1 bài khá hay về Lin Yun Ju

bachikho

Đại Tá
1699318474320.png



Sau khi cùng đồng đội giành được huy chương đồng bóng bàn nội dung đôi nam nữ về cho Đài Loan tại Olympic Tokyo, Lâm Quân Nho (Lin Yun-ju), chỉ mới 20 tuổi, đã nổi tiếng sau một đêm. Ít ai biết được, tuyển thủ bóng bàn thế hệ trẻ số một của Đài Loan này đã tham gia thi đấu trong bộ môn bóng bàn hơn mười năm. Olympic lần này chỉ là một trong số các cột mốc trong cuộc đời vận động viên của anh.

Mùa hè năm nay, Olympic Tokyo như là đường phân cách rõ ràng nhất cho bầu nhiệt huyết của toàn thể người dân trong nước. Trước Thế vận hội, Lâm Quân Nho là tuyển thủ hàng đầu chỉ nổi tiếng trên đấu trường bóng bàn, nhưng bây giờ anh đã trở thành minh tinh bóng bàn nổi tiếng khắp thế giới, ai ai cũng biết.

Tuy nhiên, khi quan sát anh chàng luôn thẹn thùng và có chút e dè mỗi khi đứng trước ống kính này, bất kể là tại Đại hội thể thao toàn quốc được tổ chức sau Thế vận hội, anh luôn tự tin và mạnh mẽ trên sân thi đấu, hay là trong các cuộc phỏng vấn lúc rảnh rỗi, mỗi khi chúng tôi nhắc đến trận đấu gay cấn đạt đến cấp độ “sử thi” giữa anh và tay vợt nổi tiếng của Trung Quốc Phàn Chấn Đông (Fan Zhendong), mắt anh sáng lên, dường như vẫn còn khắc ghi rõ trong lòng từng chi tiết, khác với hình ảnh ít lời mọi ngày, lần này anh nói thêm rằng: “Khi thi đấu trận đó, tôi đã vào trạng thái zone”.

Cái gọi là “zone” (khu vực) trong tâm lý học còn được gọi là “flow” (dòng chảy, trạng thái tâm lý của người đang chìm đắm hoàn toàn trong hoạt động nào đó), là một trạng thái tuyệt đối của nhiều vận động viên hàng đầu. Có người nói rằng, khi tuyển thủ đi vào trạng thái zone sẽ cảm giác như thời gian đang dừng lại, không những hoàn toàn quên đi bản thân, mà còn có thể biểu hiện cực đỉnh.

Xem ra, so với việc trở thành người của công chúng, luôn được mọi người quan tâm, có thể cầm vợt đứng trước bàn bóng bàn, đó mới là trạng thái tốt nhất mà Lâm Quân Nho muốn được bày tỏ, thể hiện cái tôi bản thân.

Thiếu niên thiên tài có cảm giác bóng cực tốt

Sau khi giành được thành tích xuất sắc cho môn bóng bàn Đài Loan trên đấu trường Olympic, hiện tại Lâm Quân Nho xếp thứ 5 thế giới. Tuy tuổi còn trẻ nhưng anh đã có bề dày thành tích khá nổi bật, trước đây anh từng nhiều lần đánh bại tuyển thủ hàng đầu các nước như tay vợt Fan Zhendong (Phàn Chấn Đông), Ma Long (Mã Long) của Trung Quốc, Timo Boll và Dimitrij Ovtcharov của Đức. Với biểu hiện từ tốn, điềm đạm của mình, anh được truyền thông nước ngoài ví như một “sát thủ thầm lặng”.

