Đi thi đấu cho quốc gia còn phải bỏ tiền túi ra đấy các bác ạ
Thế giới của hình học và bộ óc lập trình
Tags: Lý Thế Vinh,
SEA Games,
Dương Hoàng Anh,
thay đổi suy nghĩ,
trận bán kết,
thi đấu,
thế giới,
hình học,
thể thao,
đối thủ,
nội dung,
cơ,
làm,
đánh,
môn
Thành tích xuất sắc của Lý Thế Vinh tại SEA Games 19 đã đem lại bước ngoặt cho billiards VN.
Trước kia trong suy nghĩ cuả nhiều người, môn billards chỉ là một trò chơi hoàn toàn vô bổ. Thậm chí có người còn cho nó là một thứ cờ bạc không hơn không kém. Nhiều gia đình khi thấy con cái mình chơi billards đã ra sức ngăn cản, cấm đoán và không biết bao nhiêu cậu bé vì niềm đam mê này mà chịu những trận đòn từ các ông bố khó tính.
Thế nhưng, một thời khắc đã thật sự làm thay đổi suy nghĩ của nhiều người. Đó là ngày mà cơ thủ Lý Thế Vinh bước lên bục cao nhất nhận tấm HCV về cho Tổ quốc, đấy cũng là chiếc HCV đầu tiên của đoàn thể thao VN tại SEA Games 19 - Jakarta (Indonesia) 1997. Lúc đó nhiều người mới thốt lên: “Billards mà cũng là thể thao à!”. Lý Thế Vinh đã nói gì về chiếc HCV đáng nhớ ấy và những những điều chưa biết vềthế giới của môn billards.
Lần đầu tiên“Mang chuông đi đấm xứ người”
Lần sang Indonesia năm ấy là chuyến xuất ngoại đầu tiên của billards Việt Nam. Đội tuyển billards VN lúc đó gồm 5 tuyển thủ và để có mặt ở SEA Games 19, họ đều phải tự bỏ tiền túi để lo cho chuyến đi của mình. Cơ thủ Lý Thế Vinh nhớ lại: “ Lần đầu xuất ngoại, tất cả đều bỡ ngỡ, không biết đối thủ mạnh yếu ra sao. Chỉ khi bước vào “dượt” vài đường cơ thử với các đối thủ trong các buổi tập thì mọi người mới vỡ ra: “À, tay nghề mình không đến nỗi nào!”. Và cũng từ lúc đó, chúng tôi mới tự tin và hy vọng…”.
Bước vào thi đấu, chủ nhà Indonesia tìm mọi cách để “ép” các VĐV đối thủ. Có ngày, anh Lý Thế Vinh được “ưu ái” bố trí thi đấu đến… 3 trận. Trong khi đó các cơ thủ chủ nhà chỉ thi đấu mỗi ngày một trận. Cứ đánh xong mỗi trận là Lý Thế Vinh phải từ nơi thi đấu chạy về khách sạn cách đó khoảng 40km để ăn uống rồi quay lại NTĐ đánh tiếp. Họ làm như thế với mục đích làm cho các đối thủ đuối sức. Thậm chí có hôm thi đấu xong thì đã 3h sáng, về khách sạn thì không còn gì để ăn cả mà bụng thì đói cồn cào nên Lý Thế Vinh mới “mò mẫm” kiếm đồ ăn. May sao, trước khách sạn nơi anh ở có một chỗ có cung cấp cháo miễn phí (mà theo Lý Thế Vinh hình như là nơi làm công tác từ thiện cho người nghèo).
Sau khi liên tiếp vượt qua hai đối thủ Thái Lan và Malaysia ở vòng ngoài trong một ngày, Lý Thế Vinh đánh luôn trận bán kết nội dung libre với cơ thủ số 1 Indonesia là Ananta - tiến sĩ hóa dầu - một tay cơ sừng sỏ đã từng tham dự không biết bao nhiêu SEA Games, các giải đấu quốc tế và có được 1 ngày nghỉ trước trận bán kết. Không hề run sợ, bước vào trận đấu Lý Thế Vinh đã làm đối thủ lẫn khán giả nước chủ nhà “kinh hoàng” khi giành thắng lợi áp đảo 400/205. Cả nhà thi đấu lúc đó bị “sốc” dữ dội khi niềm hy vọng vàng, tay cơ số một của họ “gục ngã” trước đối thủ không tên tuổi. Trong khi đó ở trận bán kết khác cơ thủ Dương Hoàng Anh cũng xuất sắc vượt qua tay cơ Batara (Indonesia) để “hội ngộ” cùng Lý Thế Vinh trong trận chung kết.
Tại cuộc “nội chiến” này với tâm lý thoải mái Lý Thế Vinh đã giành chiến thắng trước “bằng hữu” Dương Hoàng Anh để giành tấm HCV đầu tiên của đoàn Thể thao VN ở SEA Games 19. Đặc biệt hơn Lý Thế Vinh đã lập một kỷ lục của Đại hội khi đi liền một cơ 307 điểm (phá kỷ lục của Ananta 277 điểm). Nhắc lại kỷ niệm này, anh vẫn không giấu nổi niềm vui lẫn chút ngỡ ngàng về thời khắc lịch sử đó. Nó đã là một sự kiện làm thay đổi cả bộ mặt của billards VN.
