XIN GIỚI THIỆU 1 SỐ NÉT VỀ PHÚ YÊN - QUÊ EM Ạ

Nghé Ọ

Thượng Tá
Khám phá Việt Nam cùng Robert Danhi: Phú Yên - Vẻ đẹp hoang sơ của biển
Phú Yên - Vùng biển hoang sơ nhưng thi vị, Gành Đá Đĩa - một kiệt tác đáng kinh ngạc của thiên nhiên, nguồn hải sản phong phú nổi tiếng gần xa, Cá ngừ đại dương tươi ngon nức tiếng, đặc sản sò huyết Ô Loan níu chân bao du khách.
 

Nghé Ọ

Thượng Tá
Thưởng thức cháo hàu Ô Loan
Hàu được xem là một loại hải sản đặc biệt của vùng sông nước Ô Loan. Hầu như con hàu được người dân ở đây lặn bắt quanh năm, nhưng hàu ngon nhất có lẽ vào khoảng thời gian cuối xuân đầu hạ (tháng 3-4 âm lịch).

Đầm Ô Loan là một trong nhiều địa danh nổi tiếng của tỉnh Phú Yên. Năm 1996, nơi này được Bộ Văn hóa- Thông tin công nhận danh lam thắng cảnh cấp quốc gia. Đứng trên đèo Quán Cau thuộc địa bàn huyện Tuy An, bạn có thể ngắm nhìn cảnh đầm nước mênh mông rộng lớn với diện tích mặt đầm hơn ngàn hecta quanh co uốn khúc. Phía đông giáp biển, phía tây đầm giáp với quốc lộ 1A và chân các sườn núi nhỏ bao bọc xung quanh. Đầm có nhiều loại hải sản quí hiếm như tôm, cua, sò huyết, ghẹ, cá vượt, hàu... Trong các loại hải sản trên, hàu được xem là một loại hải sản đặc biệt của vùng sông nước Ô Loan. Hầu như con hàu được người dân ở đây lặn bắt quanh năm, nhưng hàu ngon nhất có lẽ vào khoảng thời gian cuối xuân đầu hạ.



Thời điểm này hàu nhiều nhưng không dễ khai thác tí nào. Con hàu bám vào các rạng san hô, thành cầu, bờ đá dưới mặt đầm... Mờ sáng, người dân ở đây đi bắt hàu, hôm nào may mắn gần trưa có thể mang về vài chục ký hàu kể cả vỏ. Nhìn bề ngoài con hàu xấu xí như một cục đá nhưng bên trong thật tuyệt vời. Sau khi đập bỏ phần vỏ, ta thấy phần thịt mập ú, mọng nước trông thật ngon lành.

Hàu được chế biến thành nhiều món ăn khác nhau: nhúng giấm ăn liền, um chuối cây, nhưng đặc biệt hơn phải là món cháo. Ngon nhất nấu cháo phải chọn loại gạo đỏ, hàu tươi sống, cùng với một số gia vị thông thường. Cũng nấu như các loại cháo khác nhưng món cháo hàu khi nêm gia vị vào lại có mùi thơm độc đáo, hương vị hải sản riêng.

Cháo hàu được ăn bất cứ thời điểm nào trong ngày: điểm tâm sáng, ăn trưa hay kèm với một vài món khác trên bàn nhậu vào lúc chiều tà để “chữa cháy” thì cuộc nhậu càng trở nên hấp dẫn. Nhớ là cháo hàu ăn lúc nguội phải nói ngon hơn lúc nóng, bởi lúc nguội nồi cháo sẽ ngọt đậm đà, người ăn có cảm giác như mình đang ăn một loại hải sâm quí hiếm. Đặc biệt là sự thơm ngon bổ dưỡng với hàm lượng canxi cần thiết cho cơ thể trong quá trình lao động, sinh hoạt.


Vào mùa, hàu Ô Loan được đưa đi tiêu thụ khắp nơi trong cả nước. Mặc dù chưa có thương hiệu riêng nhưng món cháo hàu Ô Loan đã trở thành món ăn không thể thiếu của người dân Phú Yên, một vùng quê nằm giữa hai đèo. Các bạn ra Bắc vào Nam xin hãy ghé về dọc quốc lộ 1A ở Phú Yên quê tôi, chắc hẳn bạn sẽ có một bữa ăn ưng ý và nhớ mãi.
 

Nghé Ọ

Thượng Tá
6 đặc sản Phú Yên làm say lòng du khách
Bò một nắng, cá nục hấp, cháo hàu, sò huyết, bánh ướt hay bánh canh hẹ là những món ăn nhất định bạn phải thử khi du lịch đến Phú Yên.
Cách thành phố Hồ Chí Minh 561 km về phía nam theo tuyến quốc lộ 1A, Phú Yên rất phù hợp cho chuyến du lịch ngắn ngày cùng gia đình. Đến với Phú Yên, ngoài việc chiêm ngưỡng hệ thống cảnh quan thiên nhiên khá đa dạng với nhiều danh thắng và vịnh biển đẹp, bạn còn có cơ hội thưởng thức những đặc sản riêng có, ngon nổi danh nơi đây.

Bò một nắng

Món ăn được làm từ thịt đùi và thịt thăn bò tươi, sơ chế kỹ rồi thái thành miếng mỏng, ướp muối, đường, bột ngọt, ớt hiểm đem phơi trong một ngày nên có tên gọi là bò một nắng. Bò sau khi nướng chín trên bếp than hoa, người ta dùng chày đập qua cho miếng bò mềm rồi xé thành miếng nhỏ để ăn. Bò một nắng rất được lòng khách du lịch, khi ăn kèm với dưa leo, chuối xanh, các loại rau thơm và chấm cùng muối kiến vàng của người dân tộc mới ngon đúng điệu.


Phố núi Củng Sơn là nơi sản sinh ra loại bò một nắng này. Ảnh:dulichphuyen.
 

Nghé Ọ

Thượng Tá
Cá nục hấp

Cá nục hấp là món ăn dân dã của người dân Phú Yên. Món ăn muốn ngon phải rất kỹ lưỡng trong khâu chọn nguyên liệu. Cá được chọn chỉ to bằng hai ngón tay người lớn, thân cá còn săn chắc, mắt còn sáng long lanh mới đủ độ tươi ngon. Cá sau khi rửa sạch đem ướp hành tím, hành lá, các loại gia vị, ớt trái thái nhỏ cho ngấm đều. Sau đó, cho vào nồi hấp cách thủy. Không nên hấp cá quá lâu, cá chín mềm sẽ không còn giữ được vị ngọt đặc trưng vốn có. Cá nục hấp ăn kèm với bánh tráng, rau sống (rau muống, xà lách, húng quế, húng lủi, húng thơm, diếp cá, tía tô...) cùng nước chấm chua cay hoặc nước mắm nêm.


Vị ngọt của thịt cá, giòn giòn của rau muống, dẻo mềm của bánh tráng hòa trong mùi thơm của nước chấm cay làm nên hương vị thanh mát, đậm đà khó quên cho món ăn.
 

Nghé Ọ

Thượng Tá
Cháo hàu

Hàu được chế biến thành nhiều món ăn khác nhau nhưng đơn giản mà ngon hơn cả là nấu cháo. Người Phú Yên ăn cháo hàu bất cứ thời điểm nào trong ngày. Tuy bên ngoài hàu có hình dáng thô mộc, xấu xí nhưng khi đập ra thịt bên trong lại trắng trẻo, tươi ngon đến lạ thường. Con hàu tươi chỉ cần xào qua với hành, muối, tiêu và trút vào nồi cháo đã ninh mềm nhừ là có ngay món ngon quên trời đất.


