Thọ Hanh - Lãng tử bóng bàn Hà Nội

nhimpitt

Trung Sỹ
Thọ Hanh - cây đại thụ làng bóng bàn Hà Nội

Vẫn nguyên vẹn niềm đam mê bóng bàn.

Ngày nào ông cũng xuất hiện ở CLB bóng bàn ở Nhà máy in Tiến Bộ. Không phải ra chơi mà dạy học trò, để hàn huyên với đám thanh niên đủ chuyện trên đời về bóng bàn với một niềm đam mê còn nguyên vẹn.

Đấy là chuyện bình thường với ông nhưng lại là phi thường trong mắt người khác. Đơn giản ông đã sang tuổi 80. Đơn giản ông là Thọ Hanh, cây đại thụ trong làng bóng bàn Hà Nội.


Học bóng bàn ở rạp xi nê

Tên đầy đủ của ông là Nguyễn Thọ Hanh nhưng người đời vẫn gọi ông là Thọ Hanh. Ông kể rằng, lúc đi học ở trường Thăng Long, nơi cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng dạy học, ông mới biết đến quả bóng nhựa và cây vợt. Chơi rồi mê lúc nào không hay. Thời ấy không phải ai cũng có điều kiện chơi bóng bàn. Thường chỉ con nhà khá giả mới chơi môn này. Ông Thọ Hanh may mắn có cha mẹ làm trong ngành y, thu nhập cũng đủ đáp ứng nhu cầu của cậu con trai duy nhất.


Thọ Hanh cứ chơi bóng bàn một cách hồn nhiên, ?othực sự nghiệp dư?- như cách gọi của ông, không có thầy hướng dẫn như nhiều cô cậu bé bây giờ. Không thầy, tài liệu tham khảo lại ít, cách tiếp cận với tài liệu bóng bàn chủ yếu của chàng thanh niên Thọ Hanh là vào rạp xi nê xem bóng bàn. Dạo đó, các rạp thường chiếu lại những trận bóng bàn, những trận đá bóng hay trên thế giới. Mỗi khi rạp chiếu các trận bóng bàn, ngày nào Thọ Hanh cũng mua vé vào xem. Xem để thỏa mãn niềm đam mê, để học tập những đường bóng hay, cách di chuyển. Ông Thọ Hanh khẳng định: ?Tôi đã học được nhiều từ những lần vào rạp như vậy?. Vì vậy, lúc đi học Thọ Hanh đã có chút tiếng tăm về bóng bàn. Mãi đến khoảng năm 1948-1949, Thọ Hanh mới biết thế nào là những kỹ thuật cơ bản của bóng bàn sau một lần đi Pháp trong 3 tháng. Sau đận ấy, trình độ của ông tiến bộ vượt bậc, thường xuyên chiến thắng trong những giải Hà Nội do người Pháp tổ chức. " Có được hôm nay cũng phải nhờ phần nào vào những ngày tới rạp xi nê đấy"- ông nói.


Ông Thọ Hanh nhận giải ba đồng đội nam tại GANEFO 1962.

Chuyên viên X quang- VĐV Thọ Hanh

Đường đời của ông không như bao VĐV khác. Nếu các VĐV chỉ chuyên tâm ăn tập thì ông lại không trong guồng quay đó. Năm 1950, cha mẹ ông cho con theo nghề y và ông vui vẻ nghe lời. Học xong ông trở thành kỹ thuật viên rồi chuyên viên X quang chuyên về tim mạch. Ra trường, ông làm việc ở bệnh viện Phủ Doãn, sau này gọi là bệnh viện Việt Đức rồi bệnh viện Việt Nam Cu- Ba. Mãi đến 1983, ông mới nghỉ hưu. Trong thời gian làm nghề y, ông vẫn tự tập luyện, thi đấu bóng bàn, thậm chí cả các giải vô địch miền Bắc và toàn quốc. Sau chức á quân Giải vô địch Hà Nội năm 1958 (thua Bùi Đức Long trong trận chung kết), ngay năm sau ông giành chức vô địch giải này rồi vô địch giải Tổng công đoàn. Đến năm 1960-1961, ông liên tiếp vô địch miền Bắc. Năm 1962, ông được gọi vào đội tuyển quốc gia tham dự Đại hội thể thao các nước mới trỗi dậy (GANEFO). Sau đó, ông giải nghệ để chuyên tâm theo nghề y và chơi cầu lông rồi sau đó là quần vợt.


