Đinh Quang Linh đoạt HCĐ đơn nam
TTO – Tối 14-9, tay vợt Đinh Quang Linh của đội tuyển Việt Nam A đã giành HCĐ nội dung đơn nam Giải bóng bàn quốc tế Cây vợt Vàng 2013 diễn ra tại Nhà thi đấu Phan Đình Phùng (TPHCM) sau khi để thua 2-4 trước đối thủ người Hàn Quốc Kim Bum Seob ở bán kết.
Tuy chủ nhà VN có đến 16 tay vợt tham dự vòng đấu bảng nội dung đơn nam nhưng chỉ có hai tay vợt kỳ cựu là Đinh Quang Linh và Trần Tuấn Quỳnh giành quyền vào vòng đấu loại trực tiếp (vòng 1/16). Ở vòng 1/16, Quang Linh vượt qua tay vợt người Nhật Bản Hon Tai Shi với tỉ số 4-2 (11-7, 8-11, 11-9, 11-5, 12-14, 14-12) trong khi Tuấn Quỳnh thắng đối thủ Muhd Shakirin Ibrahim (Malaysia) với tỉ số 4-0 (11-8, 11-6, 11-2, 12-10). Đáng tiếc là ở vòng tứ kết, hai tay vợt này phải loại nhau và Quang Linh đã giành chiến thắng trước Tuấn Quỳnh với tỉ số 4-0 (11-6, 11-8, 12-10, 12-10).
Trận bán kết giữa Quang Linh và tay vợt Hàn Quốc Kim Bum Seob diễn ra hấp dẫn. Ván đầu tiên, Kim Bum Seob giành chiến thắng sát nút 11-9. Tuy nhiên, được “tiếp lửa” từ rất đông khán giả nhà, Quang Linh đã chơi quật khởi để thắng hai ván tiếp theo với tỉ số 11-5, 12-10. Nhưng đúng lúc khán giả Việt Nam kỳ vọng Quang Linh sẽ lội ngược dòng thành công thì anh lại tỏ ra căng thẳng và có nhiều pha đánh bóng hỏng vô cùng đáng tiếc. Do đó, dù rất nỗ lực nhưng Quang Linh đã thua liền ba ván tiếp theo với các tỉ số 12-14, 8-11, 8-11 và thua chung cuộc 2-4 trước Kim Bum Seob và đành nhận HCĐ.
Chiếc HCV nội dung đơn nam đã thuộc về tay vợt người Hàn Quốc Lee Jin Kwon sau khi anh giành chiến thắng 4-1 trước tay vợt đồng hương Kim Bum Seob ở trận chung kết. Như vậy, chiếc HCĐ của Quang Linh là huy chương thứ hai của các tay vợt Việt Nam tại giải sau khi đội nữ Petrosetco TPHCM đã giành HCB nội dung đồng đội nữ.
Ở nội dung đơn nữ, Việt Nam chỉ có mỗi tay vợt Mai Hoàng Mỹ Trang (đội Petrosetco TPHCM) vượt qua vòng đấu báng. Tuy nhiên, ở vòng đấu loại trực tiếp đầu tiên (vòng 1/16), Mỹ Trang đã để thua đối thủ người Hàn Quốc Park Cha Ra với tỉ số 0-4 (10-12, 2-11, 10-12, 6-11).
HCV nội dung đơn nữ đã thuộc về tay vợt người Nhật Bản Kato Kyoka, người đã xuất sắc đánh bại tay vợt hạng 92 thế giới của Singapore Lin Ye ở trận chung kết với tỉ số nghẹt thở 4-3.
Sau ba ngày thi đấu, ngôi vô địch toàn đoàn đã thuộc về các tay vợt Hàn Quốc khi với 2HCV, 1HCB và 2HCĐ.
“Cây vợt vàng” vẫn đáng xem
TT - Những cơn mưa Sài Gòn dai dẳng nhiều ngày qua đã không cản nổi bước chân hàng ngàn lượt người hâm mộ hội tụ về nhà thi đấu Phan Đình Phùng (TP.HCM) cổ vũ các tay vợt tại giải bóng bàn quốc tế Cây vợt vàng lần 27 - năm 2013.
