Lịch sử bóng bàn Việt Nam{Post lại}

HAIGIAY

Binh Nhì
Các tay vợt Được, Liễu, Hòa và Tiết (từ trái sang) tại Tokyo 1958 - Ảnh tư liệu

Một trong hai nỗi đau nhất của thể thao Nhật Bản

Tìm lại tư liệu báo chí thời bấy giờ, đã có khá nhiều bài viết, bài dịch từ báo chí Nhật nói về sự kiện này. Với thể thao nước Nhật lúc ấy, người ta cho rằng đây là một trong hai nỗi đau lớn nhất.

Tờ Nhật báo Đông Kinh viết: “Trong lịch sử thể thao Nhật, có hai biến cố làm chúng ta đau lòng nhất là việc để đoàn VN đoạt HCV bóng bàn đồng đội nam ngay tại Asiad lần 3 - Tokyo 1958; và võ sĩ Hà Lan Auton Geenik đoạt chức vô địch judo thế giới”.

Còn tờ Nhật Bản Thời Luận thì có hẳn một bài ca ngợi ba tay vợt chủ lực của VN: “bức tường thành” Mai Văn Hòa, “kỳ quan” Lê Văn Tiết - tay vợt duy nhất chỉ thua một trận trong số 14 trận đấu của mình tại Asiad 1958 và Trần Cảnh Được - một tay vợt công thủ toàn diện.

Để lọt được vào đến trận chung kết gặp chủ nhà Nhật, đội VN với bốn tay vợt Mai Văn Hòa, Trần Cảnh Được, Trần Văn Liễu và Lê Văn Tiết đã lần lượt thắng như chẻ tre trước Philippines 5-1, Đài Loan 5-1, Iran 5-2, Hong Kong 5-1 và Nam Triều Tiên 5-2.

Chính vì vậy, đội Nhật dù rất tự tin nhưng cũng thận trọng khi tung ra thành phần mạnh nhất của mình ở trận chung kết, gồm đương kim vô địch nam thế giới Tanaka, cựu vô địch thế giới nhiều năm liền Ogimura (sau này từng làm chủ tịch Liên đoàn Bóng bàn thế giới) và một cây vợt số hai của Nhật lúc đó là Tsunoda. Phía VN, ba tay vợt chủ lực đã được tung ra gồm Hòa, Được và Tiết.

Trước trận đấu, dư luận đánh giá các tay vợt VN chỉ có 10% hi vọng làm chuyện bất ngờ. Nên nhớ trước đó một năm, tại giải vô địch thế giới ở Thụy Điển, đội Nhật đã hạ VN (Hòa, Được, Huỳnh Văn Ngọc) 5-3. Vì vậy, Liên đoàn Bóng bàn Nhật rất tự tin mời hoàng thái tử Nhật đến xem và theo kế hoạch sẽ trao HCV cho đội thắng trận.

Thế nhưng, cái 10% hi vọng chiến thắng lại trở thành hiện thực. Thể thức thi đấu lúc ấy là đánh chín trận đơn, bên nào đến năm trước là chiến thắng. Trận đầu, Hòa thắng Tsunoda 2-1. Kế đến, Ogimura gỡ hòa bằng chiến thắng 2-0 trước Được. VN vượt lên ở trận thứ ba khi Tiết hạ Tanaka 2-0. Đội Nhật lại bắt kịp khi Ogimura hạ Hòa 2-1. Ở ván thứ năm, Tiết hạ Tsunoda 2-0. Đội VN vượt lên dẫn 4-2 khi Được hạ Tanaka 2-0.

Tay vợt lão luyện Ogimura là người “rửa mặt” cho chủ nhà khi thắng đối thủ thứ ba của VN là Tiết 2-1. Ván thứ tám, Hòa gặp Tanaka. Nhà vô địch thế giới hi vọng thắng trận này để gỡ hòa 4-4, và trận quyết định sẽ diễn ra giữa Được với Tsunoda. Tuy nhiên, với lối chơi vững như tường đồng, Hòa đã xuất sắc hạ Tanaka 2-0 (21/17, 21/18).

Những người mê thể thao nay đã bước sang tuổi thất thập cổ lai hi kể lại rằng bộ phim nhựa quay những trận đấu ấy sau đó đã được công chiếu trong các rạp chiếu bóng toàn miền Nam. Khi xem đến cảnh Tanaka quăng vợt chạy đến bên mẹ khóc ròng, rồi cảnh hoàng thái tử Nhật lặng lẽ rời nhà thi đấu, không người Việt nào không rơi lệ vì tự hào.

Nhà bình luận thể thao nổi tiếng Huyền Vũ lúc ấy viết rằng khi ký biên bản sau trận đấu, đội trưởng đội Nhật - tay vợt Ogimura ngậm ngùi nói: “Đây là lần đầu tiên trong đời cầm vợt của tôi đã phải ký biên bản trước (đội thất bại phải ký trước)”!

Mặc dù chiến thắng được ghi công bởi cả bốn thành viên đội bóng bàn lúc ấy gồm Mai Văn Hòa, Trần Cảnh Được, Lê Văn Tiết và Trần Văn Liễu; nhưng nhờ trận thắng quyết định cuối cùng, Mai Văn Hòa vẫn là người được nhắc đến nhiều nhất. Cũng nhờ chiến thắng ấy, ông đã kiếm được một món tiền lớn để trang trải nợ nần...

HUY THỌ

---------------
 

HAIGIAY

Binh Nhì
Mai Văn Hoà và chữ ký giaỉ nợ Chà và

"Hoan hô quái kiệt Mai Văn Hòa" - đó là một trong rất nhiều băngrôn đón đoàn bóng bàn trở về sau chiến thắng vang dội 1958
Kể từ khi thể thao VN mở cửa vào cuối thập niên 1980 đến nay, chúng ta bắt đầu làm quen với việc các VĐV nổi tiếng xuất hiện trên truyền hình, báo chí để quảng cáo cho các thương hiệu. VĐV được xem là đầu tiên ký hợp đồng quảng cáo là võ sĩ Trần Quang Hạ sau khi đoạt HCV taekwondo Asiad Hiroshima.

Tuy nhiên, chẳng có hợp đồng nào danh giá bằng hợp đồng của Mai Văn Hòa...

French Style - Mai Văn Hòa

Butterfly là nhãn hiệu số một thế giới từ xưa đến nay về mọi vật dụng phục vụ môn bóng bàn. Vào thời điểm thập niên 1950, Butterfly có mười loại vợt phục vụ dân chơi bóng bàn khắp thế giới. Mỗi một kiểu vợt như thế phù hợp cho một trường phái chơi bóng khác nhau.

Như tay vợt Lê Văn Tiết chơi loại Kenny Style, Mai Văn Hòa thì chơi French Style, những tay vợt cầm vợt theo kiểu “cầm thìa” thì xài Japanese Style... Tuy nhiên, trong cả mười kiểu vợt của Butterfly lưu hành trên khắp thế giới lúc đó duy nhất chỉ có kiểu French Style là trên cán vợt có chữ ký của danh thủ Mai Văn Hòa!

Chữ ký danh giá này đã đem lại cho ông Hòa bao nhiêu? Ông Lê Văn Tiết, một người cũng được Butterfly giới thiệu trong cuốn chào hàng của mình một cách trang trọng, bảo rằng: “Tôi không biết anh Hòa thì thế nào, phần mình, Butterfly có xin phép giới thiệu tên tuổi, cách cầm vợt của tôi trên cuốn sách của họ và đổi lại họ trang bị toàn bộ dụng cụ thi đấu, tập luyện cho tôi”.

Còn ông Trần Cảnh Đến - em ruột ông Trần Cảnh Được, và cũng là một tay vợt có hạng sau này của bóng bàn VN - cho biết: “Tôi với anh Hòa thân lắm. Ảnh chơi thân với anh Được và xem tôi như em ruột. Sự nghiệp bóng bàn của tôi có được là nhờ học từ anh Hòa. Tôi nhớ vào thời điểm đó anh Hòa nghèo lắm, gia đình cả chục người con mà tính ảnh lại rất phong lưu.

Hikosuke Tamasu - chủ tịch Tập đoàn Butterfly - trong cuốn hồi ký Những bài hát về tình hữu nghị thế giới viết về cuộc đời gắn bó với bóng bàn của mình (xuất bản năm 1993) đã có một đoạn nhắc đến Mai Văn Hòa: “Bóng bàn đã mang đến cho tôi những người bạn quí trên khắp thế giới, trong đó có các ông Mai Văn Hòa, Trần Cảnh Được... của VN. Họ là những người đã làm nên sự kiện mà không một người Nhật nào yêu bóng bàn có thể quên được vào năm 1958. Nhưng thật đáng tiếc ông Hòa mất quá sớm. Tôi đã bàng hoàng khi nghe tin ông ấy mất...”.
Sau chuyến đoạt HCV Asiad, anh có khoe với tôi rằng buồn ngủ thì gặp được chiếu manh, đang nợ nần tứ giăng với các chú Chà và (từ mà người Sài Gòn gọi các thương gia người Ấn lúc bấy giờ-NV) thì nhận được lời đề nghị của ông chủ Butterfly là Hikosuke Tamasu về việc khắc chữ ký lên cán vợt loại French Style mà ảnh sử dụng. Ảnh không cho biết hợp đồng này trị giá bao nhiêu nhưng tôi nghĩ là rất lớn, cũng phải vài ngàn đôla Mỹ, một khoản tiền rất lớn lúc bấy giờ nên ảnh đã trang trải được nợ nần”.

“Vạn lý trường thành”…

Bóng bàn ra đời vào khoảng thế kỷ 19 bởi các nhà quí tộc Anh ghiền môn quần vợt đã chế ra để chơi trong những lúc thời tiết mưa dầm, bão tố.

