặc sản của Quảng Nam

Khi được hỏi về điều này, chị Lý lại “quảng cáo” món mỳ Quảng đậm đà thương nhớ, nhất là những lúc đi xa như thế này, hương vị ấy khó mà quên cho được. Vậy mà Bác lại mỉm cười xua tay và “tả” thật tỉ mỉ món mắm cái (cá cơm được ướp muối thật mặn, mặn đến độ con cá còn nguyên con, không bị nát) được giã ớt, tỏi thật cay, chấm với bánh tráng sắn (bánh đa làm từ bột sắn) cuốn rau muống thì số một. Đúng rồi, chị Lý lại nhớ ra rồi, ăn món mắm vừa mặn vừa cay, uống nước chè đậm đặc thì chỉ có người Quảng mà thôi.
Chị rơi nước mắt… chị như thấy quê hương mình đang ở bên thật gần gũi, hiền hậu, như được tiếp thêm sức mạnh để chống lại khó khăn. Và chị đã sống, đã mang theo về đất Quảng tình cảm của Bác: chiếc mũ sắt (bây giờ đặt ở bàn thờ chị) và chiếc vali (Viện bảo tàng Cách mạng Việt Nam) mà Bác đã tặng chị ngày ấy.

ĐOÀN DIỆU
 

Nghé Ọ

Thượng Tá
Bác cũng phải có giấy mà !

Chiến sĩ Lý Phúc Nha được đại đội trưởng phân công bảo vệ một khu vực quan trọng trong địa điểm tổ chức Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II năm 1951 tại Kim Bình, Chiêm Hóa, Tuyên Quang. Đại đội trưởng dặn: “Khu vực đơn vị ta bảo vệ là cả con người, thì nơi này là bộ óc. Mặc dầu các đại biểu đã có giấy ra vào và phù hiệu, nhưng phải kiểm tra thật kỹ để bảo đảm nghiêm mật”.
Lúc sau, Nha thấy một cụ già người cao, đội nón cũ, quần xắn đến đầu gối, chân đi dép cao su, vai mang túi vải, xăm xăm đi về phía mình. Ông cụ hiền từ hỏi:
- Chú gác ở đây à ?
- Dạ !
Thấy ông cụ định bước vào khu vực cấm, Nha bối rối, vội hỏi:
- Cụ cho cháu xem giấy ra vào ạ.
- Bác đây mà, chú cũng hỏi giấy ư ?
Một cán bộ vừa đi đến, thấy thế cũng bảo:
- Bác đấy, thế mà đồng chí cũng hỏi giấy thì lạ thật !
- Bác cũng phải có giấy mà ! Có giấy thì mới được vào mà !
Người cán bộ toan gắt với Nha, thì ông cụ đã bảo anh ta đi gọi cán bộ đại đội và ôn tồn hỏi:
- Chú người dân tộc gì ? Quê ở đâu ? Vào bộ đội lâu chưa ?
Lúc này Nha mới thấy ông cụ quen quen, lại hỏi han thân mật, bèn thưa:
- Dạ, cháu người Sán Chỉ, quê ở Thái Nguyên, vào bộ đội được hơn một năm rồi ạ.
Giữa lúc ấy, đại đội trưởng chạy tới, vẻ hốt hoảng:
- Bác Hồ đấy mà, sao đồng chí không để Bác vào nhà của Bác?
Nha sung sướng vì được gặp Bác Hồ, nhưng lại bối rối tự trách mình sao lại đi hỏi giấy Bác. Bác tươi cười:
- Chú làm nhiệm vụ như vậy là tốt.
Nghe Bác nói thế, Nha mới hết lo.
Sáng hôm sau, hết giờ thể dục, Bác gọi Nha và cán bộ chỉ huy lên gặp. Bác bảo mọi người ngồi, rồi Bác tự tay rót nước mời. Đoạn, Bác lấy trong cuốn sách ra một tấm ảnh của Bác, cầm bút ghi mấy dòng chữ phía sau, trao cho Lý Phúc Nha và nói:
- Chú Nha mới vào bộ đội chưa biết Bác. Hôm qua thấy Bác không có giấy nên không cho vào nơi quy định, như vậy là đúng và đáng khen. Bác thưởng chú Nha chiếc ảnh của Bác. Còn đại đội trưởng và chính trị viên trao nhiệm vụ cho chiến sĩ chưa rõ, lại chưa giới thiệu cho chiến sĩ biết Bác, làm trở ngại đến công việc, Bác phê bình. Các chú có đồng ý không ?
Từ chỗ Bác trở về, Nha sung sướng và cảm động, nhưng cứ thương đại đội trưởng và chính trị viên vì mình mà bị phê bình.
 

Nghé Ọ

Thượng Tá
Bác nhớ các cháu



Tháng chạp năm 1968, các dũng sĩ thiếu niên miền Nam đang học ở Tả Ngạn thì có mấy chú đưa xe ô tô đến đón về Hà Nội. Luyện, Thu, Nết, Phổ, Mên, Hoà… chưa hiểu có chuyện gì. Về Thủ đô hôm trước thì năm giờ chiều ngày hôm sau có xe đến đón đi.




Các thiếu niên dũng sĩ miền Nam được chụp hình với Bác Hồ và Bác Tôn. Đoàn Văn Luyện người đầu tiên bìa phải. Ảnh tư liệu

Vào đến sân Phủ Chủ tịch mới biết là được gặp Bác Hồ.

Vừa bước chân xuống xe, đã nhìn thấy Bác Hồ và Bác Tôn ngồi ở một cái ghế gỗ dài kê trước cửa nhà, tất cả chạy ào tới chào Bác.

Bác cháu trò chuyện với nhau. Sau đó hai Bác bảo:

- Thôi, các cháu vào ăn cơm với hai Bác!

Bữa cơm chẳng có thịt cá gì nhiều nhưng rất ấm cúng. Các dũng sĩ thiếu niên được ngồi ăn cùng Bác Hồ và Bác Tôn. Nết, người nhỏ quá, cái đầu chỉ lấp ló cạnh bàn được Bác gắp thức ăn cho luôn.

Vừa ăn, Bác cháu vừa nói chuyện rất vui. Ăn xong, hai Bác cho mỗi cháu một bông hồng, một quả táo, một quả lê và ba quyển sách “Người tốt việc tốt”. Sau đó, Bác Hồ bảo:

- Các cháu lại cả đây hôn hai Bác rồi ra về.

Các dũng sĩ hôn hai Bác xong, Bác Hồ lại dặn:

- Các cháu về trường cố gắng học tập cho giỏi.

Tất cả đều rất cảm động. Đoàn Văn Luyện lên tiếng thưa với Bác:

- Thưa Bác, chúng cháu cứ tưởng hai Bác gọi các cháu về có việc cần.



Đoàn dũng sĩ miền Nam ra thăm Bác Hồ năm 1968. Ảnh tư liệu

Bác Hồ cười hiền từ và bảo:

- Hai Bác nhớ các cháu cho nên gọi các cháu về để hai Bác gặp hỏi chuyện.

Nghe Bác nói, Luyện và các bạn cảm động, muốn trào nước mắt. Hai Bác tuổi đã cao, trăm nghìn công việc, vậy mà hai Bác vẫn nhớ đến các cháu miền Nam. Luyện nghĩ: “Mình được ở ngoài Bắc mà hai Bác còn lo và thương như vậy, các bạn còn ở trong Nam, hai Bác còn lo và thương biết chừng nào!...

(theo “117 CHUYỆN KỂ VỀ TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH”
– Ban Tuyên giáo Trung ương)
 

Nghé Ọ

Thượng Tá
Bác Hồ thích ăn món gì nhất



Nhiều người quan tâm đến sinh hoạt đời thường của Bác Hồ đã có lúc đặt ra câu hỏi ấy. Mới xem qua, dường như nó chẳng có ý nghĩa gì mấy, bởi nó riêng tư, mỗi người đều có sở thích riêng của mình, khẩu vị và thị hiếu là vấn đề không thể bàn cãi!

Đúng như vậy. Nhưng tìm hiểu sở thích lao động của một người cũng là một hướng tiếp cận tính cách con người đó, càng cần thiết hơn khi đó là một vĩ nhân.

Cũng như mọi người, có món ăn Bác Hồ rất thích, nhiều món ăn được, có món không thích. Ví dụ qua bữa cơm với bà Thanh được kể lại, ta biết cậu Thành từ nhỏ không ăn được tỏi.



Bác Hồ kiểm tra bữa ăn
của cán bộ cơ sở


Nét nổi bật là vị Chủ tịch nước đầu tiên của chúng ta lại rất thích ăn các món ăn dân dã như mắm, cà dầm tương, canh chua ăn với rau chuối thái ghém,…

Có lần, trong kháng chiến chống Pháp, đồng chí Chủ tịch Liên khu IV Lê Viết Lượng có gửi lên Việt Bắc biếu Bác một lọ cà dầm mắm. Bác rất thích ăn. Ngày đó, Bác vẫn thường ăn chung với các nhân viên phục vụ của mình. Có bữa bận phải ăn sau, Bác dặn:

- Các cô chú cứ ăn thịt cá, để phần Bác món cà dầm mắm.

Ở rừng, thỉnh thoảng vẫn thiếu rau. Bác bảo:

- Ta thiếu rau nhưng nhiều mít, cô Mai (vợ bác sĩ Chánh) làm món nhút ăn cho đỡ xót ruột.

Chị Mai thú thực không biết làm. Bác lại bày cho cách làm nhút từ quả mít xanh. Có lẽ trong các món mang hương vị quê hương, Bác thích nhất món cá bống kho lá gừng. Hôm nào đồng chí Cần, cấp dưỡng của Bác, làm món ăn đó, Người thường ăn hết, để món thịt lại.




