Những trái đắng của bóng bàn Trung Quốc

Mr.DJ

Binh Nhất
Không phải là quê hương của môn bóng bàn, nhưng vì một số lý do lịch sử nên bóng bàn đã, đang và vẫn sẽ là một môn thể thao chiến lược, một công cụ lý tưởng để tôn vinh chế độ của Trung Quốc. Thập niên '90 và '00 chứng kiến sự xâm lấn và chiếm lĩnh đỉnh cao đầy bá đạo của các thế hệ vđv Trung Quốc. Nhưng không phải là không có ngoại lệ! Trong quãng thời gian này, những "cơn địa chấn", mà hiện nay giới hâm mộ vẫn đang tiếp tục chờ đón, đã đôi ba lần xảy ra trong những thời khắc không ai ngờ. Đối với "nền công nghiệp bóng bàn" Trung Quốc mà nói, thì những "cơn địa chấn" này thực sự là những trái đắng, rất đắng! Nhưng đối với nền bóng bàn thế giới nói chung, đó là những điểm sáng hiếm hoi lóe lên trên một nền trời màu đỏ. Những điểm sáng đó đã góp phần tạo nên một bức tranh bóng bàn đa màu sắc hơn, đỡ nhàm chán hơn, và quan trọng hơn cả, là mang tính thể thao hơn (là chính trị)!

1. Giải vô địch đồng đội thế giới năm 2000 tại Kuala Lumpur:

Một giải đấu mà trận chung kết của nó, giữa Trung Quốc và Thụy Điển, cho đến nay vẫn được coi là "Clash of the titans" (Cuộc chiến của những người khổng lồ). Lịch sử bóng bàn thế giới đến nay mới chỉ có 3 vđv nam đoạt được Grand slam, thì cả 3 vđv này đều góp mặt trong trận CK năm đó: Waldner, Khổng Lệnh Huy và Lưu Quốc Lượng. Mà cả 3 trong số họ đều đang ở vào giai đoạn sung mãn của sự nghiệp.
Đối với Lưu Quốc Lượng mà nói, có thể coi anh là vđv có sự nghiệp vô cùng ngắn ngủi nhưng cũng vô cùng vinh quang. Với lối đánh gai đặc sắc, sử hữu quả giao bóng "được coi là hay nhất trong lịch sử bóng bàn", và những kỹ thuật mang tính cách mạng (sau này đã trở thành tiền đề để Ma Lin phát triển, Wang Hao và Xu Xin hoàn thiện), anh chỉ mất vỏn vẹn 4 năm để ẵm trọn bộ Grand slam danh giá (vô địch Mens Worldcup năm 1996, vô địch Olympic Atlanta 1996, vô địch thế giới năm 1999). Tuy nhiên, trong trận CK đồng đội nam năm đó, anh lại là tội đồ khi "đốt" cả 2 trận: thua huyền thoại Waldner (thua ngược 1-2 sau khi dẫn 1-0) và thua luôn trận quyết định trước Jorgen Persson (lúc đó đã 34 tuổi, và vừa rồi vẫn thi đấu tại giải đồng đội 2012 ở Dortmund, khi Lưu Quốc Lượng đã làm HLV tuyển nam được...10 năm). Đây thực sự là phần thưởng xứng đáng cho "thế hệ vàng" của bóng bàn Thụy Điển với mũi nhọn là "bộ đôi người Thụy Điển bay" Waldner - Persson, đồng thời cũng là trái đắng cho một "thế hệ vàng" của Trung Quốc, một thế hệ mà Wang Liqin và Ma Lin thậm chí chỉ được ngồi ngoài vỗ tay chứ chưa đủ tầm vào thi đấu ^^.

2. Giải vô địch thế giới năm 2003 tại Paris:

Một giải đấu được đánh giá là hay nhất, gay cấn nhất và nhiều cảm xúc nhất trong lịch sử các giải đơn nam bóng bàn thế giới. Được tổ chức tại kinh đô ánh sáng của thế giới, với cơ sở vật chất "như mơ", giải đã đem đến cho giới hâm mộ những trận đấu "đi vào lịch sử". Đội tuyển Trung Quốc, như thường lệ, góp mặt với 3 "khủng long": một Khổng Lệnh Huy vẫn đang ở độ chín (thực ra là đã hơi chín quá, đã bắt đầu nẫu, nhưng vẫn cực kỳ sung mãn ^^), một Wang Liqin đang là đương kim vô địch (vừa đoạt chức vô địch lần đầu tiên năm 2001 tại Osaka sau khi đánh bại chính Khổng Lệnh Huy. Sau này anh còn đoạt tiếp 2 danh hiệu nữa vào năm 2005 và 2007 để đi vào lịch sử với 3 danh hiệu đơn nam vô địch TG); và một Ma Lin đang ngày càng bá đạo. Dẫn dắt đội hình "kinh khủng" này là 1 ban huấn luyện cũng "kinh khủng" không kém: cầm đầu là "Hitler" Cai Zhenhua (chủ tịch LĐBB Châu Á hiện tại) và Lưu Quốc Lượng (lúc đó mới vừa quyết định treo vợt "nghỉ hưu non" để bắt đầu sự nghiệp HLV ở tuổi 26 do những thay đổi về luật bóng bàn đã biến anh thành hổ giấy). Với đội ngũ thầy trò hùng hậu đó, có lẽ không ai dám nghĩ họ lại không thể lết vào đến trận CK (chứ đừng nói đến vô địch). Cơn địa chấn đó được tạo nên bởi 2 "siêu nhân": Werner Schlager và Joo Se Hyuk. "Siêu nhân robot" người Áo Werner Schlager với lối đánh không khác gì "sát thủ máu lạnh", phong cách thi đấu không khác gì "mỗi trận đấu đều là trận đánh cuối cùng của đời mình", đã lần lượt "bắn hạ" Wang Liqin ở tứ kết rồi Kong Linghui ở bán kết đều với tỷ số nghẹt thở 4-3 (trận thắng Kong Linghui tỷ số sec 7 là 14-12 !!!). Còn "siêu nhân chém chuối" Joo Se Hyuk, dù năm đó mới chỉ "khiêm tốn" xếp hạng 61 thế giới, cũng không chịu kém cạnh, đã "bắn hạ" Ma Lin, lúc đó đang chễm chệ trên hạng 2, với tỷ số nghẹt thở không kém: 4-3 (tỷ số sec 7 là 11-9). Trận CK năm đó là lần đầu tiên sau 10 năm không có bóng dáng các vđv Trung Quốc. Hình ảnh lúc cuối trận Kong Linghui thẫn thờ quăng vợt xuống sàn, còn Ma Lin thì tung vợt lên cao (cao hơn cả quả tung bóng của anh khi giao bóng) có lẽ là một trong những hình ảnh mà khán giả Trung Quốc sẽ không bao giờ quên.

3. Olympic năm 2004 tại Athen:

Sau 2 thất bại khá gần nhau, bộ sậu ban HLV Trung Quốc nung nấu ý định trả thù tại kỳ Olympic này. Họ hành quân đến quê hương phong trào Olympic với 2 vđv đang thực sự bước vào độ chín: Wang Liqin - Ma Lin, và 1 vđv trẻ, thời điểm đó đang được tung hô là "kiệt tác của bóng bàn Trung Quốc": Wang Hao. Thế nhưng, lại tiếp tục là một ác mộng của bóng bàn Trung Quốc. Cơn ác mộng này được bắt đầu với thất bại cực kỳ khó tin của Ma Lin trước Waldner. Nó bất ngờ bởi 2 yếu tố: bản thân Waldner, trước đây vốn đã rất kỵ rơ Ma Lin (chính Waldner cũng phải thừa nhận điều này, và lịch sử đối đầu thậm chí có trận dẫn trước 10-5 mà thua lại !!!), nay lại còn già yếu (giải năm đó đã 39 tuổi, trong khi Ma Lin "mới chỉ" 24). Thế nhưng, với cách lựa chọn lối đánh cực kỳ khôn ngoan, phù hợp với lứa tuổi ^^, anh đã đá đít Ma Lin một cách ngoạn mục với tỷ số 4-1. Hai "khủng long" còn lại, Wang Liqin và Wang Hao, tự "so bó đũa chọn cột cờ" để đi tiếp vào trận Chung kết. Và "cột cờ" đi tiếp, Wang Hao, đem đến trái đắng thứ hai, và cũng là đắng nhất, khi thua trận chung kết trước Ryu Seung Min. Nó đắng không chỉ vì Wang Hao đã để tuột mất huy chương vàng, mà ở tầm cao hơn, một vđv được tung hô là "đạt đến mức hoàn thiện của trường phái Chinese penhold" đã thất bại trước một vđv theo trường phái Japanese/Korean Penhold, vốn luôn bị người TQ coi là không cùng đẳng cấp vợt dọc ^^ Cũng may năm đó Wang Liqin vớt vát thêm được chiếc huy chương đồng sau khi thắng Waldner, chứ không thì cứ gọi là "đắng toàn tập"!

4. Một số trái "không đắng lắm" ^^:

Giải vô địch thế giới năm 2005 tại Thượng Hải, "hot boy" Michael Maze đã suýt làm nên cơn địa chấn khi lần lượt hạ Hao Shuai và Wang Hao bằng một chiến thuật khó tin với bóng bàn đỉnh cao: lốp bóng. Anh chỉ chịu thất thủ trước Ma Lin, lúc này đã thực sự trở thành ma đầu, với một chiến thuật khắc chế hiệu quả: bỏ nhỏ ^^ (chiến thuật thì không mới, ai cũng có thể nghĩ ra, nhưng thực hiện nó mới là vấn đề, vì những cú lốp của Michael Maze năm đó thực sự khó chịu và dai dẳng, bóng luôn rất cao và sâu bàn).

Giải vô địch thế giới năm 2009 tại Yokohama, Ma Lin - vẫn đang trên mây sau chức vô địch Olympic 2008 - suýt chút nữa thì toi mạng với những cú mổ siêu dị, siêu xoáy và lối đánh ôm bàn hiệu quả của cậu bé tuổi teen Kenta Matsudaira. May sao, với bề dày kinh nghiệm đã đạt đến mức đại ma đầu, anh cũng kịp sống sót vớí tỷ số 4-3 (tỷ số séc chung kết là 11-9 !!!)

Trái đắng tiếp theo?

Công bằng mà nói, bóng bàn Trung Quốc có đầy đủ các yếu tố để hùng bá thiên hạ: một ban huấn luyện đầu có sỏi (vốn toàn là các cao thủ đầu có mủ trước đây), một sự đầu tư có định hướng rõ ràng, có mục đích sâu xa, và quan trọng hơn cả là một nguồn tuyển chọn khổng lồ do phong trào bóng bàn phát triển quá rộng rãi. Họ luôn rút kinh nghiệm cực nhanh, hoàn thiện cực nhanh. Những "cừu nhân" đem lại trái đắng cho họ, như Werner Schalger, Joo Se Hyuk, Ryu Seung Min, Kenta,... sau này gặp lại các vđv Trung Quốc đều thua với mức độ càng ngày càng thảm hại. Đất nước được coi là "công xưởng của thế giới" này, theo chu kỳ, lại vừa xuất xưởng một thế hệ siêu nhân tiếp theo mà hiện nay đang "ngửa mặt lên trời hận đời vô đối": Ma Long, Zhang Jike, Xu Xin. Tuy nhiên, "võ công trong thiên hạ không gì là không thể phá giải". Chúng ta, với hy vọng về một nền bóng bàn mang tính cạnh tranh và đa màu sắc, vẫn luôn có quyền hy vọng về những trái đắng tiếp theo của người Trung Quốc!
 

ducphubb

Thượng Sỹ
Đọc bài viết này đã yêu càng yêu say các tượng đài bóng bàn, đam mê + khổ luyện + đầu tư + thời gian + truyền thống = VÔ ĐỊCH THẾ GIỚI
 

Bình luận từ Facebook

Top