Bài tập tiếp theo là tiếp hiểu cách cầm vợt và tập tâng bóng để làm quen cảm giác bóng với vợt.
I. Kỹ thuật cầm vợt bóng bàn
1. Tầm quan trọng của cầm vợt.
Nếu kỹ thuật cầm vợt không tốt thì không chỉ ảnh hưởng tới linh hoạt của bàn tay, cổ tay mà còn làm cho động tác đánh bóng không chuẩn xác ảnh hưởng đến việc nâng cao kỹ thuật và dùng sức khi đánh bóng. Chính vì vậy những AE mới bắt đầu học đánh bóng bàn trước tiên phải học tốt kỹ thuật cầm vợt.
Cầm vợt ngang (hình trên), cầm vợt dọc (hình dưới):
Có 2 phương pháp cầm vợt chính đó là: Cầm vợt dọc và cầm vợt ngang.
Cầm vợt dọc có ưu điểm là đầy chặn trái tay rất tốt, thuận tiện cho việc đẩy trái công phải, tấn công bóng trong bàn tương đối linh hoạt. Bởi vậy phần lớn mọi người chỉ sử dụng đánh bóng mặt thuận của vợt dọc. Cách cầm vợt này trong khi đánh bóng có thể thực hiện luân phiên giữa thuận tay và trái tay nhanh.Đây là phương pháp cầm vợt truyền thống của Trung Quốc và Nhật Bản.
Cách cầm vợt ngang thích hợp công bóng hai mặt, cắt bóng, líp bóng vòng cung trái tay, phạm vi quán xuyến lớn. Đây là phương pháp cầm vợt truyền thống của châu Âu.
2.1. Cách cầm vợt dọc.
Giống như khi ta cầm bút viết vậy, ngón cái và ngón trỏ tạo thành hình gọng kìm kẹp chặt vơt, 3 ngón còn lạicong tự nhiên và ép sát vào mặt sau của vợt.
* Cách cầm vợt dọc loại hình tấn công nhanh
Làm cho chuôi vợt áp sát trên ngàm tay (nằm giữa ngón cái và ngón trỏ, sát với bàn tay) cạnh phải của chuôi vợt áp sát vung đốt thứ 3 của ngón trỏ, đốt thứ nhất của ngón cái áp chặt vào vai trái của vợt, đốt thứ 2 của ngón trỏ áp chặt vào vai phải vợt. Khớp thứ nhất của ngón cái và đốt thứ nhất, thứ hai của ngón trỏ tạo thành hình gọng kìm quặp ra phía trước của vợt. Khoảng cách giữa đầu ngón trỏ và ngón cái khoảng 1 -:- 2 cm. Ba ngón còn lại gập tự nhiên chồng lên nhau và chống giữ phía sau vợt bằng đốt thứ nhất và thứ hai của ngón giữa.
Phương pháp caamf vợt này thích hợp cho lối đánh tấn công nhanh bằng vợt mút dán thuận, độ linh hoạt của cổ tay và ngón tay tốt hơn hẳn cách cầm vợt ngang. Khi tấn công thuận tay, ngón tay cái ấn vợt, ngón trỏ thả lỏng, ngón út và ngón vô danh hỗ trợ ngón giữa chống giữ vợt phát lực. Khi đẩy chặn trái tay, ngón trỏ ấn vợt, ngón cái thả lỏng, ngón út và ngón vô danh hỗ trợ ngón giữa chống vợt và phát lực
* Cách cầm vợt dọc loại hình líp bóng.
Làm cho chuôi vợt áp sát vào ngàm tay, đốt thứ nhất ngón cái và thứ hai ngón trỏ ép khóa vai vợt. Đốt thứ nhất ngón cái áp chặt cạnh trái chuôi vợt ở phía trước, ngón trỏ quặp chặt chuôi vợt và cùng với ngón cái trạo thành vòng tròn, 3 ngón còn lại hơi duỗi thẳng tự nhiên chồng lên nhau ở sau vợt do đốt thứ nhất của ngón giữa chống giữ sau vợt.