Bác Hồ cùng phái đoàn Chính phủ
thăm Liên Xô (Ảnh chụp năm 1955)


Có lần Bác được mời đi nghỉ tại Liên Xô. Bạn cho ăn toàn những món đặc sản vào loại tuyệt hảo. Bỗng một hôm Bác bảo: “Mình nhớ món cá bống kho lá gừng quá!”. Một chuyện thật đơn giản, nhưng trong hoàn cảnh đó thực hiện lại không dễ. Nấu ở nhà nghỉ thì không ổn, hơn nữa bạn lại rất sợ mùi nước mắm. Kho ở sứ quán rồi mang vào, lại sợ bạn biết sẽ phật ý. Cuối cùng, nhờ sự trổ tài khéo léo của đồng chí Vũ Kỳ trong việc giới thiệu các món ăn cổ truyền của dân tộc, món cá bống kho lá gừng đã được thực hiện.

Ở Việt Bắc, hôm nào có điều kiện ăn tươi, Bác lại bảo: ra gọi cô Cúc (vợ đồng chí Phạm Văn Đồng) và cô Mai vào trổ tài cho Bác cháu mình thưởng thức. Chị Mai làm món gà rút xương, thịt băm trộn nấm hương nhồi đùi gà, đem hấp. Chị Cúc làm món bít-tết. Bác khen ngon, vì làm rất công phu. Bác nhận xét:

- Gia vị đối với món ăn Việt Nam rất quan trọng. Thiếu gia vị, món ăn sẽ giảm hương vị đi rất nhiều.

Coi trọng nội dung, Bác cũng nhắc nhở cần chú ý đến cả hình thức trình bày. Hồi ở Việt Bắc, có lần đi công tác, buổi trưa, Bác cháu dừng lại bên bờ suối nấu ăn. Bác bảo: các chú nấu cơm, để Bác rán trứng cho. Bác làm rất thạo. Trứng rán xong mà cơm chưa chín. Bác lấy que sắt nung trên than hồng rồi đặt lên khoanh trứng thành những hình quả trám rất đẹp. Anh em cười thán phục. Bác bảo:

- Khi có điều kiện làm cho ngon hơn, đẹp hơn thì ta cứ làm chứ các chú!

Ngày 16/6/1957, Bác đi thăm Đồng Hới (Quảng Bình). Trong bữa cơm trưa có đủ các món đặc sản của Đồng Hới: mắm tôm chua, rau muống chẻ, cá thu kho,… Bác cháu vừa ăn vừa trò chuyện. Bác chỉ tay sang bác sĩ Nhữ Thế Bảo nói đùa:

- Bác sĩ khuyên mọi người ăn chín, uống sôi, còn bản thân bác sĩ thì lại ăn rau muống sống hơi nhiều quá đấy!

Mọi người cười vang. Bữa ăn ngon lành càng thêm vui vẻ.
 

Nghé Ọ

Thượng Tá
Bác Hồ với Cụ Huỳnh Thúc Kháng “Dân ta có Cụ Hồ quả là hồng phúc”



Vào cuối năm 1945, sau hai lần nhận được điện mời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụ Huỳnh Thúc Kháng từ Huế đã ra Thủ đô Hà Nội. Gặp nhau, hai người ứa nước mắt.




Cụ Huỳnh Thúc Kháng (1876-1947),
tên thật Huỳnh Hanh - còn gọi là Minh Viên


Bác Hồ nói: Việc mời Cụ ra nhậm chức Bộ trưởng Nội vụ là ý kiến chung của tất cả anh em các đảng phái, chứ không phải ý kiến riêng của tôi, vì Cụ ở lại trong nước, Cụ biết rõ trình độ tiến bộ của đồng bào ba kỳ, đồng thời đồng bào ba kỳ đều tín nhiệm Cụ.

Cụ Huỳnh nói: “Tôi ra đây là cốt gặp Cụ, chớ lúc này là lúc cần tăng gia sản xuất mà tôi không biết cầm cày, cầm cuốc; lại cần phải kháng chiến mà tôi lại không mang súng nổi. Cụ nên kiến nghị người trẻ thạo việc để trao nhiệm vụ thì hơn”.

Sau nhiều lần trao đổi, cuối cùng cụ Huỳnh Thúc Kháng đã nhận lời tham gia Chính phủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu.

Tại cuộc họp đầu tiên của Quốc hội ngày 2/3/1946, khi giới thiệu danh sách Chính phủ Liên hiệp để Quốc hội thông qua, Chủ tịch Hồ Chí Minh trình bày:

“Bộ Nội vụ: một người đạo đức danh vọng mà toàn quốc dân ai cũng biết: Cụ Huỳnh Thúc Kháng”.

Sau đó cụ Huỳnh lại được cử làm Hội trưởng Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam (Gọi tắt là Hội Liên Việt).

Sáng ngày 31/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Hà Nội đi Pháp để mở cuộc đàm phán chính thức với chính phủ Pháp. Sân bay Gia Lâm hôm ấy đông nghịt người ra tiễn. Chủ tịch Hồ Chí Minh đi một vòng chào các đại biểu và đồng bào. Đồng bào vẫy cờ, vỗ tay hoan hô và chen lấn nhau ra phía trước để được nhìn rõ Người.

Sắp đến giờ lên máy bay, Bác tới nắm tay cụ Huỳnh nói:

- Tôi vì nhiệm vụ quốc dân giao phó phải đi xa ít lâu, ở nhà trăm sự khó khăn nhờ cậy ở Cụ cùng với anh em giải quyết cho. Mong Cụ “dĩ bất biến ứng vạn biến” (lấy cái không thay đổi để đối phó với muôn sự thay đổi).

Cụ Huỳnh rất cảm động, cầm tay Bác hồi lâu, Bác đã ủy nhiệm cụ Huỳnh làm Quyền Chủ tịch nước trong thời gian Bác đi vắng.



Quyền Chủ tịch Chính phủ Huỳnh Thúc Kháng (người mặc áo dài đen đứng giữa) cùng Trưởng ban Thường trực Quốc hội Nguyễn Văn Tố (người mặc áo dài đen bên phải) và Hội trưởng Tổng hội Cứu tế Việt Nam Ngô Tử Hạ (người mặc áo dài đen bên trái) về thăm và làm việc với cán bộ lãnh đạo tỉnh Vĩnh Yên (8/1946)


Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, có lúc cụ Huỳnh Thúc Kháng cảm thấy cô đơn, chán nản. Từ sau khi được gặp và hiểu rõ Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụ Huỳnh Thúc Kháng vui mừng vì được gặp người bạn già tri kỷ là Hồ Chí Minh. Cụ đã nói với một người bạn: “Dân ta có Cụ Hồ quả là hồng phúc”. Trong bài“Thất thập tự thọ”, cụ Huỳnh viết:

“Bảy tuần đầu bạc như bông

Gặp người tri kỷ thôi xong đã già”

Thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm nước Pháp, cụ Huỳnh đã có bài thơ ca ngợi Người:

“Tung hoành bể Sở với non Ngô

Đàm lược ai hơn Chủ tịch Hồ

Mưa gió dãi dầu bao tuế nguyệt

Nước non gây dựng nổi cơ đồ

Sen kia chẳng ngại hôi bùn lấm

Tùng nọ bao phen ngọn gió xô

Khắp cả ba kỳ đều tín nhiệm

Rộn ràng muôn miếng tiếng hoan hô”.

Giải thích về việc Chủ tịch Hồ Chí Minh ký với Pháp Hiệp định Sơ bộ ngày 6/3/1946, cụ Huỳnh nói:

“Hội đồng Chính phủ không bán nước!... Tôi xin tuyên bố vắn tắt với anh em, đó chẳng qua là một nước cờ của Hồ Chủ tịch với cả nước Pháp lẫn Tưởng Giới Thạch. Hồ Chủ tịch là một tay cao cờ. Tôi chắc chắn và anh em cứ đinh ninh rồi đây thế nào mình cũng thắng thế”.

Trước ngày cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ, ngày 3/11/1946, báo cáo trước Quốc hội về việc thành lập Chính phủ mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: Cụ Huỳnh, vì tuổi già sức yếu mà cố từ, nhưng vì tôi lấy đại nghĩa mà lưu Cụ, Cụ cũng cố gắng ở lại.

Sau đó, Cụ Huỳnh được Bác cử đi kinh lý miền Trung và miền Nam Trung Bộ với danh nghĩa đại diện Chính phủ Trung ương. Cuối năm 1946, khi về thăm quê hương Tiên Phước, cụ Huỳnh tâm tình với bà con: “Tôi đã vào loại sáng nhưng cụ Hồ lại sáng hơn tôi nhiều. Cụ Hồ có những người giúp việc thông minh lắm, giỏi lắm, tin tưởng lắm. Cụ Hồ rất vĩ đại, dưới có đội ngũ giúp việc tài năng, nhất định sẽ đưa dân tộc ta đến toàn thắng. Ở Hà Nội, Hồ Chủ tịch tiết kiệm lắm. Mỗi bữa cơm, cụ Hồ chỉ dùng có một quả trứng…”.

Đầu năm 1947, với danh nghĩa Hội trưởng Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam, cụ Huỳnh viết bức thư dài bằng chữ Hán (thể phú) nhan đề: “Kính cáo đồng bào phụ lão kháng chiến thư”.

Nói về Hồ Chủ tịch và Cách mạng Tháng Tám năm 1945, bức thư có đoạn (theo bản dịch của Nguyễn Văn Hạp…):

“Người thân yêu, kính mến nhất của đồng bào quốc dân ta là Hồ Chí Minh tiên sinh. Là bậc yêu nước đại chí sĩ, là nhà lịch nghiệm cách mạng đại chuyên gia, chân đi khắp năm châu, mắt trông xa vạn dặm…”.

Đầu tháng tư năm 1947, tại Quảng Nam, trong một buổi nói chuyện với các thân hào nhân sĩ, có người lên tiếng hỏi cụ Huỳnh:

“Tôi thuở nay nghe biết tên nhiều nhà cách mạng hoạt động trong nước cũng như ở nước ngoài. Nhưng chưa từng nghe tiếng ông Hồ Chí Minh. Vậy Hồ Chí Minh là ai?”.

Cụ Huỳnh trả lời:

“Ông Hồ Chí Minh là con cụ Phó bảng Sắc ở làng Nghệ An, suýt soát lớp ông và tôi. Ông Hồ hoạt động chính trị ở nhiều nước Âu, Á, Phi và hoạt động bí mật, tất nhiên là thay đổi tên họ luôn luôn để tránh mạng lưới mật thám quốc tế. Nhưng cái tên làm chấn động thế giới là Nguyễn Ái Quốc. Chắc ông biết, nhiều người biết”.