Riêng tại VN, bóng bàn theo chân các lính viễn chinh Pháp du nhập đến đất nước hình chữ S này khoảng năm 1920. Ngày ấy, nó là một trò chơi dành cho tầng lớp thượng lưu, sử dụng để làm phương tiện giải trí, giao lưu tiếp xúc với các ông tây bà đầm.

Song dần dần bóng bàn trở thành một môn thể thao bình dân, được giới học trò ưa chuộng, để rồi năm 1930 đã bắt đầu có những giải đấu tranh tài ở từng miền Bắc - Trung - Nam. Đến năm 1933, một giải đấu qui mô nhất đã được tổ chức là tranh chức vô địch Đông Dương, và một người Việt ở Campuchia đã đoạt chức vô địch là ông Đặng Tất.

Nhưng những gì mà bóng bàn VN có được ở lúc sơ khai ấy còn có khoảng cách rất xa so với trình độ thế giới. Cụ thể là vào năm 1938, một đoàn bóng bàn Hungary đã đến Sài Gòn thi đấu giao hữu, trong đó có cựu vô địch thế giới Miklos Szabados.

Tranh tài với các tay vợt khách, đại diện làng bóng nhựa VN gồm Ngọc Sơn đến từ Hà Nội, Nguyễn Đình Thi đến từ Nam Định và cặp Nguyễn Văn Khai, Trương Vĩnh Các của Sài Gòn. Đội chủ nhà đã thua cả bốn trận đơn nhưng màn trình diễn của Szabados đã làm ngây ngất giới mộ điệu.

Ông Mai Duy Diễn - phó chủ tịch Liên đoàn Bóng đá VN: "Năm 1958, khi ấy tôi vừa 16 tuổi, đã bắt đầu theo nghiệp bố - ông Mai Duy Dưỡng, vô địch bóng bàn Đông Dương, được vào đội tuyển bóng bàn miền Bắc. Qua báo chí, chúng tôi đã nghe được chiến thắng của các anh Hòa, Tiết, Được và phải nói là hết sức tự hào. Dù đất nước bị chia cắt nhưng chiến thắng thể thao của những VĐV miền Nam hay miền Bắc thì cũng thế thôi, đều là niềm tự hào của người Việt mình cả.

Tôi không được xem anh Hòa thi đấu chứ một vài đàn anh như anh Dương Kỳ Hưng đã xem hồi anh Hòa ra Hải Phòng, Hà Nội biểu diễn vào năm 1952 và ai cũng xem là thần tượng. Cho đến tận sau này, khi đất nước thống nhất, trong những lần xuất ngoại đi hội họp bóng bàn thế giới, rất nhiều người khi nghe tên tôi đã vội đến hỏi thăm có phải là anh em với ông Mai Văn Hòa không. Bởi họ cứ nghe đến "Mai" là nghĩ lập tức đến Mai Văn Hòa dù chúng tôi không bà con gì cả. Việc mấy chục năm trước mà vẫn còn được thế giới nhớ và nhắc đến là thật đáng tự hào".
Màn trình diễn của các tay vợt Hungary đã khiến bóng bàn phát triển mạnh mẽ tại Sài Gòn khi các lò mọc lên như nấm. Song phải đến gần chục năm sau - năm 1947, khi hai anh em Mai Văn Chất - Mai Văn Hòa hồi hương từ Campuchia về thì bóng bàn VN mới bắt đầu gặt hái được những chiến thắng đáng khích lệ. Đầu tiên là tại cuộc viễn du của hai tay vợt hàng đầu nước Pháp lúc ấy gồm Michel Haguenauer và Guy Amouretti. Cả hai sau một loạt trận thắng như chẻ tre đã bị giội nước lạnh bởi thất bại 2-3 của Amouretti trước Mai Văn Hòa - người có lối chơi cắt bóng chắc như một bức tường đồng.

Những người yêu thể thao VN ngày ấy, nay đều đến tuổi thất thập cổ lai hi, bảo rằng đấu thủ nào gặp Mai Văn Hòa cũng nản bởi đánh với ông như đánh với... tường! Đập, “tiu”... cỡ nào ông cũng đỡ được. Chính vì thế nên không chỉ có báo chí trong nước, mà ngay nước ngoài cũng đặt cho Mai Văn Hòa biệt danh là “Vạn lý trường thành” của bóng bàn thế giới.

Thành tích của ông không chỉ là HCV đồng đội Asiad 1958, mà năm ấy còn đoạt luôn HCV đôi nam khi đứng cặp cùng Trần Cảnh Được đã hạ đôi Li Kou Tin - Son Ying Chen (Đài Loan) 3-1 trong trận chung kết. Hay trước đó, liên tiếp hai năm liền 1953 và 1954 ông đã đoạt HCV đơn nam châu Á. Trong bảng xếp hạng cá nhân của bóng bàn thế giới năm 1959 mà VN đã đoạt HCĐ, Mai Văn Hòa được xếp hạng thứ 12.

Đáng tiếc thay con người tài năng đó đã ra đi ở tuổi 45, sau một tai nạn giao thông trên đường Yên Đổ (nay là Lý Chính Thắng) vào năm 1971. Các con của ông không ai theo nghiệp bóng bàn nhưng những người cháu (con chị ruột) lấy theo họ “Mai” của mẹ thì theo đuổi nghiệp banh nhựa.

Và hiện nay hai tay vợt nữ vào loại hàng đầu VN là Mai Hoàng Mỹ Trang và Mai Xuân Hằng là cháu gọi ông Mai Văn Hòa là ông cậu. Âu cũng là một chút an ủi cho ông nơi miền cực lạc...

Trong sự nghiệp lẫy lừng của mình có một câu chuyện về Mai Văn Hòa mà tôi được nghe từ nhỏ và bán tín bán nghi không biết có thật không...

HUY THỌ
 
Last edited:

HAIGIAY

Binh Nhì

Đoàn bóng bàn trước khi lên máy bay đi Nhật dự Asiad 1958 - Ảnh tư liệu
Danh thủ Mai Văn Hòa nằm xuống đã mang theo bí mật về những quả giao bóng trơn tuột như bôi mỡ! Hôm nay, chúng tôi đi tìm lời giải đáp từ những người cùng thời...

Kẻ bảo có, người nói không...

Tuyệt chiêu để đưa ông Mai Văn Hòa trở nên một danh thủ khét tiếng thế giới chính là những quả cắt, khả năng đón đỡ bóng đến mức siêu phàm. Một cây bút thể thao ngày ấy đã viết: “Lối chơi của Hòa là thủ mãi để thắng. Thắng nhờ đối phương không còn đủ kiên nhẫn...”!

Nhưng, hồi nhỏ tôi đã được nghe cha mình cùng nhiều bậc trưởng thượng khác kể về một huyền thoại của Mai Văn Hòa là ông thường có những quả giao bóng rất hiểm ác vào những thời điểm quyết định. Trong làng thể thao VN ngày ấy, người ta gọi đó là cú giao bóng “biăngtin”!

“Biăngtin” là tên gọi loại sáp bôi tóc cho bóng mượt, được các quí ông thời ấy rất ưa dùng. Danh thủ Mai Văn Hòa cũng có một đầu tóc láng mướt nhờ biăngtin mà người ta thường ví là ruồi đậu xuống đó sẽ trượt chân té! Và lời đồn bảo rằng ở những thời điểm quyết tử, khi cầm giao bóng, ông đưa tay vuốt nhẹ đầu một cái. Sau đó bàn tay vê tròn quả bóng để tráng cho nó một lớp biăngtin. Tiếp đến, những quả giao bóng lúc ấy đều rất đơn giản, không hiểm hóc. Đối phương lập tức tưởng bở giật ngay. Nhưng bóng trơn quá khiến nó tuột luốt không đâu vào đâu cả, và thế là thua!

Ông Trần Cảnh Đến - một người thân thiết với ông Hòa - đã cực lực phản bác điều đó, ông bảo người ta ganh anh Hòa nên nói thế. Ông Trần Cảnh Được - một đồng đội của ông Hòa, hiện ở Mỹ - cũng khẳng định không có chuyện đó. Bởi các VĐV đẳng cấp cao thế giới đâu phải tay mơ để anh Hòa làm được điều đó!

Nhưng ông Lê Văn Tiết thì lại bảo rằng có. Ông nói: “Dĩ nhiên anh Hòa đâu có xài thường xuyên. Chỉ ở những thời điểm cực kỳ quan trọng mới tung chiêu đó ra thôi. Sau này các đối thủ Nhật Bản, Hong Kong... cũng nghe đồn về chuyện này nên khi thi đấu với anh Hòa, họ thường xuyên đòi kiểm tra bóng trước khi anh Hòa giao. Tôi cho rằng nếu chuyện đó là thật thì cũng không làm lu mờ chút nào tài năng của anh Hòa, bởi đó chỉ là một chút mánh lới trong thể thao thôi mà. Vả lại làm gì có chuyện sử dụng chiêu đó để thắng người ta mãi được”.

Chuyến xuất ngoại đầu tiên của bóng bàn VN là vào tháng 12-1949. Đoàn gồm có Mai Văn Chất (thủ quân), Mai Văn Hòa, Trần Văn Liễu, Trần Quang Nhụy và Phó Đức Huy. Sau nửa tháng cùng tàu Marseillais lênh đênh trên biển, đoàn đã đến Paris ngày 2-1-1950 và thực hiện một chuyến thi đấu tại Pháp và Hà Lan khá thành công. Tiếp đến, đoàn VN dự giải vô địch bóng bàn thế giới, nhưng do mới lần đầu dự giải nên không được thi đấu đồng đội mà chỉ được chơi ở giải đơn, đôi. Tất cả đều lọt qua vòng một, sau đó chỉ còn Chất, Nhụy vào vòng ba nhưng cũng đã dừng bước.
Câu chuyện của “Xí Được”

Trong bộ tam làm nên chiến thắng lẫy lừng của năm 1958, ngoài ông Mai Văn Hòa, nhân vật thứ hai là ông Trần Cảnh Được hiện sinh sống tại San Jose (bang California, Mỹ). Cách đây hai năm, Hội Người Việt tại Cali đã tổ chức mừng thọ ông 70 tuổi.