Năm 1978 trước giải đấu tuyển chọn các tay vợt phía Bắc dự Giải vô địch quốc gia lần thứ nhất kể từ khi thống nhất hai miền tại Quy Nhơn, bùi tai trước lời động viên của HLV Lý Ngọc Sơn- cũng là một tên tuổi lớn của bóng bàn Hà Nội, ông luyện tập trở lại để dự giải. Sau vài ngày tập luyện, khi dự giải ông vẫn vượt qua hàng loạt tay vợt khác để giành quyền đi Quy Nhơn. Năm ấy ông đã 52 tuổi- chuyện hiếm trong làng bóng bàn Việt Nam. Chức vô địch đơn nam giải năm ấy thuộc về một tay vợt tài năng khác của Hà Nội là Nguyễn Ngọc Phan nhưng với Thọ Hanh và nhiều người hâm mộ, chỉ cần ông được dự giải cũng là một kỷ niệm khó quên, là ví dụ cụ thể và đầy đủ nhất về tài năng của ông.


Ông cũng chỉ dự giải toàn quốc một lần và sau đó chính thức giã từ hẳn các cuộc thi đấu đỉnh cao quốc gia để lại một tấm gương về lòng đam mê, ý chí cầu tiến để tự mày mò, tập luyện bóng bàn tạo nên danh tiếng. Bài học ấy không chỉ cho lứa đàn em của ông mà nhiều lứa VĐV sau này hoàn toàn có thể tham khảo, học tập.


Nhắc đến Thọ Hanh người ta cũng không thể quên một tay vợt có lối đánh thiên về kỹ thuật, phòng thủ giỏi nhờ bước di chuyển hợp lý, cắt, gò có điểm rơi vào chỗ hiểm và phản công nhanh, chính xác. Người ta cũng phải nhắc đến chiếc vợt của ông với mặt phải là mặt gai, mặt trái là mặt mút. Điều này khác với thông thường và đã làm nên nhiều trận thắng để đời.

(Còn tiếp)
Thứy An (Báo Hà Nôi Mới)
 
Last edited:

nhimpitt

Trung Sỹ
Quãng thời gian vừa theo nghề y vừa làm VĐV của ông Thọ Hanh có nhiều chuyện đáng nhớ. Với ông, có hai kỷ niệm đáng nhớ nhất khiến ông không khỏi tự hào mỗi khi nghĩ đến những gì mà bóng bàn đem lại cho ông?


* Vượt qua kiện tướng Trung Hoa

Năm 1962, một đoàn VĐV của thành phố Bắc Kinh sang thi đấu giao hữu tại Việt Nam và Hà Nội là nơi bắt đầu chuyến du đấu của họ. Ngày đoàn VĐV Bắc Kinh thi đấu tại Hà Nội tại Hội trường Bộ Công nghiệp nặng đông nghẹt người xem. Nhưng niềm hưng phấn của khán giả Hà Nội cứ vơi dần khi những cao thủ lúc bấy giờ của bóng bàn Hà Nội như Tô Bỉnh Huy, Mai Duy Diễn, Nguyễn Xuân Hiền đều gác vợt. Lúc bấy giờ kỹ thuật giật bóng đã được các tay vợt áp dụng. Bóng đi nhanh và xoáy khiến các tay vợt Việt Nam trở tay không kịp.


