Huyền sử Nhà Quàn CLB
Nhà Quàn là nơi không hẳn là dương thế nên cái gì cũng ỡm ờ, hư thực.
Người viết mạo muội chép ra lời kể của những bậc hiền nhân
nhằm để lại cho hậu thế những sử liệu quí giá, thậm chí còn… chưa hề xảy ra
để phòng thời gian và cái thú hay họp báo của con người
làm cho lẫn lộn, sai lệch, rồi lại sinh chuyện cá độ đúng, sai… tốn bia thiên hạ.
Chương I. KHỞI THỦY
Ngày xửa ngày xưa, có lẽ cùng thời Kinh Dương Vương ở bên Tàu đi tuần thú phương nam, có một Cao nhân tên gọi Trưởng Ban chu du thiên hạ để tìm đất lập nghiệp. Không biết Trưởng Ban có họ hàng gì với ông Lỗ Ban bên Tàu hay không nhưng nghe nói, Ông là một người cao lớn, quắc thước, có tài hô bia, gọi món. “Cao lớn” thì chắc là đúng vì đồn rằng Ông có thể đứng bên mép phải bàn bóng mà vẫn với được sang mép trái bàn để cứu những quả “dọc dây” chứng tỏ là tay dài, tay dài thì chân cũng dài và tất nhiên là người phải cao, cao thì phải to. “Quắc thước” thì không rõ lắm nhưng Ông chỉ cần quắc mắt một cái là ối kẻ trở thành nạn nhân nộp mạng… à, à, nộp bia.
Một ngày kia, sau khi đi loanh quanh trong… khu vực gần nhà khá lâu, đầu óc cũng đã ngây ngất, Ông ngồi thụp xuống nghỉ. Trong lúc nửa tỉnh nửa thức, Ông thấy như lạc vào động tiên. Những tiên ông cao to, râu xồm, mắt biếc vật vờ trong hương khói cùng tiếng kèn trống nỉ non. Một tiên ông bất thình lình chọi bóng vào bụng (giao bóng không tung theo luật) khiến Ông giật mình tỉnh hẳn, thấy mình đang ở trong một tòa nhà trần cao vút, âm u, tù mịch, xa xa có cái biển ghi chữ Nhà Quan (thực ra là Nhà Quàn của nghĩa địa Tây xưa kia). Ông reo lên trong bóng tối “cơm áo là đây, hạnh phúc đây rồi”, hẳn đây là nơi địa linh, nhân kiệt, rồng tung, hổ hứng.
Chương II. DỰNG CỜ
Từ đó, Ông quyết định đô xây dựng cơ nghiệp. Hay tin, có nhiều Nhân kiệt tìm về với Ông, nếu không tìm về thì Ông tìm đến lôi về cho bằng được. Điển hình có kiệt Tùng được Ông thương thảo mua về với giá 2 đĩa thịt chó hấp (rẻ quá! Chắc thời đó chó Nhật còn đang lên ngôi. Có người nói lúc chuyển nhượng là 2 tấn thịt chó, sau do truyền miệng, qua mỗi miệng lại hao đi 1 miếng, giờ chỉ còn 2 đĩa. Cũng có giả thiết cho rằng chỉ công bố 2 đĩa là để nhằm trốn thuế). Kiệt Tùng nhờ có đức trọng, tài cao, sau được phong Thánh Tê-ung-Than (Tùng Than), thoát kiếp Tùng Khỉ nơi Hoa quả sơn (tiếng tây gọi là Doximex) ngày nào.
Tiếp theo là một loạt các hoạt động khai khẩn, mở mang bờ cõi. Sau khi tậu được 1 cái bàn bóng có vị trí đẹp, dựa vào nguồn thu sưu thuế ngày càng nặng, Ông tiếp tục thôn tính được 2 cái bàn ở kề hai bên tạo thành thế chân vạc vững chắc. Các đạo luật dần dần ra đời trên cơ sở tiếp nhận tư tưởng Nho giáo dòng chính thống, đề cao “trung quân ái quốc”, “trọng nghĩa khinh tài”… ối người tài đã phải ngậm ngùi ra đi vì tinh thần “trọng nghĩa” của Ông. Tinh thần này sau được cụ thể hóa hơn với khẩu hiệu “không tài cao thì thóc phải mẩy”.