Lật lại những tư liệu cũ là báo chí thể thao ngày ấy, tôi không khỏi thắc mắc khi trong đội hình tuyển bóng bàn VN dự Asiad 1958 hay Giải vô địch bóng bàn thế giới 1959 tại Dormund (Đức) có tờ viết là Trần Cảnh Đức, có tờ lại viết là Trần Cảnh Được?

Ông Đến - em trai của ông Được - vừa cười vừa kể rõ nguồn cơn chuyện này như sau: “Anh Được có lẽ là VĐV đầu tiên của VN khai man tên đó! Hồi nhỏ, ba tôi cấm chơi bóng bàn. Mà bọn tôi thời đó mê anh em nhà Mai Văn Chất - Mai Văn Hòa dữ lắm. Đã vậy, học ở Trường Tabert mấy thầy cũng dạy chơi bóng bàn nên ghiền luôn. Vì vậy, anh Được không dám đăng ký thi đấu với tên thật vì sợ đến tai ba tôi nên tự đổi tên Được thành Đức”.

Còn ông Được, trong một cuộc trò chuyện qua điện thoại đã kể cho nghe: “Tôi là dân Hội An, nhưng ông bà cụ thân sinh đã vào Sài Gòn lập nghiệp từ khi bọn tôi chưa ra đời. Có điều mấy anh chị của tôi đều sinh tại Sài Gòn, chỉ mỗi mình tôi sinh tại Hội An. Số là không hiểu sao trước tôi, tất cả mấy người anh đều mất sớm. Vì thế khi mang bầu tôi, hai ông bà thân sinh đã quyết định về sinh tại Hội An rồi gửi cho người bác ruột nuôi đến năm sáu tuổi mới vào lại Sài Gòn. Vì khó khăn như thế nên ông bà cụ mới đặt tên là Xí Được”!

“Xí Được” không thủ tốt như Hòa, không tấn công hay bằng ông Tiết nhưng lại rất đều. Đến độ Bergman - một tay vợt người Anh gốc Áo từng hai lần vô địch thế giới vào cuối thập niên 1940, và không ít lần là bại tướng dưới tay Xí Được - đã phải từng thốt lên: “Được là tay vợt đều nhất mà tôi được biết”!

Thành tích quốc tế của ông Được cũng thật đáng nể: ngoài việc cùng Hòa, Tiết... đoạt HCV Asiad 1958, năm 1953 dự Giải vô địch châu Á tại Tokyo, ông đánh cặp với Mai Văn Hòa và đoạt HCV đôi nam (giải này ông Hòa vô địch đơn). Cặp đôi Hòa - Được ngày ấy khét tiếng thế giới khi một người phòng thủ tốt và một người tấn công giỏi, đặc biệt với cú sở trường bạt trái và rờ-ve đầu vợt. Họ là một đôi bạn thân cả ngoài đời, dù xét về tuổi tác thì ông thua Hòa đến bảy tuổi. Bốn năm sau, cặp Hòa - Được lại một lần nữa đoạt HCV đôi nam châu Á, và cũng giải này họ cùng với Trần Văn Liễu đoạt thêm HCV đồng đội nam. Năm 1959, ông cùng Hòa, Tiết đoạt HCĐ đồng đội nam thế giới. Thành tích cuối cùng của ông là chiếc HCV đồng đội SEAP Games 1959. Điều thú vị là ở giải này, người đồng đội mới của ông là em trai Trần Cảnh Đến.

Ông Nguyễn Thế Hùng - cựu HLV trưởng đội tuyển bóng bàn VN - cho biết hạnh phúc lớn nhất của đời mình là được xem Mai Văn Hòa thi đấu hồi năm 1952 khi ra biểu diễn tại Hải Phòng.

Năm 1990, dự Asiad Bắc Kinh, ông thật sự bàng hoàng khi Đài phát thanh Trung Quốc bình luận về môn bóng bàn ở đấu trường Asiad đã nhắc lại Mai Văn Hòa, Trần Cảnh Được, Lê Văn Tiết của 32 năm trước với vẻ đầy ngưỡng mộ. Đặc biệt họ ca ngợi Mai Văn Hòa là tay vợt tiêu biểu nhất của lịch sử bóng bàn thế giới về lối đánh phòng thủ.
Nước mắt tuổi 72...

Tôi gọi điện cho ông Được vào khoảng 6g sáng bên Mỹ. Đang còn vẻ ngái ngủ, nhưng giọng ông trở nên thật hoạt bát khi nghe hỏi đến chuyện bóng bàn. Ông hào hứng: “Đã gần nửa thế kỷ rồi nhưng tôi vẫn còn nhớ như in chiến thắng năm 1958. Tự hào lắm... Các bạn biết không, có hai câu chuyện mà tôi không bao giờ quên.

Thứ nhất, các bạn có biết đội Nhật tin vào chiến thắng đến mức nào không? Họ chẳng thèm chuẩn bị quốc thiều đội khách khi trao huy chương vì cho rằng không thể có chuyện đó. Thứ hai, ngày hôm sau ra phố, người dân Tokyo gặp ai mà họ nghĩ là người Việt cũng đều chặn lại xin chữ ký. Đến độ nhiều VĐV nước khác khi được chặn lại cũng nhận mình là người VN để tặng chữ ký (cười)”.

+ Nghe nói cũng nhờ bóng bàn mà ông có một mối tình đẹp với một thiếu nữ Hà Nội?

- Đúng vậy, năm 1952, ĐKVĐ châu Á Tiết Thủy Sơ (Hong Kong) cùng Fujii (Nhật - hai lần vô địch thế giới) cùng sang Sài Gòn thi đấu. Sau đó tất cả chúng tôi cùng ra thi đấu biểu diễn ở Hải Phòng, Hà Nội. Tại Hà Nội, tôi đã quen với Kim Chi lúc ấy là ca sĩ với tên Thùy Dương. Năm 1953 cô ấy vào Sài Gòn và chúng tôi đã cưới nhau (bà Chi hiện đã mất - NV).

+ Cuộc sống của ông giờ đây có còn chỗ nào cho bóng bàn?

- Ôi, ở đất Mỹ này người ta không thích môn thể thao nhẹ nhàng như bóng bàn. Họ chỉ thích những môn gì mạnh bạo, bạo lực và kiếm ra tiền thôi. Nhiều lúc ghiền quá thì cũng đi qua nước này nước nọ để xem mấy giải có tiếng tăm.

Câu chuyện của chúng tôi thỉnh thoảng lại xen vào những tiếng sụt sịt. Giọng ông Được trầm hẳn đi: “Tôi không ngờ đã gần nửa thế kỷ rồi mà các bạn vẫn còn nhớ đến chúng tôi. Cảm động lắm... Cảm động lắm...”.

+++

Thật thú vị, các siêu sao bóng bàn VN đều không có ai đơn lẻ cả. Như nhà họ Mai, bên cạnh Hòa là Chất; nhà họ Trần thì sau Được là Đến; nhưng nói về gia đình thì chẳng có ai qua được nhà họ Lê, mở đầu là Lê Văn Tiết - người mà ngay cả báo chí nước ngoài cũng phải xưng tụng là một “kỳ quan”...

HUY THỌ.
 

HAIGIAY

Binh Nhì
Nữ hoàng không ngại môn bó

Từ trái qua: Mai Văn Hòa, Như Mai, Mai Văn Chất

Trong quá trình đi tìm lại những chứng nhân, những tài liệu của sự kiện các tay vợt VN làm rúng động bóng bàn thế giới ở thập niên 1950, nhiều lần tôi nghe nhắc và đọc thấy cái tên “Như Mai”.

Các ông Lê Văn Tiết, Trần Cảnh Đến cũng bảo: “Cậu mà tìm được chị Như Mai để viết thì hay lắm. Đó là một người phụ nữ độc đáo, xưa nay hiếm có”...

Hữu duyên…

Trong lúc loay hoay chưa biết tìm cô Mai ở đâu thì tôi nhận được lá thư cô gửi đến TS ngày 5-11. Trong thư cô viết: “Cả đại gia đình tôi đều là độc giả báo TS. Khi đọc những bài báo “Đấu trường vinh quang - Ngày ấy & bây giờ”, tôi đã không cầm được nước mắt.

Một thời vàng son của bóng bàn VN, dù cách đây nửa thế kỷ, nhưng đã được dựng lại một cách rất trung thực, chính xác. TS đã có một loạt bài rất ý nghĩa, cho thấy lớp trẻ hôm nay rất nghĩa tình, biết được cái qui luật trong trời đất, đó là có gốc mới có ngọn, có xưa mới có nay... Các bài báo sẽ là kỷ vật cho những ngày cuối của cuộc đời tôi và mãi mãi đến ngày nào tôi mãn số nhân kiếp...”.

Mừng hơn bắt được vàng, ngay lập tức tôi liên lạc với cô theo số điện thoại trong thư và được một cái hẹn vào chiều 7-11. Trong một căn nhà cũ kỹ ở hẻm 343 Nguyễn Trọng Tuyển (Q.Tân Bình, TP.HCM), ngồi trước mặt tôi là cô Như Mai, một bà lão đã 76 tuổi nhưng vẫn còn rất khỏe. Bà cười nói rổn rảng, đưa tay lên gồng cho thấy cơ bắp vẫn còn và bảo: “Đây là chứng tích của một nữ thể thao gia, chứ không cậu lại không tin”.