Cầm vợt loại hình này thích hợp với lối đánh loại hình líp bóng mặt mút ngược, loại hình cầm vợt này dễ cố định, có thể làm cho cẳng tay, bàn tay, cổ tay với bóng tạo thành một đường thẳng, phát huy đầy đủ sức mạnh cổ tay và cẳng tay. Khi líp bóng thuận tay, ngón cái dùng sức ép vào vợt, ngón vô danh và ngón út phối hợp với ngón giữa chống giữ vợt. Khi đẩy chặn bóng, ngón cái thả lỏng, ngón trỏ dùng lực ép vào mặt vợt, ngón vô danh và ngón út cùng hỗ trợ ngón giữa dùng sức chống giữ vợt.
* Cách cầm vợt dọc cắt bóng.
Ngón cái cong áp sát bên trái chuôi vợt hơi dùng sức ấn xuống, 4 ngón còn lại hơi xòe ra và duỗi thẳng tự nhiên đỡ phía mặt sau của vợt.
Cách cầm vợt này thích hợp dùng cho cắt bóng, phạm vi quán xuyến bóng thuận tay và trái tay đều tương đối rộng.
Khi cắt bóng thuận tay, đưa vợt hơi nghiêng ra sau giảm thiểu lực lao trước của bóng đến, khi cắt bóng trái tay 4 ngón phía sau vợt hơi quặp lại, đầu tiên làm cho chuôi vợt chúc xuống dưới, sau đó vung vợt cắt bóng. Khi tấn công hoặc đẩy chặn bóng cần di chuyển ngón trỏ đến cạnh sau của chuôi vợt đổi thành phương pháp cầm vợt tấn công.
2.2. Cách cầm vợt ngang.
Ngón cái cong tự nhiên áp sát chuôi vợt ở phía trước, ngón trỏ ở sau, 3 ngón còn lại cầm lấy chuôi vợt một cách tự nhiên.
* Cách cầm vợt ngang loại hình cắt bóng tấn công.
Ngón cái ở phía trước cong tự nhiên áp sát chuôi vợt, ngón trỏ sau vợt duỗi chếch tự nhiên áp sát mặt vợt, vai vợt đưa nhẹ vào hổ khẩu tay và đốt thứ 2 của ngón giữa. Các ngón khác nắm chuôi vợt một cách tự nhiên.
Cách cầm vợt loại này thích hợp nhất đối với cách đánh loại hình kết hợp cắt bóng với tấn công. Cách cầm vợt đơn giản, mặc dù so với cách cầm vợt dọc thì tính linh hoạt của bàn tay, ngón tay, cổ tay tuy có bị hạn chế nhất định nhưng dễ phát huy tác dụng xoay ngoài và xoay trong của cánh tay và cổ tay.
Khi tấn công bóng thuận tay, ngón trỏ có thể hơi di động lên trên tạo thuận lợi cho ép giữ vợt và phát lực. Khi tấn công bóng trái tay và tạt nhanh, ngón cái có thể di chuyển lên trên 1 chút, như vậy sẽ có lợi cho ép vợt và phát lực.
Khi cắt bóng thuận trái tay, vị trí của các ngón tay về cơ bản không thay đổi.
* Cách cầm vợt ngang loại hình tấn công (đập, vụt)
Ngón cái duỗi chếch tự nhiên áp sát mặt vợt, ngón trỏ duỗi chếch tự nhiên áp sát phía sau vợt, dùng đốt thứ nhất của ngón trỏ chống giữ vợt, đầu vợt hơi chếch lên trên.
Cách cầm vợt này thích hợp nhất với cách đánh loại hình líp bóng và tấn công nhanh. Nếu so sánh với cách cầm vợt loại hình cắt bóng tấn công thì cách cầm vợt này tương đối ổn định.