Thế nhưng, khi tìm hiểu thêm về con đường đến với bóng bàn của Lâm Quân Nho mới biết được rằng, so với những tuyển thủ khác bắt đầu được tập huấn từ khi mới bốn, năm tuổi, mãi đến năm học lớp ba, Lâm Quân Nho mới tiếp xúc với môn thể thao bóng bàn, có thể nói là đến sau vượt trước. Năm đó, do tham gia trại thể thao về các loại bóng được tổ chức bởi trường Đại học Nghi Lan – nơi cha anh giảng dạy, anh mới bắt đầu tiếp xúc các môn thể thao. Vì lúc bấy giờ tuổi còn nhỏ, so với những môn yêu cầu về chiều cao, sức lực như môn bóng rổ, cầu lông, bóng bàn ít hạn chế hơn, khiến cho anh cảm thấy rất hứng thú với môn thể thao này.

Sau khi chơi bóng bàn, chẳng mấy chốc, Lâm Quân Nho đã bộc lộ rõ thiên phú, anh được nhiều huấn luyện viên đánh giá là cực kỳ có năng khiếu, ngoài phản ứng nhanh, đầu óc thông minh, “cảm giác bóng” thì đúng là số một. Ông Lại Thụy Hùng– huấn luyện viên của Lâm Quân Nho lúc nhỏ, hồi tưởng lại lúc học cấp 1, có lần Lâm Quân Nho cầm phải cây vợt có chất lượng không tốt, sau một hồi chơi, anh đã chủ động nói với huấn luyện viên rằng, cây vợt đó “lạ lạ”, đến khi xé lớp keo ở ngoài ra, huấn luyện viên mới phát hiện hóa ra trong đó có vết nứt.

Và chỉ hơn một năm sau, Lâm Quân Nho đã “thế như chẻ tre”, liên tục đoạt giải nhất đơn nam tại nhiều giải đấu trong nước, thành tích xuất sắc đã giúp anh đứng vững trên con đường sự nghiệp trong tương lai. Đến năm 14 tuổi, anh đã chính thức khoác “chiến bào” lên mình, đại diện Đài Loan tham gia giải Vô địch bóng bàn thế giới, trở thành tuyển thủ quốc gia trẻ tuổi nhất từ trước đến nay.

Khởi đầu nhờ thiên phú, thành công nhờ nỗ lực

Tuy Lâm Quân Nho luôn được mọi người đánh giá là “thần đồng bóng bàn”, thậm chí có người nói anh chính là “tuyển thủ mạnh nhất Đài Loan trong 20 năm qua”, “nhân tài trăm năm mới có một người”, nhưng ít ai biết rằng, trên con đường vận động viên thể thao, sự nỗ lực mà anh bỏ ra phải nhiều gấp vài lần người khác.

Năm 2020, Lâm Quân Nho đã nhận đóng một quảng cáo, trong đó có câu thoại: “Ngày nghỉ duy nhất của tôi, chính là ngày thi đấu”. Sau Olympic Tokyo, câu nói này cũng một thời được các fan hâm mộ truyền tai nhau. Khi nói đến việc này, Lâm Quân Nho cười nói, cách nói này “hơi quá”, các vận động viên thể thao vẫn cần phải được thư giãn hợp lý, nhưng nhìn chung, thời gian nghỉ ngơi của anh khá ít.

Thông thường, ban ngày chính là thời gian tập bóng chủ yếu của anh, bắt đầu từ 9 giờ sáng đến 1 giờ trưa, giữa chừng anh sẽ dùng bữa đơn giản, nghỉ trưa, đến 3 giờ chiều lại tiếp tục luyện tập đến 8 giờ tối, buổi tối anh cũng không dám chểnh mảng, còn tranh thủ thời gian để tiến hành luyện tập thể chất. Sự luyện tập trong thời gian dài và cường độ cao như vậy, đến nỗi bác sĩ vật lý trị liệu Ngô Kiến Lương – người luôn ở bên cạnh mỗi khi anh luyện tập cũng thấy đuối sức: “Mỗi lần chúng tôi về đến nhà, đều đã hơn 11 giờ khuya”.