Ngày ấy, ông Thọ Hanh đã 36 tuổi, già nhất trong đoàn Hà Nội. Chứng kiến các đàn em bị đả bại liên tục bởi lối đánh như vũ bão của các tay vợt Trung Quốc, ông không khỏi gờn gợn. Thậm chí ông đã tâm sự với HLV Lý Ngọc Sơn của đoàn Hà Nội: " Người ta đánh thế này có lẽ em thua mất ". Ông Lý Ngọc Sơn nghe vậy chỉ nói: " Cậu cứ đánh hết mình, chơi bằng hết khả năng của mình, thắng thua xét sau". Nghe vậy Thọ Hanh cũng tự tin hơn khi vào cuộc. Lý do khiến ông tự tin cũng một phần bởi mặt vợt mà ông sử dụng. Đấy là mặt phản xoáy, gai dài, mỏng. Thứ hai, khi đó chưa quy định hai mặt vợt phải khác màu nên cả hai mặt vợt của ông Thọ Hanh đều cùng màu. Khi thi đấu ông xoay mặt vợt liên tục khiến đối thủ không biết đâu mà lần. Nhưng chủ yếu ông vẫn dùng mặt gai là mặt phải (trái với bình thường) mặt mút là mặt trái, thường dùng để phản công. Sau này cũng có nhiều người bắt chước mặt vợt của ông nhưng ít ai đạt đến đẳng cấp của ông. Một học trò từng được ông Thọ Hanh huấn luyện là Phạm Tuyết Minh (tay vợt số 3 khi đánh đồng đội của bóng bàn Hà Nội những năm cuối thập kỷ 90 thế kỷ trước và đầu thế kỷ này) cũng ảnh hưởng phong cách của ông. Chị từng giúp đội nữ Hà Nội giành HCV đồng đội năm 1998 trước đội TP Hồ Chí Minh (điều hiếm khi xảy ra với bóng bàn Hà Nội) tại Giải vô địch bóng bàn toàn quốc ngay ở TP Hồ Chí Minh.


Vào khởi động với Âu Thịnh Liên, khi Thọ Hanh đưa bóng bằng mặt gai cho đối thủ giật thì bóng rúc lưới. Quả thứ hai bóng lại bay ra ngoài. HLV phía bên kia thấy vậy thúc giục học trò: " Người ta đánh thế không có gì đâu, cứ tấn công đi". Trong khi đó ông Thọ Hanh yên tâm với lối đánh phòng ngự - phản công của mình, kiên nhẫn cắt gò và chờ cơ hội phản công hoặc chờ đối thủ tự đánh hỏng. Thế là đối thủ như say đòn càng tấn công mạnh mẽ càng hỏng nhiều và thua 0-2 chóng vánh. Trận sau với Chúc Lệnh Tường cũng có kết cục tương tự. Không khí hội trường Bộ Công nghiệp nặng lúc ấy thực sự ?onóng?, nhiều người muốn vào xem không được. Người vào xem đông như nêm cối, reo hò vang trời. Chuyện một tay vợt Việt Nam thắng cả hai tay vợt Bắc Kinh rõ ràng là lý do đáng để ăn mừng. Sau đấy, còn nhiều bài báo phân tích ca ngợi trận thắng ấy. Với Thọ Hanh, kỷ niệm ấy khiến ông không thể quên, đến giờ nhớ lại vẫn thấy gương mặt ông đầy hưng phấn.


* Cuộc gặp mặt sau nửa thế kỷ và tình bạn Việt- Pháp

Năm 1948, Thọ Hanh dự giải vô địch Hà Nội gặp một tay vợt Pháp có tên là Luva, đang là sĩ quan quân đội Pháp ở Hà Nội. Trận đấu ấy với ông Thọ Hanh không có gì ấn tượng bởi ông không mấy khó khăn vượt qua đối thủ để vào chung kết. Nhưng người thua trận lại nhớ mãi thất bại ấy. Sau ngày về nước Pháp, ông tiếp tục tham gia các hoạt động bóng bàn và đã làm cố vấn kỹ thuật cho LĐ bóng bàn Pháp. 50 năm sau thất bại ấy ông trở lại Việt Nam quyết tìm lại đối thủ đã đả bại ông 50 năm trước. Dò hỏi nhiều người, ông gặp được cụ Mai Duy Dưỡng, một cao thủ của bóng bàn Việt Nam những năm 1930 thế kỷ trước. Hỏi đi hỏi lại cuối cùng ông nhớ ra là đối thủ có một nốt ruồi nơi má trái. Lập tức cụ Mai Duy Dưỡng nhớ ra ngay Thọ Hanh và khẳng định: Chắc chắn là Thọ Hanh rồi". Rồi ông bố trí cho ông Luva gặp ông Thọ Hanh. Vừa gặp nhau ông Thọ Hanh đã lên tiếng trước bằng tiếng Pháp, thứ tiếng ông thông thạo như tiếng mẹ đẻ: " Có phải Luva đó không ". Đến lúc này người cựu sĩ quan Pháp 50 năm trước đó mới biết cuộc hành trình tìm bạn của mình đã kết thúc. Cuộc nói chuyện của hai người khỏi phải nói là vui và rôm rả thế nào. Kết thúc cuộc gặp đó là một trận bóng bàn của hai tay vợt đầy duyên nợ. Sau đó hai người liên tục thư từ gọi điện thăm hỏi nhau cho đến tận bây giờ.