Tuy hành xử như một nhà độc tài, nhưng tâm Ông sủi đầy bọt văn hóa. Ông cho dựng văn để ghi danh những người có công. Nghe nói nguyên tác văn này vẫn còn được lưu giữ cho đến ngày nay và có thể tra cứu trên trang Diễn đàn Bóng bàn chấm o rờ gờ. Ông cũng đặt ra các ngày lễ lớn để thường xuyên đề cao tinh thần hướng về cội nguồn và tôn vinh bản sắc băng tộc.
Chương III. CÁC LỄ, TỤC VÀ QUÁI TÍCH
Lễ Phục sinh: tương truyền là ngày Ông được tái đắc cử vị trí Trưởng Ban (trưởng bàn) với 99% số phiếu bầu, trùng với ngày đội tuyển bóng đá Việt Nam chiến thắng vinh quang đội Thái Lan để giành chức vô địch AFF Cup 2008. Giới báo chí và sử gia đồn rằng Ông cố tình tổ chức bầu cử vào đúng cái lúc đội tuyển VN đang thi đấu căng thăng để mọi người bầu nhanh cho xong thủ tục hơn nữa, nếu đội nhà thắng, cả nước ăn mừng cũng là ăn mừng ngày Phục sinh của Ông. (quả là tuyệt chiêu!)
Lễ Xá tội vong nhân: là ngày Ông mở lòng khoan dung đối với Hòa thượng Thích Quần Dài (Thịnh “quần dài” - thích mặc quần dài khi chơi bóng) sau những tranh giành ảnh hưởng giáo phái dai dẳng. Được cảm hóa, vị hòa thượng sau này không còn chỉ trích những hành vi “phi phàm”, “ngẫu hứng ngựa ô” của Ông nữa.
Lễ Tình nhân (Valentine): là ngày Ông chia tay với Thánh Bê-inh-coi (Bình “cối”) để chấm dứt dư luận về sự quyến luyến bất thường. Tương truyền khi đó, để thể hiện tình cảm sâu kín của mình, Ông nhúng ngón tay vào vại bia rồi bôi lên đùi Thánh Bình hình 2 trái tim sấp - ngửa. Có lẽ tình cảm này là có thật và thật sự sâu sắc đến nỗi sau này, chỉ cần Ông sai người đem biếu Thành Bình 2 vại bia hơi là ngay lập tức Thánh Bình đáp lễ lại bằng 2 tuần bia đầy đủ, còn kèm theo một tờ tiền mệnh giá to nhất cho vào công quỹ.
Tục Xông đất đầu năm: phú quý sinh lễ nghĩa. Ông thành lập quỹ phòng khi gia đình các môn đệ có hiếu, hỷ, ốm đau. Có câu chuyện xúc động rằng sau 10 năm, Ông mới chợt nhớ cần phải xông đất lấy may đầu năm cho Thánh Chi-en-tho (Chiến “thỏ”) nhưng thánh này nằng nặc từ chối vì 10 năm nay, Thánh đang làm ăn rất phát đạt.
Từ đó, tục xông đất đầu năm không còn ai dám nhắc tới nữa rồi thất truyền!
Tích Chân đi 4 giầy: thấy Thánh Dũng đi đôi giày hiệu Adidas rất đẹp, Thánh Ti-Phu-Nha-Ti (“tỉ phú” Nhất) hỏi mua ở đâu, Thánh Dũng nói ở đó, ở đó… Hôm sau, Thánh Nhất gọi điện bảo tìm mãi mà chưa thấy, sốt sắng Thánh Dũng đến tận Tràng Tiền Plaza thấy còn một đôi duy nhất, nhưng cửa hàng đang dọn hàng, đóng cửa để nghỉ tết vì đã là chiều 30 rồi. Cuống lên, Thánh Dũng một mặt gọi điện bảo Thánh Nhất đến cửa hàng ngay, mặt khác xuất 2 nén bạc (tương đương 2,4 triệu ngày nay) mua luôn đôi giày và đợi Thánh Nhất tới để kịp có giày chơi tết. Thánh Nhất vội vàng tới ngay, tươi cười nhìn đôi giày khen đẹp, lại vừa khít, chỉ có điều bỗng dưng Thánh lại không thích cái màu đó! Nghe thấy thế Thánh Dũng ngẩn người “bỗng dưng muốn khóc”!!!