Nu hoang khong ngai mon bong nhua

Như Mai (phải) trước Nha Thông tin Bắc Việt - nơi tổ chức thi đấu, biểu diễn bóng bàn quốc tế Hà Nội 1952
Ngồi với bà trọn một buổi chiều, những câu chuyện thật thú vị của thể thao mà bà là nhân vật chính đã như thác lũ ào về theo dòng sông ký ức. Sang sảng kể đến Bà tên thật là Trần Thị Mai, sinh năm 1929 tại Đà Nẵng, là kết quả mối tình của một chàng trai dân Nha Trang theo Tây học là ông Trần Đình Quế với một cô gái gốc Sài Gòn là bà Lê Thị Tuyết Ngọc. Cả hai theo gia đình đến sinh sống tại Đà Nẵng, nên duyên chồng vợ và sinh ra Mai.

Năm Mai 5 tuổi, được cha xin vào học tại một trường mẫu giáo của Pháp. Tự ái vì lời từ chối của trường khi bảo rằng trẻ VN phải 7 tuổi mới theo học được với trẻ Pháp 5 tuổi, người cha đã về làm giấy khai sinh tăng thêm cho con hai tuổi để quyết chứng minh trẻ Việt chẳng thua trẻ Pháp. Năm 7 tuổi, Mai được ví như “thần đồng” khi học giỏi và đặc biệt múa hát rất hay. Cô bé đã từng được triệu vào cung để múa hát chúc mừng Nam Phương hoàng hậu và được ban thưởng một đồng tiền Khải Định.

Càng lớn, Mai càng táo tợn như một cậu con trai. Năm 12 tuổi, cô bé đã dám nhảy xuống sông Hàn bơi lội. Năm 14 tuổi, Mai là cô gái duy nhất đăng ký đua xe đạp Đà Nẵng - Hội An - Đà Nẵng (32km) giữa một rừng nam nhi!

Đến năm 1943, chiến tranh loạn lạc, Mai vào Sài Gòn để ăn học. Năm 1947, khi hai anh em Mai Văn Chất - Mai Văn Hòa từ Nam Vang về lại Sài Gòn, cô lập tức trở thành nữ học trò duy nhất của họ. Cô Mai kể: “Chúng tôi không họ hàng, nhưng như là họ hàng vì ông bà ngoại tôi có một thời lưu lạc ra Bắc làm ăn và thân quen như ruột thịt với ông bà cụ thân sinh các anh Chất, Hòa. Tôi nhỏ hơn anh Chất tám tuổi và thua anh Hòa hai tuổi”.

Cứ mỗi buổi chiều, cô lặn lội đến lò bóng bàn Nam Việt của anh em ông Chất - Hòa (ở đường Bùi Thị Xuân bây giờ) để học. Được truyền nghề bởi hai nhân vật khét tiếng này nên cô Mai không có đối thủ cùng giới. Do lúc ấy chưa có giải vô địch bóng bàn chính thức dành cho nữ nên phần lớn cô thi đấu biểu diễn với Mai Văn Hòa.

Khi thì họ là đối thủ, Hòa chỉ làm tường thành cho Mai đập, tiu; khi thì họ đứng đôi với nhau, một công một thủ nhịp nhàng, đi đến đâu cũng được hoan hô vang dội. Bà cười bảo: “Nói như ngôn ngữ thời bây giờ thì lúc ấy tôi đắt sô lắm. Vĩnh Long, Cái Bè, Biên Hòa, Thủ Đức, Cai Lậy, Mỹ Tho, Cần Thơ, Huế, Hải Phòng, Hà Nội... tôi đều đã từng đến để thi đấu, biểu diễn bóng bàn”.

Về sau, cô có một người bạn là hoa khôi nữ sinh Gia Định tên Nguyễn Thị Nữ, cũng đánh bóng bàn kha khá. Cả hai đã được một người ái mộ cho mượn trọn tầng trệt của một căn nhà rộng lớn trên đường Phùng Hưng (quận 5) bây giờ để mở Hội quán bóng bàn Mai Nữ. Đó là lò bóng bàn đầu tiên để làm nơi lui tới cho những cô gái yêu thể thao ngày ấy.


Nu hoang khong ngai mon bong nhua
Trong những năm đầu thập niên 1950, việc có một cô gái thi đấu bóng bàn là một sự kiện của xã hội. Cái dấu ấn phong kiến còn đè nặng trong đầu óc người dân, nên cuộc ra mắt đầu tiên Mai phải thi đấu trong trang phục... áo dài! Cô kể: “Mới tiêu vài cái là... tẹt, rách nách áo! Vì vậy, tôi dẹp luôn chuyện mặc áo dài thi đấu vì không thuận tiện. Chuyển sang mặc áo thun, quần tây dài”.

Trong ảnh: cô Mai trong trang phục áo dài chuẩn bị bước vào cuộc thi đấu biểu diễn đầu tiên trong đời, năm 1949.
Năm 1952, trong chuyến hai ông Chất, Hòa ra Hải Phòng, Hà Nội thi đấu giao hữu với hai nhà vô địch châu Á là Tiết Thủy Sơn, Phó Kỳ Phương (Hong Kong), cô Mai cũng được mời theo để đọ tài với tay vợt nữ số 1 Bắc kỳ lúc đó là Nguyễn Thị Nhuận.

Mai đã thắng Nhuận và vài năm sau đã thắng luôn cả Hoàng Mộng Điệp (Huế) - vô địch miền Trung, nên có thể nói cô là “nữ hoàng” đầu tiên của môn bóng nhựa VN, dù không ngai!

Cũng trong năm này, Mai được tháp tùng cùng các ông Chất, Hòa sang thi đấu ở Campuchia. Ở đó, Mai hạ tay vợt số 1 chủ nhà Thái Mỹ Dung và được ông hoàng Sihanouk cảm mến tài năng tặng một chiếc ly bạc.

Năm 1953, cô Mai đứng cặp với Trần Thị Kim Ngôn và hạ cặp nữ số một Hong Kong là Hoàng Bích Diêu - Trần Ngọc Nghi ngay tại Sài Gòn với tỉ số 2-1. Nhà báo Huyền Vũ ngày ấy viết: “Nữ kiệt Như Mai với những quả vụt góc thần tốc đã hạ được Hoàng Bích Diêu - Trần Ngọc Nghi”.

Năm 1956, trong chuyến dự giải quốc tế Philippines mà Lê Văn Tiết đã đoạt cúp vô địch, cùng với những tay vợt khét tiếng Hòa, Tiết, Được, Hằng, Như Mai cũng được mời sang biểu diễn và khán giả chủ nhà hết sức thích thú với hình ảnh cô gái VN chơi bóng bàn giỏi.

Nhưng, nhắc đến Như Mai mà chỉ nói mỗi thành tích bóng bàn thì chẳng khác nào chỉ mới sờ tai voi mà dám tả voi!

HUY THỌ
 
Last edited:

HAIGIAY

Binh Nhì
Ngày ấy, bóng bàn miền Bắc đang có những tên tuổi như Nguyễn Ngọc Phan, Hoàng Thế Vinh, Nguyễn Đình Phiên, Trần Văn Quỳnh, Dương Đức Hiếu và Nguyễn Đức Long (tân vô địch miền Bắc…


Đó là những ngày hè đầu tiên của một giải thể thao toàn quốc sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Sau ngày 30/4 năm ấy, dù lần lượt có những chuyến viếng thăm và thi đấu giao hữu của thể thao hai miền Bắc-Nam nhưng giới hâm mộ thể thao cả nước vẫn háo hức chờ đợi một giải thể thao cấp quốc gia, để qua đó vừa chứng kiến sự hội ngộ của nền thể thao Việt Nam thống nhất, mặt khác có cách so sánh trình độ chuyên môn của vận động viên hai miền...

Nhung cuoc so tai dinh cao tren ban bong


Vương Chính Học. Ảnh: Phan Sang

Năm 1978, giải bóng bàn VĐQG được xem là đi đầu cả nước về quy mô tổ chức, giới hâm mộ khắp nơi đều chờ xem giải sẽ được tổ chức ở đâu. Sau khi tính toán, Ban tổ chức của Tổng cục TDTT đã quyết định lấy tỉnh Bình Định là địa điểm tổ chức giải.

Hơn nửa năm chờ đợi, người hâm mộ nghiên cứu rất kỹ lực lượng bóng bàn cả nước, đặc biệt là các cây vợt thuộc hai trung tâm lớn nhất là Hà Nội và Sài Gòn.

Điểm binh

Ngày ấy, bóng bàn miền Bắc đang có những tên tuổi như Nguyễn Ngọc Phan, Hoàng Thế Vinh, Nguyễn Đình Phiên, Trần Văn Quỳnh, Dương Đức Hiếu và Nguyễn Đức Long (tân vô địch miền Bắc)… Còn tại Sài Gòn, đang nổi như cồn là ê-kip bóng bàn của báo Tin sáng với tay vợt hàng đầu Vương Chính Học từng nhiều lần lấy giải cao.

Cây vợt Vương Chính Học là niềm tự hào của bóng bàn miền Nam cũ, tên tuổi lừng lẫy. Ngày miền Nam mới giải phóng, tôi từng đến thăm CLB bóng bàn của tay vợt họ Vương tại quận Phú Nhuận, tận mắt nhìn thấy chiếc vợt rất đẹp của anh treo tại đây, sau đó lại chứng kiến buổi tập của nhà vô địch miền Nam này và có thể nói là đã có ấn tượng tốt về tay vợt đẹp trai ấy: Kỹ thuật hoàn hảo, bộ pháp rất đẹp, chơi hai bên đều và có quả phát xoáy.