Lưu ý là trong cách cầm vợt ngang lại có thể phân ra thành cầm sâu và cầm nông. Người cầm vợt mà hổ khẩu tay nằm sát vai vợt là cầm sâu và ngược lại là cầm nông.
Ưu điểm của cầm nông là cổ tay và bàn tay linh hoạt, thuận lợi hơn cho xử lý bóng trong bàn (bóng ngắn), nghĩa là có thể dùng líp bóng, cũng có thể dùng phương pháp gõ vẩy ngắn để đánh trả. Khi tấn công dễ bị đánh bóng thấp, kết hợp phải trái tương đối linh hoạt. Khi cắt, gò bóng, phát bóng dễ đánh bóng xoáy biến đổi, đối phương khó mà phân biệt được. Nhưng có nhược điểm là khi tấn công toàn bộ lực tập trung vào bàn tay nên có ảnh hưởng nhất định tới khả năng phát lực. Khi cắt bóng mặt vợt không dễ dàng cố đinh được nên khó khống chế động vòng cung của cắt bóng.
Ưu điểm của cách cách cầm vợt sâu là góc độ mặt vợt tương đối cố định, khi tấn công phát lực được tập trung nên có lợi cho việc tăng thêm sức mạnh đánh bóng, líp bóng cũng tương đối xoáy, cắt bóng cũng dễ khống chế và tạo được độ xoáy tương đối. Nhược điểm là do cầm vợt chặt, cổ tay không linh hoạt. Khi đối công tính linh hoạt phối hợp phải, trái hơi kém, xử lý bóng trong bàn tương đối khó khăn, biến đổi xoáy dễ bị phát hiện và đối phó.
3. Những vấn đề cần lưu ý trong cách cầm vợt.
- Với những AE mới tập bóng bàn thì phương pháp cầm vợt cần ổn định, không nên thay đổi một cách quá dễ dàng cách cầm vợt để đảm bảo cho động tác đánh bóng ổn định.
- Cầm vợt không nên quá chặt hoặc quá lỏng , cầm quá chặt sẽ ảnh hưởng tới tính linh hoạt của cổ tay và ngón tay khi đánh bóng, quá lỏng sẽ ảnh hưởng tới sức mạnh đánh bóng và tỷ lệ bóng vào bàn suy giảm.
- Dựa vào sự yêu thích và đặc điểm kỹ thuật của bản thân mà chọn phương pháp cầm vợt thích hợp. Ví dụ thích đánh tấn công gần bàn nên chọn cầm vợt dọc, thích đánh líp bóng thuận, trái tay thì tốt nhất là chọn cách cầm vợt ngang… Tốt hơn hết nếu có điều kiện AE mới học chơi bóng bàn khi chọn và học cách cầm vợt nên có sự chỉ dẫn của HLV bóng bàn.
4. Không thể coi nhẹ tác dụng của tay không cầm vợt.
Khi nghiên cứu về phương pháp cầm vợt thì không thể coi nhẹ tác dụng của tay không cầm vợt trong môn bóng bàn. Tay không cầm vợt ngoài việc có thể duy trì thăng bằng cơ thể ra còn phải biết phối hợp vung tay nhịp nhàng, hợp lý với tay cầm vợt để nâng cao được tốc độ vung vợt, tăng cường sức mạnh
II. Lựa chọn vị trí đứng.
1. Tầm quan trọng của vị trí đứng.
Vị trí đứng của VĐV là vị trí đứng phù hợp với đặc điểm đánh bong của mình, trước khi đánh bong chọn được vị trí đứng chính xác sẽ có thể phát huy tốt hơn sở trường kỹ thuật của mình, bù đắp vào chỗ khiếm khuyết về kỹ thuật, đồng thời đạt được phạm vi quán xuyến bong tương đối toàn diện.
2. Phương pháp chọn vị trí đứng.
Căn cứ vào cự ly giữa VĐV với bàn bong mà có thể chia vị trí đứng ra thành: Đứng gần bàn, đứng trung bình và đứng xa bàn. Trong đứng trung bình lại chia thành: trung bình gần và trung bình xa.