Nhắc đến những chuyện trên ông Thọ Hanh bảo: " Nếu không chơi bóng bàn thì tôi đâu được một tình bạn đẹp như vậy. Tất nhiên bóng bàn cũng lấy đi của tôi nhiều thứ nhưng đã mê bóng bàn rồi thì phải chịu". Ông cũng không thể trả lời chính xác câu hỏi " Tại sao ông lại mê bóng bàn đến vậy " mà chỉ giải thích: " Cầm lấy cây vợt quả bóng là tôi quên hết". Thậm chí ông còn khẳng định với tôi: " Đến bây giờ tôi vẫn không nghĩ là mình 80 tuổi mà còn phải trẻ hơn thế kia. Cũng có thể ngày nào cũng được tiếp xúc với trẻ con, được dạy chúng nên mới thế chăng ".


Thùy An (Còn nữa)
 

nhimpitt

Trung Sỹ
Thọ Hanh chưa bao giờ là VĐV chuyên nghiệp và cũng chưa từng là HLV chuyên nghiệp. Nhưng cuộc đời cầm vợt của ông cũng để lại những dấu ấn nhất định. Trong nghề huấn luyện cũng vậy. Những " sản phẩm" của ông bao giờ cũng đều có tiếng là chắc về kỹ thuật cơ bản. Chẳng vậy mà đến giờ " thương hiệu" Thọ Hanh vẫn thu hút nhiều gia đình ở Hà Nội cho con đến thọ giáo ông.


Thầy phải ra thầy!

Năm ông Thọ Hanh nghỉ thi đấu, 1978, Sở TDTT mời ông tham gia huấn luyện với tư cách cộng tác viên, đào tạo ban đầu lớp VĐV năng khiếu. Không phải tự nhiên mà ông được giao công việc này. Những đường bóng của ông từ lúc còn thi đấu nổi tiếng về sự chuẩn xác, đẹp mắt. Vì vậy đến khi huấn luyện ông cũng yêu cầu khắt khe với học trò. Thậm chí, học trò không hoàn thành bài tập cũng làm ông dằn vặt mình:? Tôi cũng là dân khoa học nên đòi hỏi phải có sự chuẩn xác từng li từng tí một trong từng động tác, nhất là những động tác cơ bản như quả phải, quả trái. VĐV không vững cái này thì khó thành tài?.

Nghỉ hưu, ông mở lớp riêng. Không bao giờ ông thiếu học trò và sau này trong đám học trò ấy không ít người thành tài. Ông là người dạy những bài học đầu tiên về bóng bàn cho nhà vô địch SEA Games 22 Trần Tuấn Quỳnh. Nhưng trường hợp khiến ông tự hào nhất lại là Nguyễn Thái Ngọc Trình, tay vợt trẻ đang lên của Hà Nội. Khi ông dạy bóng bàn ở Cty in Tiến Bộ, bố Ngọc Trình làm bảo vệ ở đó có nhờ ông dạy cho con mình. Ông nhận lời và đến khi thấy cậu bé học sinh lớp 3 Ngọc Trình thể hiện tư chất thì ông mừng như bắt được vàng, dạy không lấy tiền. Dưới bàn tay nhào nặn của ông Ngọc Trình lọt vào mắt các nhà tuyển trạch bóng bàn Hà Nội, trở thành lớp kế thừa xứng đáng cho đàn anh Trần Tuấn Quỳnh hay Nguyễn Nam Hải. Ông tự hào nói về học trò:" Đi đâu về nó cũng đến đây chào tôi! Sống có tình có nghĩa như thế là điều tôi cần nhất ở học trò".