Ở SEA Games 22, anh cho biết sẽ không tham dự ở nội dung libre nữa mà chuyển hẳn sang nội dung 3 băng. Lý do của việc chuyển đổi này là vì nội dung 3 băng là thể loại yêu thích của anh và một phần anh muốn “báo thù” cho thất bại ở nội dung này tại Jakarta 97. Năm đó do thi đấu ở cả hai nội dung libre và 3 băng nên anh bị nước chủ nhà “quần” cho tơi tả bằng cách xếp lịch thi đấu khắc nghiệt. Vì thế trong trận bán kết gặp cơ thủ chủ nhà Jimmy anh đã thua với tỷ số sít sao 38/39. SEA Games lần này là cơ hội để Lý Thế Vinh đòi lại “món nợ” mà anh đã bị “ép” vay năm xưa. Sát cánh cùng anh ở nội dung 3 băng là VĐV Dương Anh Vũ, con trai của đồng đội cũ Dương Hoàng Anh, một cơ thủ trẻ đầy triển vọng và Lý Thế Vinh mong rằng sẽ có cuộc chạm trán đầy thú vị giữa hai người trong trận chung kết, mà anh gọi đó là cuộc đụng độ giữa hai thế hệ.
Một tin vui không chỉ mình Lý Thế Vinh mà còn của nhiều tuyển thủ khác là billards VN đã được trang bị bàn “hiệu”. Đó là những chiếc bàn Chevillotte (Pháp) lần đầu nhập về VN, trị giá khoảng 13.000 USD (200 triệu đồng) một chiếc, mà trước kia có nằm trong mơ họ cũng không tưởng tượng ra nên mỗi khi ra nước ngoài thi đấu trên những chiếc bàn như vậy ai nấy đều thầm ước “Giá mà…”. Lý Thế Vinh tâm sự: “ Nếu không có SEA Games trên sân nhà thì không biết bao giờ chúng tôi mới có cơ hội như vậy. Không chỉ 1 bàn mà là 8 bàn, thật quá sức tưởng tượng”.
“Nghề chơi cũng lắm công phu”
Cơ thủ Lý Thế Vinh bộc bạch: “Một khi đã chơi billards chuyên nghiệp thì coi như “tạm biệt” với suy nghĩ “billards là môn chơi giải trí” và hoàn toàn không phải là “vui thì đánh, buồn thì bỏ” bởi billards là môn thể thao không đơn giản chút nào. Để trở thành một cơ thủ giỏi, người chơi phải khổ luyện trong từng đường cơ”.
Một người chơi bình thường khi đánh hỏng một quả thì họ cũng không băn khoăn lắm về nguyên nhân nhưng một tuyển thủ billards khi đánh hỏng một quả là phải luôn trăn trở để tìm ra câu hỏi vì sao. Anh Vinh cho biết: “ Vị trí của những viên bi trên bànvới những cơ thủ là thế giới hình học và nó có những công thức, sách vở riêng của nó. Do vậy việc người chơi đánh một đường cơ như là giải một bài toán hình học trong thưc tế. Nếu anh dùng sai công thức hoặc giải sai bài toán thì anh sẽ mắc lỗi nặng”.
Nói như vậy có vẻ hơi quá đáng hoặc đề cao môn billards, nhưng sự thật là như vậy. Bạn có bao giờ để ý những chấm trắng trên thành bàn không? Với bạn có hay không có nó thì cũng không thành vấn đề nhưng với các tay cơ chuyên nghiệp thì không có nó thì họ coi như… mù và lúc đó họ cũng như bạn mà thôi, họ không thể nào đi một cơ một lèo tới 200-300 điểm. Do vậy, các cơ thủ giỏi đều phải có tư duy hình học và một bộ óc lập trình với tốc độ nhanh để tính toán làm sao hóa giải các thế bi khó chỉ trong khoảnh khắc.
Bên cạnh đó một yếu tố quan trọng nữa là các cơ thủ phải có một cái đầu lạnh và thần kinh “thép”, vì chỉ cần bị tác động bên ngoài làm mất tập trung là sẽ hỏng bét. Trạng thái bị khớp đó người ta gọi là “quê cơ”. Lý Thế Vinh nói vui: “Trong trận đấu anh phải giữ làm sao cho cái đầu bình tĩnh, nhịp tim bình thường, tay chân mềm dẻo chứ không thể hăng máu, để người nóng lên, đầu óc kích động bởi những tiếng reo hò như cầu thủ trên sân thì coi như anh… thua là chắc”. Đó là lý do tại sao có một sốngười đánh ở ngoài cực hay nhưng khi vào thi đấu trước khán giả thì không tài nào đánh được. Trong các môn khác, sân nhà, khán giả nhà là yếu tố quan trọng để chiến thắng chứ trong môn billards thì điều này không giúp ích gì nhiều.
Để theo đuổi niềm đam mê của mình, cơ thủ Lý Thế Vinh đã để sang một bên công chuyện kinh doanh (hiện nay anh có một cửa hàng vải tại chợ Soái Kình Lâm và hai công ty TNHH) của mình để dồn sức cho SEA Games. May mắn cho anh là anh có bà xã giỏi giang quán xuyến công việc kinh doanh và lo cho con cái (anh Vinh có 3 con2 trai, 1 gái) để anh toàn tâm toàn ý theo đuổi cái “nghiệp” mà theo anh thì “muốn dứt, dứt cũng không được”.
Tuy vậy, có vẻ anh cũng hơi áy náy về điều này. Thôi thì chỉ còn cách “chuộc lỗi” làđeo tấm HCV SEA Games 22 trên cổ để về nhà mà... khoe với vợ với con!
Việt Báo (Theo_VietNamNet)
http://vietbao.vn/Bong-da/The-gioi-cua-hinh-hoc-va-bo-oc-lap-trinh/20324411/309/