Để kết hợp với lượng tập luyện khác thường này, nếu chỉ có một người tập luyện cùng là không đủ, với các tuyển thủ bóng bàn thông thường, chỉ cần một người tập luyện cùng, nhưng trong đội huấn luyện của Lâm Quân Nho lại có đến hai người tập cùng, để có thể luân phiên thay thế nhau. Bạn tập Huỳnh Dục Nhân (Huang Yu-jen) cho biết, là một tuyển thủ bóng bàn chuyên nghiệp, Lâm Quân Nho rất có trách nhiệm, ý chí kiên cường, “tâm lý anh ấy không giống như những người trẻ tuổi khác, luôn muốn được nghỉ nhiều, anh ấy rất xem trọng tập luyện, trong số các tuyển thủ cùng trang lứa, anh là người rất chịu khó chịu khổ”.

Tuy nhiên, đối với môn bóng bàn rất xem trọng kỹ thuật này, để có thể làm mưa làm gió trên đấu trường, đó tuyệt đối không phải chỉ cần vùi đầu khổ luyện là đủ. Ngoài kỹ thuật và thể lực ra, chiến thuật cũng là yếu tố mấu chốt để quyết định thắng thua. Lâm Quân Nho từ nhỏ đã được huấn luyện viên đánh giá “đầu óc nhanh nhạy”, anh vốn dĩ đã là một tuyển thủ túc trí đa mưu.

Anh Dương Hằng Vĩ (Yang Heng-wei), cũng là một bạn tập trong đội huấn luyện của Lâm Quân Nho, đồng thời cũng là tuyển thủ quốc gia bóng bàn, lấy ví dụ về tình hình tập luyện giữa anh và Lâm Quân Nho hằng ngày. Anh cho biết, thành quả lớn nhất chính là học tập được cách “dùng đầu óc phán đoán mỗi đường bóng”, chứ không phải không ngừng “đánh bừa” một cách không có mục đích.

Phong thái vương giả, sẻ chia vinh quang cùng đồng đội

Lâm Quân Nho luôn được người hâm mộ bóng bàn yêu thích vì hình ảnh nho nhã lễ phép. Nổi tiếng nhất là sau tứ kết đơn nam Olympic Tokyo, khi ký giả hỏi anh đánh giá như thế nào về đối thủ Phàn Chấn Đông, anh chỉ trả lời rằng: “Tôi có tư cách để đánh giá anh ấy ư?”, thái độ khiêm tốn của anh đã giành được thiện cảm của đông đảo mọi người, còn ở Đài Loan, anh thậm chí còn được các fan gọi thân mật là “Bạn Tiểu Lâm”, “cháu cưng quốc dân”.

Nhưng ngoại trừ một vài lần hiếm hoi lộ diện khi nhận được lời mời tham gia hoạt động công khai, Lâm Quân Nho khá hời hợt trong việc phát triển hình ảnh trước công chúng. Anh hiếm khi đăng bài trên Facebook, ngay cả trên Instagram cũng chỉ có vài tấm ảnh ít ỏi. Đằng sau sự âm thầm, không phô trương này có thể là nhờ công cha mẹ anh, họ cũng là người sống khá kín tiếng. Cha anh là ông Lâm Học Nghi, là giáo sư Khoa Công nghiệp thư giãn và xúc tiến sức khỏe, trường Đại học Nghi Lan. Ông khá am hiểu về môi trường thể dục thể thao trong nước, trong những cuộc phỏng vấn trước đây, ông đã từng nói, hi vọng mọi người không chỉ chú ý đến các tuyển thủ hàng đầu, mà còn có thể quan tâm nhiều hơn đến các cầu thủ không nổi tiếng, hoặc đội ngũ giúp sức phía sau tuyển thủ.