Ngọc Trình chỉ là một trong nhiều trường hợp được ông Thọ Hanh dạy miễn phí. Với ông, cứ học trò nào có khả năng phát triển lên thi đấu đỉnh cao là ông dồn sức đào tạo mà không đòi hỏi thù lao. Trường hợp anh em Trương Minh Đức - Trương Minh Tài cách đây gần 20 năm là ví dụ. Bố của anh em này là giáo viên ở Thường Tín (Hà Tây), mê bóng bàn và quyết định hướng hai cậu con trai theo sở thích của mình. Ông tới các CLB bóng bàn ở Hà Nội và xin cho con theo học ông Thọ Hanh. Sau đó là những ngày mùa đông hai anh em tuần ba buổi đều đặn đạp xe từ Thường Tín ra Hà Nội để tập và điều này đủ khiến ông Thọ Hanh chăm chút cho cả hai mà không lấy tiền. Mùa hè, cả hai chỉ việc góp gạo và ăn ngủ ở nhà ông Thọ Hanh. Năm 1990, khi giải trẻ toàn quốc được tổ chức tại Minh Hải, ông Thọ Hanh tiến cử cậu em Trương Minh Tài cho bóng bàn Hà Nội nhưng không được nhận vì lý do không có hộ khẩu Hà Nội. Ông lại giới thiệu cho đội Công an nhân dân và giải năm đó Minh Tài tạo nên một tiếng vang hệt như đội bóng Camơrun gây bất ngờ ở World Cup 1990 bằng việc đánh bại hàng loạt tay vợt Hà Nội, chỉ chịu thua Đoàn Kiến Quốc (Khánh Hòa). Sau này Tài thi đấu vài năm rồi đi học ĐH dù ông Hanh vẫn tin rằng nếu có môi trường tập luyện tốt hơn, Tài hoàn toàn có thể thi đấu đỉnh cao thêm một thời gian nữa.

Học trò của ông nhiều, đều quý ông. Còn ông cũng coi tất cả như con cháu trong nhà. Ông bảo:" Thầy phải ra thầy, phải coi trò như người ruột thịt thì mới động viên chúng phấn đấu. Chứ cứ làm cho xong thì vẫn chưa gọi là thầy được"


Suýt thành HLV đội An-giê-ri

Năm 1980, ông Thọ Hanh được cử đi làm chuyên gia tại An-giê-ri. Làm việc ở một địa bàn cách thủ đô Angiê tới 700km, không có điều kiện chơi bóng bàn, ông như ?ocuồng? tay. Nhân một lần tới thủ đô Angiê, ông tìm tới một CLB nổi tiếng và đánh bại tất cả các tay vợt mạnh nhất tại đây. Sau đấy cứ mỗi dịp được nghỉ, ông lại tìm đến các CLB ở thủ đô Angiê để thỏa mãn đam mê. Tài năng của ông được biết nhiều đến nỗi đã có lời đề nghị ông làm HLV đội tuyển bóng bàn nước này, lương cao gấp 3 lần lương chuyên gia mà ông được nhận. Nhưng Bộ y tế, cơ quan cử ông đi không chấp nhận nên mới không có một HLV đội tuyển bóng bàn An-giê-ri có tên là Thọ Hanh.