Chẳng cần cho thêm bột ngọt hay bột nêm, nước cháo vẫn ngọt lừ, thơm đậm đà mùi của hải sản. Ảnh: traveltimes.vn
 

Nghé Ọ

Thượng Tá
Sò huyết

Đầm Ô Loan nằm dưới chân đèo Quán Cau, di tích thắng cảnh cấp quốc gia thuộc huyện Tuy An. Đầm rất giàu sản vật, trong đó đặc biệt phải kể đến sò huyết. Không ở đâu hương vị sò huyết có thể vượt qua cái vị tuyệt hảo của sò huyết ở Ô Loan, với vị ngọt, tươi, mặn mà, thanh khiết rất nổi trội. Thịt sò màu đỏ hồng xen lẫn màu gạch, vốn to đều, chế biến món gì cũng ngon, từ nướng tái, xào me, hấp, làm gỏi…


Với những người sành ăn, sò huyết nướng vẫn là món ngon nhất. Những con sò nướng với phần thịt béo ngậy, ngọt ngào ăn nóng với muối tiêu chanh cùng ít rau răm thì không gì bằng.
 

Nghé Ọ

Thượng Tá
Bánh ướt chả bò

Là món ăn sáng bình dân, đơn giản chỉ bao gồm hai phần chính là bánh ướt và chả bò cùng bát nước chấm được pha hơi cay ăn kèm nhưng món ăn rất được người dân ở đây yêu thích. Điều làm nên sức quyến rũ rất riêng cho bánh ướt chả bò có lẽ là ở vị chả bò mang lại. Bò tươi xay nhuyễn được trộn cùng tiêu, hành, muối... và bó lại, hấp chín, khi ăn cho vị ngọt đậm, cay nồng, giòn và dai.


Chả bò thơm lừng kết hợp với bánh ướt mềm mịn thơm mùi hẹ đem lại sự thích thú cho thực khách khi lần đầu thưởng thức.
 

Nghé Ọ

Thượng Tá
Bánh canh hẹ

Là món ăn nổi tiếng khắp nơi, mang thương hiệu của người dân Tuy Hòa và được du khách rất ưa thích, đến đây bạn có thể ăn bánh canh hẹ ở một quán ven đường vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày. Sợi bánh canh làm từ bột gạo, mềm dai và không bở. Chả cá được làm từ các loại cá biển có nhiều ở đây và giã nhuyễn, nặn thành từng miếng, hấp chín rồi chiên vàng. Nét làm nên điều khác biệt trong bát bánh canh của người Phú Yên có lẽ là ở màu xanh mướt cùng vị thơm nồng của hẹ.


Nước dùng đươc ninh từ các loại cá tươi chứ không phải xương ống nên cho vị ngọt tự nhiên rất khác biệt
 

Nghé Ọ

Thượng Tá
Tổ ong khổng lồ trên biển Phú Yên
Dọc ven biển miền Trung không thiếu những ghềnh đá đẹp như Ghềnh Ráng (Quy Nhơn), Ghềnh Bàng (Đà Nẵng) hay ghềnh Bàn Than (Quảng Nam), nhưng độc đáo nhất phải kể đến ghềnh Đá Đĩa ở huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Đối lập với màu nước biển xanh ngăn ngắt là màu đen huyền bí của một bãi đá nhấp nhô trải dài ven biển, khiến ai ngang qua cũng phải ngỡ ngàng.

Càng tiến lại gần người ta càng sửng sốt trước một kiệt tác thiên tạo bày ra trước mắt. Hàng chục nghìn cột đá hình lục giác xếp chồng lên nhau trông như một tổ ong khổng lồ bên bờ biển. Ước tính, tại đây có khoảng 35.000 cột đá dài khoảng 60-80 cm, dù thẳng đứng hay nghiêng vẹo nhưng tất cả đều ken khít vào nhau mà chẳng cần đến các chất kết dính như xi măng hay vôi vữa.


Ghềnh đá đĩa nhìn từ trên cao như tổ ong khổng lồ bên bờ biển.

Dù vậy, đừng ngại ngần trải nghiệm cảm giác bước chân trần trên những chiếc “đĩa đá” để hiểu hơn về tên gọi đầy tính tượng hình này. Đó là bởi trong diện tích chỉ khoảng một km2 nhưng có những chỗ đá xếp cao và thẳng, có chỗ đá lại xếp trải dài hoặc nghiêng, trông như chồng bát đĩa. Theo dòng chảy thời gian cùng những đợt sóng dồn từ biển, các cột đá ở đây chẳng hề tách rời hay đứt gẫy mà cứ bám cuốn lấy nhau. Hòn nọ nối tiếp hòn kia vươn mình ra biển lớn.

Với muôn hình vạn trạng, ghềnh Đá Đĩa còn hấp dẫn người xem bởi những gam màu biến đổi theo ánh sáng mặt trời. Khi bình minh lên, màu đen tuyền của những khối đá đĩa phủ ánh vàng rực rỡ của tia nắng chói chang đầu ngày đặc trưng vùng duyên hải miền Trung. Còn khi chiều xuống, ráng đỏ hoàng hôn nhuộm hồng các phiến đá. Bởi thế, mỗi khoảnh khắc ghềnh Đá Đĩa lại mang đến cho du khách những cảm nhận khác nhau.


Những khối đá đen phản chiếu ánh nắng mặt trời.

Bước chân như chẳng thế đứng yên khi đặt chân đến ghềnh Đá Đĩa, để khi dạo một vòng quanh danh thắng thiên nhiên kỳ vĩ này, bạn sẽ khám phá ra những điều tưởng chừng như quen thuộc nhưng lại hết sức thú vị ở đây. Đó là những loài sinh vật nhỏ ẩn mình trong các hõm trũng giữa ghềnh. Nào rong rêu, tảo biển, nào tôm, cá, cua càng, đôi khi còn có cả sứa và sao biển theo sóng thủy triều trôi dạt vào đây.

Tuy chỉ toàn đá khối và sóng biển nhưng nếu đi tiếp về phía cuối ghềnh bạn sẽ thấy một bãi cát trắng thoai thoải trải dài có thể tắm với làn nước trong xanh, mát lạnh. Đôi bàn chân trần trở nên thô ráp khi bước trên nền đá nhưng khi dạo xuống đây, sẽ được sóng biển dịu êm và bờ cát mịn màng xoa dịu, một cảm giác thư thái như được mát xa chân.


Bãi tắm mịn màng bên cạnh ghềnh Đá Đĩa.

Nhiều người đến và đi cho rằng ghềnh Đá Đĩa đẹp nhưng buồn vì khá vắng. Nhưng nếu có dịp đến đây, bạn đừng bỏ qua điểm tham quan ngay gần đó là ghềnh Đèn (hay gành Đèn), bởi sẽ khiến chuyến đi của bạn thêm phần thú vị. Khác với ghềnh Đá Đĩa, những tảng đá tại ghềnh Đèn có màu hồng nhạt, không ken khít vào nhau mà chồng chất tự nhiên tạo thành nhiều hang hốc nhỏ.