Trước giải, một bài bình luận trên tờ báo đăng tại Sài Gòn, trong đó đã đề cập đến khả năng ai sẽ là nhà vô địch đơn nam tại giải đầu tiên. Sau khi phân tích về tay vợt Ngọc Phan, tác giả kết luận: “Cây vợt miền Bắc chơi rất khá, song anh này khó mà đủ sức để vượt qua nhà vô địch miền Nam là Vương Chính Học”.

Vì thế càng gần đến ngày khai mạc, giải đơn nam càng được sự quan tâm của giới mộ điệu, là vấn đề trung tâm của mọi cuộc trao đổi xung quanh lần chạm trán lịch sử này.

Tại miền Bắc, đội nam Đại học Từ Sơn là mạnh nhất lúc ấy vì có bộ tứ Phan- Hiếu - Quỳnh - Long. Trận tứ kết đơn nam, Phan sẽ gặp Long. Lúc đó, đoạt giải nhất đơn nam sẽ có một ý nghĩa hết sức quan trọng và Ban huấn luyện tính toán rằng nếu để Long gặp Học trong trận cuối sẽ rất khó giành thắng lợi, tự bản thân Long cũng ý thức được điều ấy khi đã biết tên tuổi danh thủ họ Vương.

Song vì tay vợt trẻ này lại vừa thắng đàn anh Nguyễn Ngọc Phan tại giải vô địch miền Bắc năm 1977 nên Ban huấn luyện nói mãi vẫn không chịu nghe. Có người nhớ rằng khi ban huấn luyện đề xuất Long nên vì chiến lược đường dài mà nhường cho Phan, tay vợt tỉnh Đông còn nói với HLV trưởng: “Cháu có ốm cũng vẫn thắng được anh Phan”. Tuổi trẻ mà!

Quyết đọ thấp cao

Không thuyết phục được, cả ban huấn luyện vào xem cuộc chơi của Phan - Long với tâm trạng nặng nề. Đức Long trẻ khoẻ đã dẫn 2-1, khiến HLV trưởng nhíu mày. Hiệp 4, Đức Long lại dẫn 19-16 và Phan cầm bóng. Lập tức, HLV của anh chỉ đạo cho Phan phát xoáy về bên trái và khi bóng qua lưới chỉ việc tấn công ngay vào bụng, Phan làm đúng và thắng 21-19. Hai người hoà 2-2 và chơi tiếp hiệp quyết thắng.

Tại hiệp thứ năm, khi Long đã dẫn 20-19, trong một pha cứu bóng xa bàn, Phan bị ngã và đầu đập vào bàn, bóng bay cao lên, Long chạy tới dùng hết sức “đập ruồi” nhưng không may bóng đi ra ngoài, 20-20, sau đó, Phan bình tĩnh thắng lại 22-20 và thắng chung cuộc 3-2.

Trận bán kết giữa hai tay vợt cùng “lò” Huy - Phan kết thúc nhanh chóng. Nguyễn Trường Huy thua vì thiếu bản lĩnh. Nguyễn Ngọc Phan được vào chung kết.

Nhung cuoc so tai dinh cao tren ban bong

Nguyễn Ngọc Phan. Ảnh: Phan Sang

Nhánh bên kia, sau mấy loạt đấu và trận bán kết diễn ra giữa Vương Chính Học và tay vợt đàn em Trần Tuấn Anh mới lên, cây vợt họ Vương đã dễ dàng có trận thắng trước Tuấn Anh - người sau đó trở thành nhà vô địch đơn nam đến 7 mùa và năm 2003 đã là HLV đội nam Việt Nam tại SEA Games 22.

Quang cảnh trước trận chung kết đơn nam tại nhà thi đấu Bình Định sôi động đến nghẹt thở. Không ai đếm được đã có bao nhiêu người hâm mộ đến xem cuộc thi đấu mà bà con cho là cực kỳ đặc biệt này.

Còn tại Sài Gòn, do không có điều kiện ra miền Trung dự khán trận đấu kinh điển ấy nên rất nhiều người xem đã đến toà soạn báo Tin sáng, chen chúc ở bên ngoài để chờ nghe tường thuật trực tiếp bằng điện thoại từ miền Trung điện vào.

Trong khi đó, vị HLV trưởng của đội Đại học Từ Sơn cũng chuẩn bị rất kỹ cho Nguyễn Ngọc Phan, nhắc lại điều anh từng tâm sự sau khi Phan đã được tận mắt nhìn thấy lối đánh của tay vợt Vương Chính Học.

Nhà thi đấu Quy Nhơn bỗng có môt phút im lặng khi hai tay vợt tiêu biểu cho hai trường phái, nói rộng ra là hai tay vợt đại biểu cho hai nền thể thao mà bao năm qua chưa từng chạm trán, một trận đấu có một không hai. Sau một phút nín thở là những tiếng hoan hô như vỡ ra, ủng hộ cho cả hai tay vợt.

Hai tay vợt, hai lối đánh và cả hai đã hiểu rõ rằng giới thể thao cả nước đang dõi theo mỗi trái bóng của họ. Họ nhìn thẳng vào mắt nhau trong giây lát và bình tĩnh giao trả những miếng đánh vừa kín kẽ lại vừa nảy lửa. Phan với sở trường chơi đôi công xa bàn bằng mặt vợt phản xoáy, còn Học ôm bàn tấn công như muốn nuốt chửng tay vợt bên kia.

Cuối cùng, tay vợt Hải Dương Nguyễn Ngọc Phan đã giành thắng lợi chung cuộc ở tỷ số 3-1 rất thuyết phục, cũng là một kết quả làm nhiều người bất ngờ đến khó tin.

Trận chung kết lịch sử ấy đã thêm ý nghĩa khi ở bên bàn nữ, cây vợt Nguyễn Thị Mai của Hà Nội cũng thắng đối thủ Trần Việt Hoa 3-0 để cùng đồng đội Nguyễn Ngọc Phan bước lên bục vinh quang.

Khúc vĩ thanh

Thời gian như bóng câu qua thềm, 39 năm trôi qua kể từ ngày tổ chức giải vô địch toàn quốc Việt Nam thống nhất, những “người năm xưa” nay đã trưởng thành và họ không quên kỷ niệm cũ.

Tay vợt kỳ cựu Nguyễn Ngọc Phan và Nguyễn Thị Mai hiện đã về hưu, Nguyễn Đức Long từ Chủ nhiệm CLB bóng bàn tỉnh Hải Dương đã trở thành Trưởng bộ môn Bóng bàn (Ủy ban TDTT), Hoàng Thế Vinh, Nguyễn Trường Huy và cả Dương Đức Hiếu là các doanh nhân, Trần Văn Quỳnh là Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao 2 thuộc Ủy ban TDTT.

Người HLV năm nào của họ, ngày ấy là Trưởng bộ môn Bóng bàn của trường Đại học TDTT Từ Sơn, hôm nay chính là vị đương kim Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban TDTT và Chủ tịch Ủy ban Olympic QG Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Danh Thái.

Ama Lâm (Tiền Phong)
 

HAIGIAY

Binh Nhì
Mai Duy Dưỡng người xây ngôi nhà Việt Nam.
Nhắc đến bóng bàn VN, người ta không thể không nhắc đến ông Mai Duy Dưỡng vốn có nhiều gầy dựng, đóng góp cho môn thể thao này...

Ngày còn thanh niên, ông Dưỡng là VĐV bóng đá kiêm bóng bàn. Với bóng đá, ông có một danh hiệu mà VĐV thời đó mơ ước: chức vô địch Đông Dương. Ông đã cùng ĐT Bắc Kỳ giành danh hiệu này năm 1944. Với bóng bàn, ông từng đoạt HCV nội dung đôi nam giải VĐ Đông Dương (1943). Ông là thủ quân (VĐV kiêm HLV) của ĐT Bắc Kỳ, là thủ quân của CLB bóng bàn Nam Định (Pingpong Club Namdinh) nhưng cũng là thành viên đội bóng đá Nội Châu (Hà Nội).
Ông Mai Duy Dưỡng (trái) và em trai Mai Duy Diễn hiện là Phó Chủ tịch LĐ bóng bàn VN

Sau khi ông lèo lái ĐT Bắc Kỳ giành chức vô địch Đông Dương đơn nam và đôi nam, dân bóng bàn Sài Gòn hết sức khâm phục, họ nhìn thấy ở ông tài tổ chức, tài chỉ huy, liền mời ông vào làm thủ quân Pingpong Club Dacao. Đây là việc chưa từng có lúc đó. Ông sống và làm việc ở Pingpong Club Dacao hơn 1 năm, quan hệ rộng tới nhiều tỉnh của ĐBSCL, uy tín trong giới bóng bàn và người hâm mộ rất lớn. Việc này rất có lợi sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, khi ông trở lại Sài Gòn tập hợp lực lượng những người yêu thích bóng bàn, khôi phục và phát triển phong trào.

Năm 1945, Pháp ném bom Sài Gòn, định trở lại cướp nước ta một lần nữa. Ông Dưỡng về Bắc sinh sống. Tháng 3/1946, Nam Định thành lập Ty thanh niên thể dục Nam Định, ông là trưởng ban TDTT. Tháng 4/1946, Hội Thể thao Bắc kỳ thuộc Nha thanh niên thể thao được thành lập, ông phụ trách môn bóng bàn. Trong năm 1946, ông đã tổ chức được 5 giải (giải miền Bắc Bắc bộ, Đông bắc Bắc bộ, Nam Bắc bộ, Bắc Trung bộ, Trung Trung bộ). Tuy nhiên, VCK chưa kịp tổ chức thì toàn quốc kháng chiến, mọi chuyện phải xếp lại.