Năm 1982 khi về phép, thấy cô cháu ngoại Phạm Thu Hương có năng khiếu bóng bàn, thích quá ông liền xin nghỉ đi lao động hợp tác dù nếu đi thêm 2 năm cũng có một khoản tiền kha khá và xin về hưu luôn. Cũng vì cái ý định khác người ấy, ông suýt bị Bộ y tế kỷ luật, sau rồi mọi việc cũng thu xếp ổn thỏa. Cũng may cô cháu gái không phụ công ông, trở thành VĐV của đội tuyển Hà Nội, cũng sở hữu quả tấn công trái bằng mặt vợt phản xoáy lợi hại hệt như ông. Tuy nhiên ở đội Hà Nội cô không gặp thời, gặp thầy nên thành tích chựng lại, thế mạnh mà ông ngoại dạy dỗ lúc tập năng khiếu lại không có điều kiện phát huy. Nhắc đến chuyện này, giọng ông thoáng buồn pha chút trách móc.


Có một Thọ Hanh ngoài bàn bóng

Một số bạn bè của ông đã nói lại rằng Thọ Hanh bên ngoài bàn bóng cũng thú vị lắm. Cũng có một Thọ Hanh chơi đàn giàu cảm xúc như khi chơi bóng bàn. Bây giờ ngày nào ông cũng chơi một bản nhạc piano trong 10-15 phút và ông coi tiếng đàn nó giống như cơm ăn nước uống. Những ngày tham dự GANEFO, lúc các tuyển thủ Việt Nam cần một người đệm đàn thì đã có Thọ Hanh. Còn cuối tuần người ta lại thấy ông khiêu vũ một cách say mê.

Ông còn một sở thích khác là xe vespa. Khi những đại lý vespa đầu tiên xuất hiện ở Hà Nội vào đầu những năm 1950 (gần Nhà hát Lớn, có tên là Anhđôtô) thì chàng trai Thọ Hanh đã sở hữu ngay một chiếc Sprintz 49,5 phân khối trị giá 1 vạn đồng. Lương của Thọ Hanh dạo đó cũng vào khoảng 5.000-6.000 đồng, thuộc mức cao vào thời, nên mới theo được. Ông kể, dạo đó Hà Nội còn một loại xe thời thượng khác là Lambretta nhưng ông lại thích xe vespa hơn bởi dáng vẻ gọn gàng, thanh thoát cũng như tiếng máy lúc vê ga. Khi ấy Hà Nội cũng đã có những hội chơi xe vespa, chủ nhật lại rủ nhau đi picnic, người chơi cũng chăm chút đến đề- can, cũng chăm đổi xe mỗi khi có xe mới (thường mỗi lần như vậy phải bỏ ra thêm một-hai nghìn đồng). Tất nhiên trong hội đó có Thọ Hanh. Sau giải phóng Thủ đô ông vẫn đi xe vespa, phải đến năm 1973, khi xăng đắt quá ông đành từ bỏ thú đi xe vespa.

Thói quen đi xe ga đến giờ ông vẫn không bỏ được. Ngày nào ông cũng đến CLB bóng bàn Cty in Tiến Bộ trên chiếc Mio 110cc, chuyện hiếm với một người ở tuổi 80. Còn ông chỉ cười:? Bóng bàn giúp tôi được như vậy đấy, nếu không có lẽ giờ này đã không cảm thấy mình còn có ích người khác?.


Thùy An
 

nhimpitt

Trung Sỹ
Cựu danh thủ bóng bàn Nguyễn Thọ Hanh: Còn nguyên “lửa đam mê” ( 1/5/2013 )

Bên lề Đại hội Liên đoàn Bóng bàn Hà Nội, chúng tôi đã gặp cựu danh thủ Thọ Hanh - gương mặt lão làng của giới bóng bàn Thủ đô để nghe những tâm sự của ông về “lò” luyện mà ông vẫn đang “cầm trịch”, nghe được những tâm huyết của ông với môn thể thao này.

Nhớ lại các “lò” luyện bóng bàn một thời vang bóng

Vào khoảng thập kỷ 40 của thế kỷ trước, lão tướng Thọ Hanh tâm sự, bên cạnh các môn thể thao dân tộc như: vật, cờ tướng và bơi chải thì bóng bàn Hà Nội cũng bắt đầu phổ biến và ngành Y tế là địa chỉ đỏ của môn thể thao này.

