Chuyện về cây vợt thương hiệu Việt Nam

nhimpitt

Trung Sỹ
Tạ Đình Đề được xem như một nhân vật đặc biệt, trên một chừng mực nào đó, mang tính huyền thoại và đã từng có quá nhiều trang viết hấp dẫn về nhân vật này. Ông là một con người ngang tàng và ngay thẳng, không ngại nguy hiểm và dám bảo vệ quan điểm của mình. Có lẽ chính bởi vì cá tính đó mà trên đường công danh, ông gặp biết bao điều trắc trở. Nhưng dù thế nào, tên tuổi của ông vẫn vang mãi tới những miền xa xôi…

Nhưng ít người biết rằng ông và một người bạn đồng tuế Nguyễn Văn Thi đã cùng nhau khai sinh ra một thương hiệu độc đáo của thể thao Việt Nam một thời, đó là những chiếc vợt mút (mousse) “made in Đường sắt Việt Nam”, một sản phẩm từng có giá trị xuất khẩu cao trên trường quốc tế. Trong vở kịch “Tôi và Chúng ta” nổi tiếng một thời, Lưu Quang Vũ đã lấy nguyên mẫu và chất liệu từ Tạ Đình Đề và xưởng dụng cụ Cao su Đường sắt.

Tạ Đình Đề và Nguyễn Văn Thi cùng sinh năm 1917, quen thân nhau từ sớm. Họ nhanh chóng và tự nguyện đến với cách mạng và từ năm 1946, cùng với dòng người Hà Nội đi tản cư, đơn vị đã mở quán cà phê lấy tên là Nhân tại Nho Quan, chợ Đại, Cống Thần để làm cơ sở liên lạc. Đội trưởng Tạ Đình Đề và thiếu tướng Hoàng Sâm đã giao cửa hàng này cho ông Nguyễn Văn Thi. Từ đó, cứ sáng sáng, anh em trong đội từ đây ngược trở vào Hà Nội lấy tin tức rồi ra ngoài báo cáo. Năm 1951, cấp trên thông báo biệt động Hà Nội phải chuẩn bị cho ngày giải phóng Thủ đô và trở về nội thành hoạt động. Sau đó không lâu, ông Nguyễn Văn Thi mở quán cà phê Nhân tại số nhà 100 phố Cầu Gỗ để đón nhận tin tức từ các nơi. Với quán cà phê độc đáo và luôn đắt khách này, ông chủ quán được người ta gọi là “ông Nhân”.

Sau khi Hà Nội giải phóng, ông Tạ Đình Đề lần lượt giữ các nhiệm vụ như Trưởng đoạn Đầu máy Hà Nội, Trưởng ban TDTT kiêm Giám đốc Xưởng dụng cụ cao su Đường sắt (trực thuộc Tổng cục Đường sắt). Còn ông Thi vẫn bán cà phê. Cả hai ông có cùng niềm đam mê với bóng bàn và mong muốn góp sức phát triển môn thể thao này. Thế rồi “cái khó ló cái khôn” đầu năm 1959, ông Thi mua một tấm i-nốc về nhà hì hục đục khuôn để ép gai làm mặt vợt bằng cao su, mày mò ngót tháng trời làm ra một tấm ép đến hàng nghìn lỗ chân gai. Tuy nhiên khi ấy chưa có xí nghiệp nào có đủ điều kiện để thử hiệu quả của mẫu này. Sau đó, ông Thi đem mẫu xuống nhà máy Cao su Sao vàng gặp ông Hoạt, nguyên là một VĐV bóng bàn Hà Nội đồng thời là giám đốc nhà máy chuyên làm lốp xe đạp. Ông Hoạt từng phải cầm chiếc vợt to tướng được ví như... cái quạt của Bà La Sát trong truyện Tây Du ký mà thi đấu nên rất ủng hộ việc chế tạo cây vợt bóng bàn mới này. Ông Hoạt nhiệt tình giúp đỡ và còn đề nghị ông Thi thu xếp về làm tổ trưởng tổ sản xuất vợt bóng bàn của nhà máy Cao su Sao vàng. Họ cùng nhau nghiên cứu và không lâu sau cho ra đời chiếc vợt bóng bàn mặt cao su đầu tiên của Việt Nam mang mã số 001, chân gai nhỏ như kiểu vợt Becna Dunlop của Pháp. Mặt cao su đã vậy, cốt gỗ được sự chi viện từ nhà máy Gỗ dán Cầu Đuống; ông Bảo là Phó giám đốc nhà máy cũng tận tình giúp đỡ. Hồi đó, lối đánh “gò công” đang phổ biến và loại vợt này rất phù hợp với lối đánh ấy, bởi lớp giữa là gỗ gạo, gỗ sung còn loại gỗ làm phần cốt của hai bên là gỗ trám trắng và trám đỏ. Ông Thi rất khéo tay. Ông thường xuyên nhận sửa vợt miễn phí cho những người hâm mộ, từ cắt gọt cốt cho đến thay, dán mặt mousse... ngay tại ngôi nhà ở phố Cầu Gỗ.