Ông lên chiến khu Việt Bắc tham gia kháng chiến rồi theo đại quân trở về tiếp quản Thủ đô, công tác tại TƯ Đoàn. Lúc đó, cán bộ chuyên môn rất thiếu, nhớ đến chức vụ phụ trách bóng bàn của ông hồi đầu năm 1946, người ta đưa ông sang phụ trách TDTT Hà Nội. Nhờ uy tín của ông hồi còn là VĐV bóng bàn, bóng đá, ông nhanh chóng tập hợp lực lượng những người từng hoạt động TDTT trong thành, biến họ thành nhân cốt của phong trào TDTT sau hoà bình.

Lực lượng này được nhân rộng trong người lao động, thanh niên, học sinh nên đã có một đoàn đại biểu của giới TDTT Hà Nội tham gia cuộc diễu hành đón Đoàn đại biểu Đảng và chính phủ trở về Thủ đô tại vườn hoa Ba Đình. Lực lượng này về sau có rất nhiều người trở thành HLV các môn thể thao của Hà Nội. Có người trở thành lãnh đạo của ngành TDTT Hà Nội.

Ông được cử đi học trường Nguyễn Ái Quốc với mục đích ra trường sẽ đi làm kinh tế thì cơ quan TDTT TƯ được thành lập. Hai nhà lãnh đạo đầu tiên của cơ quan này đi họp hội nghị 4 nước Trung Quốc, Mông Cổ, Việt Nam, Triều Tiên được nghe đại biểu Trung Quốc nói là tại giải bóng bàn thế giới Tokyo (4/1956), qua đoàn Trung Quốc, đoàn miền Nam VN cộng hòa muốn tìm hiểu bóng bàn miền Bắc, tìm hiểu cựu vô địch Đông Dương Mai Duy Dưỡng hiện ra sao. Hai ông này về báo cáo lại với Trung ương, thế là ông Dưỡng được đưa hẳn sang cơ quan TDTTTW, chuyên phụ trách môn bóng bàn.

Một tháng sau, theo yêu cầu của cấp trên, ông đã cho ra mắt ĐTBB Việt Nam dân chủ cộng hoà đi thi đấu giao hữu tại Trung Quốc với mục đích chính trị nhiều hơn là chuyên môn. Nhưng sau khi từ Trung Quốc về, ông Dưỡng đã tổ chức giải vô địch BB miền bắc đầu tiên, “Giải xuân hè 1957”
với các thành phần công thương, thanh niên, phụ nữ, HSSV, công nhân, thi đấu riêng rẽ. Mục đích của giải là khôi phục phong trào, tập hợp và đánh giá lực lượng.

Ông nghĩ đến việc xây dựng lực lượng mới bằng cách bàn với TƯ Đoàn tổ chức giải “Cây vợt trẻ báo Tiền Phong”, đặt vấn đề với báo TNTP tổ chức giải thiếu niên. Tiếp theo là tổ chức giải nhi đồng.

Nhớ lại kinh nghiệm hồi còn làm thủ quân bóng bàn Nam Định, ông đề xuất xây dựng phong trào bóng bàn nghiệp dư ở 3 trung tâm bóng bàn lớn của miền bắc là Nam Định, Hà Nội, Hải Phòng và 4 “vệ tinh” kẹp giữa là Hà Nam, Thái Bình, Hải Dương, Hà Đông. Phong trào này về sau đã cung cấp cho ĐT bóng bàn miền Bắc rất nhiều VĐV xuất sắc mà đại diện là Nguyễn Ngọc Phan, Nguyễn Thị Mai.

Bên cạnh việc xây dựng phong trào, ông chú ý đến bồi dưỡng cán bộ. Lớp đào tạo HLV miền Bắc đầu tiên được mở ra (1959). Ông cũng nghĩ đến việc xây dựng những cánh chim đầu đàn để phát triển phong trào. Những VĐV chuyên nghiệp được hình thành nằm trong Trường HLKTTDTTTƯ. Từ lớp này, ông chủ trương xây dựng lối đánh Việt Nam bên cạnh việc tiếp thu những lối đánh tiên tiến của thế giới.

Sau ngày đất nước thống nhất, việc khôi phục bóng bàn miền Nam được coi trọng. Uy tín của thủ quân Pingpong Club Dacao ngày trước giúp ông rất nhiều trong việc tập hợp lực lượng bóng bàn TP.HCM, trung tâm bóng bàn lớn nhất miền Nam. Những kinh nghiệm của miền Bắc sau ngày giải phóng được áp dụng, có thay đổi chút ít cho phù hợp với tình hình.

Năm 1977, giải “Cây vợt trẻ” toàn quốc đầu tiên được tổ chức tại Đồng Nai. Đây là giải thử nghiệm để chuẩn bị cho giải VĐQG đầu tiên vào năm 1978 tại Quy Nhơn (Bình Định). Tổ chức tại Bình Định là có lý do. Hà Nội và TPHCM đều ráo riết đăng cai, tình hình khá căng. Ông chọn Bình Định là sân chơi trung gian và cả 2 trung tâm đều hài lòng. Sau giải này, việc các địa phương đăng cai không còn là vấn đề lớn nữa.

Năm 1979 lớp HLV cho các tỉnh phía Nam đầu tiên tổ chức tại TP.HCM. Ông Dưỡng vừa là nhà tổ chức, vừa là giảng viên bởi nếu ông không làm việc đó sẽ rất khó kéo những người từng tham gia giải VĐTG hoặc các giải châu Á như Lê Văn Tiết (thứ 6 thế giới), Lê Văn Inh, Lê Văn Tân... đến lớp học. Từ họ, bóng bàn các tỉnh phía Nam đi vào quy củ và phát triển mạnh mẽ.

Điều ông tâm đắc nhất là sau khi ông về hưu (1979), mối quan hệ của ông với giới bóng bàn toàn quốc vẫn rất sâu nặng, bền vững. Ông chỉ hơi phiền lòng là do quá bận rộn vì công việc mà đã không thể theo học một lớp chuyên môn chính quy nào. Khi còn khoẻ, ông vẫn đều đặn tham gia các hoạt động bóng bàn.

Năm nay 87 tuổi nhưng ông Mai Duy Dưỡng vẫn rất minh mẫn, khoẻ mạnh, thường xuyên theo dõi phong trào bóng bàn qua báo chí, tivi và các học trò. Ông là một đại thụ, là người có nhiều công lao xây dựng ngôi nhà bóng bàn Việt Nam.

Hải Dương

Việt Báo
 

hunghanoi

Super Moderators
Chỉ có thể nói đây là một topic hay,vô cùng ý nghĩa với những tư liệu tuyệt vời về lịch sử bóng bàn Việt Nam qua các thời kỳ.
 

HAIGIAY

Binh Nhì
Gặp lại'' kỳ quan bóng bàn thế giới''
Đấu trường vinh quang ngày ấy và bây giờ.

... Và cựu danh thủ Lê Văn Tiết với chiếc cúp vô địch miền Nam đoạt được năm 18 tuổi, sau khi hạ một loạt đàn anh khét tiếng.

Đã 66 tuổi nhưng trông ông vẫn còn rất tráng kiện, sáng sáng vẫn cưỡi xe Dream chở vợ đi ăn sáng. Gia cảnh khá giả, nhưng chiều chiều ông vẫn chạy xe trên chục cây số từ quận Tân Phú ra đến gần Lăng Ông (TP.HCM) để dạy kèm bóng bàn.

Ông bảo: “Ở nhà không làm gì hư người. Đi dạy kèm vừa thỏa nỗi nhớ vợt, nhớ bóng; vừa khỏe người và cũng vừa kiếm đồng ra đồng vào ăn sáng”. Ông là Lê Văn Tiết, người từng được cây bút Robert Journal (báo J.E.O) và tờ Nhật Bản Thời Luận gọi là “kỳ quan của bóng bàn thế giới”...

“Hãy coi chừng Lê Văn Tiết!”

Một năm sau chiến thắng ở Asiad 1958, đoàn VN lên đường đi Dortmund (Đức) dự giải vô địch bóng bàn thế giới. Sau trận thắng đội Anh, nhà báo Huyền Vũ cùng tháp tùng đã tường thuật như sau: “Anh chàng cao lêu nghêu Johnny Leach, cựu vô địch thế giới 1949-1951, là một trong sáu tay vợt hàng đầu thế giới, đương kim vô địch Anh, sau trận thua VN đã vừa lau mồ hôi trán vừa lắc đầu thở ra. Anh ta cho biết nếu chẳng có gì xui xẻo bất ngờ, đoàn VN sẽ đứng đầu bảng D.

Đặc biệt hãy coi chừng Tiết. Tôi từng sang VN ăn thua qua lại với Hòa, Được nhiều lần nhưng chưa thấy đấu thủ nào khó chịu như Tiết. Đấu thủ các nước hãy coi chừng, Tiết có thể làm chuyện lớn tại giải vô địch thế giới kỳ này lắm”!

Đúng như Leach dự đoán vế đầu, đoàn VN đã đứng đầu bảng D, trong đó trận thắng oanh liệt nhất là hạ số một châu Âu - đội Tiệp Khắc. Vào bán kết còn bốn đội là Nhật, VN, Trung Quốc và Hungary. “Oan gia ngõ hẹp”, đối thủ của VN ở bán kết là Nhật. Sau thất bại năm 1958, đội Nhật đã quay phim và nghiền ngẫm lối chơi của các tay vợt VN nhằm tìm cách khắc chế.