Lẽ nào chân đi 4 giày một lúc (?) Thánh Dũng đành ngậm giày làm ngọt, găm hàng đợi chứng khoán xanh sàn thì bán ra cắt lỗ. Do cử chỉ hào hiệp này, lại thêm vụ nhiệt tình mua giúp 1 lố bít tất nhưng người nhận lại tưởng là quà biếu nên không trả tiền, Thánh Dũng được phong danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân (vì dân phục vụ), gọi là Dũng “nghệ sĩ” cho nó vuông.
Tích Đại gia súc vật: Thánh Lam-Da-ta (Lâm “đất”) khi được Trưởng Ban gợi ý phong cho danh hiệu “đại gia”, biết chuyện chẳng lành bèn chối đây đẩy, lại còn ví von “em chỉ là đại gia “Đất” vô tri vô giác mà thôi, còn nhiều đại gia Súc vật đáng quan tâm hơn”. Sao lại “súc vật?” Trưởng Ban hỏi. Này nhé Chiến “thỏ”, Tùng “khỉ”, Quyền “bê”, Ban “sườn cừu”… chẳng toàn là súc vật thì gì (trả lời).
Bó cái tay là bó cái tay. Đúng là “Đất”, phải gọi là “động vật” mới phải chứ!
Kể từ đó, mọi người mới thấy được tầm quan trọng của văn hóa trong thể thao. Phân biệt được thế nào là”gia súc”, “động vật”, “tĩnh vật”… thật không phải dễ!
Còn nhiều quái tích, hủ tục lắm, kể ngay một lúc cũng được… nhưng không nhớ!
Chương IV. DANH GIA VỌNG TỘC
Trải qua mấy ngàn năm gây dựng cơ đồ, Nhà Quàn CLB đã trở nên có tiếng tai, vị thế. Sau Đại chiến thế giới lần thứ nhất (Giải Vô địch Bóng bàn nghiệp dư khu vực Hà Nội mùa giải 2008), Nhà Quàn cũng có vị trí trong Top 10. Có nhiều Thánh được sắc phong lên thứ hạng cao, được ban cho áo gấm có ghi “VĐV xuất sắc nhất vòng…” làm kỷ niệm. Lại vào dịp cuối năm nên yến tiệc linh đình, ngày ngày tiệc nhỏ, tuần tuần tiệc to... các Thánh tha hồ đánh chén.
Thấy vui, anh hùng hào kiệt lui tới dập dìu, nhiều người được sung vào đội Thánh chiến như Tuấn “sẹo”, Quang “ngủ”, Tính “béo”, Thắng “gai” Trung Tự…
Đại chiến thế giới lần thứ hai (Mùa giải năm 2009). Với binh hùng, tướng mạnh, Trưởng Ban xưng Đế, đích thân dẫn 2 đạo quân (đội hình B và C) nhằm hướng Trung Nguyên cong tiến (không thể thẳng tiến được mà phải cong tiến vì 2 đạo quân tạo thành thế gọng kìm mà).
Chép đến đây, bỉ nhân cảm thấy xây xẩm mặt mũi, hình như là tụt đường huyết.
Người đâu, cho một tuần bia.
Do chép vội (e các bậc hiền nhân cũng không còn tỉnh táo nữa) nên có gì chửa phải mong các quí vị độc giả chỉ giáo
và bổ sung, hiệu đính cho.
Kính dâng Nhà Quàn CLB.
17/2/2009.
Dũng NS.