Các CLB bóng bàn, các “lò” đào tạo ra đời theo kiểu tự phát và nhanh chóng tìm cách giao lưu để học hỏi và tồn tại. “Oai” nhất chính là ngành Y tế, gồm đội bóng bàn của Bệnh viện Phủ Doãn với các tay vợt Nguyễn Xuân Kha, Thọ Hanh, Hữu Xuân và Văn Mùi cùng 2 tay vợt nữ Thu Mùi và Minh Tâm. Ông Xuân Kha là HLV, kiêm đầu trò mọi cuộc giao lưu thi đấu hồi đó, lại có người con trai là danh thủ tay chiêu Nguyễn Xuân Hiền từng là nhà vô địch miền Bắc, HLV đội tuyển bóng bàn nữ Việt Nam và là người phụ trách đối ngoại của CLB Bóng bàn Hà Nội.

CLB Phủ Doãn chỉ có một phòng tập nhỏ ngay cạnh khu nhà điều dưỡng của bệnh viện C bây giờ. Một CLB khác của giới thày thuốc Hà thành là CLB Bạch Mai, nơi có 3 tay vợt xuất sắc là: Nguyễn Văn Thiện, Văn Quế và Ngọc Vĩnh. Bên cạnh là CLB của bệnh viên C, với bộ đôi bác sỹ Thuận (tay chiêu) và y sỹ Lập. Các CLB còn lại, gồm CLB của Công an tại trụ sở phố Trần Hưng Đạo bây giờ, với 2 danh thủ Bùi Đức Long và Trần Nghi sau này “đánh Đông dẹp Bắc”; CLB Dũng Lạc của các tay vợt trẻ, từng có Trần Thu vào chung kết giải toàn thành năm 1948; CLB thuộc ngành Giáo dục ở phố Quang Trung được xem là có ấn tượng với nhạc sỹ Tu My, Lộc “xồm” giỏi phát bóng như chơi ghi-ta và Lê Phúc, từng chinh chiến nhiều nơi gây tiếng vang. Có 2 CLB khác được biết đến là Manzin (sân Cột Cờ) gồm các tay vợt thuộc quân đội viễn chinh Pháp, nổi nhất là trung úy không quân Luva, hàng tuần họ thường tổ chức thi đấu với CLB Khúc Hạo, do Thọ Hanh từ Phủ Doãn tách ra tổ chức, lại mời được tay vợt xuất sắc là Trần Hênh và cặp Khánh Toàn, Trần Nghi (từ CLB Công an), chính các CLB này đã tồn tại khá lâu trước ngày Thủ đô giải phóng và những nhân vật chủ chốt như Thọ Hanh, Trần Hênh sau đó là các thành viên tích cực của nền thể thao dưới chế độ mới.

Tình yêu với môn thể thao này đã khiến những thành viên bóng bàn Hà Nội luôn phải biết cách thích nghi với xu thế của sự phát triển. Ngay đến trước ngày giải phóng Thủ đô, bóng bàn Hà Nội vẫn là “nghiệp dư pha chuyên nghiệp” và chưa có tổ chức xã hội nào đứng ra để lo việc đào tạo và tổ chức thi đấu. Thời gian ấy, làm gì đã có chủ trương xã hội hóa mạnh mẽ và bài bản như bây giờ! Tuy nhiên tình yêu bóng bàn khiến người ta sẵn sàng quên đi tất cả mọi khó khăn để đến với thể thao.

70 năm duyên nghiệp với bóng bàn

Cụ Thọ Hanh, năm nay đã 85 tuổi, song nhờ bóng bàn nên vẫn khỏe mạnh và sáng suốt, gặp lớp hậu thế lúc nào cũng vui và chỉ mong cho bóng bàn xứ sở phát triển, hết tiêu cực trì trệ để tiến cùng bè bạn. Và cựu danh thủ hào hứng kể chuyện.

