Con người ai cũng có tính tham, nếu là người cầu toàn nữa thì nó thể hiện ngay trong việc lựa chọn cốt vợt, đổi mãi vẫn không ưng ý. Vì "tham" nên luôn muốn tìm 1 cốt vợt hoàn hảo, và chỉ cần thấy một điểm nào không ưng ý là sẽ đổi vợt khác. Thường là khi đánh trận mà đánh hỏng vài quả mà bình thường đã từng đánh được với cốt khác là sẽ nghĩ ngay cốt này kém. Thực tế thì mỗi cốt vợt có cái hay riêng, cảm nhận về cốt vợt cũng thay đổi liên tục theo thời gian, tâm trạng, trình độ chơi bóng.
Vậy mấu chốt vấn đề chọn cốt vợt ở đây là phải giải quyết được yếu tố tâm lý: Từ kinh nghiệm bản thân và quan sát các đồng đạo, tôi xin mạo muội đưa ra chân dung cốt vợt hoàn hảo với các đặc điểm sau:
1. Cốt phải của một hãng lớn, hoặc đã từng được một vđv nổi tiếng thế giới sử dụng.
2. Nguyên giá phải trên trung bình. Tạm đưa giá mới >=3 triệu.
3. Hình thức cốt vợt phải còn đẹp. 95% trở lên. (Tránh chắp vá, nứt, mốc, mất tem)
4. Cốt vợt phải tương đối phổ biến trong giới phong trào (nếu có vđv top 100 thế giới đang sử dụng hiện nay thì càng tốt)
5. Yếu tố cuối cùng là hợp. Cái này khó định lượng, đại khái là không quá khó khăn để thực hiện các kỹ thuật quen thuộc là được.
Sở dĩ tôi đưa 5 tiêu chí trên là để giải quyết các vấn đề:
1. Cầm cốt hàng lởm thì kiểu gì sau cũng sẽ chán, dù ban đầu nó có hay đến đâu.
2. Yên tâm là cái mình cầm cũng chứa đựng giá trị. Không phải hàng rẻ tiền.
3. Cầm cốt đẹp đi giao lưu đỡ ngại, cốt cũ quá như cái áo sờn.
4. Cốt phổ biến thì sẽ ít kẻ gièm pha ảnh hưởng tâm lý.
Yếu tố cuối cùng thật sự là không quan trọng. Vì khi 4 yếu tố đầu tiên đã giải quyết được thì trước sau cũng sẽ làm quen và điều khiển được. Không giải quyết được 4 cái đầu thì mãi mãi đứng núi này trông núi nọ.
Một ví dụ điển hình là cây Sardius-một cây vợt quá khó chơi. Nhưng bây giờ vẫn còn rất nhiều người VN sử dụng. Đơn giản vì nó đã từng là vua một thời. Người cầm vợt này thì đã mặc nhiên vượt qua 4 yếu tố đầu, cái thứ 5 thì họ mất cả chục năm để vượt qua và khi vượt qua cái thứ 5 rồi thì họ sẽ khó có thể đổi sang dòng khác.