Ấn tượng nhất của ghềnh nằm ở ngọn hải đăng cùng tên sơn hai màu trắng đỏ nằm nổi bật trên mũi đá đâm ngang ra biển. Đây là loại đèn báo cửa, giúp tàu thuyền hoạt động trong vùng biển Phú Yên. Đứng từ hải đăng nhìn bao quát xung quanh, bạn sẽ thấy cả một vùng trời biển mênh mông, yên bình với những con thuyền trôi lặng lẽ trong khi dưới chân sóng xô bờ đá ầm ào.

Thông tin thêm:

Ghềnh Đá Đĩa hay gành Đá Dĩa nằm trong xã An Ninh Đông, huyện Tuy An của tỉnh Phú Yên. Từ thành phố Tuy Hòa theo Quốc lộ 1A về hướng Bắc khoảng 30 km, đến thị trấn Chí Thạnh rẽ phải về phía Đông khoảng 12 km là đến ghềnh Đá Đĩa. Bạn cũng có thể đi theo tuyến đường ven biển từ Tuy Hòa đến ghềnh Đá Đĩa dài khoảng 35 km.
 

Nghé Ọ

Thượng Tá
Xao lòng với vịnh Xuân Đài
Núi non bao bọc và vươn mình ra biển tạo nhiều bãi biển, vịnh nhỏ trên vịnh Xuân Đài gây xao lòng du khách trong cái nhìn đầu tiên. Vịnh Xuân Đài mới được nhắc đến là một vịnh biển đẹp trên dải đất miền Trung, nhưng đã được nhiều người yêu biển biết đến trước đó. Đơn giản, đây là một vịnh đẹp thuần khiết mà khi nhắc đến, người ta dùng cụm từ “vẻ đẹp xao lòng” để diễn tả. Đến đây, du khách như quên hết những gì đã trải qua bởi vịnh Xuân Đài sững sờ trước mắt !


Nằm ngay bên Quốc lộ 1A, vịnh Xuân Đài như một nàng tiên còn vùi trong giấc ngủ dài. Những bãi biển ở Đà Nẵng, Nha Trang đã lấn át vịnh Xuân Đài cho đến khi người ta sực nhớ đến và quay lại ngắm nhìn. Vịnh rộng trên 13.000ha trải dài trên thị xã Sông Cầu và huyện Tuy An (tỉnh Phú Yên). Cửa vịnh rộng khoảng 4,4km; bờ vịnh dài đến 50km. Có những chỗ nước sâu đến 18m.





Ba mặt của vịnh là những dải núi bao bọc và vươn dài ra biển. Phần đá tiếp giáp với mặt biển bị sóng bào mòn, tạo những hình thù lạ mắt. Lần đầu tiên đến đây, mọi người đều ngỡ ngàng trước phong cảnh thiên nhiên hữu tình. Trên núi, cây và đá ôm nhau, chen chút nhau tạo những mảng xanh tươi mát. Nước biển xanh mênh mông. Đúng nghĩa là non xanh, nước biếc như tranh…



Từ xa xưa, vịnh Xuân Đài được biết đến rất sớm. Trong lịch sử nước nhà, quân Tây Sơn và nhà Nguyễn đã có một trận thủy chiến tại đây. Nơi đây từng là một trung tâm thương mại sầm uất trên biển và bờ. Người dân địa phương tự hào với vịnh biển này vì đã diễn ra một hoạt động ngoại giao lịch sử vào năm 1832. Khi đó, phái đoàn ngoại giao Hoa Kỳ mang thư của tổng thống nước này đến vịnh Xuân Đài gặp gỡ Ngoại lang Nguyễn Tri Phương (do vua Minh Mạng cử đến) để xin “giao hảo thong thương”. Vịnh Xuân Đài trở thành nơi ban giao đầu tiên giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

Suốt một thời gian dài, khu vực này là thủ phủ của tỉnh Phú Yên. Ngoài ra, nơi đây còn lưu dấu những chiến công, lịch sử trong công cuộc mở đất và giữ gìn bờ cõi của cha ông… Mãi đến ngày 20-1-2011, vịnh Xuân Đài mới được công nhận là Di tích cấp Quốc gia và được chú trọng phát triển du lịch.

Tỉnh Phú Yên và các tỉnh lân cận nối tuyến du lịch đến vịnh này, tạo một sản phẩm mới cho du lịch miền Trung. Khi nhiều nơi bị quá tải và áp đặt nhiều công trình kiến trúc vào thiên nhiên thì Xuân Đài trở thành điểm đến hấp dẫn. Ở đó, du khách có thể tìm về thiên nhiên hoang sơ. Làng xóm sống chan hòa, chen chút, nhưng vẫn giữ được nét đẹp thuần khiết của thiên nhiên.

Xung quanh vịnh Xuân Đài có nhiều nơi để du khách dừng chân. Gành Đèn, một phần của dải núi Cây Me bao quanh vịnh, là những khối đá chất chồng lên nhau tạo thành một vị trí hiểm trở. Trên đỉnh có ngọn hải đăng để hướng dẫn tàu thuyền vào ban đêm nên người dân địa phương gọi là Gành Đèn.

Bãi biển Bình Sa là một bãi biển đẹp, rừng phi lao che phủ tạo điệu nhạc lòng biển cả làm hút hồn bao du khách. Nhiều ngọn núi nhô ra biển, chia mặt nước vịnh Xuân Đài thành nhiều vịnh nhỏ.

Dưới chân núi giáp biển hình thành những bãi tắm, bãi đá. Dưới chân Hòn Bồ và núi Mù U có các bãi Lỗ Tra, bãi Than, bãi Nhàu, bãi Bàng… Các bãi biển này có diện tích không lớn nhưng đủ để khách thư giãn, ngắm cảnh và trải nghiệm cuộc sống gần gũi với thiên nhiên, biển cả. Gần đó là những làng mạc, thị tứ nhỏ.





Làng An Thạnh dọc theo vịnh này có nghề ủ chượp nước mắm nổi tiếng miền Trung. Đến nay, người dân địa phương vẫn còn giữ nghề, dù không được phát triển mạnh mẽ như Phan Thiết - Bình Thuận hay Phú Quốc - Kiên Giang.

Vịnh Xuân Đài nằm trải dài và kết nối với các địa danh khác dọc theo Quốc lộ 1A của tỉnh Phú Yên tạo thành chuỗi điểm đến thú vị, như: Đầm Cù Mông, đầm Ô Loan, gành Đá Đĩa… Từ nay, du khách khi qua dải đất miền Trung phải ghé lại Phú Yên để dạo chơi cảnh sơn thủy hữu tình chứ không lướt qua như trước đây. Phú Yên đang dần hình thành nhiều khu du lịch sinh thái thân thiện với thiên nhiên. “Sinh sau, đẻ muộn” nhưng du lịch nơi đây hấp dẫn du khách không bởi tiện nghi mà là thiên nhiên hoang sơ và sạch sẽ.