…Mùa Thu năm 1952, ngay sau Olympic Helsinki, tại Hội quán Hàng Buồm đã diễn ra cuộc so vợt giữa 3 cây vợt Việt Nam gồm: Mai Văn Hòa, Nguyễn Lan Hợp và Nguyễn Đức Thuận; họ chạm trán với nhóm tứ trụ lừng danh của bóng bàn thế giới là: Lead, Berman (Anh), Phó Kỳ Phương, Tiết Thủy Sơ (Trung Quốc). Lần đầu tiên, công chúng Hà Nội được thấy tận mắt lối đánh hiện đại của 2 tay vợt Anh quốc và 2 tay vợt Trung Hoa, trong đó Phó Kỳ Phương sau này trở thành HLV đội tuyển bóng bàn Trung Quốc. Có lẽ chính từ thành công của cuộc đấu này mà người ta đã nghĩ ra việc tổ chức một cuộc đấu quốc tế hấp dẫn khác ngay trên sân khấu Nhà hát lớn Hà Nội vào năm sau.

Ông Thọ Hanh cũng chỉ dự giải toàn quốc một lần và sau đó chính thức giã từ các cuộc thi đấu đỉnh cao quốc gia để lại một tấm gương về lòng đam mê, ý chí cầu tiến, tự mày mò, tập luyện bóng bàn tạo nên danh tiếng. Bài học ấy không chỉ cho lứa đàn em của ông mà còn cho nhiều thế hệ VĐV sau này có thể tham khảo, học tập.

Ngót 4 thập kỷ từ sau cuộc so tài trên vùng đất võ Bình Định tại giải vô địch lần đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất, ngày mà tay vợt “U-50” như Thọ Hanh vẫn còn tham dự một cách tự tin, những người năm ấy đã được gặp nhau. Nhà vô địch Nguyễn Ngọc Phan chuyển sang làm kinh tế từ rất lâu, Vương Chính Học đã qua Mỹ sống, Chu Xuân Chính đã mất cách đây 2 năm và chúng tôi chỉ còn có cơ hội gặp gỡ với 2 danh thủ Hà Nội là lão tướng Thọ Hanh và Nguyễn Thị Mai.

Là một tay vợt có lối đánh thiên về kỹ thuật, phòng thủ giỏi nhờ bước di chuyển hợp lý, cắt, gò có điểm rơi vào chỗ hiểm và phản công nhanh, chính xác, ông đã truyền dạy cho vô số thế hệ học trò. Có người đã thành danh, có người không, nhưng tất thảy đều lấy bóng bàn làm tình yêu của mình.

Đã 85 tuổi, cụ Thọ Hanh vẫn lạc quan, yêu đời.Hàng tuần cụ vẫn đi dạy bóng bàn tại Cung Hữu nghị Việt - Xô. Bà Nguyễn Thị Mai là chủ nhiệm CLB bóng bàn Hà Nội, về hưu từ năm 2004 song vẫn cộng tác với Trung tâm TDTT Hà Nội và là HLV đội bóng bàn người khuyết tật tại các giải quốc gia và các kỳ Paragames.

Họ vẫn còn nguyên ngọn lửa nhiệt tình với bóng bàn nước nhà.Trong cái se lạnh của rét Nàng Bân, chúng tôi vẫn thấy cụ Thọ Hanh đi dạy học trò. Tình yêu và ngọn lửa với trái bóng nhựa trong trái tim ông vẫn hừng hực cháy, đáng để các thế hệ VĐV sau này học hỏi! Để làm tốt chủ trương xã hội hóa, điều cốt yếu không phải là khả năng tài chính mà là tình yêu đối với môn bóng bàn mà thôi.

Ama Lâm (tapchibongban.vn)
 

Drhongson

Đại Tá
Đọc lại những bài báo này thật thú vị , bừng dậy cảm giác tự hào về các bậc tiền bối . Cám ơn bạn Nhimpit quá đi, hì .
 

Drhongson

Đại Tá
Nếu bạn nào siêng siêng , in bài báo này ra , rồi thay mặt diễn đàn và người hâm mộ mang đến tặng Bác Thọ Hanh
để tỏ lòng trân trọng bậc tiền bối , chắc chắn là Bác ấy sẽ cảm động lắm , thế thì ý nghĩa lắm lắm .
Có khi Bác ấy lại trở thành 1 member lớn tuổi nhất diễn đàn thì càng hay , hihi.
 
Last edited by a moderator:

Bình luận từ Facebook

Top