Thông báo sớm: thông báo này là thông báo chính thức để thông báo cho mems BTTA rằng: ai đọc được thông báo phải suy nghĩ kỹ và nhận định rõ ràng về thông báo đã được thông báo với nội dung dưới đây:
Ngày 27/9/2014 mời toàn bộ BTTA đi tham gia chuyến giao lưu đặc biệt tại huyện miền núi Nam Giang trong một ngày. Đây là chuyến giao lưu, dã ngoại hiếm có của Hội, chúng ta sẽ được về với đại ngàn, sông suối và rượu Tà Vạt thơm ngọt dịu dàng, say tê mê tẩn mẩn. Dịp này là cuối cùng của 1 năm thành lập hội và chuẩn bị mời và kết nạp các hội viên mới. Kế hoạch đã chuẩn bị nửa tháng nay, súng đã lên nòng, xe đã đổ xăng, kiếm đã mài, rượu và mồi đã dọn sẵn. Mời mọi người hãy chuẩn bị sắp xếp hành trang và tiến về Tây Hạ ... Xin thông báo và trân trọng!
Zờ Rá - hương vị núi rừng Nam Giang
Nam Giang, là huyện miền núi thuộc tỉnh Quảng Nam, cách phố cổ Hội An 67km về hướng Tây Bắc. Đây là vùng đất sinh sống của đồng bào các dân tộc ít người như Cơtu, Ve, Tà Riêng. Chúng ta đến Nam Giang xuyên qua đường 14D lịch sử, 2 bên núi rừng hùng vĩ, sông suối trữ tình.
Về Nam Giang chúng ta sẽ đến thăm làng Zara xem các cô Sơn nữ, bàn tay mềm như lụa thoăn thoắt dệt, đan những sản phẩm bằng thổ cẩm. Du khách sẽ đến thăm làng TaBhing, khu bảo tồn thiên nhiên Sông Tranh, suối Grăng, thác nước nóng Đắc Pring tận hưởng không gian thanh vắng của gió núi mây ngàn. Đến Nam Giang sẽ được tìm hiểu cuộc sống văn hóa, sinh hoạt cùng người dân miền sơn cước.
Khi đến Nam Giang không thể không thưởng thức một lần những món ăn truyền thống mang đậm hương vị của núi rừng như cơm lam, rau rừng, thịt, Rượu Tà Vạt....
Zờ Rá là một món ăn rất đặc trưng và nhiều người biết đến nhất.
Zờ Rá - theo ngôn ngữ Cơtu chỉ hành động đập, giã, làm vỡ vụn một thứ gì đó, và đó cũng là cách để tạo nên món ăn khá đặc biệt này, một món ăn mà đa số người Cơtu đều làm được. Nguyên liệu chế biến khá phong phú, bao gồm các loại rau, lá trong rừng như: đọt chè, môn rừng, dọc mùng (A dót), tiêu, ớt đỏ… Đặc biệt để tạo nên món này phải có cây mây rừng (A dương) thì mới đúng chất Zờ Rá được.
Bên cạnh đó còn có một số loại thịt tươi sống được kết hợp để tạo nên hương vị khác như kỳ nhông (Ca Dong), gà rừng, các loại cá trên suối, óc hươu nai, trâu… cũng được sử dụng.
Để chế biến được món này, cần chuẩn bị một số ống lồ ô dài và to làm dụng cụ nấu chín. Việc chế biến cũng rất công phu, đòi hỏi nhiều kinh nghiệm và sự khéo léo mới có được một sản phẩm như ý, thơm ngon đúng chất Zờ Rá. Bước đầu, cho tất cả nguyên liệu cần thiết vào trong ống cây lồ ô và đổ thêm một lượng nước vừa phải. Sau đó, cho ống lồ ô (lúc này đóng vai trò của chiếc nồi) vào bếp lửa. Hương thơm từ lồ ô quyện vào các thực phẩm khác làm tăng thêm vị đậm đà cho món ăn.
Khi thấy hỗn hợp thức ăn bên trong nóng lên, thì bắt đầu làm nhuyễn thức ăn bằng một đoạn móc gai của cây mây rừng xộc mạnh vào khoảng 25 đến 30 phút cho đến khi chín rồi cho ra đĩa. Tốt nhất, Zờ Rá phải thưởng thức ngay khi còn nóng mới cảm nhận hết được mùi vị làm say lòng người của nó.
Để có món Zờ Rá tuyệt hảo, người làm cần chú ý một số công đoạn sau: Khi cho ống lồ ô vào bếp lửa để đun thức ăn bên trong không bị cháy thì phải có lượng nước phù hợp với lượng nguyên liệu bên trong. Nếu nhiều hoặc ít nước đều ảnh hưởng đến chất lượng món ăn. Khi đun phải châm nước đều đặn, dùng tua móc của cây mây xộc mạnh vào trong ống lồ ô để thức ăn chín và nhuyễn ra.
Ấn tượng nhất khi thưởng thức món Zờ Rá là vị cay nồng của tiêu, ớt đỏ, vị chát của các loại lá, mùi thơm của thịt và vị đắng của đọt mây rừng. Các vị này kết hợp, hòa quyện với nhau tạo nên hương vị đậm đà nơi đầu lưỡi của người ăn.
Người dân dùng món này để tiếp đãi khách quý ở Gươl, làm lễ vật dâng lên thần linh trong các dịp lễ hội P’Ngót (lễ kết nghĩa giữa các làng), mừng lúa mới, đâm trâu... Vì thế, trong văn hóa ẩm thực Cơtu, bên cạnh rượu Tà Vạt thì Zờ Rá đã trở thành một phần không thể thiếu, thể hiện nét đặc trưng cho văn hóa của con người nơi đây.