Không chỉ cảnh đẹp mà hải sản nơi đây thuộc hàng “có tiếng” trong vùng. Sở hữu nhiều vịnh biển, đầm phá nên khu vực này là nơi trú ngụ, kiếm ăn của nhiều loài hải sản. Môi trường biển sạch nên chất lượng hải sản luôn được hạng cao trong lòng thực khách. Tại các đầm phá ở “xứ Nẩu”, ngư dân đã từng bắt nhiều loài hải sản, nhất là cua, ghẹ có trọng lượng đến vài ký mỗi con. Sò huyết đầm Ô Loan được xếp hạng nhất về chất lượng…
 

Nghé Ọ

Thượng Tá
Dừa xanh soi bóng Sông Cầu
Nhà thơ Quách Tấn không nén được cảm xúc trước khung cảnh nên thơ của rừng dừa Sông Cầu, đã khen: “Rừng dừa mé biển cong đuôi phụng Rẫy bắp sườn non thẳng cánh cò”.



Từ trên đỉnh dốc Găng nhìn xuống, TX Sông Cầu khuất trong rừng dừa

Thật không quá lời khi buổi trưa hè được ngắm những hàng dừa đu đưa soi mình trên mặt nước xanh rì, các em thơ chơi trò nhảy dây, bắn bi dưới bóng râm hoặc lao mình từ gốc dừa theo sợi dây đu ra làn nước mát, trò chuyện với gia đình trong buổi sum họp đầm ấm dưới mái nhà lợp lá dừa, nấu nối cơm đun bằng củi dừa và phe phẩy chiếc quạt cũng bằng lá dừa…



Có lẽ do vậy mà nhiều người đã không quên được làn da trắng mịn màng của những cô gái Sông Cầu quanh năm được bóng dừa che chở.






Dừa xanh soi bóng nước dòng Tam Giang...


Hoặc chơ vơ trên những đồi cát trắng ven biển


Bóng dừa che chở những di tích trầm mặc thời gian


Những con đường làng quanh co dưới rặng dừa


Kỷ niệm tuổi thơ bên dòng nước mát


Những căn nhà lợp lá dừa nép mình dưới bóng dừa


Quả dừa là nguồn thu nhập quan trọng của người Sông Cầu: nước dừa để giải khát, cơm dừa để làm dầu dừa, xơ dừa để đánh sợi…


Mỗi buổi mai lên, rặng dừa xanh ven bờ là chốn trở về mong đợi của những người đi biển.
 

Nghé Ọ

Thượng Tá
Ra Hòn Nưa
Ngày cuối tuần, nếu muốn thổi một luồng gió mới vào cuộc sống của mình, bạn hãy đến cụm di tích, danh thắng phía nam của tỉnh: Núi Đá Bia, Bãi Môn - Mũi Điện, Vũng Rô - Tàu Không số, đèo Cả và một địa danh lênh đênh ngoài khơi - Hòn Nưa!



Bãi cát dài trắng mịn chạy dọc ôm lấy Hòn Nưa - một bãi tắm tuyệt vời - Ảnh: T.QUỚI

Nhìn từ đèo Cả, Hòn Nưa với những mỏm đá nhọn hoắc cắm trên đỉnh vách đá thẳng đứng trông thật hùng vĩ oai phong nhưng cũng thật cô đơn trên mặt biển xanh, như một con thuyền đang từ từ rời đất mẹ hướng ra đại dương mênh mông.

Hòn Nưa nằm phía nam vịnh Vũng Rô, có đỉnh cao 105m so với mực nước biển. Một bên sườn là cây cối tương đối xanh tốt, bên còn lại là vách đá dựng đứng như những cánh tay rắn rỏi chắn sóng che chắn cho phía sườn bên kia. Vì thế, trong dân gian tồn tại câu ca dao: “Hòn Nưa ngoài biển nhấp nhô/ Vách đá dựng đứng sóng xô mấy từng”. Trong Đại Nam nhất thống chí ghi Hòn Nưa là Trụ tự - là cột mốc tự nhiên chia ranh giới hành chính trước đây giữa Đại Việt và Chiêm Thành.

Khởi hành từ cảng Vũng Rô bằng thuyền của ngư dân với khoảng một tiếng đồng hồ, bạn có thể đặt chân lên đảo. Gần đến đảo, trước mặt du khách là một bức tranh thật đẹp. Trời nước mênh mông bỗng dưng án ngữ bởi một vách núi đá dựng đứng, cheo leo, nhiều cụm đá nhỏ với nhiều hình thù khác lạ. Thấp thoáng phía xa là dãy cây xanh để phân biệt đất liền và nước biển. Trên đỉnh non xanh ấy là trụ hải đăng sơn màu đỏ đứng đơn độc mà kiêu dũng, là điểm sáng dẫn đường cho tàu thuyền ngư dân. Gần tới đảo, bạn sẽ rất ngạc nhiên trước bãi biển nhỏ chạy dài khoảng 500m theo hình vòng cung với bờ cát trắng mịn và nước biển xanh trong màu ngọc bích.

Ở đây, du khách có thể đắm mình trong làn nước mát, lặn xem những rạn san hô mang vẻ đẹp mê ly, kiêu kỳ. Với những người đam mê chinh phục những “sản vật biển” thì đây đúng là thiên đường. Câu cá men theo gành đá, rảo bước trên gành bắt những con cầu gai (nhum), cạy vú nàng... bấy nhiêu đó thôi cũng đủ để bạn mở một bữa tiệc hải sản nhỏ. Đến Hòn Nưa, bạn không phải e ngại sẽ trở thành Robinson trên đảo, bởi bạn sẽ được “tiểu đội” gác đèn (thuộc Trung tâm Điều hành hàng hải) hướng dẫn tham quan hải đăng Hòn Nưa và được ngắm nhìn khung cảnh muôn trùng biển biếc quanh đảo. Thêm một cây đàn ghi ta, bạn đã có một chuyến dã ngoại đủ sắc màu. Những ai thích trải nghiệm hãy tổ chức một đêm lửa trại và đón bình minh trên đảo, bạn sẽ chạm vào cảm giác tuyệt vời với thiên nhiên hoang sơ nơi đây.
 

Nghé Ọ

Thượng Tá
Các điểm du lịch hấp dẫn ở Phú Yên
Phú Yên nằm giữa miền Trung, nơi có đồng lúa Tuy Hòa bạt ngàn. Và nếu ai đã từng một lần đặt chân đến Phú Yên, ghé thăm những điểm thắng cảnh, di tích lịch sử như Hòn Yến, Mũi Điện, Gành Đá Đĩa, Địa đạo Gò Thì Thùng… chắc chắn sẽ ấn tượng với cảnh và người nơi đây.



Thắng cảnh Hòn Yến - Ảnh: T.TRỰC



BIỂN KỲ THÚ VÀ HOANG SƠ

Biển Phú Yên có nhiều cái nhất, trong đó phải kể đến những thắng cảnh gành đá độc đáo, chỉ có một không hai trên đất nước này.