Cụ Huỳnh nhận xét: “Ông Hồ không phải như nhiều người khác mượn hai tiếng cách mạng để rồi làm giàu hoặc làm quan to như các ông tưởng đâu. Ông Hồ không đồng xu dính túi. Nói về bằng cấp thì ông Hồ không là tiến sĩ, phó bảng gì cả. Nhưng nói về tri thức và sự nghiệp cách mạng thì chắc chắn lớp chúng ta cũng như lớp trước chúng ta không ai bì kịp.

Sự hiểu biết của ông Hồ rất xa, rất rộng, chẳng những việc trong nước mà cả việc thế giới nữa. Nước này tương lai sẽ đi về đâu? Nước kia rồi đây sẽ như thế nào? Ông nói rất rành rọt, mạch lạc, nghe không chán”.

Bác Hồ đối với cụ Huỳnh như đối với người thân. Nhiều chi tiết nhỏ trong mối quan hệ giữa Bác và Cụ đã nói lên điều này. Có một chai tương Nam Đàn do bà Nguyễn Thị Thanh (chị gái của Bác) đem ra làm quà, Bác cũng mời cụ Huỳnh đến dùng cơm để cùng thưởng thức hương vị quê hương xứ Nghệ. Lại có lần nhân dân Thái Bình gửi biếu hai chai mắm tôm đặc sản, Bác cũng viết thư gửi biếu Cụ một chai. Cả trong chuyện thường ngày giữa hai người cũng hóm hỉnh thân tình. Có một lần vào năm 1946, gặp Bác, cụ Huỳnh ứng tác hai câu thơ “nhắc nhở”:

Năm mươi sáu tuổi vẫn chưa già

Cụ ông thấy, Cụ bà không?

Lúc ấy Bác chỉ cười, nhưng rồi trong thời gian sang Pháp, bên cạnh những bức điện văn gởi về hỏi tình hình và thăm cụ Huỳnh, Bác còn có riêng một bài thơ gửi Cụ:

Nghĩ rằng ra thơ để trả lời

Nhớ ơn Cụ lắm cụ Huỳnh ơi

Non sông một mối chung nhau gánh

Độc lập xong rồi cưới vợ thôi.

Tháng 4/1947, cụ Huỳnh bị ốm nặng. Từ Quảng Ngãi, trên giường bệnh, ngày 14/4/1947, Cụ Huỳnh đọc cho người thư ký riêng của mình ghi bức thư gửi Hồ Chủ tịch:

“Kính gởi Hồ Chủ tịch

Tôi bệnh nặng chắc không qua khỏi. Bốn mươi năm ôm ấp độc lập và dân chủ, nay nước đã độc lập, chế độ dân chủ đã thực hiện, thế là tôi chết hả.

Chỉ tiếc không được gặp Cụ lần cuối cùng. Chúc Cụ sống lâu để dìu dắt quốc dân trên đường vinh quang hạnh phúc.

Chào vĩnh quyết”.

Rất thương tiếc và đau buồn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư cho đồng bào cả nước:

“Gửi toàn thể đồng bào sau ngày cụ Bộ trưởng Huỳnh Thúc Kháng tạ thế

Hỡi đồng bào yêu quý,

Vị chiến sĩ lão tiền bối Huỳnh Thúc Kháng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Hội trưởng Hội Liên hiệp quốc dân vừa tạ thế.

Trước sự đau xót đó, Chính phủ ta đã ra lệnh làm Quốc tang.

Nhân dịp này, tôi có vài lời báo cáo cùng đồng bào.

Cụ Huỳnh là một người học hành rất rộng, chí khí rất bền, đạo đức rất cao. Vì lòng yêu nước, mà trước đây Cụ bị bọn thực dân làm tội, đầy ra Côn Đảo. Mười mấy năm trường, gian nan cực khổ. Nhưng lòng son dạ sắt, yêu nước thương nòi của cụ Huỳnh, chẳng những không sờn lại thêm kiên quyết.

Cụ Huỳnh là người mà giàu sang không làm xiêu lòng, nghèo khổ không làm nản chí, oai vũ không làm sờn gan.

Cả đời cụ Huỳnh không cầu danh vị, không cầu lợi lộc, không thèm làm giàu, không thèm làm quan. Cả đời cụ Huỳnh chỉ phấn đấu cho dân được tự do, nước được độc lập.

Đến nay nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành lập, Chính phủ ta mời Cụ ra. Tuy đã hơn 71 tuổi, nhưng Cụ vẫn hăng hái nhận lời. Cụ nói: “Trong lúc phục hưng dân tộc, xây dựng nước nhà thì bất kỳ già, trẻ, trai, gái, ai cũng phải ra sức phụng sự Tổ quốc”.

Nay chẳng may Cụ Huỳnh sớm tạ thế, trước khi được thấy kháng chiến thành công.

Cụ Huỳnh tuy tạ thế nhưng cái chí vì nước, vì nòi của cụ vẫn luôn sống mạnh mẽ trong lòng 20 triệu đồng bào chúng ta.

Hỡi đồng bào yêu quý,

Chúng ta thương tiếc cụ Huỳnh vô cùng. Nhưng chúng ta không nên thương tiếc bằng cách than khóc rầu rĩ. Chúng ta thương tiếc Cụ bằng cách: càng đoàn kết chặt chẽ, càng hăng hái kháng chiến; bằng cách: theo gương dũng cảm, noi chí quật cường của Cụ; bằng cách: hoàn thành sự nghiệp cứu nước, cứu dân mà Cụ đã ra sức đeo đuổi suốt đời. Chúng ta phải đồng thanh thề trước tiên linh của cụ Huỳnh rằng:

Đồng bào Việt Nam quyết theo gương kiên quyết của Cụ.

Con Rồng cháu Tiên quyết không làm nô lệ.

Tinh thần kháng chiến của cụ Huỳnh sống mãi.

Việt Nam thống nhất và độc lập muôn năm!

Ngày 29 tháng 4 năm 1947
Hồ Chí Minh”


Ngày 3/5/1947, phóng viên các báo Việt Nam đi thăm mặt trận X, may mắn lại được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng đến thăm mặt trận đó. Nhắc đến Huỳnh Bộ trưởng, Chủ tịch Hồ Chí Minh rơi nước mắt mà nói rằng:

“Cụ Huỳnh là một nhà cách mạng rất kiên quyết, trung thành. Cụ mất là một điều thiệt thòi lớn cho dân tộc, cho Tổ quốc ta. Nhưng tôi tin chắc rằng sẽ có hàng vạn hàng ức đồng bào theo gương dũng cảm vì nước vì dân của cụ Huỳnh”.

Nhân ngày giỗ đầu của cụ Huỳnh, Người có điện thăm hỏi đến gia đình.

“Điện gửi gia đình cố Bộ trưởng Huỳnh Thúc Kháng

Gửi gia đình Huỳnh Bộ trưởng,

Nhân ngày giỗ đầu cố Bộ trưởng, thay mặt Chính phủ, tôi kính cẩn nghiêng mình trước linh hồn Cụ và xin gửi gia đình Cụ lời chào thân ái và quyết thắng.

Ngày 21 tháng 4 năm 1948
Hồ Chí Minh”
 

Nghé Ọ

Thượng Tá
Ba lần được gặp Bác Hồ


Hồ Thị Thu kể: Khi cháu ở trong miền Nam, cháu được nghe các chú đọc lời dạy của Bác Hồ, cháu càng thương nhớ Bác nhiều. Cháu và các bạn cháu mong sao nước nhà thống nhất, cùng đồng bào miền Nam đón Bác vào thăm.



Bác Hồ gặp gỡ các thiếu niên dũng sĩ miền Nam.

Qua thời gian chiến đấu, cháu được Đảng, Mặt trận cho ra miền Bắc để học tập, cháu vinh dự được gặp Bác.

Lần đầu cháu được gặp Bác, Bác hỏi cháu đã biết chữ chưa. Cháu vòng tay trả lời Bác mà cháu nói không nên lời, vì cháu cảm động quá. Sau, cháu cố gắng trả lời để Bác nghe:

- Dạ thưa Bác, cháu chưa biết chữ nào ạ. Vì gia đình cháu nghèo, ba má cháu mất sớm, cháu đông em nên không được đi học.

Vừa nói xong, cháu ngước lên nhìn Bác. Hai hàng nước mắt Bác rưng rưng làm cho cháu càng thêm cảm động hơn.

Lần thứ hai cháu được gặp Bác. Bác hỏi cháu:

- Đồng bào miền Nam đấu tranh và chiến đấu như thế nào?

Cháu liền đứng lên vòng tay lại:

- Dạ, thưa Bác, đồng bào miền Nam đấu tranh không sợ gian khổ, chiến đấu không sợ bị thương, không sợ hi sinh, mà chỉ sợ mù hai mắt, sau này nước nhà thống nhất, Bác vào thăm không nhìn thấy Bác.

Cháu ngước nhìn lên lại thấy Bác rưng rưng nước mắt. Bữa ấy Bác cho cháu ăn cơm. Cháu ngồi bên Bác, Bác gắp thức ăn cho cháu…

Lần thứ ba, cháu được gặp Bác ở hội trường Ba Đình. Cháu mừng rỡ chạy lại ôm và hôn Bác. Bác hỏi cháu:

- Kỳ này cháu có ăn được cơm không, ăn được mấy bát?

Cháu đáp:

- Dạ, thưa Bác, cháu ăn được hai bát ạ!

- Ăn thế là ít đấy! Cố ăn nhiều cho khỏe vào.

Bác dặn thêm cháu phải giữ gìn sức khỏe cho thật tốt, học tập văn hóa, chính trị, lao động cho thật tốt, đoàn kết tốt, thương yêu đồng đội tốt, phải nghe lời các cô, các chú dạy bảo.

Sau những giờ phút quý báu ấy cháu ra về, không muốn rời Bác, chỉ mong sao gần Bác luôn luôn.

Ngày tháng qua đi, bệnh của cháu lại phát triển, nên các chú đưa cháu vào viện. Được tin ấy, Bác điện vào thăm cháu. Lúc ấy bệnh cháu quá nặng, đến khi cháu tỉnh dậy, các chú nói lại, cháu vô cùng xúc động, vì Bác bao nhiêu là công việc mà Bác còn quan tâm đến sức khỏe của cháu. Thời gian sau cháu xa Hà Nội về trường học, hàng ngày cháu luôn thực hiện lời Bác dạy.
 

Nghé Ọ

Thượng Tá
Bữa cơm gia đình



Khoảng cuối năm 1951, trong một lần đến thăm và nói chuyện với học viên lớp chính trị của quân đội ở Việt Bắc. Bác bảo anh Phương – chồng tôi là cán bộ phụ trách lớp.




Bác Hồ tại Việt Bắc.

- Chiều nay, chú cho Bác ăn bữa cơm, vì nói chuyện xong, tối, Bác còn phải đi họp với một chi bộ ở Định Hóa.

- Bấy giờ tôi cũng làm văn thư ở Hiệu bộ, nên anh Phương cử người nhắn tôi chuẩn bị.

Công việc của Bác xong xuôi, Bác về đến cơ quan thì cơm nước cũng đã sẵn sàng. Sinh hoạt ở rừng còn thiếu thốn, kham khổ. Anh em muốn “bồi dưỡng” cho Bác, để Bác khỏe, nhưng lại sợ. Nhưng rồi cũng quyết định thịt một con gà “tăng gia” kiếm ít măng rừng làm cơm mời Bác.

Bác ngồi vào bàn ăn, bảo anh Văn (Đại tướng Võ Nguyên Giáp), hai vợ chồng tôi và đồng chí cảnh vệ cùng ăn. Tôi cứ một mực từ chối:

- Thưa Bác cháu ăn rồi. Mời Bác và các anh, các chú xơi cơm đi…

Mãi sau, Bác mới đồng ý và bắt đầu dùng cơm. Vào bữa cơm Bác nói:

- Cô cho Bác xin quả ớt.

Tôi ngại quá, bèn nói thật:

- Thưa Bác, chúng cháu sợ Bác ăn ớt có hại sức khỏe nên không dám cho vào măng nấu ạ.

Bác quay sang anh Phương:

- Chắc chú lệnh cho cô văn thư chứ gì. Thế là chú quan liêu rồi…

Anh Văn chỉ tủm tỉm cười nói thêm:

- Ớt là “vi-ta-min-ơ” của Bác đấy.

Bữa cơm của Chủ tịch nước giản dị, vui vẻ, thân mật như bữa cơm trong một gia đình ấm cúng.



Bữa cơm hàng ngày của Bác Hồ và các chiến sỹ cảnh vệ tại hang Bòng, xã Tân Trào, Sơn Dương (năm 1950).

Cơm nước xong Bác hỏi tôi:

- Cô thư ký được mấy cháu, tên là gì?

Anh Phương đỡ lời tôi:

- Thưa Bác, được ba cháu gái đặt tên là Thu Thủy, Thu Thảo, Thu Vân.

Bác cười hiền từ, nói:

- Tôi có hỏi chú đâu! Sao đặt tên “văn chương” thế!

Gọi là “Thu Ngô, Thu Khoai, Thu Sắn” có hay không?

Mọi người cùng cười vui vì biết Bác liên hệ với phong trào tăng gia sản xuất, trồng thêm màu ngô, khoai, sắn… sản xuất nhiều lương thực đóng thuế nông nghiệp, nuôi bộ đội đánh giặc, mà Chính phủ mới phát động.

Lát sau, Bác lại bảo:

- Bác nói vui thế thôi. Những cái tên Việt Nam ấy rất đẹp.



Bác Hồ đi công tác ở chiến khu Việt Bắc

Chưa kịp nghỉ ngơi, Bác đã chuẩn bị lên đường, Bác đeo balô đi trước, hai đồng chí cảnh vệ, anh Văn tiếp bước sau Bác. Mới đông mà sương chiều Việt Bắc đã xuống rất nhanh tụ thành những đám mây lụa mỏng trắng bìa rừng.

Chúng tôi nhìn theo Bác, ung dung, khoan thai như đi dạo cảnh thiên nhiên hùng vĩ, ngỡ ngàng như vừa được qua một giấc mơ đẹp trong một bữa cơm gia đình.
 

Nghé Ọ

Thượng Tá
Bác Hồ với người làm báo

Sông “Bác Hồ”
Vụ lúa chiêm 1958, miền Bắc hạn to, ruộng đồng khô nẻ. Nhân dân nô nức làm thủy lợi, đào mương dẫn nước vào đồng. Bác Hồ về thăm tỉnh Hưng Yên. Hôm ấy, một ngày tháng giêng, trời rét đậm. Bác Hồ rời Hà Nội thật sớm. Đến huyện Tiên Lữ, có mấy vị lãnh đạo tỉnh chờ sẵn ven đường. Bác xuống xe bắt tay, hỏi han mọi người, rồi băng băng đi bộ vào cánh đồng.
Nông dân năm xã đang đào một con sông. Bác Hồ bước rất nhanh giữa cánh đồng khô, đến mỗi nơi có đồng bào làm, Bác dừng lại, thăm hỏi động viên. Bà con hoan hô Bác. Bác xua tay: “Đừng hoan hô Hồ Chủ tịch, hãy hoan hô nước khi nào nước về”. Hễ gặp các vị cao niên là Bác tiến đến thăm hỏi. Có một cụ tên là Đoàn Đình Kiêu, năm ấy 82 tuổi, người thôn Hoàng Xá, xã Trung Dũng cũng tham gia làm thủy lợi. Bác nắm chặt tay cụ, nói: “Tôi cảm ơn cụ đã làm gương cho con cháu”. Rồi Bác quay lại bảo cán bộ địa phương đi theo: “Các cụ cùng chống hạn để làm gương cho con cháu như thế là rất tốt, nhưng phải chú ý sức khỏe các cụ, chớ để các cụ làm quá sức”.
Gặp ông Chủ tịch huyện quần áo tinh tươm đang đứng chờ để chào Bác. Bác bảo Chủ tịch đưa tay xem. Rồi Bác nói nhỏ: “Tay chú sạch quá. Cán bộ cũng phải cùng lao động với bà con, để cho bà con thấy mình là người của nhân dân”.
Đến xã cuối cùng, Bác Hồ dừng lại, rút trong túi ra một phong bì nhỏ. “Đây là phần thưởng của Bác Hồ. Có bảy chiếc huy hiệu tất cả. Năm chiếc tặng bà con năm xã, một chiếc thưởng xã nào thi đua giỏi nhất, còn một chiếc Bác tặng riêng cụ Kiêu”.
Do mỗi xã phụ trách một khúc sông, cho nên bà con tản mát. Bác Hồ đi bộ đến mấy cây số liền. Tôi tất tưởi theo, lắng nghe Bác nói chuyện với ai xong, lại tới hỏi rõ họ tên, người thôn nào xã nào..., để khi viết bài khỏi lẫn lộn, rồi vội vã chạy cho kịp đoàn. Hồi ấy tôi đang sức trai mà mệt phờ, nhưng vui vì nghe và ghi được nhiều điều, thú vị nhất là chuyện Chủ tịch Nước đi bộ qua cánh đồng gồ ghề nứt nẻ. Con sông đang đào nơi Bác về thăm năm ấy sau khi hoàn thành được đồng bào gọi là “Sông Bác Hồ”, nay vẫn giữ nguyên tên.
Tối hôm ấy về Hà Nội, tôi viết bài tường thuật dài đăng báo Nhân dân. Hôm sau, khoảng chín giờ, có điện thoại từ Văn phòng Chủ tịch nước, mời tôi lên ngay. Bác đang làm việc, ngước mắt hỏi: “Chú Quang à? Bác đã đọc bài của chú trên báo. Viết thế là được. Nhưng Bác hỏi chú, trong bài mấy lần chú nhắc đi nhắc lại chuyện Hồ Chủ tịch đi bộ giữa cánh đồng. Vậy ra từ trước tới nay, Bác Hồ toàn đi xe, chưa từng lội bộ bao giờ à? Bác Hồ đi bộ, thì có cái gì mà viết lắm thế?”. Tôi bối rối, chỉ còn biết lúng búng: “Cháu xin cảm ơn Bác. Cháu đã thấy khuyết điểm. Lần sau cháu xin cố gắng.”

Chúc chú viết báo cho đúng
Như một sự tình cờ, Tết Bính Thân tôi có vinh dự một mình đón Bác đến báo Nhân Dân. Sáng đầu năm, đúng như dự kiến, có mấy cụ già phố Hàng Trống thay mặt tổ dân phố đến chúc Tết Tòa soạn. Tôi được phân công trực Tòa soạn và tiếp các cụ ở phòng khách thì người bảo vệ chạy vào, nói to : “Bác Hồ! Bác Hồ đến!”
Tôi vội chạy ra sân, nhìn về cổng chính không thấy ai. Thì ra, Bác Hồ đi từ Câu lạc bộ Thống Nhất sang, qua một cổng nhỏ vốn thông từ cơ quan báo sang sân chiếu phim của câu lạc bộ. Bác thoăn thoắt bước vào nhà. Theo sau có bác sĩ Trần Duy Hưng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội, cùng mấy đồng chí nữa.
Mấy cụ già lối phố sửng sốt trước vinh dự được gặp Bác Hồ đúng vào sáng tân niên, đứng dậy kính cẩn chắp tay, lúng túng không biết nên làm gì. Tôi giới thiệu với Bác, đây là mấy cụ ở cùng phố sang thăm cơ quan. Bác Hồ vui vẻ nói: “Năm mới, nhân được gặp các cụ, tôi chúc các cụ vạn sự như ý. Nhờ các cụ chuyển lời Hồ Chủ tịch chúc Tết gia đình và đồng bào khu phố”. Mấy ông già vẫn chưa hết ngỡ ngàng, bác sĩ Trần Duy Hưng rỉ tai: “Kìa, các cụ chúc Tết Bác đi”.
Trong phòng khách, Bác Hồ vẫn đứng mà nói chuyện. Tôi mời Bác ngồi. Bác xua tay: “Chú để mặc Bác. Chú làm gì ở tòa báo?” - “Thưa Bác, cháu làm phóng viên.” Bác nói: “Chú là nhà báo. Vậy năm mới, Bác chúc chú viết báo cho đúng, cho hay, có nhiều người đọc. Chú nói lại với chú Hoàng Tùng và toàn thể các cô, các chú trong cơ quan là Bác Hồ có lời chúc Tết anh chị em”.
Bác bắt tay mọi người, không quên mấy anh bảo vệ cơ quan vừa bỏ luôn nhiệm sở, chạy đến đứng thập thò ngoài cửa. Xong, Bác thoăn thoắt ra sân. Hai chiếc xe hơi vừa đến. Bác Hồ quay lại tươi cười đưa tay vẫy chào mọi người.
 