Ông Lâm Học Nghi vẫn thường hay nói đùa, mình là “người làm tạp vụ” ở bên cạnh Lâm Quân Nho. Ông cũng khiêm tốn nói: “Lúc bé, chúng tôi (cha mẹ) ở bên cạnh con, giờ đây con trở thành tuyển thủ chuyên nghiệp, có cả đội ngũ đi theo con, cùng chia sẻ niềm hạnh phúc khi thành công, có như vậy mới thể đi xa hơn”. Người cha với tầm nhìn và thái độ phóng khoáng như thế, mà Lâm Quân Nho có quan hệ thân thiết với người nhà như vậy, đương nhiên cũng sẽ chịu ảnh hưởng rất nhiều.

Khi chúng tôi trò chuyện cùng những người trong đội huấn luyện, những người ngày đêm bên cạnh Lâm Quân Nho, Lâm Quân Nho trong lời kể của mọi người không khác gì mấy hình tượng của anh trước ống kính, nào là “tính tình hòa nhã”, “tuy xếp số 1 Đài Loan nhưng không hề kiêu ngạo”, “khi làm việc chung cứ như là anh em, hoàn toàn không có áp lực”, thậm chí là “rất chăm sóc người trong đoàn”, “thường mời mọi người ăn cơm”…

Trong “Luận ngữ” có câu: “Chất thắng văn tắc dã, văn thắng chất tắc sử. Văn chất bân bân, nhiên hậu quân tử” (tức là chất phác nhiều hơn văn vẻ thì thô lậu, văn vẻ nhiều hơn chất phác thì giả dối. Văn vẻ và chất phác hoàn mỹ, sau đó mới có thể thành quân tử). Câu nói này khá thích hợp dùng để miêu tả một vận động viên, nhất là khi nghĩ đến những trận đấu mãn nhãn mà chúng ta đã nhìn thấy trong Olympic Tokyo, dù với môn thể thao nào, tuyển thủ của quốc gia nào, chỉ cần đứng trên đấu trường Olympic, đều là những cao thủ bậc nhất trong lĩnh vực đó, nhưng nếu có thể vượt qua ranh giới quốc gia, trở thành vận động viên được cả thế giới yêu thích, đó tuyệt đối không phải nhờ chiến thắng nhất thời, mà còn nhờ vào thần thái và ý chí của vận động viên đã thể hiện trên đấu trường. Với Lâm Quân Nho, một người có cả phẩm chất và kỹ thuật chơi bóng thượng thừa, anh cũng như người quân tử văn chất bân bân, để lại ấn tượng khó phai trong lòng người xem.

nguồn https://www.taiwan-panorama.com/vi/...=7f29b49a-4064-4ef0-a570-02a71baefa62&CatId=7
 
Last edited:

Changanuong

Trung Uý
nước ngoài thì cái đó k cần đâu, miễn có tài năng là được tạo đk phát triển
Chuẩn rồi bác ơi. Chứ với mức thu nhập bình quân đầu người 33.000$/năm (số liệu thống kê năm 2022) ở nước họ thì chỉ cần có tài năng là sẽ được tạo điều kiện hết sức có thể để phát triển thoai. Ở VN mình thì đâu đó 3.000-4.000$ à
 

Changanuong

Trung Uý
Câu chuyện tiền bạc, gia thế thường thấy ở VN thôi =)))) còn đã ở nước ngoài thì bình dân học vụ họ như nhau. Còn đã là trâm anh thế phiệt thì khỏi phải nói.
Cái chính ở bài phân tích này là tài năng, sự chăm chỉ, kỷ luật và đức tính hiền lành, điềm đạm ở cu cậu mà hiếm ai có được. Respect
 

chilinh141

Trung Uý
m
Câu chuyện tiền bạc, gia thế thường thấy ở VN thôi =)))) còn đã ở nước ngoài thì bình dân học vụ họ như nhau. Còn đã là trâm anh thế phiệt thì khỏi phải nói.
Cái chính ở bài phân tích này là tài năng, sự chăm chỉ, kỷ luật và đức tính hiền lành, điềm đạm ở cu cậu mà hiếm ai có được. Respec
Mình thấy nhờ gia thế ảnh hưởng rất lớn tới quá trình phát triển của Lin
 

Bình luận từ Facebook

Top