Em thấy nhiều bác chê việc nghiên cứu các lý thuyết cơ bản về toán học, vật lý ứng dụng trong bóng bàn, toàn thấy nói cứ tập luyện thật nhiều và đúng phương pháp là giỏi lên. Em không hề phản bác việc thực hành, thực tập, luyện tập thật nhiều vì bản chất phải như thế mới đúng (văn ôn, võ luyện mà, các cụ đã nói hàng ngàn đời rồi, có sai đâu). Nhưng việc tập thế nào cho đúng (chỉ nói về một cú đánh rất phổ biến như giật bóng thôi chẳng hạn), cho chính xác thì là cả một vấn đề phức tạp mà chỉ kinh nghiệm không thôi sẽ không đầy đủ (chỉ là không đầy đủ thôi nhé, em không nói là sai).
Không chỉ với môn bóng bàn, môn đua xe F1 và tennis em thấy người ta nghiên cứu về vấn đề vật lý ứng dụng rất nhiều.
Chẳng hạn với môn F1, hình như trên BBC sport (em nhớ không chính xác) có bài viết về việc vào cua một góc 90 độ thì người ta đã sử dụng lý thuyết vật lý để tìm ra vận tốc tối ưu trước khi phanh để vào cua, khoảng cách tối ưu từ lúc bắt đầu phanh đến góc cua, khoảng cách tối ưu từ lúc bắt đầu đánh lái để vào cua, góc tối ưu của trục xe với đường tim đường,.... nói chung là rất nhiều. Em không nghĩ người ta nghiên cứu để cho vui; Hamilton, Vettel, Rosberg, Raikonen,... không nghe, không đọc, không biết và không áp dụng mà lái xe hoàn toàn do cảm giác. Đúng là lái xe được như các ông này thì thế giới chỉ có vài người, do tài năng thiên bẩm, do luyện tập chăm chỉ, do cảm giác không gian và bản lĩnh, do nhiều thứ khác nữa, nhưng chắc người ta cũng sử dụng tất cả các giác quan có thể để thực hiện đúng được như lý thuyết nhằm tạo ra vận tốc tối đa cho xe trên mỗi đoạn đường, góc cua (không nói những lúc chèn nhau, vượt nhau).