Gap lai ky quan bong ban the gioi

Chàng trai trẻ Lê Văn Tiết với chiếc cúp vô địch Pháp mở rộng 1959...
Sau giải vô địch thế giới năm 1959 tại Đức, nhà báo Huyền Vũ đã phỏng vấn ông Hasegawa - trưởng đoàn bóng bàn Nhật Bản. Ông này đã nói như sau: “Nếu các tay vợt VN chơi ổn định hơn và có thêm một Lê Văn Tiết nữa thì chắc chắn ngôi số một thế giới sẽ về tay các bạn”.
Đã vậy, căn bệnh cố hữu của các tay vợt VN là thiếu ổn định vì thể lực không thật tốt, nên Nhật đã phục thù thành công với chiến thắng 5-3. Đội VN chỉ đoạt HCĐ giải thế giới, nhưng đó cũng đáng gọi là kỳ tích của một nền bóng bàn sinh sau đẻ muộn. Nên nhớ dự giải này có tất cả 40 nước, trong đó châu Á chỉ có bốn đội được tham gia là VN, Nhật, Trung Quốc và Hàn Quốc.

Rời Đức, tất cả danh thủ bóng bàn thế giới đến Paris tham dự Giải quốc tế Pháp 1959. Đây là một trong những giải uy tín nhất thế giới lúc bấy giờ. Và cái vế dự đoán thứ hai của Leach giờ mới thành hiện thực. Trong khi các đàn anh như Hòa, Được, Liễu đã sớm rơi rụng thì Tiết đi thẳng một mạch vào đến chung kết gặp Murakami (Nhật), người vừa đoạt HCV thế giới đôi nam tại Đức.

Murakami đã dẫn Tiết 2-0 (21/17, 21/15) và tưởng cầm chắc chiến thắng. Tuy nhiên, ở ván ba và tư, Tiết thay đổi đấu pháp và thắng lại liền hai ván (21/16 và 21/12). Bước vào ván quyết định, Murakami dẫn trước 5-0, rồi 10-5 nhưng Tiết đã bắt kịp 10-10 và bứt luôn để chiến thắng với 21-17. Trong 5.000 khán giả ngồi kín nhà thi đấu lúc ấy có khá đông Việt kiều và mọi người đã trào nước mắt vì hạnh phúc.

Tay vợt huyền thoại của Nhật Ogimura chứng kiến trận đấu này đã phải thốt lên: “Đây là trận đấu khủng khiếp nhất mà tôi được xem”! Nhờ chiến thắng này, Lê Văn Tiết đã được xếp hạng sáu thế giới trong năm 1959.

Tuy nhiên, điều khiến báo chí thế giới gọi Lê Văn Tiết là “kỳ quan bóng bàn thế giới” không phải chỉ nhờ những chiến thắng đó, mà quan trọng hơn là ông được ghi tên vào lịch sử bóng bàn thế giới nhờ “phát minh” lối chơi phản công độc đáo. Người Nhật, Ấn Độ đã mất không ít công sức để tìm cách khắc chế lối chơi này, mà họ gọi là “không thể dùng sức để thắng Tiết, khi tấn công càng mạnh thì đòn phản công của anh ta càng ghê gớm do mượn sức để phản đòn”!

Một gia đình thể thao

Lê Văn Tiết sinh ngày 13-7-1939 tại Gia Định. Cụ thân sinh của ông là một người rất mê quần vợt. Như cái cách ra đời của bóng bàn, ông cụ đã đóng bàn đặt trong nhà để giải tỏa cơn ghiền quần vợt khi không thể đến sân. Và những lúc như thế, cậu con trai Lê Văn Tiết mới 8 tuổi chính là người được lôi vào để quần thảo.

Thế rồi vào một ngày đẹp trời, ông xách vợt đến thử tài ở hội quán bóng bàn đường 20 (nay là Điện Biên Phủ) - một lò bóng bàn nổi danh ở Sài Gòn lúc bấy giờ. Hàng loạt các đàn anh ở đây đã bị Tiết hạ đo ván và trong làng bóng đã xôn xao bàn tán về sự xuất hiện của một thần đồng.

Lập tức, một ông bầu có tên là Chín Viễn đã mời Tiết về chơi cho hội bóng bàn đình Phú Thạnh của mình và mời thầy Ady kèm cặp cho ông. Năm 11 tuổi, Tiết vào học Trường Taberd và được rèn giũa thêm bởi một ông thầy khác là Gaetan. Đến 14 tuổi, Tiết là tay vợt số một của học sinh thời ấy. Và năm 18 tuổi ông chính thức đăng quang ngôi số một miền Nam, sau khi hạ một loạt các đàn anh khét tiếng như Hòa, Được, Liễu, Hằng và chính thức chiếm một suất trong đội tuyển để dự Asiad 1958. Khi ấy ông vừa tròn 19 tuổi.

Trong 20 năm cầm vợt, ông đã 19 lần xuất ngoại dự các giải quốc tế lớn nhỏ, được hàng triệu người của các quốc gia từ Á đến Âu ngưỡng mộ. Vô số nhân vật lừng danh của bóng bàn thế giới thời bấy giờ đã trở thành bại tướng dưới tay ông như Tiết Thủy Sơ, Tăng Hùng Bô, Lưu Đức Phương (Hong Kong), Hayashi, Fujii, Tsunada, Tanaka, Murakami (Nhật), Khodaiji (Ấn Độ), Lý Quốc Định (Trung Quốc), Bergman, Johnny Leach (Anh), Markovic (Tiệp Khắc)…

Nhưng nhà họ Lê không chỉ có mỗi mình ông Tiết mà còn cung cấp hàng loạt tay vợt tài danh khác cho bóng bàn VN như bốn người em của ông là Lê Văn Inh, Lê Văn Tân, Lê Thị Kim Tiếng và Lê Thị Kim Hoàng. Còn trong các con của mình, ông Tiết có Lê Trung Thành từng đoạt giải vô địch thiếu niên toàn quốc năm 1987, tuy nhiên sau đó đã giã từ nghiệp cầm vợt để lo học văn hóa.

Chiếc huy chương mất… vàng!

Khi tôi ngỏ ý muốn xem chiếc HCV Asiad 1958, ông Tiết lấy cho xem và cười buồn cho biết: “Sau ngày thống nhất, một người bạn đến mượn tôi xem chiếc HCV này. Cứ tưởng anh ấy ái mộ thật nên cũng không do dự gì mà không cho mượn. Nào ngờ anh ấy đem đi phân kim tách mất phần mạ vàng, nên chiếc HCV này giờ đây mới xỉn xỉn như thế này”!
Nỗi buồn hậu thế…

Sau khi giã từ bóng bàn, ông Tiết chuyển sang làm công tác huấn luyện cho quận Tân Bình và cũng đã từng dẫn dắt đội tuyển TP.HCM. Tuy nhiên, mệt mỏi với nhiều chuyện không hay của thể thao, ông đã rút lui vào năm 1986, và giờ đây tìm thú vui tuổi già nơi những tay vợt nhí do gia đình biết tiếng năn nỉ ông kèm cặp tại nhà.

Nhìn cơ ngơi khá bề thế là một căn nhà mặt tiền đường Nguyễn Sơn (Tân Phú), cứ tưởng đối với ông như thế đã là mãn nguyện.

Không. Ông tâm sự: “Nhiều lúc lên lầu ngồi nhìn lại một lô một lốc huy chương, cúp, cờ... tôi không khỏi ngậm ngùi. Buồn lắm khi trong lòng cứ day dứt mãi câu hỏi bao giờ thì bóng bàn VN tìm lại được thời vàng son! Biết là khó nhưng không lẽ lại chịu bó tay khi mà người Việt mình có khiếu lắm với môn thể thao không cần nhiều đến sức vóc này”.

Buồn nhưng không làm được gì, nên ông dốc sức biên soạn cuốn Giúp bạn hoàn thiện kỹ năng bóng bàn, vốn đã xong nhưng chưa biết tìm ra ai hỗ trợ để xuất bản. Trong cuốn sách này, ông chia làm hai phần: 1- Bày vẽ chi tiết mọi vấn đề về kỹ thuật bóng bàn, cách thức tổ chức thi đấu bóng bàn. 2- Sưu tầm những bài báo viết về thời vang bóng của bóng bàn VN.

HUY THỌ
 
Last edited:

