Nhà 'ngoại giao bóng bàn' TQ vừa qua đời
Vận động viên một thời của Trung Quốc, ông Trang Tắc Đống, vẫn được gọi là nhà ngoại giao bóng bàn, người có vai trò khởi đầu trong việc nối lại quan hệ Trung-Mỹ thập niên 1970 vừa qua đời ở tuổi 73.
Món quà của ông Trang là bức chân dung bằng lụa dành cho vận động viên của Mỹ lúc đó là Glenn Cowan ở Nhật Bản năm 1971, dẫn tới sự kiện đội tuyển Mỹ đi thăm Trung Quốc vào tháng Tư năm đó
Năm 1972, Richard Nixon trở thành tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên đi thăm nước cộng sản Trung Quốc.
Chuyến thăm giúp Trung Quốc mở cửa với thế giới bên ngoài và gỡ bỏ cuộc Chiến tranh lạnh.
Tổng thống Nixon gọi đó là “tuần lễ thay đổi thế giới”.
Đến năm 1979, Trung Quốc và Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ.
'Bạn của người Trung Quốc'
Sự việc khởi đầu cho lời mời đội tuyển bóng bàn Mỹ tới thăm Trung Quốc xảy ra ở Nagoya, Nhật Bản, khi ông Glenn Cowan bị lỡ xe buýt của đội và phải đi nhờ xe đội Trung Quốc.
Trong cuộc phỏng vấn với Reuters năm 2007, ông Trang nói đồng đội của ông giục không nên bắt chuyện với người Mỹ nhưng ông vẫn mặc kệ.
Qua người phiên dịch, ông nói với Cowan: “Mặc dù chính phủ Hoa Kỳ không thân thiện với Trung Quốc, người Mỹ vẫn là bạn bè của người Trung Quốc. Tôi tặng anh cái này để đánh dấu tình bạn của người Trung Quốc dành cho người Mỹ.”
Hình ảnh của cuộc gặp trên lan tràn trên truyền thông và chủ tịch Trung Quốc lúc đó, Mao Trạch Đông nhanh chóng lệnh cho bộ Ngoại giao mở rộng lời mời.
“Ông Trang Tắc Đống không chỉ giỏi bóng bàn, ông còn biết cách ngoại giao giỏi nữa,” theo trích lời của chủ tịch Mao.
Ông Trang từng ba lần vô địch thế giới và là hình tượng thể thao lớn của Trung Quốc những năm 1960.
Ở tuổi 30, ông trở thành Bộ trưởng Thể thao và được chỉ định làm thành viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Tuy nhiên, sau cái chết của Mao Trạch Đông năm 1976 và sự thất thế nhanh chóng của “bè lũ bốn tên” trong đó có vợ góa của ông Mao, bà Giang Thanh, ông Trang Tắc Đống bị bắt và bị cấm chơi bóng bàn.
Mãi tới năm 1985 ông mới được quay lại Bắc Kinh sau thời gian đi lao động cải tạo.
Ông kết hôn với một phụ nữ Nhật Bản sinh ra ở Trung Quốc, bà Sasaki Atsuko, vào năm 1987.
Glenn Cowan qua đời năm 2004.
nguồn bbc tiếng việt