Thắng cảnh đá gần TP Tuy Hòa nhất phải kể đến Hòn Yến (xã An Hòa, Tuy An). Để đến Hòn Yến, chúng ta rẽ từ ngã ba Phú Điềm tại quốc lộ 1 đi về hướng đông chừng 5km qua làng chài Nhơn Hội là đến nơi. Chúng ta cũng có thể ngồi ghe máy chạy từ TP Tuy Hòa ngược ra hướng bắc chừng 3 hải lý. Xưa kia tương truyền, nơi đây là một hòn đảo cao vút hình cánh buồm giữa biển khơi, rồi theo năm tháng, cát trong bờ lấn dần để ngày nay Hòn Yến còn cách bờ chỉ vài mươi mét. Thế đứng của Hòn Yến có hình như chóp nón khổng lồ, quay mặt bốn phương, những tầng đá cheo leo dựng đứng cao ngút trời. Dưới chân núi đá là những lằn sóng ăn sâu vào chân núi tạo thành dấu vết thời gian, phía trên là những khúc uốn, những tầng đá do thiên nhiên đúc cách đây hàng triệu triệu năm. Ngày trước, chim yến từ khắp mọi nơi tụ về đây làm tổ sinh sản rất nhiều nên người bản địa gọi là Hòn Yến đến tận bây giờ. Thăm Hòn Yến, du khách sẽ tận mắt nhìn cảnh tấp nập ghe thuyền cập bến lúc sớm mai, thấy lăng Ông Nam Hải cổ kính, nơi giữ nét tâm linh của một xóm chài, được ngắm cảnh đẹp hữu tình giữa trời nước trong xanh, những cây bàng cổ thụ và một bãi đá lô nhô nối từ bãi cát chạy dọc chân sóng đến tận những hàng phi lao xanh ngắt. Nếu đúng vào dịp những ngày đầu tháng hoặc giữa tháng, buổi chiều thủy triều rút, để lộ một bãi đá và cát vàng óng nối đến chân Hòn Yến, du khách có thể đi bộ ra biển, đi trên những vách đá. Đặc biệt, Hòn Yến có nhiều loại hải sản tươi như cá cơm, mực, ốc vú nàng, cua biển… với giá cực rẻ, ngồi dưới những gốc bàng cổ thụ nhóm lửa nướng, nấu cháo thưởng thức.

Từ Hòn Yến chạy ra hướng bắc chừng 5km nữa là đến thắng cảnh quốc gia Gành Đá Đĩa (xã An Ninh Đông, Tuy An). Toàn cảnh khu gành đá có chiều rộng khoảng 50m và trải dài hơn 200m. Ở đây, mỗi viên đá có hình đa giác, màu đen bóng, được tạo hóa dựng, xếp, đặt đứng theo từng lát, từng cột liền khít nhau. Nếu quan sát gần, mỗi viên đá giống như những chiếc đĩa xếp chồng lên nhau, cột nọ liền với cột kia tạo thành một tổng thể đá cao thấp nghiêng bằng khác nhau. Những người giàu trí tưởng tượng, đứng từ trên cao nheo mắt lại nhìn xuống, toàn cảnh gành đá giống như một tổ ong khổng lồ. Điều đặc biệt là Gành Đá Đĩa còn hoang sơ, có xóm làng ở dọc theo những con đường, có đồi núi, nương rẫy và cuộc sống chân chất của người địa phương. Đẹp nhất ở đây là vào buổi sáng sớm, mặt trời từ biển nhô lên phản chiếu như một tấm gương. Cảnh hoang sơ, đá tự nhiên, nước biển xanh ngắt, khí hậu mát và những điều hấp dẫn khác sẽ tạo cho nhiều người tâm lý thật thoải mái. Tuyệt vời hơn là bên ngoài gành đá nhấp nhô một bãi thuyền, bên kia vòng cung của gành đá là những bãi sắn mía, ngô khoai của người dân địa phương xanh mướt trông thật hài hòa.

Ngược vào cánh nam, du khách sẽ thả hồn mình với thắng cảnh Mũi Điện (xã Hòa Tâm, Đông Hòa). Nơi đây còn có tên gọi khác như mũi Đại Lãnh, mũi Nạy hay Cap Varella. Dù khác nhau về tên gọi nhưng điểm chung chính là nơi có doi đất liền nằm trên triền núi Bà của vùng núi Đại Lãnh thuộc dãy Trường Sơn. Ngoài ý nghĩa lịch sử, cụm thắng cảnh Mũi Điện, Bãi Môn, Vũng Rô là một điểm đến lý tưởng thu hút sự chú ý của nhiều du khách gần xa. Đến đây, trước hết chúng ta sẽ thực hiện một cuộc hành trình đi bộ theo con đường đá uốn theo sườn núi để đặt chân đến lên Mũi Điện, tận mắt nhìn thấy ngọn hải đăng. Đứng trên ngọn hải đăng hưởng không khí trong lành, phóng tầm mắt xa xa, chúng ta nhìn thấy một màu nước biển trong xanh, từng con sóng nhấp nhô cuộn đều vào bãi cát vàng tuyệt đẹp. Nếu ở lại qua đêm, không gì hấp dẫn bằng được ngắm ánh bình minh của một ngày mới trên đất liền. Sau khi tham quan ngọn hải đăng, du khách xuống núi vui chơi tắm mát cùng làn sóng nhẹ nhàng tại thắng cảnh Bãi Môn. Biển Bãi Môn nước trong xanh, bãi cát hoang sơ thanh sạch. Từ Bãi Môn, du khách có thể ngắm nhìn đỉnh ngọn hải đăng cao vút, nhìn những vách đá to tạo thành khối chồng lên nhau dựng đứng như những kiệt tác thiên nhiên. Dưới chân tháp cạnh Bãi Môn còn có một con suối nhỏ nước ngọt trong vắt. Đến mũi Điện, du khách còn có thể ghé thăm di tích lịch sử của con đường huyền thoại Hồ Chí Minh trên biển và thưởng thức nhiều món hải sản tươi ngon như cá, tôm, mực và các loại ốc mà không dễ gì có ở các nơi khác.




Thắng cảnh Núi Nhạn - Ảnh: T.TRỰC

NHỮNG DI TÍCH GIỮA LÒNG DÂN

Bên cạnh những thắng cảnh gành đá biển, Phú Yên còn có nhiều di tích đẹp, giàu giá trị lịch sử giữa lòng nhân dân. Trước hết phải kể đến cụm di tích Núi Nhạn sừng sững giữa lòng TP Tuy Hòa. Ngọn núi cao 64m so với mặt nước biển, chu vi quanh núi trên 1km. Từ lâu, quần thể di tích, sinh vật trên núi được chăm sóc, bảo tồn. Du khách đến tham quan sẽ cảm nhận được cảnh đẹp, mát mẻ, thân thiện từ con đường dẫn lên núi đến quần thể sinh vật cảnh. Trên núi có tháp Nhạn được người Chăm xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ XII. Sân tháp xây bằng gạch rộng, ngọn tháp có hình vuông, mỗi cạnh 10m, cao trên 20m, sừng sững trên nền đế móng vững chắc. Tháp được chạm khắc theo nghệ thuật kiến trúc độc đáo của người Chăm, đường nét khá hài hòa, sắc sảo, mềm mại giàu giá trị lịch sử và nhân văn. Nhìn tổng thể, tháp Nhạn tiêu biểu cho nghệ thuật kiến trúc của người Chăm ở vùng đất Phú Yên xưa. Ngày nay, cụm thắng cảnh Núi Nhạn Sông Đà Rằng đã trở thành biểu tượng của Phú Yên và tháp Nhạn đã được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là Di tích Kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Du khách đến tham quan, đứng trên đỉnh Núi Nhạn có thể dễ dàng nhìn thấy toàn cảnh TP Tuy Hòa với biển xanh, đồng lúa bạt ngàn, sông Đà Rằng soi bóng và xa xa phía tây bắc là núi Chóp Chài hùng vĩ cao ngút, phía nam là ngọn Đá Bia thăm thẳm nghìn trùng. Đặc biệt, ngôi tháp Nhạn là nơi diễn ra Đêm thơ Nguyên Tiêu vào đêm rằm tháng Giêng hằng năm. Tính đến nay, Đêm thơ Nguyên Tiêu bên chân tháp Nhạn đã trải qua 33 năm. Cứ mỗi mùa xuân về, văn nhân thi sĩ, du khách và người yêu thơ khắp nơi lại dập dìu lên Núi Nhạn, ngắm trăng, ngoạn cảnh và trải lòng mình với thơ.