Nghé Ọ

Thượng Tá
Bức tranh thêu Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng đại tá Stephen L. Nordlinger tháng 10-1945


Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 116 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 13/5/2006, bà Jane Coyle, cháu dâu của Đại tá Stephen L.Nordlinger, người cách đây 62 năm đã được tiếp xúc và làm việc với Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã trao tặng Bảo tàng Hồ Chí Minh Bức tranh thêu tùng hạc, một kỷ vật quý của Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Đại tá L. Nordlinger, tháng 10-1945.

62 năm trước, Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, cũng là lúc nước ta chớp thời cơ, giành được độc lập, vào cuối tháng 8 năm 1945. Đội quân G5, đơn vị cứu tế xã hội của Hoa Kỳ đối với quân Đồng minh do Đại tá L. Nordlinger đứng đầu đến Hà Nội, với sứ mệnh nhân đạo là giải phóng tù binh đang bị Nhật giam giữ, đồng thời chăm sóc, hỗ trợ thuốc men, lương thực cho những số phận bất hạnh đến từ các nước khác nhau. Đoàn cứu tế xã hội Hoa Kỳ đến Hà Nội đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ Việt Nam quan tâm, giúp đỡ.

Đầu tháng 10 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp Đại tá L. Nordlinger để bàn việc giúp đỡ, vận chuyển lương thực từ Nam ra Bắc. Sự kiện này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh thông báo trong phiên họp Hội đồng Chính phủ, ngày 9-10-1945.

Bức tranh có kích thước không lớn (60 x 215cm), nhưng dưới bàn tay tài hoa của nghệ nhân, trên nền vải thô màu vàng nhạt, những đường thêu đã làm hình ảnh chim hạc đậu trên cây tùng hiện lên sinh động, cùng lời chúc tốt đẹp nhất của Hồ Chí Minh: "Best greetings from Hô Chi Minh, oct. 1945" (Những lời chúc tốt đẹp nhất của Hồ Chí Minh, tháng 10 năm 1945). Đường bo bằng vải xatanh màu đỏ nâu càng tôn them vẻ đẹp tinh tế của tặng vật.

Sinh thời Đại tá L. Nordlinger đã treo bức tranh này ở nơi trang trọng nhất trong nhà riêng của ông, tại New York.

Trải qua hơn 60 năm, bức tranh được gia đình Đại tá L. Nordlinger gìn giữ, để ngày nay vượt hàng nghìn cây số, từ nước Mỹ bên kia bán cầu, trở về Việt Nam, với một thông điệp hoà bình hữu nghị giữa các dân tộc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xây dựng.

Phát biểu tại buổi lễ trao tặng bức tranh, bà Jane Coyle nói: "Cá nhân tôi rất xúc động vì được tham gia một phần nhỏ bé của mình vào số mệnh đã đưa Đại tá L. Nordlinger và Chủ tịch Hồ Chí Minh đến với nhau như những người bạn. Sau thời gian chiến tranh chia cắt và khổ đau, giờ đây điều thật hợp lý và vì lợi ích của hoà bình và tình hữu nghị mà bức tranh thêu lại trở về nhà.
 

Nghé Ọ

Thượng Tá
Bài học của thầy mo
Bà Viễn, con gái cụ Pù Sấn, người Nùng ở Cao Bằng kể chuyện:
Hồi đầu năm 1942, do yêu cầu công tác gấp, Bác Hồ đã phải quyết định mạo hiểm đi ban ngày trên con đường từ Nước Hai về Pác Bó dù phải qua đồn dõng Đôn Chương, mà người dẫn đường, bảo vệ chính là anh Pù Sấn, ngày ấy Pù Sấn là một chiến sĩ cách mạng cốt cán tại địa phương.

Sau khi đã tính toán và quyết định, Bác lập “kịch bản” rồi đích thân “đạo diễn” cuộc hành trình. Pù Sấn đóng vai người con đi mời dẫn ông thầy mo về cúng cho mẹ vợ bị con ma nó hành đang ốm nặng. Pù Sấn phải nhờ bố đi mượn trang phục và đồ cúng lễ của thầy mo cho Bác sắm vai. Trước khi đi Bác bảo Pù Sấn cùng Bác hóa trang tập thử vài lần cho quen. Bác còn đặt ra giả thiết những tình huống bất trắc trên đường đi để xử lý ra sao hòng che mắt địch. Bác gợi ra rất tỉ mỉ, chu đáo và nhắc nhở Pù Sấn phải thật bình tĩnh không để lộ trên nét mặt sự lo lắng hoang mang, cử chỉ luống cuống dễ bị địch nghi ngờ phát hiện.
Hai bác cháu lên đường. Khi chỉ còn cách đồn Đôn Chương chừng vài trăm mét, Bác bỗng dấn bước đi lên ngang sát Pù Sấn hỏi một số việc có ý kiểm tra tâm trạng tinh thần, và nhắc nhở cách ứng xử với bọn lính gác. Bác hỏi Pù Sấn :
- Chú nhớ vai kịch không ?
- Thưa Bác, cháu nhớ mà!
- Nhớ là người làm gì ?
- Đi đón thầy Mo về cúng cho mẹ vợ ốm nặng.
Diễn biến trên đường đúng như “kịch bản”. Hai bác cháu vừa bước tới trạm gác thì một tên lính dõng mặt mày bặm trợn quát :
- Hai người này đi đâu ?
Pù Sấn nhanh nhảu trả lời :
- Mình đi mời thầy mo về nhà cúng cho mẹ vợ mình ốm đấy!
- Có thật không ?
- Thật lắm mà!
Một thằng chạy ra bới tung gánh đồ của Pù Sấn thấy có đủ đồ nghề quần áo, sách kinh, giấy sớ, bùa, dấu ấn gỗ … nên chúng cho đi. Nhưng Pù Sấn vừa cất gánh lên vai thì thằng Tòng, xã đoàn trưởng cũng vừa đi tới, nắm vai đòn của Pù Sấn hí hửng nói :
- May mắn quá mà! Vợ tao cũng đang ốm, phải nhờ ông thầy Mo này vào nhà cúng ngay cho vợ tao khỏi bệnh thôi!
Tình huống thật khó xử. Nếu nhận lời thì sẽ kéo dài thời gian làm lỡ việc của Bác, nguy hiểm hơn là nhỡ vô tình để lộ ra thì khác nào cá đã vào trong lưới. Nhớ lời Bác dặn trước khi đi là phải thật bình tĩnh, sáng suốt ứng phó, Pù Sấn nghĩ ngay ra cách từ chối khéo :
- Không được đâu mà! Mẹ vợ mình ốm nặng lâu lắm rồi, phải đưa thầy mo về cúng ngay thôi! Sau đó mình sẽ dẫn đến cúng cho vợ xã đoàn trưởng.
Anh Pù Sấn còn nghĩ ra màn kịch ghé sát tai lão Tòng :
- Mình nói theo cái bụng nghĩ nhé : ông thầy mo này không giỏi lắm đâu, chiều ý mẹ vợ mà phải đi mời thôi!
Tên Tòng chưa tin lời Pù Sấn nói nên vỗ vai Bác hỏi chuyện thăm dò. Không hẹn mà hợp ý nhau, Bác Hồ cũng diễn xuất rất khéo làm ra vẻ bị vỗ vai bất ngờ giật mình, với điệu bộ ông thầy mo có đôi tai nghễnh ngãng, giọng ề à, khi nói Bác cố ý để lộ bộ răng nhe xỉn ám khói thuốc y chang một ông già người địa phương mặc bộ quần áo chàm xộc xệch, đầu quấn cái khăn cũ lôi thôi, dáng vẻ ngờ nghệch nên nó cũng không thèm mời nữa. Sau này anh Pù Sấn mới biết Bác đã dùng cơm nếp, nhựa sung hóa trang bộ răng bẩn đó để che mắt địch.
Bác và anh Pù Sấn về tới bản Nà Mạ ở lại tránh địch đang quây càn rồi đi tiếp về hang Pác Bó. Dù được anh Đức Thanh báo cáo có anh Kim Đồng đi trước thăm dò địch tình rồi, Bác vẫn chưa an tâm lắm. Bác cho gọi anh Kim Đồng tới vừa là để lần đầu biết mặt làm quen, vừa là để Bác trực tiếp hỏi về tình hình địch có thực đã rút hết vùng quanh Pác Bó chưa.
Sau khi trực tiếp hỏi chuyện anh Kim Đồng, Bác đã nói với anh Đức Thanh:
- Chú bé này có nét linh lợi, gan dạ, hay lắm!
Qua câu chuyện này, chúng ta càng thấy rõ tác phong làm việc của Bác Hồ ngay từ ngày đầu cách mạng. Bác đã rất cẩn thận chu đáo trong khi sử dụng cán bộ, không những chỉ giáo dục, bảo ban, bày vẽ kỹ càng, mà còn luôn theo dõi, kiểm tra, nhắc nhở khi thi hành công vụ.
 

Nghé Ọ

Thượng Tá
Các em sạch và ngoan thật!



Đầu năm 1967, Bác Hồ về thăm tỉnh Thái Bình. Các em thiếu nhi xóm Dân Chủ hát vang bài “Giải phóng miền Nam” đón Bác. Bác hỏi:



Hồ Chủ tịch, đồng chí Lê Duẩn, đồng chí Trường Chinh
vui cùng các cháu thiếu nhi.