Năm 1962, ông Tạ Đình Đề là Trưởng ban TDTT của ngành Đường sắt, tới chơi và đề nghị ông Nguyễn Văn Thi về làm nhiệm vụ nghiên cứu sản xuất mặt vợt mút Việt Nam. Một ý tưởng mới mẻ! Thế là họ thành lập tổ nghiên cứu mặt vợt bóng bàn tại phố Quán Sứ (Hà Nội). Công việc rất vất vả, nguyên vật liệu vừa hiếm vừa đắt, song được sự quan tâm của cấp trên, từ Tổng cục trưởng Hà Đăng Ấn tới Trưởng ban TDTT Tạ Đình Đề, mùa hè năm 1963 cây vợt mút Việt Nam đầu tiên có màu xanh - đỏ đã ra đời. Cây vợt Việt Nam đã nhanh chóng được sự đón nhận của nhiều người hâm mộ môn bóng bàn tại Hà Nội và các tỉnh miền Bắc. Ít người biết rằng sau một thương thảo ở cấp quốc gia, lô hàng đầu tiên của Việt Nam xuất sang Liên Xô đã đổi được 10 đầu máy hơi nước về ga Hà Nội, thành quả quá đỗi tuyệt vời! Cũng từ đó, vợt mút “made in Việt Nam” xuất khẩu đều đặn qua Liên Xô, cứ 10 chiếc vợt sẽ thu về 240.000đ tương đương 1 chiếc xe đạp Junio của Tiệp Khắc bán tại Bách hóa Tổng hợp Tràng Tiền khi ấy. Bên Liên Xô, chiếc vợt này rất được hâm mộ, còn tại Việt Nam, đa số các VĐV bóng bàn của chúng ta đều ưa dùng để tập luyện và thi đấu. Cũng trong thời kì này, hai ông Hà Đăng Ấn và Tạ Đình Đề được bạn thơ yêu mến đưa vào dạng thơ Bút Tre.

Năm 1972, xưởng vợt tại phố Quán Sứ bị cháy do chập điện, cơ sở phải dời về Thành Công, lô đất ấy do đích thân Bí thư thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Trân, một người rất yêu bóng bàn, đề nghị thành phố cấp. Từ đó, xưởng của ông Tạ Đình Đề và ông Nguyễn Văn Thi phát triển rất mạnh, có tới hơn 700 công nhân và đơn vị này góp phần chi viện cho hoạt động của ngành văn hóa và TDTT Đường sắt khá hiệu quả.

Năm 1975, miền Nam giải phóng, khi Tổng cục phó Tổng cục Đường sắt Lê Minh Đức được phân công vào công tác ngắn hạn tại Sài Gòn đã được biết Bí thư thành ủy Phan Văn Khải đích thân mời ông Nguyễn Văn Thi vào miền Nam giúp thành phố xây dựng một xưởng làm vợt bóng bàn tại phố Nguyễn Đình Chiểu, quận 1. Cùng thời gian này ông Tạ Đình Đề gặp “sự cố” nhưng đã được “giải oan”, quay về làm giám đốc xưởng cao su, Trưởng ban TDTT ngành Đường sắt. Còn ông Thi, suốt cuộc đời đã gắn bó với nghiệp cà phê và cây vợt Việt Nam, những người con của ông đại đa số theo nghiệp cha, trong đó người con trưởng - ông Nguyễn Văn Thủy, một cây vợt từng được phong cấp I của Hà Nội ngày nào, nhiều năm qua vẫn là HLV bóng bàn tại CLB Nguyễn Du (phố Nguyên Hồng). Trong một lần tâm sự, ông Thủy kể rằng cha mình luôn dạy các con khi ra đời phải biết lấy cái tâm làm đầu mà chẳng phải vô cớ mà quán cà phê của gia đình ông mang tên là Nhân - chữ Nhân vốn đứng đầu trong Ngũ thường.

Sự thăng trầm của đời người thật chẳng biết đâu mà lần. Năm 1991, Liên Xô tan vỡ, việc xuất khẩu mặt hàng này cũng chấm dứt, kéo theo sự giải thể của xí nghiệp làm vợt. Nhưng tình cảm của đôi bạn đồng niên thì vẫn còn đó. Những năm về già, 2 ông bạn vẫn là tri âm thân thiết và thường gặp nhau tại quán cà phê Nhĩ ở phố Chả Cá. Họ không sao quên niềm tự hào vì những gì đã đóng góp cho thể thao và cho môn bóng bàn với những kỷ niệm không thể nào quên, đó là việc đồng hành của chữ Nhân và sự tồn tại trên trường quốc tế trong 3 thập niên của cây vợt mang thương hiệu Đường sắt Việt Nam.

Năm 1954, do có cửa hang cà phê “ăn nên làm ra” tốt nên ông Thi đã đứng ra thành lập CLB Hội quán Hàng Buồm, tập hợp nhiều tay vợt cừ của Hà Nội như Lê Đắc Cừ, Tạ Đắc, Trần Hênh, Vũ Bảo Lâm... Bên cạnh đó, ông cũng yêu bóng đá và phối hợp với ông Bằng tiệm cà phê ở phố Hàng Da trở thành “Mạnh Thường Quân” của CLB bóng đá phố Hàng Gai, sau đó lần lượt đổi tên là CLB Trần Hưng Đạo rồi Hoàng Diệu, tiền than của CLB bóng đá Công an Hà Nội…

Trần Quang
 

Bình luận từ Facebook

Top