chào anh songlam,anh Lâm bây giờ làm ở Ban A sở Xây dựng nghệ an,anh ấy ko chơi bóng bàn nữa anh ạ,quá tiếc cho mọi người,anh chuyển sang chơi tennis rồi,anh ấy còn có tài đánh cờ tướng rất giỏi,nằm trong topten của thành phố đó anh,con người này đúng là toàn diện.Còn anh songlam,anh bây giờ làm j và ở đâu?
Để bóng bàn thành môn thế mạnh
(Baonghean) - Các hảo thủ một thời của môn “ping pong” xứ Nghệ như ông Bùi Danh Tiếu, ông Hà Trung Tín... vẫn ngậm ngùi, bởi lẽ những đam mê theo từng trận bóng đang dần chìm khuất. Lớp hậu duệ như Hà Minh Tuấn, Ông Thị Bích Hạnh cũng theo nghề, nhưng bóng bàn Nghệ An đã không còn là một môn thể thao thế mạnh...
Vang bóng một thời
Nghệ An nổi tiếng về bóng đá, nhưng phong trào bóng bàn cũng một thời phát triển rầm rộ, với những tài năng như: Hồ Khánh Lâm (Lâm con), Ngô Sỹ Hải (Hải Phiên), Lê Ngọc Hùng (Hùng Dô), về sau họ không theo nghiệp thể thao nhưng họ là khuôn mẫu cho thế hệ bóng bàn hàng đầu của Nghệ An. Sự kế tiếp cho bóng bàn Nghệ An tự hào có VĐV trẻ tài năng Hà Minh Tuấn, từng nằm trong thành viên đội tuyển quốc gia. Sau Tuấn xuất hiện thêm nhân vật mới, một người mà cả làng bóng bàn Việt Nam ai cũng biết, đó là Nguyễn Minh Thắng (Thắng đen). Thắng đen là lứa VĐV cuối cùng của bóng bàn Nghệ An (đội tuyển bóng bàn Nghệ An giải tán năm 1996) và anh trở thành “nỗi kinh hoàng” cho nhiều tên tuổi bóng bàn trong nước từng thi đấu với anh. Tiếp theo là một vài tên tuổi cũng khá nổi như: Cường Bé (bây giờ là giảng viên ĐHTT Hà Tây), Lê Hải Bằng (Bằng trẻ), nhưng giờ hết thời không còn đạt được phong độ như những năm 2005 - 2006 vì đã “lên núi ẩn cư” (hiện giờ là cán bộ thống kê huyện Kỳ Sơn).
Thầy Bùi Danh Tiếu (bên trái) cùng học trò Hà Minh Tuấn trong một màn “dượt” bóng tại Trung tâm Văn hóa – Thông tin tỉnh.
Đi cùng những “anh cả” một thời của làng bóng “ping pong” xứ Nghệ, chúng tôi đến gặp Hà Minh Tuấn, con trai ông Hà Trung Tín, tuyển thủ quốc gia, từng đoạt Huy chương Vàng giải trẻ Đông Nam Á (2002 – đồng đội) và rất nhiều giải vàng cấp quốc gia khác. Từ đam mê của người bố Hà Trung Tín truyền sang các con. Năm 1993, cả 2 anh em Tuấn và Tùng được chọn vào đội tuyển bóng bàn tỉnh. Sau đó khoảng 1 năm, thầy Bùi Danh Tiếu chọn ra 4 người, bộ tứ “ping pong” xứ Nghệ lúc đó gồm Tuấn, Tùng, Thư, Minh ra Trường Đại học TDTT Từ Sơn để rèn dũa. Thời điểm đó, Hà Minh Tuấn được đặc biệt chú ý bởi tố chất và niềm đam mê với bóng bàn. Lúc đó, lớp năng khiếu bóng bàn được gọi là lớp VĐV trẻ phía Bắc (Chương trình mục tiêu quốc gia phía Bắc), là nhân tố cho đội tuyển quốc gia.
Đi về đâu?
Trong cuộc trò chuyện của chúng tôi, Tuấn rất ngại ngần khi kể về thành tích của mình. Ông Hà Trung Tín đỡ lời: Cả gia đình đều yêu bóng bàn như là hơi thở. Quả “ping pong” là quà tặng lớn nhất mà mình được nhận. Bà Nguyễn Thị Liễu, mẹ của Tuấn cho biết: “Thấy cây vợt bóng bàn là cha con quên sạch, nỏ quan tâm đến chuyện chi nữa”. Bà Liễu nói thêm: “Làm sao để bóng bàn Nghệ An nâng tầm lên, chứ như ri thì khổ quá, nỏ thấy được công nhận chi cả!”.
Ông Bùi Danh Tiếu, “hảo thủ” một thời của bóng bàn xứ Nghệ, nay vẫn theo đuổi đam mê với 4 bàn bóng tại Trung tâm Văn hóa tỉnh (đường Hồ Tùng Mậu – TP. Vinh) cũng rất nỗi niềm: “Từ năm 1999 đến nay, Nghệ An chưa có một đội tuyển bóng bàn chính thức để dự giải cấp toàn quốc”.
Mặc dù vậy, phong trào bóng bàn của Nghệ An vẫn phát triển không ngừng. Điểm mạnh là phong trào có người tiếp nối, nhưng điều buồn nhất là tại Nghệ An không có một CLB bóng bàn đúng nghĩa. Những người đam mê bóng bàn ở Nghệ An vẫn thường tổ chức các giải thi đấu nhỏ nhằm duy trì niềm đam mê, duy trì phong trào. Ông Nguyễn Hoàng Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo - Huấn luyện thể thao tỉnh cho biết: “Bóng bàn bây giờ mới bắt đầu mở lại ở trung tâm đào tạo, nhưng phải mất thời gian từ 5 - 8 năm mới chọn ra được một VĐV có thể thi đấu đỉnh cao”.
Theo những “hảo thủ” vang bóng một thời thì để phong trào bóng bàn nghiệp dư và chuyên nghiệp phát triển, phải thành lập Liên đoàn bóng bàn của tỉnh, từ đó liên đoàn phải có kế hoạch hoạt động, đào tạo, tổ chức các giải đấu từ chuyên nghiệp, nghiệp dư và nhận được sự ủng hộ của Sở VH-TT&DL. Bởi, trong số các môn thể thao được Thủ tướng Chính phủ thông qua Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2020 có 10 môn thể thao trọng điểm loại 1 và 22 môn thể thao trọng điểm loại 2. Trong số 10 môn loại 1 có môn bóng bàn, nghĩa là môn này rất được quan tâm ở cấp cao nhất, trong khi bóng đá chỉ nằm ở 22 môn loại 2.
Chia tay ông Hà Trung Tín và những “hảo thủ ping pong” xứ Nghệ như Hà Minh Tuấn, Đặng Văn Hải... vẫn rất nặng lòng, làm sao để bóng bàn Nghệ An ngày càng phát triển xứng với tiềm năng, trở thành một môn thể thao thế mạnh?