TTCN - Bóng bàn TP.HCM vừa chia tay với " cô gái vàng" cuối cùng Trần Lê Phương Linh. 28 tuổi, cô quyết định gác vợt để lên đường sang Mỹ theo học cao học hai năm ngành quản trị kinh doanh tại Đại học Houston (với học bổng toàn phần) hôm 11-8 vừa qua.
Để có được một đoạn kết hạnh phúc như vậy, Phương Linh đã nỗ lực hết sức mình để không chỉ đạt thành tích cao trong thi đấu mà còn cả trong học tập (đạt TOEFL 550 điểm và 450 điểm của GMAT).
Chơi bóng bàn vì... nữ tính
Vì lý do... sức khỏe yếu, Phương Linh đã quyết định cùng chị Mỹ Linh và cô em Khánh Linh chơi thể thao để có sức khỏe. Và môn thể thao mà ba chị em chọn là bóng bàn vì theo họ đây là môn thể thao ít nhiều vẫn giữ được nét... nữ tính.
Phương Linh nhớ lại: hồi đó, vì cả ba chị em đều tập bóng bàn nên hằng ngày, người cha sau khi chở hai cô chị đến tập lại phải tiếp tục chở cô út đi học văn hóa. Đón cô út học văn hóa xong lại chở đến nơi tập bóng bàn, rồi lại chở hai cô chị lúc này đã tập xong đi học văn hóa.
Dù chỉ tập phong trào, nhưng càng chơi cả ba càng tỏ rõ năng khiếu, trong đó Phương Linh là có nét hơn cả. Cô gái nhỏ 6 tuổi lúc đó thường tỏ ra khá bực tức mỗi khi thua trận và càng quyết tâm tập luyện hơn nữa để rồi bắt đầu bước vào con đường chuyên nghiệp lúc nào không hay.
Kể từ năm lên 10 tuổi, Phương Linh đã bắt đầu nằm trong đội tuyển TP.HCM các lứa tuổi và gặt hái được rất nhiều thành tích trong suốt gần 20 năm cầm vợt của mình. Tuy nhiên, chiến tích ấn tượng của Phương Linh là chức vô địch đơn nữ VN 2001, nhiều năm liền vô địch đồng đội nữ toàn quốc và chiếc HCB đồng đội nữ tại SEA Games 1997.
Bước ngoặt làm thay đổi cuộc sống
Tài năng bộc lộ sớm, Phương Linh được Trường Năng khiếu nghiệp vụ TP.HCM gọi vào tập trung khi cô đang học lớp 8 tại Trường THCS Ngô Quyền. Tuy nhiên, nếu vào trường thì Linh buộc phải học bổ túc văn hóa nên thật khó khăn Linh và gia đình mới thuyết phục được trường chấp thuận cho tiếp tục học ở ngoài với cam kết đảm bảo việc tập luyện.
Quyết định đó đến giờ là đúng đắn. Sau khi hoàn tất cấp II, Linh đậu vào trường THPT nổi tiếng Nguyễn Thượng Hiền và sau đó là Đại học Mở Hà Nội (khóa 1995-1999), song song đó vẫn đem về thành tích cho TP.HCM.
Tuy nhiên, khoảng thời gian theo học đại học với Linh thật khó khăn khi phải tập trung dài hạn ở Trung tâm HLQG 1 cùng những chuyến tập huấn, thi đấu ở nước ngoài khiến việc học tập luôn bị gián đoạn.
Vậy là cô đã phải nhờ bạn học photo các bài học rồi gửi phát chuyển nhanh đến nơi Linh đang tập luyện để ôn tập. Rồi mỗi lần thi hết môn hay thi tốt nghiệp đại học, gia đình Linh phải bay ra tận Hà Nội để xin cho cô về thi. Trong suốt bốn năm đại học, Linh chưa từng phải thi lại môn nào và còn tốt nghiệp với tấm bằng loại khá.
Chưa dừng tại đó, Linh tiếp tục thi đậu ngành quản trị kinh doanh của Đại học Quốc gia liên kết với Đại học Houston (Mỹ) vào năm 2003. Đây cũng là thời gian mà Linh đã ?odũng cảm? xin thôi khoác áo đội tuyển quốc gia tại SEA Games 2003 và sau đó cũng từ chối chuyến tập huấn ở Trung Quốc chuẩn bị cho giải vô địch toàn quốc 2004 của đội tuyển bóng bàn TP.HCM. Điều kỳ lạ ở cô gái này là dù học nhiều như vậy, Linh vẫn đoạt danh hiệu vô địch bóng bàn đồng đội nữ và HCB đôi nữ tại giải VĐQG hồi tháng 5 - 2005 vừa qua.
Tâm sự trước khi lên đường, Phương Linh cho biết: ?oQua Mỹ thì học hành vẫn là điều quan trọng nhất với Linh. Nhưng nếu có dịp chơi bóng bàn ở bên đó Linh sẽ tiếp tục, bởi nó sẽ giúp mình thỏa mãn niềm đam mê và quan trọng là có sức khỏe để học tốt.
Thể thao, mà đặc biệt là bóng bàn, đã cho Linh ý chí và nghị lực để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Sau khi học về Linh sẽ đi làm kinh doanh, nhưng nếu có điều kiện Linh sẽ tiếp tục giúp đỡ bóng bàn TP.HCM vì đó vẫn là nơi đã giúp đỡ Linh rất nhiều trong thời gian qua? .
Nguyên Khôi ( 10/ 2005 )
Last edited: