Nguyễn Thị Mai
Nhiều người đã từng chứng kiến vận động viên này tung hoành bên bàn bóng thập kỷ 60 đến 80 của thế kỷ trước đã nhận định như vậy về Nguyễn Thị Mai, một trong những tay vợt để lại dấu ấn đậm nét nhất trong làng bóng bàn Hà Nội cũng như Việt Nam.
Hơn 40 năm qua đi kể từ lần đầu Nguyễn Thị Mai cầm đến cây vợt, giờ đây người ta vẫn bắt gặp một Nguyễn Thị Mai cháy hết mình với bóng bàn. Bản thân Nguyễn Thị Mai cũng công nhận, bóng bàn như là duyên nghiệp của chị.
Bén duyên bóng bàn
Có lẽ, nếu khu tập thể Bộ Tài chính những năm 1960 thế kỷ trước không có cái bàn bóng để người trong khu giải khuây sau những giờ làm việc căng thẳng thì chưa chắc có một Nguyễn Thị Mai nổi tiếng trong làng bóng bàn Việt Nam. Khi đó cô bé Mai mới hơn 10 tuổi, lúc rảnh rỗi được mẹ trao nhiệm vụ trông em. Quanh quẩn trong nhà chán, chị em lại bồng bế dắt díu nhau đi quanh khu tập thể, trong đó có nơi đặt bàn bóng. Xem các chú các bác chơi, cô bé Mai thích lúc nào không hay. Rồi như lẽ tự nhiên, cô bé xin được đánh thử. Thấy vậy, các chú, các bác cũng chiều cô bé, cũng đưa bóng cho cô bé tập chơi. Năng khiếu bóng bàn trong Nguyễn Thị Mai được dịp trỗi dậy. Chẳng mấy chốc cô bé thắng luôn cả những người đã từng dạy mình. Thấy Mai thích bóng bàn, gia đình cho cô bé đi tập ở lớp nghiệp dư tại sân Long Biên. Năm đó Nguyễn Thị Mai tròn 12 tuổi. Chính tại đây, các HLV Hà Nội đã phát hiện một cô bé có khả năng trở thành tay vợt hàng đầu cả nước. Tất nhiên người ấy không ai khác ngoài Nguyễn Thị Mai.
Thành danh
Các HLV Hà Nội khi ấy đã không đánh giá nhầm về tài năng của Nguyễn Thị Mai. Chỉ sau một thời gian luyện tập, Nguyễn Thị Mai đã có chỗ đứng vững chắc trong đội tuyển Hà Nội. Năm 15 tuổi, cô bé mê bóng bàn ngày nào của Khu tập thể Bộ Tài chính có tên trong đội tuyển quốc gia tham dự Giải mời Bắc Kinh mở đầu cho một chu kỳ thành công trong sự nghiệp. Sự nghiệp ấy, kéo dài đến năm 1984, được nhớ đến với những dấu ấn đậm nét với 15 chức vô địch trong 18 lần dự giải miền Bắc và Giải vô địch toàn quốc sau ngày đất nước thống nhất. Còn những chức vô địch các giải nhỏ khác đến giờ bản thân chị cũng không nhớ hết. Những khi thi đấu tại giải vô địch miền Bắc, Nguyễn Thị Mai thắng như chẻ tre và phải đến sau ngày đất nước thống nhất, Nguyễn Thị Mai mới có nhiều đối thủ xứng tầm như Lê Thị Kim Tiếng, Trần Hoa Việt... Những trận đấu giữa họ luôn nảy lửa, làm người xem hồi hộp.
Trong thành phần đội tuyển quốc gia Nguyễn Thị Mai cũng được thi đấu ở nhiều nước, cả châu á lẫn châu Âu và bao giờ cũng giữ vị trí chủ lực. Năm 1964, ngay trong lần thi đấu quốc tế đầu tiên ở Giải mời Bắc Kinh, Mai đã giành giải nhất nhóm dưới sau khi hạ các cao thủ đến từ CHDCND Triều Tiên, ấn Độ, Malaixia. Tại Giải vô địch châu á lần thứ nhất năm 1982, Nguyễn Thị Mai cũng lọt vào nhóm 16 tay vợt mạnh nhất. Khi dự ASIAD năm 1982, chị cùng đồng đội giành hạng 6.
Khi đánh giá về Nguyễn Thị Mai, các chuyên gia đều cho rằng đó là một VĐV có lối đánh tiên tiến, hiện đại, kỹ thuật, tư duy chiến thuật tốt và bản lĩnh thi đấu vững vàng. Và yếu tố "năng khiếu" của Nguyễn Thị Mai cũng được coi như chuyện đương nhiên. Tuy vậy khi ai đó nhắc đến chuyện "tài năng là của trời cho", chị không công nhận nhưng cũng không phủ nhận mà chỉ nói thêm:
- Đành rằng bóng bàn là môn chơi cá nhân, đòi hỏi sự tự thân vận động, bản lĩnh của từng người nhưng nói rằng năng khiếu quyết định tất cả cũng chưa đủ. Thành tích cá nhân không bao giờ tách khỏi công lao tập thể. Thời của tôi tuy tình hình đất nước có nhiều khó khăn nhưng VĐV vẫn được Đảng, Nhà nước đầu tư mạnh mẽ. Chế độ ăn hơn người khác, lại còn được đi tập huấn nước ngoài, nhất là ở Trung Quốc, liên tục. Thời đó, đi tập huấn Trung Quốc không mất tiền như bây giờ, quan trọng hơn lại được liên tục cọ xát với những VĐV hàng đầu Trung Quốc, nên trình độ VĐV mình chứ chẳng riêng tôi nhanh chóng tiến bộ. Cho đến sau này tôi vẫn ủng hộ cách làm là đưa VĐV mình đi tập huấn tại Trung Quốc. Cũng phải kể thêm là tôi may mắn được thọ giáo những HLV tâm huyết với nghề của bóng bàn Hà Nội, đặc biệt phải kể đến thầy Lý Ngọc Sơn.
- Thế phương pháp tập luyện có gì đặc biệt khiến chị có bảng thành tích ấn tượng như vậy?
- Tôi không nghĩ phương pháp tập luyện của mình có gì đặc biệt. Tất cả đều bắt nguồn từ thái độ với nghề, ý nghĩ muốn hoàn thiện mình. Nếu không được cầm đến cây vợt thì tôi thực sự khó chịu. Lúc nào rỗi thì tôi tập thêm. Nếu có người tập cùng thì tập với bóng, không có người tập cùng thì tập bổ trợ như di chuyển, chạy bộ...
Tất nhiên thái độ tập luyện ấy không đặc biệt nhưng nếu người ta không thực sự đam mê thì không thể làm được. Điều ấy lại không thiếu ở Nguyễn Thị Mai. Vì vậy mới có một Nguyễn Thị Mai hầu như không thể đánh bại trong làng bóng bàn Việt Nam, suốt những năm chị còn thi đấu.
Nhiều người đã từng chứng kiến vận động viên này tung hoành bên bàn bóng thập kỷ 60 đến 80 của thế kỷ trước đã nhận định như vậy về Nguyễn Thị Mai, một trong những tay vợt để lại dấu ấn đậm nét nhất trong làng bóng bàn Hà Nội cũng như Việt Nam.
Hơn 40 năm qua đi kể từ lần đầu Nguyễn Thị Mai cầm đến cây vợt, giờ đây người ta vẫn bắt gặp một Nguyễn Thị Mai cháy hết mình với bóng bàn. Bản thân Nguyễn Thị Mai cũng công nhận, bóng bàn như là duyên nghiệp của chị.
Bén duyên bóng bàn
Có lẽ, nếu khu tập thể Bộ Tài chính những năm 1960 thế kỷ trước không có cái bàn bóng để người trong khu giải khuây sau những giờ làm việc căng thẳng thì chưa chắc có một Nguyễn Thị Mai nổi tiếng trong làng bóng bàn Việt Nam. Khi đó cô bé Mai mới hơn 10 tuổi, lúc rảnh rỗi được mẹ trao nhiệm vụ trông em. Quanh quẩn trong nhà chán, chị em lại bồng bế dắt díu nhau đi quanh khu tập thể, trong đó có nơi đặt bàn bóng. Xem các chú các bác chơi, cô bé Mai thích lúc nào không hay. Rồi như lẽ tự nhiên, cô bé xin được đánh thử. Thấy vậy, các chú, các bác cũng chiều cô bé, cũng đưa bóng cho cô bé tập chơi. Năng khiếu bóng bàn trong Nguyễn Thị Mai được dịp trỗi dậy. Chẳng mấy chốc cô bé thắng luôn cả những người đã từng dạy mình. Thấy Mai thích bóng bàn, gia đình cho cô bé đi tập ở lớp nghiệp dư tại sân Long Biên. Năm đó Nguyễn Thị Mai tròn 12 tuổi. Chính tại đây, các HLV Hà Nội đã phát hiện một cô bé có khả năng trở thành tay vợt hàng đầu cả nước. Tất nhiên người ấy không ai khác ngoài Nguyễn Thị Mai.
Thành danh
Các HLV Hà Nội khi ấy đã không đánh giá nhầm về tài năng của Nguyễn Thị Mai. Chỉ sau một thời gian luyện tập, Nguyễn Thị Mai đã có chỗ đứng vững chắc trong đội tuyển Hà Nội. Năm 15 tuổi, cô bé mê bóng bàn ngày nào của Khu tập thể Bộ Tài chính có tên trong đội tuyển quốc gia tham dự Giải mời Bắc Kinh mở đầu cho một chu kỳ thành công trong sự nghiệp. Sự nghiệp ấy, kéo dài đến năm 1984, được nhớ đến với những dấu ấn đậm nét với 15 chức vô địch trong 18 lần dự giải miền Bắc và Giải vô địch toàn quốc sau ngày đất nước thống nhất. Còn những chức vô địch các giải nhỏ khác đến giờ bản thân chị cũng không nhớ hết. Những khi thi đấu tại giải vô địch miền Bắc, Nguyễn Thị Mai thắng như chẻ tre và phải đến sau ngày đất nước thống nhất, Nguyễn Thị Mai mới có nhiều đối thủ xứng tầm như Lê Thị Kim Tiếng, Trần Hoa Việt... Những trận đấu giữa họ luôn nảy lửa, làm người xem hồi hộp.
Trong thành phần đội tuyển quốc gia Nguyễn Thị Mai cũng được thi đấu ở nhiều nước, cả châu á lẫn châu Âu và bao giờ cũng giữ vị trí chủ lực. Năm 1964, ngay trong lần thi đấu quốc tế đầu tiên ở Giải mời Bắc Kinh, Mai đã giành giải nhất nhóm dưới sau khi hạ các cao thủ đến từ CHDCND Triều Tiên, ấn Độ, Malaixia. Tại Giải vô địch châu á lần thứ nhất năm 1982, Nguyễn Thị Mai cũng lọt vào nhóm 16 tay vợt mạnh nhất. Khi dự ASIAD năm 1982, chị cùng đồng đội giành hạng 6.
Khi đánh giá về Nguyễn Thị Mai, các chuyên gia đều cho rằng đó là một VĐV có lối đánh tiên tiến, hiện đại, kỹ thuật, tư duy chiến thuật tốt và bản lĩnh thi đấu vững vàng. Và yếu tố "năng khiếu" của Nguyễn Thị Mai cũng được coi như chuyện đương nhiên. Tuy vậy khi ai đó nhắc đến chuyện "tài năng là của trời cho", chị không công nhận nhưng cũng không phủ nhận mà chỉ nói thêm:
- Đành rằng bóng bàn là môn chơi cá nhân, đòi hỏi sự tự thân vận động, bản lĩnh của từng người nhưng nói rằng năng khiếu quyết định tất cả cũng chưa đủ. Thành tích cá nhân không bao giờ tách khỏi công lao tập thể. Thời của tôi tuy tình hình đất nước có nhiều khó khăn nhưng VĐV vẫn được Đảng, Nhà nước đầu tư mạnh mẽ. Chế độ ăn hơn người khác, lại còn được đi tập huấn nước ngoài, nhất là ở Trung Quốc, liên tục. Thời đó, đi tập huấn Trung Quốc không mất tiền như bây giờ, quan trọng hơn lại được liên tục cọ xát với những VĐV hàng đầu Trung Quốc, nên trình độ VĐV mình chứ chẳng riêng tôi nhanh chóng tiến bộ. Cho đến sau này tôi vẫn ủng hộ cách làm là đưa VĐV mình đi tập huấn tại Trung Quốc. Cũng phải kể thêm là tôi may mắn được thọ giáo những HLV tâm huyết với nghề của bóng bàn Hà Nội, đặc biệt phải kể đến thầy Lý Ngọc Sơn.
- Thế phương pháp tập luyện có gì đặc biệt khiến chị có bảng thành tích ấn tượng như vậy?
- Tôi không nghĩ phương pháp tập luyện của mình có gì đặc biệt. Tất cả đều bắt nguồn từ thái độ với nghề, ý nghĩ muốn hoàn thiện mình. Nếu không được cầm đến cây vợt thì tôi thực sự khó chịu. Lúc nào rỗi thì tôi tập thêm. Nếu có người tập cùng thì tập với bóng, không có người tập cùng thì tập bổ trợ như di chuyển, chạy bộ...
Tất nhiên thái độ tập luyện ấy không đặc biệt nhưng nếu người ta không thực sự đam mê thì không thể làm được. Điều ấy lại không thiếu ở Nguyễn Thị Mai. Vì vậy mới có một Nguyễn Thị Mai hầu như không thể đánh bại trong làng bóng bàn Việt Nam, suốt những năm chị còn thi đấu.