Đứng gần bàn là vị trí đứng của VĐV cách bàn bóng khoảng 0,5m
Đứng trung bình gần bàn là vị trí đứng của VĐV cách bàn bóng khoảng 0,7m
Đứng xa bàn là vị trí đứng của VĐV cách bàn bóng trên 1m.
Đứng trung bình xa bàn là vị trí đứng của VĐV cách bàn bóng khoảng 1m.
Vị trí đứng của VĐV bóng bàn cần căn cứ vào loại hình cách đánh, đặc điểm kỹ thuật cá nhân khác nhau mà xác định để có lợi nhất cho việc phát huy sở trường kỹ thuật của mình.
- Vị trí đứng cơ bản của cách đánh đẩy trái công phải ở người cầm vợt dọc nên ở khu vực trung bình gần hơi lệch trái, cách bàn khoảng trên dưới 40cm, nói chung chân trái hơi ra trước, chân phải ở phía sau.
- Vị trí đứng cơ bản của cách đánh tấn công 2 mặt nên ở giữa khu vực gần bàn, cách bàn khoảng trên dưới 50cm, nói chung chân trái hơi ra trước, chân phải hơi ra sau.
- Vị trí đứng cơ bản của cách đánh lấy líp bóng làm chính nên hơi lệch trái ở cự ly trung bình hoặc trung bình gần.
- Vị trí đứng cơ bản của cách đánh lấy cắt công ở người đánh vợt ngang đứng ở khu vực cự ly trung bình gần.
- Vị trí đứng cơ bản của cách đánh lấy cắt bóng là chính đứng ở khu vực cự ly trung bình xa.
Lưu ý:
Các vị trí đứng cơ bản nói trên là vị trí đứng khi chuẩn bị đánh trả bóng đối phương đánh sang nói chung.
Trong thực tế thi đấu, VĐV cần căn cứ vào độ gần xa và phương hướng vị trí bóng đến, di động tới vị trí của mình mới có thể dùng phương pháp tay chuẩn xác đánh trả các loại bóng đến khác nhau.
3. Tư thế đứng.
Vị trí đứng chính xác của VĐV bóng bàn còn phải cần phối hợp với tư thế đứng chính xác. Tư thế đứng chính xác không chỉ có lợi cho xuất phát nhanh mà còn quán xuyến được toàn bàn bóng, đồng thời còn có lợi cho VĐV kịp thời sử dụng các loại kỹ thuật đánh trả bóng đến.
Tư thế chuẩn bị đánh trả các loại bóng đến của đối phương (gọi tắt là tư thế chuẩn bị) là: Hai chân dang rộng hơn vai, hai gối hơi khuỵ, kiễng gót, cạnh trong phía mũi bàn chân chạm đất, trọng tâm cơ thể rơi vào giữa hai chân, thân người hơi ngả về phía trước, hóp bụng, ngực. Tay cầm vợt co tự nhiên.
Đối với VĐV cầm vợt dọc, khuỷ tay hơi khuỳnh ra ngoài, vợt đặt phía trước bên phải bụng, cổ tay thả lỏng tự nhiên, tay không cầm vợt co tự nhiên ở phía trái cạnh thân, mắt nhìn chú ý vào bóng đến.
Đối với VĐV cầm vợt ngang, vợt đặt phía trước bên phải bụng, , khuỷ tay cầm vợt chúc xuống,cổ tay thả lỏng tự nhiên, tay không cầm vợt co tự nhiên phía trái thân, mắt chăm chú nhìn vào bóng đến.
Bàn bóng bàn Song Ngư - Chú ý: Trong tư thế chuẩn bị của cả VĐV vợt dọc và vợt ngang thì bàn tay, cánh tay, cẳng tay và cổ tay phải thả lỏng tự nhiên tạo thuận lợi cho phát lực đánh bóng