Cùng với địa đạo Củ Chi (TP Hồ Chí Minh), địa đạo Vĩnh Mốc (Quảng Trị), địa đạo Gò Thì Thùng (xã An Xuân, Tuy An) là một trong 3 địa đạo lớn ở nước ta. Địa đạo này khởi công ngày 10/5/1964 đến 8/1965 hoàn thành. Sau khi hoàn thành, tổng chiều dài địa đạo là 1.948m xuyên qua gò Thì Thùng, sâu 4,5m, rộng 0,8m. Toàn bộ địa đạo có 486 giếng, trên miệng giếng lấy gỗ đặt rầm, cách 20m chừa một cửa hông có ngụy trang. Bên trên địa đạo đặt vọng gác có đài quan sát. Xung quanh địa đạo là một hệ thống giao thông hào chằng chịt chạy ngang dọc. Khi có địch, quân ta xuất hiện để đánh, xong thì rút xuống, địch không phát hiện và nhân dân tuyệt đối giữ bí mật an toàn. Đây là một cứ điểm lịch sử lớn của quân và dân ta trong kháng chiến chống Mỹ. Ngày nay, đến gò Thì Thùng ít có ai biết rằng cách đây hơn 40 năm, nơi đây từng là chiến trường ác liệt, đã diễn ra trận đánh giáp lá cà giữa quân ta với kẻ thù và cũng ít có ai biết rằng dưới lòng đất sâu kia đã từng có một hệ thống địa đạo do nhân dân xã An Xuân và các vùng lân cận đào… Thời gian đã lùi xa, hơn 40 năm trôi qua cuộc sống có nhiều đổi thay và những gì thuộc về lịch sử vẫn còn đó. Năm 2009, địa đạo gò Thì Thùng đã được Bộ VH-TT-DL công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Ngày nay, đường về địa đạo đã được rải nhựa thông thoáng. Và nói đến An Xuân, số đông người sẽ nhớ ngay đến một hệ thống hầm địa đạo mang tầm cỡ quốc gia, nhớ đến ngày hội đua ngựa truyền thống gò Thì Thùng vào mùng 9 tết hằng năm, một ngày hội duy nhất có ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Từ An Xuân, có một con đường rộng lớn dài khoảng 10km thông suốt nối dài đưa du khách đến thăm Nhà thờ Bác Hồ tại xã Sơn Định (Sơn Hòa).

Và còn rất nhiều di tích thắng cảnh đẹp nữa. Trong nhiều cái nhất kể trên ở Phú Yên, chắc chắn sẽ hợp thành một tour du lịch tham quan từ biển đến vùng sơn cước “chiến khu xưa” hấp dẫn.
 

Nghé Ọ

Thượng Tá
Đập Đồng Cam
Đập Đồng Cam là công trình thủy nông lớn nhất tại Phú Yên. Công trình này do 1 kỹ sư người Pháp thiết kế năm 1917, khởi công năm 1924 và hoàn thành năm 1932 với công sức của hàng vạn lao phu, công nhân địa phương và cả xương máu của hơn 50 người dân Phú Yên.

Đập nằm phía tây huyện Phú Hòa, đập nước dài 688 mét với hơn 2500 hạng mục lớn nhỏ, có 2 kênh dẫn nước là Kênh Chính Bắc và Nam tưới tiêu cho cả vùng lúa Tuy Hòa rộng 220 km².

Đồng Cam là công trình có giá trị thẫm mỹ lẫn kỹ thuật rất cao. Đập có nghĩa to lớn về mặt kinh tế, lịch sử cộng với cảnh quan tươi đẹp, kiến trúc độc đáo tạo nên tiềm năng du lịch lớn Hàng năm vào Mùng 8 Tết có lễ hội nhằm tri ân những người đã xây dựng nên đập, thu hút rất đông du khách gần xa đến thăm quan, du ngoạn Xuân.
 

Nghé Ọ

Thượng Tá
Đi ngắm Cù Mông
Đến với nơi sông núi giao hoà, biển cả mênh mông và những cảnh đẹp gắn liền với lịch sử... du khách sẽ có được những cảm giác thật tuyệt vời. Cù Mônglà nơi tiếp giáp giữa hai tỉnh Bình Định và Phú Yên. Đó là một dãy núi lớn chạy dài theo hướng Tây Đông. Không gian ở đây bao la thoáng mát tạo nên một thiên đường rộng lớn có tiếng gió vi vu, có tiếng sóng vỗ rì rào và nếm trải những cảm giác mạo hiểm nhưng đầy thích thú.

Cù Mông là nơi tiếp giáp giữa hai tỉnh Bình Định và Phú Yên. Đó là một dãy núi lớn chạy dài theo hướng Tây Đông. Không gian ở đây bao la thoáng mát tạo nên một thiên đường rộng lớn có tiếng gió vi vu, có tiếng sóng vỗ rì rào và nếm trải những cảm giác mạo hiểm nhưng đầy thích thú.



Xa xa ở phía Đông là bán đảo Vĩnh Cửu với những dải cát trắng phau trải rộng tới chân trời, vượt ra tận biển. Ở phía Nam là bán đảo Hải Phú nhô lên với Hòn Tôm, Mũi Ông Diên, Hòn Nần… Giữa khung cảnh thơ mộng ấy xuất hiện một chiếc cầu nho nhỏ, cầu Bình Phú chạy từ phía Đông vịnh ra đến Quy Nhơn. Đi trên cầu du khách có thể bắt gặp những đồng cát trắng mênh mông và những bãi biển đẹp, hoang sơ nhưng đầy vẻ quyến rũ.



Trên con đường ấy, du khách có thể thấy trại phong Tuy Hòa, được xây dựng cách đây hơn 80 năm, nơi nhà thơ Hàn Mặc Tử đã sống trong những chuỗi ngày cuối cùng. Sau khi chết, phần mộ của nhà thơ đã được xây dựng ở đỉnh dốc đèo Son gần Ghềnh Ráng, nơi có bãi tắm Hoàng Hậu, một bãi tắm đẹp nhất Bình Định. Bên cạnh là căn nhà nghỉ mát do vua Bảo Đại xây dựng đầy chất huyền thoại.
Cù Mông không với sự yên tĩnh và cảnh sắc môi trường vẫn còn sơ khai thuần khiết với một không khí trong lành, mát mẻ níu giữ bước chân du khách.
 

Nghé Ọ

Thượng Tá
Sảng khoái đua ngựa Gò Thì Thùng
Chưa bao giờ Hội đua ngựa Gò Thì Thùng (xã An Xuân, huyện Tuy An, Phú Yên) đông đúc người xem như sáng mùng 9 Giêng này.
Mọi người lý giải, có lẽ do năm nay Giáp Ngọ và các đội đua của tỉnh có sự đầu tư nhiều ngựa “chiến” từ khắp nơi.