- Các cháu có ngoan không?

- Thưa Bác có ạ! Các cháu cùng trả lời.

- Các cháu có vâng lời cha mẹ không?

- Thưa Bác có ạ!

- Các cháu ăn ở có sạch sẽ không?

- Thưa Bác có ạ!

- Chìa tay cho Bác xem nào?

Những bàn tay xinh xắn, chìa ra trước mặt cho Bác xem. Bác gật đầu hài lòng lắm vì thấy cuộc sống của các cháu nhỏ ở nông thôn đã thay đổi dần với cuộc sống của dân làng.

Các em sạch và ngoan thật. Bác Hồ lấy kẹo chia cho các cháu rồi lại tiếp tục đi.
 

Nghé Ọ

Thượng Tá
Cách ứng đáp mẫn tiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh



Năm 1946, một nhà văn là ủy viên thường trực Ban vận động Đời sống mới đến gặp Hồ Chủ tịch để xin ý kiến Người về nội dung cuộc vận động. Bác Hồ nói nên vận động nhân dân thực hiện mấy chữ: Cần, Kiệm, Liêm, Chính.




- Thưa cụ, mấy chữ ấy rất hay nhưng nghe có vẻ cổ. Cụ có thể thay thế bằng mấy chữ khác được không ạ?

- Thế cơm ông cha ta đã từng ăn hàng ngàn năm trước, hiện nay chú và tôi hằng ngày vẫn ăn, chú thấy có cổ không? Không khí ông cha ta đã từng hít thở, chú thấy có cổ không?

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, mấy chục vạn quân Tưởng kéo vào tìm cách khiêu khích để lấy cớ tiêu diệt cách mạng Việt Nam. Bác Hồ triệu tập các vị lãnh đạo cao cấp để xử lý một vấn đề “hệ trọng”, Bác nói:

- Tướng T.V. của quân đội Trung Hoa dân quốc có gửi cho tôi một bức công văn, nội dung như sau:

“Kính thưa Cụ Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa,

Yêu cầu Cụ cho mượn một cái nồi nấu cơm”.

Không cần phải nói, ai nấy đều có thể hình dung không khí tức giận bao trùm lên cuộc họp. Có những ý kiến đòi đánh.

Với phong thái bình tĩnh, ung dung, Bác Hồ nói: “Nền độc lập ta vừa giành được giống như một chiếc bình ngọc. Nay có những con kiến bò trên miệng bình, nếu ta dùng gậy đập kiến, chưa chắc kiến đã chết mà bình ngọc vỡ. Nếu ta lấy một cái que bắc cầu cho chúng xuống thì kiến sẽ đi hết, như vậy có hơn không? Còn trong sự việc vừa đem ra bàn, họ mượn cái nồi nấu cơm thì ta cho họ mượn, việc gì các chú phải nổi nóng như vậy?!



Bác Hồ và đồng bào Thái Lan

Khoảng giữa năm 1949, một nhà báo Thái Lan trực tiếp phỏng vấn Hồ Chủ tịch để thăm dò xem Việt Nam đứng về phía nào trong cuộc chiến Quốc – Cộng ở Trung Quốc.

- Thưa Cụ Chủ tịch, nước Việt Nam của Cụ đứng về phía ông Tưởng hay ông Mao? Xin Cụ miễn cho câu trả lời “đứng trung lập”.

- Chúng tôi đứng trung lập. Cũng như Thái Lan của ông đang đứng trung lập giữa Anh và Mỹ!

- Nghe nói quân giải phóng nhân dân Trung Hoa đã gửi cho Cụ súng cối và súng liên thanh. Cụ đã nhận được chưa, nếu chưa thì Cụ có định nhận không?

- Chúng tôi chưa nhận được gì hết. Còn đúng như ông nói là họ có ý định gửi cho chúng tôi thì trong trường hợp này, ông khuyên chúng tôi nên làm như thế nào?

Ngày 5/10/1959, ông Si-ra I-si Bôn, cố vấn biên tập báo A-xa-hi-sin-bun Nhật Bản phỏng vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều vấn đề, trong đó có việc Chính phủ Nhật Bản dự định bồi thường chiến tranh, mà phía Nhật lại chọn Việt Nam lúc đó do Ngụy quyền Sài Gòn kiểm soát làm đối tác. Câu hỏi và trả lời như sau:

Hỏi: Việc đàm phán về vấn đề bồi thường chiến tranh đã được tiến hành giữa Chính phủ Nhật Bản và Việt Nam. Ngay ở Nhật Bản cũng có người chỉ trích việc đàm phán này và tin tức cho biết Ngài không hài lòng.

Theo ý Ngài, nhân dân Nhật Bản cần được hiểu vấn đề này như thế nào? Theo ý Ngài, vấn đề này cần được giải quyết như thế nào mới đúng?

Trả lời: Trong cuộc Đại chiến lần thứ hai, quân phiệt Nhật Bản đã xâm chiếm nước Việt Nam và đã gây ra nhiều tổn thất cho nhân dân Việt Nam từ Bắc chí Nam. Toàn thể nhân dân Việt Nam có quyền đòi hỏi Chính phủ Nhật Bản tiến hành đàm phán và kí kết bồi thường chiến tranh với chính quyền miền Nam Việt Nam là không hợp pháp.

Nhân dân Việt Nam và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa thấy rằng, việc đòi hỏi Nhật Bản bồi thường sẽ là một gánh nặng cho nhân dân Nhật Bản. Vấn đề cốt yếu trong quan hệ giữa hai nước không phải là việc đòi bồi thường, mà tình đoàn kết hợp tác giữa hai dân tộc Việt – Nhật đấu tranh chống chiến tranh, bảo vệ hòa bình là quý hơn hết.
 

Nghé Ọ

Thượng Tá
Cách đọc độc đáo của Bác

Những ai từng làm việc, từng phục vụ và giúp việc cho Bác Hồ đều thán phục trước sự ham đọc sách báo của Người. Việc đó đã trở thành nhu cầu, nếp quen trong sinh hoạt hàng ngày không thể thiếu được của Bác.
Thời gian Bác còn khỏe, Người đọc báo, bản tin vào ban ngày, các buổi tối sau 9 giờ Người đọc sách. Bác có thói quen khi đọc, ngón tay đưa theo dòng, mắt dõi theo, chỗ nào có vấn đề chú ý thì dừng tay ghi chép hoặc đánh dấu để dễ nhận biết những chỗ cần chú ý, những số liệu và thông tin cần xử lý. Đọc báo, thấy gương người tốt muốn thưởng Huy hiệu, Bác dùng bút bi hoặc bút chì màu đỏ khuyên vào. Chỗ nào cần lưu ý, Bác đánh dấu gạch chéo (/); đánh dấu bằng chữ X và gạch chéo (X/) là chú ý dòng; (!) là lạ; có vấn đề chưa rõ ràng, còn nghi ngờ, Người đánh dấu chấm hỏi (?) và yêu cầu văn phòng xác minh lại. Đoạn nào cần xem kỹ, Bác đánh dấu gạch chéo và chấm phẩy (/;). Đã xem xong, Bác viết chữ V... Các đồng chí phục vụ cứ nhìn vào các ký hiệu đó là hiểu và thực hiện theo ý của Người. Bác cũng hay dùng chữ Hán để đánh dấu. Chữ Hán viết dọc, những chỗ lề nhỏ, viết chữ Hán không đè lên chữ của sách báo, quan trọng hơn là chữ Hán giữ được nội dung mà Bác lưu ý. Có những lúc Bác trích tư liệu vào cuốn sổ nhỏ cũng bằng chữ Hán, những tư liệu này Bác sử dụng để viết báo.



Tuổi Bác ngày một cao, để bảo vệ giữ gìn đôi mắt của Người, Văn phòng Phủ Chủ tịch cử các chú Vũ Kỳ, Cù Văn Chước, Lê Hữu Lập... đọc sách báo cho Bác nghe. Người sau này gắn bó nhiều nhất với Bác là chú Cù Văn Chước (từ 1962 cho đến khi Bác ốm nặng). Chú Chước thường đọc sách, báo và các bản tin của Thông tấn xã và Bộ Ngoại giao, được Bác tín nhiệm cao. Để cho Bác đỡ phải nghe nhiều, chú Chước thường đọc tóm tắt nêu những ý chính những vấn đề quan trọng nhất. Chú đọc rõ ràng, truyền cảm nhất là khi tuổi Bác đã cao, thính giác suy giảm thì ngữ điệu phải thật phù hợp, đòi hỏi người đọc phải nhạy cảm và hiểu ý của Bác.
Thường thì mỗi ngày chú đọc phục vụ Bác vào các buổi sáng, trưa, chiều, tối. Ngày chủ nhật đọc vào buổi sáng và tối, và chỉ đọc các báo địa phương gửi biếu Bác. Qua các tin bài báo địa phương phản ánh, Bác phát hiện ra những gương người tốt việc tốt, yêu cầu văn phòng xác minh và tặng Huy hiệu. Khi đọc báo vào buổi tối, chú Chước chọn những vấn đề có nội dung nhẹ nhàng để Bác nghe cho đỡ căng thẳng. Những vấn đề dễ gây xúc động thì đọc vào ban ngày. Bác chú ý nghe đến mức phát hiện được cả chỗ viết sai, sửa cả cách dùng từ và lỗi chính tả. Có những chỗ Bác yêu cầu đọc lại nhiều lần để hiểu cho kỹ. chú Cù Văn Chước cũng là người được Bác giao cho nhiệm vụ cắt những bài báo phản ánh về gương người tốt việc tốt dán thành từng chuyên đề như: Gương về chiến đấu, sản xuất, thiếu nhi học giỏi dũng cảm... Sau này Bác chỉ đạo ông Hà Huy Giáp, Phan Hiền in thành các tập sách “Người tốt việc tốt”.
Sách Bác đọc có nhiều thể loại. Nguồn sách báo gửi tới để Bác sử dụng có từ nhiều nguồn khác nhau: Sách biếu của các tác giả gửi tặng, sách biếu của những cá nhân và tổ chức nước ngoài tặng Bác qua Bộ Ngoại giao hoặc các đoàn của ta đi công tác, Bác đi thăm các nơi được biếu, các nhà xuất bản gửi biếu... Sách báo đọc xong, Bác thường gửi tới các nơi cần sử dụng. Những sách báo cần làm tư liệu, Bác giữ lại, nhưng sử dụng xong lại gửi đi. Vì vậy, Bác không có thư viện riêng. Những cuốn sách, tờ báo khi Người qua đời còn lưu lại tại nhà sàn là những báu vật vô giá.
 

