Hai tuyển thủ miền Bắc đều vô địch đơn
Đối với khán giả hâm mộ môn bóng bàn thì giải vô địch toàn quốc 1978 từ ngày 22 đến 26.3 tại thành phố biển Quy Nhơn là mùa giải gây nhiều ấn tượng nhất, vì đây là giải vô địch quốc gia lần đầu tiên sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất và là cuộc hội ngộ đầu tiên của những cây vợt hàng đầu của 2 miền Nam - Bắc.
Giải diễn ra đầy sôi nổi, cao trào là cuộc đối đầu căng thẳng và đầy kịch tính giữa 2 lối đánh đại diện cho 2 trường phái trong trận chung kết.
Bên đây là tuyển thủ Nguyễn Ngọc Phan (Trường Đại học Thể dục thể thao Từ Sơn) dưới sự chỉ đạo của huấn luyện viên Nguyễn Danh Thái (nay là Bộ trưởng - Chủ nhiệm Uỷ ban Thể dục Thể thao), từng 7 lần vô địch quốc gia và hơn 30 lần đem chuông đi đánh xứ người.
Bên kia là tuyển thủ Vương Chính Học (TP.Hồ Chí Minh) - đương kim vô địch miền Nam, huy chương Bạc đơn nam SEA Games 1973 tại Singapore.
Anh Phan cầm vợt ngang (có sử dụng 1 mặt vợt phản xoáy) với lối đánh công thủ toàn diện, sở trường là quả đánh phải tay tuy lực không mạnh nhưng điểm rơi cực kỳ biến hoá.
Còn anh Học với phong cách đánh hiện đại, ôm bàn tấn công cả 2 mặt phải trái tay nhưng thể lực có phần hạn chế.
Kết quả phần thắng nghiêng về tuyển thủ miền Bắc Nguyễn Ngọc Phan, trong đó có công rất lớn của huấn luyện viên Nguyễn Danh Thái nhờ chỉ đạo rất sát và thay đổi chiến thuật hợp lý trong từng thời điểm.
Về nữ vào đến trận then chốt cuối cùng cũng là đại diện của 2 miền: Một là danh thủ Nguyễn Thị Mai - từng vô địch 11 lần miền Bắc và hạng ba giải quốc tế Á Phi, với lối đánh cắt bóng biến hoá, công thủ khá toàn diện. Với bước chân di chuyển nhịp nhàng và khuôn mặt rất tươi trong thi đấu Nguyễn Thị Mai đã chiếm được cảm tình của khán giả có mặt trên khán đài.
Còn đối diện là cựu vô địch Đông Nam Á vận hội Trần Hoa Việt, có thân hình "hộ pháp" (chị cũng là tuyển thủ bóng rổ) cầm vợt thìa với sở trường giao bóng công né bạt phải dứt điểm đầy uy lực.
Trong một buổi thi đấu cực kỳ sung sức nên cô gái thủ đô Hà Nội Nguyễn Thị Mai đã giành chiến thắng đầy sức thuyết phục với tỉ số rất đậm 3-0 và đoạt chức quán quân một cách xứng đáng. Rồi đến giải vô địch quốc gia năm 1982 tại sân Bình Thạnh (TP.Hồ Chí Minh), chị đã lập kỷ lục đoạt chức quán quân cả 4 nội dung mà mình tham dự gồm: đồng đội, đơn, đôi và đôi nam nữ phối hợp.
Hiện nay cả 2 danh thủ đoạt chức vô địch giải toàn quốc 1978 đều đang sống tại Việt Nam. Chị Nguyễn Thị Mai vừa mới rời chức Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bóng bàn Hà Nội (vì đến tuổi về hưu) và anh Nguyễn Ngọc Phan vẫn thỉnh thoảng cầm vợt tập luyện tại Câu lạc bộ Bóng bàn hưu trí quận 10 (TP.Hồ Chí Minh).
Ngược lại, chị Trần Hoa Việt đang sống tại Mỹ, còn anh Vương Chính Học đang ngụ tại Đức và đã nhiều lần về Việt Nam với dự định sẽ thành lập công ty.
