(HNM) - Có tới 3/7 chức vô địch của Giải Bóng bàn toàn quốc Báo Nhân Dân năm 2013 thuộc về những người mới, chưa từng đăng quang ở những nội dung này. Điều đó khiến giải năm nay giàu kịch tính hơn những kỳ giải gần đây.
Giành lại vị thế
Nếu như giải năm ngoái ghi dấu ấn của đội Hải Dương với chức vô địch đồng đội nam và đội Tiền Giang với chức vô địch đồng đội nữ thì lần này, cái tên Hà Nội được nhắc đến nhiều hơn cả. Việc cả hai đội nam, nữ vào chung kết đồng đội cũng như giành 2 HCV đôi nam, đôi nữ đã khiến bóng bàn Thủ đô có một giải đấu thành công nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Từ khi tay vợt Ngô Thu Thủy nghỉ thi đấu (năm 2003), bóng bàn Thủ đô khá lép vế tại Giải Vô địch quốc gia. Thành tích của đội nữ Hà Nội hầu như không đáng kể, tất cả chỉ trông vào đội nam. Nhưng, đến lúc Nguyễn Nam Hải nghỉ thi đấu, Trần Tuấn Quỳnh và Phan Huy Hoàng sang CLB Hà Nội T&T thì chuyện bóng bàn Hà Nội trắng tay tại Giải Vô địch quốc gia như lẽ đương nhiên. Quá trình gây dựng lại lực lượng không đơn giản, nhất là khi công tác đào tạo trẻ không hiệu quả trong nhiều năm. Đến năm ngoái, đội nữ mới le lói hy vọng tranh chấp huy chương sau nhiều năm được nhào nặn dưới sự huấn luyện của những cựu VĐV nổi tiếng như Ngô Thu Thủy, Lê Huy, Nguyễn Nam Hải. Đến năm nay, dàn VĐV nữ trẻ của Hà Nội thực sự gây ấn tượng khi lọt vào trận chung kết đồng đội nữ, giành HCV đôi nữ (Nguyễn Thị Nga - Nguyễn Lê Thùy Dương). Trong ngày các cô gái Hà Nội đăng quang, nhiều HLV Hà Nội cũng không nhớ chính xác lần gần đây nhất bóng bàn nữ Hà Nội vào chung kết đồng đội hay giành HCV tại Giải Vô địch quốc gia, tất cả chỉ áng chừng chục năm.
Ngoài đội nữ, đội nam Hà Nội cũng đạt thành tích tốt, một phần nhờ sự hỗ trợ của Hà Nội T&T khi CLB này cho phép Trần Tuấn Quỳnh, Phan Huy Hoàng trở về thi đấu cho Hà Nội. Tuy nhiên, trong thành tích của đội nam, tay vợt trẻ Nguyễn Anh Tú cũng được nhắc nhiều. VĐV đang thuộc quân số của CLB Hà Nội này cùng đàn anh Phan Huy Hoàng giành chức vô địch đôi nam, thành tích mà bóng bàn Thủ đô chưa có được kể từ khi cặp Tuấn Quỳnh - Nam Hải không còn thi đấu với nhau.
Sự tươi mới ở nội dung đơn nam
Ngoài ấn tượng về bóng bàn Hà Nội, người ta sẽ phải nhắc nhiều đến cuộc soán ngôi đơn nam của Dương Văn Nam (Quân đội). Việc tay vợt mặc áo lính chưa từng vào đến bán kết đơn nam tại Giải Vô địch toàn quốc nay đánh bại cả hai đàn anh danh tiếng lẫy lừng là Trần Tuấn Quỳnh (bán kết, tỷ số 4-3) và Đoàn Kiến Quốc (chung kết, tỷ số 4-1) đã khiến nhiều người bất ngờ. Sự khát khao cùng tâm lý thoải mái, sự xuất thần đã khiến tay vợt số 3 của đội Quân đội lên ngôi, đem lại nét tươi mới cho giải sau nhiều năm mà chức vô địch đơn nam chỉ loanh quanh các gương mặt Đoàn Kiến Quốc, Đinh Quang Linh, Trần Tuấn Quỳnh. Đấy là điều mà giới chuyên môn cũng như các nhà tổ chức cần đến. Bóng bàn Việt Nam cần động lực từ những nhân tố mới để có thể tạo nên sự hấp dẫn. Ít ra, điều đó đã xuất hiện ở mùa giải năm nay.