Có hòa trong hội đua ngựa Thì Thùng, mới cảm hết được sức xuân của một vùng cao nguyên Nam Trung bộ đất đỏ, sương mù, khí hậu mát lạnh, ngồn ngộn tinh thần thượng võ…

Những nẻo đường nắng sớm về hội ngựa Gò Thì Thùng.
Những nẻo đường nắng sớm về hội ngựa Gò Thì Thùng.
Dòng người đổ về lễ hội tăng nhanh.
Bát ngát người về hội ngựa xuân
Những chú ngựa cũng sớm có mặt, dự hội.
Ở bãi tập kết ngựa đua
Các nhà báo… sẵn sang
Trống khai hội ngựa
Cha con ông Nguyễn Hữu Chi (64 tuổi, kỵ sĩ cao niên nhất hội đua) đang vào vạch xuất phát
Tiến lên…!!!
Một chú ngựa đua “chay”, vì kỵ sĩ đã… rớt.
Ngựa đua nửa đường “nghỉ chơi”, khán giả phải dùng cành cây quất để… tiếp tục.
Bát ngát ngựa người, người ngựa mùa xuân
 

Nghé Ọ

Thượng Tá
Đặc sản núi rừng Phú Yên: cua đá suối
Anh bạn thân của tôi thường bảo, quê anh hiện nay chỉ con cua đá là còn nhiều nhất. Tôi đã đến quê anh: xã miền núi An Xuân (huyện Tuy An, Phú Yên) và chứng kiến điều đó là sự thật. Có lẽ, do điều kiện ở đây rừng núi xa xôi, đường đi cách trở, loại cua này ít bị con người từ các nơi khác đến khai thác nên hiện nay còn rất nhiều.

Cua đá ở đây thường to bằng nắm tay, con lớn có khi bằng cái chén ăn cơm, màu đỏ nâu. Chúng ăn côn trùng, lá cây, sống trong các hang hốc đá dưới những rẫy chuối, những khóm cây bên các dòng suối trên rừng. Những ngày đầu mùa mưa, đất ẩm ướt, nước suối mát nên cua thường ra khỏi hang đi tìm thức ăn. Muốn bắt loại cua này không khó tí nào, chỉ cần vài nắm cơm nguội hoặc vài củ sắn lùi, nắm đậu rang… vãi dọc theo các dòng suối, thế là cua có thể ra đỏ suối, đỏ rừng, tha hồ bắt.



Do cua nhiều nên người dân ở đây thường chỉ chọn bắt những con có màu đỏ đẹp, cỡ vừa, những con cua vừa lột vỏ càng ngon. Khi bắt về, cua được làm thành những món bình dân nhưng hương vị lại ngon cực kỳ. Nếu ai một lần được đích thân đi bắt, chế biến rồi ăn, chắc khó lòng mà quên được.

Có thể chế biến tại chỗ bằng cách đốt đống lửa to, đợi khi than củi rã ra là ta cho từng con cua lên nướng. Nướng kiểu này, không có gia vị nhưng khi con cua chín có mùi thơm ngầy ngậy. Ngồi quanh đống lửa, lấy từng con, tách vỏ bỏ gạch, gỡ càng và cứ thế chấm muối ớt ăn ngon lành. Thịt cua rừng thơm dai và ngọt nên cảm giác bữa ăn luôn hứng thú.



Nếu thích, bạn có thể dùng món cua nướng để giã muối. Muối cua làm đơn giản nhưng ăn lạ miệng lại rất ngon. Nên chọn những con cua cỡ vừa nắm tay, đem nướng rồi chọn phần thịt phía bụng giã thật nhỏ nhuyễn kèm với muối, ít bột ngọt, lá ngò tàu mọc ngoài bờ suối với ớt sim rừng. Thế là có chén muối cua ngon lành. Món này ăn với cơm nắm hoặc cơm nóng đều lạ và cảm giác thèm ăn cứ len lén trong dạ dày.

Cua hấp sả cũng là một món ngon tuyệt. Món này phải làm số lượng nhiều và cần có nhiều người cùng ăn mới có khí thế. Sau khi hấp chín, con cua có màu đỏ tươi, hương sả thơm ngào ngạt. Canh cua đá cũng là một ngón độc đáo. Canh cua nấu hợp với các loại rau rừng mọc trên bờ suối. Món này ăn trong mùa nắng nóng ngon hơn mùa mưa.

Cùng với cua nướng, muối cua, canh cua, cua hấp sả, con cua đá rừng còn được chế biến được nhiều món ngon khác như cua đá rang muối, cua đá nấu bún riêu, cháo… Món nào cũng ngon, cũng hấp dẫn và bổ dưỡng cực kỳ. Quả là một đặc sản tuyệt vời của núi rừng.
 

Nghé Ọ

Thượng Tá
Cá dìa nướng
Lâu nay, nhiều người cứ nhầm lẫn cá dìa và cá dò là một loại. Thực ra đây là hai loại cá có tên gọi và thân hình khá giống nhau nhưng chúng hoàn toàn khác nhau. Xét về mặt giá trị kinh tế và chất lượng ẩm thực thì cá dìa được xem như “đàn anh” của cá dò. Nói vậy không phải cá dò không có giá trị, thịt không ngon mà thực ra, do số lượng cá dò nhiều, dễ đánh bắt nên người ta quý cá dìa hơn.
Cũng giống như cá dò, cá dìa thường nặng khoảng 400-500 gr, có con to bằng bàn tay người lớn. Đây là loại cá da trơn thân dẹp, da màu nâu xám, vây sắc, sống nhiều ở vùng nước mặn ngọt giao thoa. Theo đánh giá của nhiều người sành ăn, cá dìa sống ở vùng biển từ Tuy Hòa đến Nha Trang cho thịt ngon thượng hạng.




Cá dìa nướng vỉ - Ảnh: Tuy An

Trong trí nhớ và thói quen bao đời của người dân vùng biển, cá dìa “đóng đinh” hai món nấu canh chua và nướng. Khi “phiêu dạt” vào nhà hàng thành phố, người ta dường như ít chú ý đến món canh chua mà chỉ chú trọng đến món dìa nướng. Trên bản đồ ẩm thực, dìa nướng được xem là một món đặc sản, cho dù nướng bằng muối ớt “bụi bặm” nơi gành biển hoang sơ thiếu thốn hay nướng trong nhà hàng được trang bị đủ đầy gia vị thơm ngon.

Chọn con cá tươi, làm sạch, bỏ mang, để nguyên con, nếu cá to quá cắt làm đôi cũng được (chú ý nếu trong quá trình làm cá, lỡ vây cá đâm vào tay sẽ bị đau nhức thấu xương). Có nhiều cách nướng như ướp cá với muối ớt rồi gói trong lá chuối xanh nướng trên lửa than. Nướng kiểu này da cá không bị cháy sém mà con cá chín đều đặn thơm ngon và lượng nước trong mình cá không bị lửa “ăn gian” bớt phần, nên giữ nguyên được độ ngon. Cách khác cũng có thể nướng cá bằng xiên.

Tuy nhiên, thông thường nhất là nướng cá dìa bằng vỉ. Nướng vỉ phải cho con cá mấy khứa dao dọc theo thân rồi ướp muối hột giã nhỏ với ớt xanh. Trên lửa than hồng, người nướng trở đều hai phía sao cho cá chín vàng mà không bị cháy. Nướng chín, thịt cá màu trắng dần chuyển sang vàng ươm, trong từng đường khứa có tươm ít nước mỡ bóng nhẫy thật bắt mắt. Cá dìa nướng thấm muối ớt cho một mùi thơm beo béo ngon ngót đặc biệt ngon.