Vinh Hiển (Báo Lao động)
Đối với khán giả hâm mộ môn bóng bàn thì giải vô địch toàn quốc 1978 từ ngày 22 đến 26.3 tại thành phố biển Quy Nhơn là mùa giải gây nhiều ấn tượng nhất, vì đây là giải vô địch quốc gia lần đầu tiên sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất và là cuộc hội ngộ đầu tiên của những cây vợt hàng đầu của 2 miền Nam - Bắc.
Giải diễn ra đầy sôi nổi, cao trào là cuộc đối đầu căng thẳng và đầy kịch tính giữa 2 lối đánh đại diện cho 2 trường phái trong trận chung kết.
Bên đây là tuyển thủ Nguyễn Ngọc Phan (Trường Đại học Thể dục thể thao Từ Sơn) dưới sự chỉ đạo của huấn luyện viên Nguyễn Danh Thái (nay là Bộ trưởng - Chủ nhiệm Uỷ ban Thể dục Thể thao), từng 7 lần vô địch quốc gia và hơn 30 lần đem chuông đi đánh xứ người.
Bên kia là tuyển thủ Vương Chính Học (TP.Hồ Chí Minh) - đương kim vô địch miền Nam, huy chương Bạc đơn nam SEA Games 1973 tại Singapore.
Anh Phan cầm vợt ngang (có sử dụng 1 mặt vợt phản xoáy) với lối đánh công thủ toàn diện, sở trường là quả đánh phải tay tuy lực không mạnh nhưng điểm rơi cực kỳ biến hoá.
Còn anh Học với phong cách đánh hiện đại, ôm bàn tấn công cả 2 mặt phải trái tay nhưng thể lực có phần hạn chế.
Kết quả phần thắng nghiêng về tuyển thủ miền Bắc Nguyễn Ngọc Phan, trong đó có công rất lớn của huấn luyện viên Nguyễn Danh Thái nhờ chỉ đạo rất sát và thay đổi chiến thuật hợp lý trong từng thời điểm.
Về nữ vào đến trận then chốt cuối cùng cũng là đại diện của 2 miền: Một là danh thủ Nguyễn Thị Mai - từng vô địch 11 lần miền Bắc và hạng ba giải quốc tế Á Phi, với lối đánh cắt bóng biến hoá, công thủ khá toàn diện. Với bước chân di chuyển nhịp nhàng và khuôn mặt rất tươi trong thi đấu Nguyễn Thị Mai đã chiếm được cảm tình của khán giả có mặt trên khán đài.
Còn đối diện là cựu vô địch Đông Nam Á vận hội Trần Hoa Việt, có thân hình "hộ pháp" (chị cũng là tuyển thủ bóng rổ) cầm vợt thìa với sở trường giao bóng công né bạt phải dứt điểm đầy uy lực.
Trong một buổi thi đấu cực kỳ sung sức nên cô gái thủ đô Hà Nội Nguyễn Thị Mai đã giành chiến thắng đầy sức thuyết phục với tỉ số rất đậm 3-0 và đoạt chức quán quân một cách xứng đáng. Rồi đến giải vô địch quốc gia năm 1982 tại sân Bình Thạnh (TP.Hồ Chí Minh), chị đã lập kỷ lục đoạt chức quán quân cả 4 nội dung mà mình tham dự gồm: đồng đội, đơn, đôi và đôi nam nữ phối hợp.
Hiện nay cả 2 danh thủ đoạt chức vô địch giải toàn quốc 1978 đều đang sống tại Việt Nam. Chị Nguyễn Thị Mai vừa mới rời chức Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bóng bàn Hà Nội (vì đến tuổi về hưu) và anh Nguyễn Ngọc Phan vẫn thỉnh thoảng cầm vợt tập luyện tại Câu lạc bộ Bóng bàn hưu trí quận 10 (TP.Hồ Chí Minh).
Ngược lại, chị Trần Hoa Việt đang sống tại Mỹ, còn anh Vương Chính Học đang ngụ tại Đức và đã nhiều lần về Việt Nam với dự định sẽ thành lập công ty.
Vinh Hiển (Báo Lao động)