Chuyện khoa học của thể thao Việt Nam

nhimpitt

Trung Sỹ
Giải thích cho việc thi đấu có chiều hướng sa sút, dẫn đến việc rơi từ hạng 7 xuống dưới top 10 thế giới, tay vợt cầu lông Nguyễn Tiến Minh nói rằng: “Các đối thủ giờ đây đã nghiên cứu tôi quá kỹ. Họ bắt bài được những sở trường của tôi để khắc chế”.

Từ câu chuyện của Nguyễn Tiến Minh hôm nay, tôi chợt nhớ đến câu chuyện của hơn nửa thế kỷ trước: Vào cuối thập niên 1950, bóng bàn miền Nam Việt Nam đã trở thành hiện tượng của thế giới. Mà đỉnh điểm là trận hạ đội Nhật, số một thế giới tại chung kết ASIAD 1958 ngay tại Tokyo. Hai trong số những người hùng viết nên trang sử vàng của bóng bàn Việt Nam là tay vợt Mai Văn Hòa - được báo chí quốc tế gọi là “bức tường đồng” với lối chơi phòng ngự hiệu quả làm nản lòng đối phương; và tay vợt Lê Văn Tiết - người được lịch sử bóng bàn thế giới vinh danh như là “ông tổ” của lối đánh đôi công đẹp mắt.

Tuy nhiên, thời hoàng kim của bóng bàn Việt Nam kéo dài không lâu. Không lâu không phải vì các tay vợt sa sút phong độ mà bởi các đối thủ đã nghiên cứu các tay vợt Việt Nam một cách quá ư cặn kẽ. Trong một chuyến đi Nhật cách đây ba năm, tôi đã được thấy một cuốn sách về bóng bàn mà người ta viết rằng sau thất bại đau đớn tại ASIAD 1958, người Nhật đã nghiên cứu cặn kẽ từng bước chân di chuyển của ông Hòa và ông Tiết nhằm phân tích, tìm ra những biện pháp khắc chế ưu điểm của hai tay vợt tài năng của Việt Nam.

Khoa học đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong việc phát triển thể thao. Nó hiện diện khắp trong các môn, từ môn bóng đá cho đến điền kinh, bơi lội... Vì vậy, chuyện Tiến Minh than thở các đối thủ đã hiểu anh đến tận chân tơ kẽ tóc là điều hiển nhiên. Như người xưa đã đúc kết “biết mình biết người, trăm trận trăm thắng”. “Biết mình” trong thể thao là sự rèn luyện chăm chỉ; còn “biết người” chính là nghiên cứu đối thủ một cách khoa học.

Đáng tiếc thay, với thể thao Việt Nam, “biết người” là một khoảng trống mênh mông. Chúng ta đã từng nghe rất nhiều lần về những lời than thở của các HLV đội tuyển bóng đá quốc gia, đó là họ chẳng biết một tí gì về đối thủ. Trong khi đó, những trận đấu của đội tuyển quốc gia hay U-23 VN nhằm chuẩn bị cho những giải đấu quan trọng như AFF Cup, SEA Games đều bị các đối thủ lớn cử người sang quay phim, ghi chép cặn kẽ. Tương tự, các đối thủ của Tiến Minh tường tận về anh mọi ngóc ngách nhưng hỏi về các đối thủ thì Tiến Minh và các HLV có tham gia vào giúp sức cho anh cũng chẳng khác nào những người xem bình thường qua truyền hình. Nên nhớ những góc quay của truyền hình chỉ nhằm tạo hấp dẫn cho người xem chứ không giúp được nhiều cho công tác huấn luyện.

Nguyễn Tiến Minh là một nhân tài hiếm hoi của thể thao Việt Nam. Anh là tay vợt đầu tiên trong lịch sử cầu lông VN lọt vào tốp 10 thế giới; và sau anh là một sự trống vắng đến buồn thăm thẳm. Vậy mà, ngành thể thao nói chung, bộ môn cầu lông nói riêng đã đầu tư cho Minh không hơn bao nhiêu so với các tay vợt khác. Chả trách sao Minh đang dần đi xuống, dù đang ở độ tuổi chín về nghề nghiệp.

(CATP)
 

Bình luận từ Facebook

Top