Ngoài hương vị, cái ngon riêng của con cá dìa nướng còn ở chỗ thịt săn chắc, mềm ngọt, lại thêm mằn mặn hương vị biển pha chút cay thơm của muối ớt sẽ cho ta cảm giác rất khó quên. Món này mà dùng nóng, ngồi lai rai với anh em bạn bè bên bờ biển thì không gì bằng...
 

Nghé Ọ

Thượng Tá
Cá mương ngày mưa
Sau những cơn mưa đầu mùa, người hành nghề đánh lưới hai bên dòng sông Ngân Sơn, thị trấn Chí Thạnh (H.Tuy An, Phú Yên) lại được mùa cá đồng, trong đó nhiều nhất chính là loài cá mương.
Cá mương có hình dáng tựa như con cá trắng, chỉ ở sông suối, thân thon, dài độ 10 đến 15 cm, có vảy màu trắng bạc, to bằng ngón tay trỏ người lớn. Không biết từ khi nào nó có tên gọi cá mương nhưng thực ra nó chỉ sống ở sông, mà ở Phú Yên, có lẽ đoạn sông Ngân Sơn này là nhiều nhất.


Cá mương sống và di chuyển thành từng đàn, người dân ở đây đánh bắt lai rai quanh năm. Từ xưa, nó đã trở thành đặc sản của vùng đất này. Có thể khẳng định rằng, nếu ai đến đất Tuy An, hỏi những món ngon ở đây thì người dân bản xứ không ngần ngại trả lời rằng, ở đây có hai món “trứ danh” chính là sò huyết Ô Loan và cá mương sông Ngân Sơn.

Đúng thế, dọc những quán hai bên bờ Ngân Sơn, bất cứ thời điểm nào cũng có món cá mương. Cá được các cô chủ quán mua lại từ những người đi đánh lưới rồi chế biến thành nhiều món ngon đãi thực khách gần xa. Trong danh sách ẩm thực ghi tên loại cá này, “đỉnh” nhất vẫn là món nướng. Cá tươi được nướng trực tiếp trên lửa than, chín con nào ta thưởng thức con đó, ăn lai rai lúc nóng phải nói lạ miệng, thơm giòn ngọt hảo hạng. Đặc biệt là cuốn với bánh tráng rau sống chấm nước mắm ngon, kiểu này có thể ăn no bụng mà vẫn còn cảm giác thèm.

Những ngày này, trời đổ mưa liên tục, nước sông mát lành dâng lên, cá mương chạy nhiều nên ngư dân cũng mừng vui vì được mùa. Mỗi đêm, mỗi người có thể thả lưới được vài ký. Đầu mùa mưa cá nhiều, ngon nên các hàng quán hai bên dòng Ngân Sơn cũng đông khách hơn ngày thường. Vào quán, nhìn qua nhìn lại, từ khách quen đến khách lạ, thấy bàn nào cũng dùng toàn món cá mương.

Có nhiều người bảo, cá mương là loài cá ngon và chỉ có ở đây, ăn mãi mà không biết ngán. Đi đâu thì đi chứ khi về đến đất Tuy An mà chưa được ăn cá mương là chưa thể đi được!
 

Nghé Ọ

Thượng Tá
Hàu um chuối cây


Mấy hôm nay, bà con sống quanh đầm Ô Loan được mùa hàu. Năm nay, “lộc” đầm được hơn mấy năm trước nên cả xóm chài dường như ai cũng vui. Anh bạn tôi cũng xởi lởi: mỗi ngày mình kiếm được ba bốn “xị” từ con hàu, hơn ngày công bình thường gấp mấy lần, chiều chú ra nhà chơi đi, bữa nay có “mồi” mới hấp dẫn nghe.


Hàu um chuối - Ảnh: MỸ TUYẾT

Tôi hiểu ý bạn, mấy khi nghề lao động chân tay dưới đầm có được niềm vui nên thường không để cho bạn chờ. Vừa đến nhà, đã thấy anh chuẩn bị đâu vào đó cho một bữa “gặp nhau cuối tuần” khá chu đáo. Anh nói, những món tuyệt chiêu từ hàu như nấu cháo, nấu canh, nướng hành đã dần quen thuộc với dân gốc hàu rồi. Hôm nay đãi chú một món mới, hàu um với chuối cây đấy, ngon hết chê hè.

Đang cuối buổi chiều, bụng đã hết cơm mà thấy một chảo đầy hàu um với chuối cây bốc hơi nghi ngút thơm tho thế làm sao cầm lòng cho đặng. Anh khoe “chiến lợi phẩm” rằng, hàu um chuối cây là món “lai F2” của món cá lóc um cây chuối đấy. Nói rồi anh chấp miệng, ừ lai thì lai vậy chứ hàu um nó ngon hơn gấp mấy lần món khác. Chú xem nè, một ký hàu ruột tươi mập thế này mà “ôm” chỉ có một đoạn chuối cây thế này làm sao không ngon được.

Theo anh, muốn làm món hàu um chuối cây ngon phải lựa cây chuối hột (chuối chát) non, cắt sát cổ hũ (phần gốc) rồi lột bỏ bẹ già, dùng dao xắt mỏng phần non thành từng lát, ngâm trong thau nước muối có pha tí chanh cho chuối ra mủ và khỏi đen. Trước khi nấu phải xả nhiều nước cho sạch rồi để khô ráo. Món này anh “độc” chiêu tự biên tự diễn, chị vợ chỉ phụ việc giã mắm, nướng bánh tráng mà thôi. Anh cho rằng, um hàu với chuối cũng phải có bài riêng. Đó là cách ướp hàu với gia vị, khử dầu đảo cho con hàu chín sơ rồi nhanh tay múc hàu ra tô (vì nếu để chín quá hàu sẽ ra nước, tiêu mất), trong chảo còn lại dầu và nước hàu thì ta đổ phần chuối cây đã chuẩn bị sẵn vào um cho đến lúc chuối chín. Khi chuối chín mềm, thấm đều nước hàu, cho phần hàu đã múc ra lúc nãy vào chảo rồi trộn đều, đồng thời nêm gia vị các loại và đậy nắp lại đợi khoảng vài phút thì có thể ăn được.

Hàu um ăn nóng mới đã. Bữa hàu um ngon dọn lên gồm đĩa hàu nóng tỏa mùi thơm phức, chén nước chấm đậm đà phụ thêm phần ngon cho con hàu. Và nhất thiết ăn món này phải có bánh tráng nướng “đi” kèm. Vị giòn thơm của bánh tráng, vị bùi bùi ngon ngót của chuối cùng vị béo ngọt thanh tao đậm đà của con hàu sẽ làm cho bữa ăn càng thêm hấp dẫn. Dù cả hai đều “đô” yếu nhưng hôm đó dùng món “mồi” mới lại ngồi bên bờ đầm mát rượi gió nồm nên chúng tôi đã hứng chí “cưa” hết xị rượu ngâm lúc nào không biết. Phải công nhận rằng, tôi đã nhiều lần ăn hàu Ô Loan tận gốc nhưng lần này cảm giác ngon miệng cứ thôi thúc mình gắp mãi, ăn no mà vẫn không biết ngán.
 

Bình luận từ Facebook

Top