Liu Guoliang – cương vị nào cũng thành công

nhimpitt

Trung Sỹ
10-1-1976, ngày này gợi cho bạn điều gì? Chắc rằng không mấy người trả lời được nhưng nếu bạn là người yêu bóng bàn Trung Quốc chắc chắn câu hỏi này không khó vò đó là ngày chào đời của Liu Guoling (Lưu Quốc Lượng) một trong những cái tên nổi tiếng nhất của bóng bàn thế giới.

Liu nổi tiếng sớm. Ở Xinxiang, nơi anh “chôn rau cắt rốn” Liu là một trong những tài năng trẻ nổi bật nhất, mới 6 tuổi Guoliang đã bắt đầu tập những quả giật thuận tay đầu tiên. Rất nhanh chóng, Liu tiếp thu thuần thục kỹ thuật vợt dọc của người Trung Quốc nhưng lại nâng tầm của lối đánh này. Luôn ôm bàn, séc vít cực xoáy và tấn công dữ dội ngay khi có thể, Liu tạo nên một hình ảnh khác hẳn những tay vợt đàn anh như Chen Longcan hay Jiang Jiliang. Năm 1991, khi mới 15 tuổi, những nỗ lực tập luyện của Liu được đền đáp: anh được chọn vào đội tuyển Trung Quốc.

Sau khi tỏa sáng tại WTTC 1993 và 1995, Guoliang giành được quyền tham dự Olympic Atlanta 1996 và đây là năm anh thành công rực rỡ nhất. Trong trận bán kết đơn nam, Liu đánh bại cây vợt số 1 nước Đức Jörg Rosskopf 3-1 để lọt vào trận chung kết với người đồng đội Wang Tao. Trận đấu rất căng thẳng khi 2 người đều khát khao đi vào lịch sử với tư cách tay vợt nam Trung Quốc đầu tiên vô địch Olympic, hòa 2-2 nhưng Guoliang tỏ ra xuất sắc hơn trong séc quyết định. Chiến thắng 21-6 mang lại cho Liu chiếc HCV quý giá. Rồi Liu và Wang lại gặp nhau trong trận chung kết đôi nam, Liu đứng đôi với Kong Linghui, Wang đứng với Lin Lu, nhưng khác với trận đánh đơn, Kong tỏ ra quá xuất sắc so với Lin Lu nên cặp Liu-Kong thắng khá dễ dàng 3-1. Ở tuổi 20, Guoliang có tới 2 HCV Olympic. 4 năm sau, Liu không bảo vệ được danh hiệu, thua Jan-Ove Waldner 0-3 tại bán kết, Liu-Kong lại thua tiếp 1-3 trước hai người đồng đội Wang Liqin-Yan Sen tại chung kết đôi nam. Liu giành thêm được một chức vô địch đơn nam tại WTTC 1999, cùng một số chức vô địch đôi và đồng đội. Liu là 1 trong 3 cây vợt giành được Grand Slam của bóng bàn (vô địch cả 4 danh hiệu lớn Olympic, WTTC, World Cup và Protour Grands Finals).

Năm 2002, Liu giã từ bàn bóng nhưng lại bước sang một giai đoạn khác thành công không kém. Liu trở thành HLV trẻ nhất trong lịch sử đội tuyển bóng bàn Trung Quốc (được Cai Zhenhua ủng hộ hết mình). Rất nghiêm khắc nhưng Liu sẵn sàng bảo vệ học trò, chẳng hạn vụ Chen Qi vi phạm kỷ luật hoặc tạo cơ hội cho Qiu Yike trở lại sau 1 năm bị cấm và tỏa sáng tại WTTC 2007 (đoạt HCĐ đôi nam-nữ). Liu đã khuyến khích được sức mạnh của các cây vợt hàng đầu như Ma Lin, Wang Liqin (ngay khi mới nhậm chức đã tuyên bó là sẽ mở ra kỷ nguyên của 2 tay vợt này), rèn giũa Wang Hao, Chen Qi, Hao Shuai thành những tay vợt đẳng cấp hàng đầu, đồng thời không quên tạo cơ hội cho các tay vợt trẻ (cho một loạt baby vào tuyển như Zhang Jike, Ma Long, Xu Xin). Dưới sự lãnh đạo của Liu, Trung Quốc là bá chủ của bóng bàn thế giới, trừ chức vô địch đơn nam WTTC 2003 và Olympic 2004, Trung Quốc vô địch hầu như tất cả các giải lớn họ tham dự. Olympic 2008 là mục tiêu lớn của Liu, con đường đưa anh trở thành một HLV huyền thoại đã mở ra và có vẻ anh đang vững bước trên con đường này.

(St)
 

Bình luận từ Facebook

Top