Dù là ngày thường nhưng sáng 13-9, khán giả vẫn kéo về nhà thi đấu Phan Đình Phùng ngồi chật một góc khán đài. Ông Hồ Nhật Tuấn chia sẻ: “Dù chất lượng giải có đi xuống so với trước đây nhưng Cây vợt vàng vẫn là giải bóng bàn quốc tế truyền thống đáng tự hào của VN. Thật lòng mà nói, ngoài giải này người mê bóng bàn TP.HCM cũng chẳng có nhiều giải để xem”.
Thật vậy, Cây vợt vàng 2013 đang phải “chịu đựng” những khó khăn về kinh tế. Ông Nguyễn Trọng Trúc - tổng thư ký Liên đoàn Bóng bàn TP.HCM - chia sẻ: “Lần đầu tiên trong gần 20 năm qua, giải không có được nhà tài trợ chính. Dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm giữ giải (Cây vợt vàng là giải bóng bàn duy nhất của VN nằm trong hệ thống thi đấu của Liên đoàn Bóng bàn quốc tế). Tuy nhiên trừ chi phí bắt buộc do yêu cầu tổ chức, các chi phí còn lại đều bị cắt giảm, kể cả họp báo giới thiệu giải với cơ quan truyền thông”.
Thời thịnh vượng, Cây vợt vàng từng đón những tay vợt hàng đầu thế giới như Ma Lin (HCV Olympic 2008 và bốn lần vô địch World Cup bóng bàn), Liu Guozheng (từng vô địch đồng đội thế giới 2001 và 2004), Joo Sae Hyuk (Hàn Quốc, á quân Giải vô địch thế giới 2003) hay nhà vô địch nữ thế giới 2010 Li Jiawei (Singapore)... Nhưng giải năm nay chỉ có ba tay vợt dưới hạng 100 thế giới là Park Xue Jie (Singapore, hạng 88 nam thế giới), Lin Ye (Singapore, hạng 92 nữ thế giới) và Komwong Nanthana (Thái Lan, hạng 99 nữ thế giới) tham dự.
Dù vậy, dưới mắt của nhiều khán giả VN, Cây vợt vàng 2013 vẫn có điểm đáng xem. Ông Lý Hảo, khán giả trung thành của Cây vợt vàng ngay từ những ngày đầu ra đời, cho biết: “Đừng nhìn vào thứ hạng mà đánh giá cả giải đấu. Tôi yêu thích lối đánh của các tay vợt trẻ đến từ Hàn Quốc, Singapore và đặc biệt là Nhật Bản. Các trận đấu bây giờ diễn ra nhanh hơn và đẹp mắt hơn trước đây”. Trong khi đó, ông Đặng Hồng Sơn, chủ một CLB bóng bàn ở quận Phú Nhuận, cho rằng giải sẽ mang đến nhiều bài học quý cho các tay vợt VN. Lối đánh trẻ trung có phần hồn nhiên của các tay vợt tuổi học trò Nhật Bản, Hàn Quốc là điểm nổi bật nhất.
Mặt khác, việc không có nhiều tay vợt sừng sỏ của bóng bàn thế giới tham dự sẽ làm tăng cơ hội cho các tay vợt chủ nhà “săn” ngôi vô địch và điều này là động lực kéo khán giả đến sân nhiều hơn. Một yếu tố khác lý giải cho sự tồn tại của giải bóng bàn truyền thống này là phong trào chơi bóng bàn ngày một phát triển ở TP.HCM, bất chấp sự sa sút về mặt thành tích đỉnh cao của bóng bàn đỉnh cao.
Minh chứng là nhiều khán giả đến với giải đấu là các tay vợt chỉ mới tập luyện chơi bóng bàn. Chị Huỳnh Dạ Thảo, thường sinh hoạt tại CLB bóng bàn ở Trung tâm thể thao Bình Thạnh, cho biết: “Đây là lần đầu tiên tôi đến xem Cây vợt vàng nhưng tôi thật sự thích thú với giải đấu này bởi quy tụ nhiều tay vợt nước ngoài với nhiều trường phái, lối đánh rất khác nhau”.
(Tuoitre)