Nghé Ọ

Thượng Tá
Câu chuyện về cuốn sổ tiết kiệm của Bác Hồ


Là người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang, Bác Hồ luôn luôn dành sự quan tâm chăm sóc và những tình cảm yêu thương của mình cho cán bộ và chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam, những người đang ngày đêm phải chịu nhiều khó khăn, gian khổ để bảo vệ vùng đất vùng trời của Tổ quốc, bảo vệ nền độc lập của dân tộc.

Tinh cảm và sự quan tâm chăm sóc của Bác với bộ đội được thể hiện rất nhiều qua các bức điện, thư, qua những lời dạy bảo ân cần, tỉ mỉ, cụ thể nhưng cũng rất sâu sắc, những lần Bác đến thăm các dơn vị bộ đội, thăm nơi điều dưỡng của các đồng chí thương bệnh binh... Những tình cảm đó còn được thể hiện trong những món quà Người gửi tặng bộ đội.

Quà của Bác là tặng phẩm của đồng bào trong nước và kiều bào ở nước ngoài kính tặng Người: những chiếc áo, tháng lương của Bác tặng thương binh nhân ngày 27/7 hàng năm, số tiền trong sổ tiết kiệm của Người được trao cho Bộ Quốc phòng v.v...

Ông Lê Hữu Lập, nguyên cán bộ Văn phòng Phủ Chủ tịch (từ năm 1858 đến 1969) kể rằng: Bác Hồ có một cuốn sổ tiết kiệm mà ông được vinh dự đứng tên "Lê Hữu Lập", gửi ở quầy tiết kiệm phố Hàng Gai, Hà Nội.

Tiền tiết kiệm của Bác được dành dụm từ tiền lương hàng tháng còn lại sau khi trừ mọi chi tiêu sinh hoạt và tiền nhuận bút mà Bác viết bài cho báo Nhân dân.

Trong dịp Bác đi nước ngoài dự Đại hội Đảng cộng sản Liên Xô, là đại biểu mời, Bác được Đảng bạn tặng một số tiền. Khi đồng chí Vũ Kỳ báo cáo lại, Bác dặn nhập số tiền vào quỹ Đảng, bởi Bác coi số tiền đó là của chung chứ không để vào sổ tiết kiệm làm quà tặng trong những dịp cần thiết.

Có lần trên đường đi công tác về, nhìn thấy các đồng chí bộ đội phòng không trực chiến dưới ánh nắng chói chang, gay gắt của mùa hè, Bác nhắc anh Vũ Kỳ bảo tôi rút số tiền tiết kiệm trong sổ của Người, trao cho Bộ Quốc phòng, làm quà tặng để các đồng chí bộ đội phòng không có thêm nước uống.

Những món quà của Bác tuy nhỏ nhưng đã động viên rất nhiều tinh thần của các cán bộ và chiến sĩ. Đáp lại tình cảm và tấm lòng yêu thương của Bác, cán bộ và chiến sĩ đã đạt nhiều thành tích trong chiến đấu, rèn luyện và học tập. Đó cũng chính là những món quà của họ dâng lên Bác Hồ muôn vàn kính yêu.
 

Nghé Ọ

Thượng Tá
Cây đào mùa xuân

Chuyện được ghi lại rằng: Buổi sáng trời đẹp cuối tháng Chạp năm Bính Thân - 1956, một đoàn đại biểu chính quyền và nhân dân xã Nhật Tân (Hà Nội), trong đó có nhiều cụ phụ lão tuổi 70, 80 dẫn đầu đã đem một cây đào được đánh cả gốc đưa lên ô tô, chở lên Phủ Chủ tịch. Cây đào này đã được một cụ ở xã Nhật Tân chăm sóc trong thời gian hai năm, được các cụ bình chọn là ưng ý nhất. Cây đào có chốt thẳng, tán tròn hình mâm xôi, sai nụ, hoa to rất đẹp mắt, tràn đầy không khí mùa xuân sắp đến.
Đến nơi, đoàn đại biểu nhân dân xã Nhật Tân được mời vào phòng khách Phủ Chủ tịch. Được tin, Bác Hồ đã đến ngay phòng khách, tươi cười nói chuyện với đoàn và các cụ phụ lão. Bác hỏi chuyện ăn Tết của người dân ở địa phương.
Mọi người hồ hởi:
- Dạ, kính thưa Bác, năm ngoái nhân dân trong xã ăn Tết vui lắm vì Thủ đô mới được giải phóng. Trong xã tính ra đã thịt 12 con bò và lợn, gói nhiều bánh chưng để ăn Tết.
Nghe vậy Bác Hồ liền nói:
- Thịt nhiều trâu bò, thế lấy gì mà cày bừa làm ruộng.
Ngừng một lát, Bác Hồ nói tiếp:
- Ăn Tết là rất phấn khởi vui mừng nhưng mọi nhà cần chú ý tiết kiệm, vì đất nước ta còn nghèo vì vừa phải trải qua nhiều năm chiến tranh và từ nay đất nước sẽ còn phải tiết kiệm để làm được nhiều việc lớn. Chính quyền cần thường xuyên vận động nhân dân hăng hái thi đua tăng gia sản xuất để nhân dân ngày càng no ấm hơn.
Đoàn đại biểu xã Nhật Tân ngỏ ý, từ nay mỗi độ xuân về sẽ mang cây đào kính tặng Bác để Bác vui xuân, đón Tết, góp phần to đẹp thêm cảnh sắc Phủ Chủ tịch.
Ngắm nhìn khá lâu cây đào rất đẹp, được chăm sóc 2-3 năm, Bác nói:
- Bác xin cảm ơn các cụ và các đồng chí đã đem tặng Bác cây đào đẹp thế này. Nhưng sang năm, các cụ và các cháu thôi không phải đem cây đào lên tặng Bác nữa. Các đồng chí trong cơ quan và Bác sẽ trồng cây đào này và nhân nó ra để năm nào cũng có hoa đào Nhật Tân đón xuân vui Tết. Cây đào này sẽ làm cho Bác vui hơn và khoẻ hơn năm cũ.
Trên đường trở về nhà, đoàn đại biểu nhân dân xã Nhật Tân rất vui và cũng thấm sâu những lời căn dặn ân tình của Bác Hồ - một vị Chủ tịch nước nhất nhất nói gì, làm gì cũng ân cần nhắc nhở mọi người luôn luôn cần cù, tiết kiệm để xây dựng xóm thôn, xây dựng đất nước.
 

Nghé Ọ

Thượng Tá
Cây xanh bốn mùa


Bác Hồ rất thông cảm với sự vất vả của nhân dân. Tìm hiểu cụ thể đời sống của nhân dân, của những người lao động là một nếp làm việc quen thuộc của Bác. Một hôm, Bác gọi đồng chí phục vụ đến và nói:

- Có những đêm nằm nghỉ nghe thấy tiếng chổi tre quét đường phố rất khuya, Bác nghĩ rằng mùa đông, các cô chú công nhân quét đường vất vả lắm. Chú thử tìm cách điều tra cụ thể rối nói lại cho Bác biết.

Vâng lời Bác, một đêm nọ, đồng chí phục vụ lững thững dạo theo hè phố từ lúc người công nhân bắt đầu làm việc cho đến lúc dừng tay. Một tối làm việc như vậy họ phải đi đoạn đường khá dài, làm việc thầm lặng và rất vất vả.

Câu chuyện công việc của người công nhân quét đường trong đêm đông được báo cáo lại với Bác rất tỉ mỉ.

Nghe đồng chí phục vụ nói, Bác suy nghĩ hồi lâu rồi bảo:

- Chú nhớ nhắc những cơ quan có trách nhiệm phải có chế độ cấp phát quần áo lao động để bảo vệ sức khỏe cho các cô các chú ấy, nhắc nhở cán bộ phụ trách các cấp phải quan tâm đúng mức đến anh chị em làm nghề vất vả này.

Thời gian trôi qua...

Lần ấy, Bác có việc đi sang nước bạn. Nước bạn đang mùa đông lạnh giá, hầu hết cây cối đều trụi lá. Người bỗng phát hiện ra một loài cây vẫn xanh. Bác hỏi cán bộ địa phương, được biết đúng là loài cây có sức sống tốt, bốn mùa đều xanh tươi.

Người quyết định xin giống cây ấy mang về Việt Nam. Về nước, Bác trao giống cây đó cho người làm vườn và nói:

- Đây là loại cây mà mùa đông ít rụng lá. Chú trồng thử xem. Nếu chịu được khí hậu nước ta và xanh tốt thì sau này đem trồng dọc các đường phố, mùa đông vừa có cây xanh, vừa đỡ vất vả, đỡ tốn công cho anh chị em công nhân quét đường.

Trong Phủ Chủ tịch, gần nhà sàn của Bác, hiện vẫn còn loại cây trên, không rõ tên khoa học của loài cây ấy là gì, anh chị em vẫn thường gọi là “Cây xanh bốn mùa”.

Nhìn cây xanh bốn mùa ghi nhớ tấm lòng thương yêu nhân dân của Bác. Là Chủ tịch nước Người bận trăm công, nghìn việc lớn. Thế nhưng những việc thường ngày xảy ra chung quanh Bác cũng không bỏ qua. Người quan tâm một cách cụ thể và thiết thực đến điều kiện làm việc của những người công nhân. Việc làm của Bác luôn nhắc nhở chúng ta hãy biết quan tâm chia sẻ với những khó khăn vất vả của người khác, những người cán bộ lãnh đạo càng phải ghi nhớ điều này.
 