Minh An
Giành lại vị thế
Nếu như giải năm ngoái ghi dấu ấn của đội Hải Dương với chức vô địch đồng đội nam và đội Tiền Giang với chức vô địch đồng đội nữ thì lần này, cái tên Hà Nội được nhắc đến nhiều hơn cả. Việc cả hai đội nam, nữ vào chung kết đồng đội cũng như giành 2 HCV đôi nam, đôi nữ đã khiến bóng bàn Thủ đô có một giải đấu thành công nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Từ khi tay vợt Ngô Thu Thủy nghỉ thi đấu (năm 2003), bóng bàn Thủ đô khá lép vế tại Giải Vô địch quốc gia. Thành tích của đội nữ Hà Nội hầu như không đáng kể, tất cả chỉ trông vào đội nam. Nhưng, đến lúc Nguyễn Nam Hải nghỉ thi đấu, Trần Tuấn Quỳnh và Phan Huy Hoàng sang CLB Hà Nội T&T thì chuyện bóng bàn Hà Nội trắng tay tại Giải Vô địch quốc gia như lẽ đương nhiên. Quá trình gây dựng lại lực lượng không đơn giản, nhất là khi công tác đào tạo trẻ không hiệu quả trong nhiều năm. Đến năm ngoái, đội nữ mới le lói hy vọng tranh chấp huy chương sau nhiều năm được nhào nặn dưới sự huấn luyện của những cựu VĐV nổi tiếng như Ngô Thu Thủy, Lê Huy, Nguyễn Nam Hải. Đến năm nay, dàn VĐV nữ trẻ của Hà Nội thực sự gây ấn tượng khi lọt vào trận chung kết đồng đội nữ, giành HCV đôi nữ (Nguyễn Thị Nga - Nguyễn Lê Thùy Dương). Trong ngày các cô gái Hà Nội đăng quang, nhiều HLV Hà Nội cũng không nhớ chính xác lần gần đây nhất bóng bàn nữ Hà Nội vào chung kết đồng đội hay giành HCV tại Giải Vô địch quốc gia, tất cả chỉ áng chừng chục năm.
Ngoài đội nữ, đội nam Hà Nội cũng đạt thành tích tốt, một phần nhờ sự hỗ trợ của Hà Nội T&T khi CLB này cho phép Trần Tuấn Quỳnh, Phan Huy Hoàng trở về thi đấu cho Hà Nội. Tuy nhiên, trong thành tích của đội nam, tay vợt trẻ Nguyễn Anh Tú cũng được nhắc nhiều. VĐV đang thuộc quân số của CLB Hà Nội này cùng đàn anh Phan Huy Hoàng giành chức vô địch đôi nam, thành tích mà bóng bàn Thủ đô chưa có được kể từ khi cặp Tuấn Quỳnh - Nam Hải không còn thi đấu với nhau.
Sự tươi mới ở nội dung đơn nam
Ngoài ấn tượng về bóng bàn Hà Nội, người ta sẽ phải nhắc nhiều đến cuộc soán ngôi đơn nam của Dương Văn Nam (Quân đội). Việc tay vợt mặc áo lính chưa từng vào đến bán kết đơn nam tại Giải Vô địch toàn quốc nay đánh bại cả hai đàn anh danh tiếng lẫy lừng là Trần Tuấn Quỳnh (bán kết, tỷ số 4-3) và Đoàn Kiến Quốc (chung kết, tỷ số 4-1) đã khiến nhiều người bất ngờ. Sự khát khao cùng tâm lý thoải mái, sự xuất thần đã khiến tay vợt số 3 của đội Quân đội lên ngôi, đem lại nét tươi mới cho giải sau nhiều năm mà chức vô địch đơn nam chỉ loanh quanh các gương mặt Đoàn Kiến Quốc, Đinh Quang Linh, Trần Tuấn Quỳnh. Đấy là điều mà giới chuyên môn cũng như các nhà tổ chức cần đến. Bóng bàn Việt Nam cần động lực từ những nhân tố mới để có thể tạo nên sự hấp dẫn. Ít ra, điều đó đã xuất hiện ở mùa giải năm nay.
Minh An