Nghé Ọ

Thượng Tá
Mình tìm suốt cả tuần nay mà không sao tìm nổi một tấm ảnh của Bác Hồ với bóng bàn. Nhưng cũng tự an ủi mình trong hoàn cảnh đất nước khó khăn nên việc chơi bóng bàn chưa thể phổ biến được. Có bác nào giỏi Photoshop thì ghép một bức hình đẹp của Bác Hồ cùng với bóng bàn để Diễn đàn mình vừa yêu bóng bàn và nhớ Bác. Ngu kiến của mình mong mọi người ủng hộ ạ
Để mình ráng kiếm, cảm ơn bạn @Cuongngoquyen nhé
 

Nghé Ọ

Thượng Tá
Bác Hồ hiểu rõ vai trò của việc tập luyện TDTT đối với sức khoẻ con người. Chính vì thế Bác lấy việc tập luyện như một lẽ sống giản dị: “Tập TDTT để giữ gìn tăng cường sức khoẻ, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân được nhiều hơn nữa”, nên trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Bác vẫn duy trì một nếp tập luyện đều đặn thường xuyên.

Hồ Chí Minh: "Tự tôi ngày nào cũng tập"


Trong những năm đầu của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, tình thế cách mạng hiểm nghèo, giặc đói, giặc dốt hoành hành, thù trong giặc ngoài đe doạ, dù bận trăm công nghìn việc, không mấy đêm Bác được ngon giấc ngủ, nhưng sáng sáng Bác vẫn không bỏ việc tập luyện. Khi giặc Pháp trở lại xâm lược nước ta một lần nữa, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp vô cùng ác liệt, Bác lại càng coi trọng việc tập luyện TDTT để phục vụ công cuộc chống ngoại xâm.

Những tấm hình do các nhà nhiếp ảnh, quay phim ghi được về Bác Hồ tập võ dân tộc, Bác hướng dẫn, dạy cách đánh cận chiến của võ tay không chống trả đối phương có kiếm, thương, thậm chí có súng ở bên bờ sông Phó Đáy (Tuyên Quang) những năm kháng chiến. Cảnh Bác Hồ chơi Bóng chuyền trong rừng Khâu Lấu, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang lúc Bác 57 tuổi, thật sự cảm động. Hình ảnh Bác Hồ đi ngựa trên đường công tác, tập bơi suối giữa cái rét giá thấu xương ở rừng Việt Bắc. Ngoài ra, Bác còn ưa thích tập môn đi bộ và leo núi.

Đồng chí Vũ Kỳ kể rằng: Bác Hồ có kiểu tập nhảy “dậm chân tại chỗ” thật lạ và thú vị. Số là “Phòng Chủ tịch nước”- nơi làm việc của Bác cách các lán khác thường từ dăm chục mét đến ba bốn trăm mét. Đường đi lên lán hay xuống suối, đến nhà ăn đều được Bác cho đặt những rào chắn cao từ 10 - 15cm đến mức cao nhất trên 40cm. Mỗi khi đi qua, Bác và mọi người phải chụm chân nhảy không được lấy đà. Tập sức bật tại chỗ như vậy khá “trường kỳ” nhưng rõ ràng đạt hiệu quả. Cách rèn luyện “vượt chướng ngại” như thế, giúp Bác có thêm sức khoẻ dồi dào.

Nhà quay phim Liên Xô cũ đã đưa vào các phim Việt Nam trên đường thắng lợi, Chiến thắng Điện Biên Phủ và Cây tre Việt Nam hồi thập niên 50 một số hình ảnh tập luyện của Bác khá đẹp. Một tờ báo của Liên Xô đã viết rất sâu sắc về hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh tập luyện thể dục, chơi thể thao cùng với lối rèn luyện thân thể sáng tạo, đã góp phần tạo nên chiến thắng thực dân Pháp vang lừng thế giới.

Những năm 1956, 1957 các nước XHCN Đông Âu và Liên Xô phát động phong trào Rèn luyện thân thể để lao động và bảo vệ Tổ quốc. Nhiều nước bạn đã nêu tấm gương tập luyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh để mọi người theo.

Tết Giáp Ngọ, Bác nhận ra khả năng thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp, từ tháng 5/1954 Bác quyết định chuyển cơ quan về Thái Nguyên lấy rừng Vai Cầy, xã Bản Ngoại, huyện Đại Từ làm “bản doanh kháng chiến”. Nguyên đội trưởng Đội 1, Tạ Quang Chiến lúc đó là Đội trưởng Thanh niên xung phong (TNXP) 36, cùng các đồng chí Hoàng Hữu Kháng, Phan Mỹ, đơn vị C.272 được Bác giao nhiệm vụ về Vai Cầy xây dựng cơ quan. Một thời gian ngắn, ngôi nhà sàn giản dị được dựng kín đáo mà ngay cả chiến sĩ C.272 lúc đó cũng không một ai biết địa danh này là ở vùng nào, vì nguyên tắc bảo mật không ai hỏi ai. Nhiều bô lão như các cụ Bế Văn Khoa, Triệu Văn Vượng, Triệu Sơ kể rằng: “Ngày đó đứng ở ngọn đồi cao trước mặt, thường thấy một cụ già làm việc trong Nhà sàn. Đặc biệt sớm, chiều nào cũng thấy cụ ra tập thể dục hoặc đánh bóng chuyền ở bãi cỏ dưới chân đồi cùng một số thanh niên. Nhiều bữa các cụ còn thấy cụ già xuống suối tắm, bơi ở khúc suối rộng, mà đáy suối có nhiều đá tròn bằng nắm tay. Mãi về sau các cụ mới biết đó là Bác Hồ. Trên bàn làm việc của Bác thấy có mấy viên đá lấy từ đáy suối này lên. Bác dùng để tập nắm bóp bàn tay, quay cổ tay mỗi khi nghỉ giải lao, Chiến sĩ phục vụ gọi là “tạ an-te" cải tiến...

Sau ngày về lại Thủ đô, dù bận trăm công nghìn việc nhưng Bác chưa một ngày “quên” tập thể dục. Bên nhà sàn trong Phủ Chủ tịch hiện nay, suốt 15 năm (1955-1969) nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ, bác sĩ… phục vụ Bác, đều nhớ mãi hình ảnh Bác tập thể dục, tập quyền hoặc bài Thái cực quyền. Đôi khi Bác ra câu cá, chăm cây bên hồ cá. Mỗi sáng, sau lúc tập thể dục xong Bác lại chăm chút mấy dò phong lan rừng do bộ đội Trường Sơn biếu Bác. Khi bước sang tuổi “xưa nay hiếm” Bác vẫn rất khoẻ, da dẻ hồng hào.

Tháng 12/1961, Bác sang thăm Trường Trung cấp TDTT trung ương (nay là trường Đại học TDTT I), hơn 500 sinh viên Khoá 2 đang tập võ dân tộc. Bác ra sân tập xem, thấy các nữ sinh tay cầm kiếm chưa đúng, Bác đã ra tận nơi uốn nắn động tác sai, rồi Bác còn căn dặn thêm “Võ dân tộc của cha ông ta rất giàu tính chiến đấu”.

Từ năm 1958 Bác Hồ thường dành thời gian quý báu đón các đoàn vận động viên, cầu thủ các nước mỗi khi đến thi đấu hữu nghị ở nước ta như các đội Bóng đá: Vương quốc Campuchia, Vương quốc Lào, CHDC Đức, Angiêri, Miến Điện (Myanma), Liên Xô (nay là Liên Bang Nga), CHDCND Triều Tiên, Trung Quốc, Rumani, Cu Ba… Nhiều danh thủ ở các môn: Bơi, Bóng bàn, Bóng chuyền, Điền kinh các nước đều có kỷ niệm sâu sắc về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đầu năm 1963 nhân khai mạc tuần Thể thao hữu nghị Việt Nam-Campuchia (tháng 2), Việt Nam-Lào (tháng 3), Bác Hồ ra sân vận động Hàng Đẫy dự, sau đó còn tiếp các VĐV ở Phủ Chủ tịch. Cuối năm 1963 giải Bóng đá Quân đội các nước XHCN (SKDA) diễn ra tại Việt Nam. Bác gặp mặt thân mật với tất cả cầu thủ các đội tại Phủ Chủ tịch. Năm 1965, giặc Mỹ leo thang đánh phá dữ dội miền Bắc, các đoàn VĐV Cu Ba, Trung Quốc sang thi đấu hữu nghị, vẫn được Bác Hồ gặp và hỏi chuyện VĐV tại Phủ Chủ tịch. Chiều ngày 19/12/1966, hơn 120 cán bộ, VĐV Việt Nam đi dự GANEFO châu Á ở Campuchia thắng lợi trở về, Bác hỏi chuyện thi đấu, ăn ở, tình cảm của bà con Việt kiều sống ở Pnôm Pênh. Rồi Bác Hồ khen hai xạ thủ Trần Oanh, Nguyễn Mạnh Hùng, danh thủ Bơi Vũ Thị Sen, VĐV Điền kinh Trần Hữu Chỉ cùng đoạt HCV được Bác tặng Huy hiệu.

Năm 1967 Bác Hồ da diết nhớ miền Nam. Bác dự định vào tiền tuyến lớn thăm đồng bào, chiến sĩ. Bác đã dành thời gian cho đợt tập luyện dã ngoại này. Đồng chí Vũ Kỳ kể: “Hồi đó mỗi ngày Bác tập hành quân từ 5 đến 10km có hôm tăng lên tới 20km đường rừng, băng đèo, vượt sông. Bác cũng đeo ba lô nặng 25kg”. Bác chưa kịp về Nam, những người có dịp may luyện tập với Bác những ngày đó càng hiểu hàm ý câu thơ Tố Hữu viết: "Bác nhớ Miền Nam nỗi nhớ nhà, Miền Nam mong Bác nỗi mong cha". Thư viết ngày 31/3/1960 gửi Hội nghị cán bộ TDTT toàn miền Bắc của Bác đã chỉ rõ: "Cán bộ TDTT thì phải học tập chính trị, nghiên cứu nghiệp vụ và hăng hái công tác”. Ngành TDTT và giới TDTT cả nước càng nhớ Bác, phấn đấu làm theo lời Bác Hồ dạy và noi theo tấm gương đạo đức của Người suốt cuộc đời.

Tổng cục TDTT
 

Bình luận từ Facebook

Top