HAIGIAY

Binh Nhì
Tác giả khác...
Trở lại với bóng bàn, ở VN phong trào bóng bàn đã bắt đầu xuât hiện từ những năm 30 và ngày càng phát triển cùng với sự phát triển chung của bóng bàn Đông Nam Á và Châu Á. Vào những năm 50 có thể nói bóng bàn ở Miền nam phát triển hơn ở Miền bắc. Các tên tuổi lớn của làng bóng bàn miền nam lẫy lừng trong nước và quốc tế như Lê Văn Tiết, Mai Văn Hòa, Trần Cảnh Được mà có lẽ nổi nhất là Mai Văn Hòa được mệnh danh là '' bức tường thép không thể khoan thủng '' trong đó có trận thắng đương kim vô địch thế giới năm 1958 Hirokasi người Nhật bản và biết bao cây vợt quốc tế tên tuổi đã phải '' ôm sầu khóc hận'' với danh thủ này. Bà con nói trận nào có Mai Văn Hòa thi đấu thì giá vé hôm đó có thể tăng xấp 3. Với Hòa, Tiết, Được đồng đội nam Sài gòn lúc bấy giờ luôn giành được những thứ hạng cao. Thật đáng tiếc Mai Văn Hòa mất quá sớm vào đầu những năm 60 do một tai nạn xe hơi khi chưa đầy 40 tuổi...
Bóng bàn VN :) Tiếp nối những danh thủ này, hậu duệ của họ cũng để lại nhiều tiếng vang. Mai Văn Minh, em ruột Mai Văn Hòa đã từng vô địch Sài gòn các năm 1970, 1971, thành viên đội tuyển miền nam thi đấu quốc tế. Sau giải phóng Minh vẫn là một cây vợt mạnh mặc dù đã lớn tuổi và hiện nay ở tuổi 65, ông vẫn là HLV cho CLB bóng bàn thiếu niên TPHCM và vẫn tham gia giải các lão tướng. Lê Văn Inh, em ruột Lê Văn Tiết là cây vợt thủ nổi tiếng. Tác giả bài này đã tận mắt xem Lê Văn Inh thi đấu trong đội tuyển TPHCM gặp đội tuyển Hà nội năm 1983, quả cắt xa bàn của Inh nhiều khi làm các danh thủ Hà nội như Phan, Phiên, Xuân Hưng phải nản lòng. Cả đấu trường nhiều khi phải đứng cả dậy khi Inh kiên trì đỡ tới vài chục quả giật của đối phương cách xa bàn tới 2,3m. Lê thị Kim Tiếng, con gái Lê Văn Tiết cũng là một cây vợt nổi tiếng của miền nam và cũng là đấu thủ duy nhất gây khó khăn cho danh thủ Nguyễn thị Mai của Hà nội ( 10 lần vô địch miền bắc và quốc gia). Ở thế hệ tiếp sau các cây vợt như Trần Thanh Dương, Lê Ngọc Lâm, Trần Tuấn Anh B... ( hiện ở lứa tuổi 60 ) cũng nổi như cồn những năm sau giải phóng và những năm 80. Trần Tuấn Anh B là một cây vợt '' kỳ dị với chiều cao gần 1m80 và gầy kiểu như Tuấn củi nhà ta. Đây là một danh thủ tuy kỹ thuật không phải quá cao nhưng có lối đánh hết sức khó chịu với hai mặt vợt phản xoắy một gai một mút và lại hết sức chậm rãi và lỳ đòn nên nhiều phen các danh thủ hàng đầu cả hai miền phải bó tay. Ngược lại khi gặp những danh thủ không mấy tên tuổi nhưng lại có lối đánh '' phủi '' thì Trần Tuấn Anh B lại gác vợt. Chả thế mà trong giải toàn quốc năm 1982, khi gặp đội TPHCM có Trần Tuấn Anh B, đội Hà nội đã phải để ngồi ngoài kiện tướng lừng danh Nguyễn Ngọc Phan là chủ lực để thay vào đó bằng cây vợt trẻ Nguyễn xuân Hưng vợt dọc để trị anh ta.

Bạn đọc có thể hỏi: Tại sao lại có tên Trần Tuấn Anh B, là vì có một Trần Tuấn Anh nữa đó là Trần Tuấn Anh A ( sinh năm 1960, thua Tuấn Anh B gần một giáp). Trần Tuấn Anh A là một danh thủ xuất sắc mà theo đánh giá riêng của tác giả và phần lớn công luận thì đây là danh thủ hay nhất, toàn diện nhất của VN trong mấy thập kỷ qua. Với 9 lần đoạt danh hiệu vô địch quốc gia ( lần đầu là năm 1980 ), có lối đánh công thủ toàn diện và quả bạt phải đầy uy lực lại hết sức đẹp mắt, Tuấn Anh A hầu như không có đối thủ trong cả chục năm 80 - 90. Vì cùng tên cùng họ nhưng thành tích Tuấn Anh A tốt hơn nên được gọi là A, anh kia là B. Chính sau này Trần Tuấn Anh B đã nói '' tôi cũng không hiểu tại sao lại bị gọi là Tuấn Anh B'' còn Trần Tuấn Anh A thì nói '' đến giờ cũng chưa ai vượt nổi tôi với 9 lần vô địch quốc gia thì gọi tôi là Tuấn Anh B thế nào được ''. Thế nhưng khi cà hai danh thủ này cùng đứng trong đội hình đồng đội nam TPHCM thì đó là mối lo ngại lớn đối với các đội mạnh lúc bấy giờ như Hà nội, Quân đội, Hải Dương, CAND vv....Những năm 70 ở Sài gòn, danh thủ Vương Chính Học( gốc hoa ) là ngự trị đỉnh cao lâu nhất, có lối đánh khôn khéo ôm bàn và thể lực sung mãn. Sau ngày giả phóng Học được giới mộ điệu ở Sài gòn coi là niềm hy vong có thể đánh bại các cây vợt miền bắc ( sẽ nói ở phần sau ). Sự nghiệp của Học bắt đầu chấm dứt sau trận thua đương kim vô địch miền bắc Nguyễn Ngọc Phan năm 1977 tại Quy nhơn và khi có sự xuất hiện của Trần Tuấn Anh A nổi như cồn. Cùng thời đó các tay vợt Sài gòn như Quách Pênh Huy, Hứa Tự Lực cũng rất xuất sắc và luôn có mặt trong đội tuyển nam TPHCM và nhiều lần đứng ở thứ hạng cao. Ở lứa sau này ở phía nam cũng nổi lên những danh thủ hoặc gia đình danh thủ xứng đáng với sự nghiệp các đàn anh để lại như anh em Lý Minh Triết, Lý Minh Tân; Đoàn Kiến Quốc, Đoàn Trọng Nghĩa rồi Trần Thiện Tâm... Đấu thủ Trương Thời Nhiệm cuàn đã từng có mặt ở đội tuyển TPHCM. Nhiệm đã có thời gian làm PVEP nay đã chuyển sang nhà thầu....

Ở miền bắc tuy phong trào có châm hơn miền nam nhưng đã có những bước phát triển đáng trân trọng. Vào thời trước môn bóng bàn được goi là môn thể thao ''quý tộc'' vì đòi hỏi cơ sở vật chất khá tốn kém: phải có nhà, có bàn bóng... nên gia đình nào mà đầu tư vào việc này thì nhất định sẽ chơi bóng bàn giỏi. Vào những năm 50 và sau khi hòa bình lập lại năm 1954, ở Hải phòng nổi lên cây vợt Trần Vũ Phấy đánh rất hay, đã từng là thành viên đội tuyển bóng bàn VNDCCH dự thế vận hội GANEFO ở Indonesia năm 1958. Phấy lại nổi tiếng với lối đánh '' phủi'' tức là đánh độ ăn tiền, đi dọc miền bắc giấu tên tìm cao thủ để tỷ thí. Chỉ tiếc là Phấy rời bàn bóng khá sớm sau đó chuyển sang kinh doanh rồi sang nước ngoài sinh sống từ đầu những năm 60. Ở Hà nội những năm đó làng bóng bàn ai cũng biết các tên tuổi Lý Ngọc Sơn ( sau này ở tuổi 80 vẫn còn chơi bóng tốt ) Lý Ngọc Sơn là một trong tuyển thủ quốc gia đầu tiên và cũng là HLV quốc gia đầu tiên. Chính ông đã phát hiện ra các hảo thủ Nguyễn Thị Mai ( hàng chuc năm vô địch miền bắc và quốc gia); Dương Quốc Tuân, tuyển thủ quốc gia; Dương Văn Hiền, tuyển thủ quốc gia... Gia đình ông Mai duy Dưỡng và con trai là Mai duy Diễn cũng là một lò bóng bàn thủ đô. Ông Diễn bây giờ là Chủ tịch Hội bóng bàn Hà nội. Ở lớp này tác giả bài viết biết bắt đầu Dương Quốc Tuân ( chính là con trai của Trung tướng Lê Hiến Mai tức Dương Quốc Chính). Dương quốc Tuân sinh năm 1945, có khiếu đánh bóng bàn từ nhỏ, trước là thiếu sinh quân, tham gia đội bóng bàn Thể công từ năm 1959 nhưng do tính quá '' lãng tử '' nên đã rời quân đội ít năm sau đó ra ngoài đánh tự do. Năm 1962 đã từng được gọi vaò tuyển quốc gia thi đấu trong và ngoài nước. Điểm mạnh của Tuân là thể lực rất tốt ( chỉ cao 1m62 nhưng khá vạm vỡ ) và đặc biệt là quả giao bóng '' mổ , xoay vợt khi giao bóng làm hầu hết các đối thủ phải ngao ngán vì quá xoáy và hiểm, có đõ được vào bàn thì cũng chết vì quả bạt tiếp theo của Tuân. Sau khi rời đội tuyển Tuân trở thành đấu thủ tự do và hay đánh độ. Chính tác giả đã từng xem những trận độ đó của Tuân với nhiều '' quái chiêu '' như ngồi ghế đánh bóng bàn, đánh bằng bảng học trò, chấp đối thủ có khi tới 20 quả ( với những đấu thủ lông gà ) còn với những đấu thủ khá hơn thì có thể chấp 17, 18 quả hoặc cho đối phương toàn giao bóng vv...Sau năm 1980 Tuân ra nước ngoài sinh sống và nghe đâu đã mất ở Pháp mấy năm trước... (Triệu BT}
 

hstungvta43

Trung Sỹ
đọc bài viết mình thấy thật tự hào về thời kỳ bóng bàn vàng son của Việt Nam, thật là tự hào và may mắn khi được sinh ra là người Việt Nam, đúng là không biết đến bao giờ bóng bàn Việt Nam mới có thể sinh ra được những người con vĩ đại như vậy, thanks chủ thớt nhiều
 

HAIGIAY

Binh Nhì
....Tiếp...Mai Văn Hòa (1926-1971) là một vận động viên bóng bàn nổi tiếng của miền Nam Việt Nam (trước 1975). Ông là một Việt kiều Campuchia hồi hương vào năm 1947, ông nổi tiếng với cách đánh phòng thủ, và đã được làng bóng bàn thế giới đặt biệt hiệu "Vạn Lý Trường Thành".Thành tíchHuy chương vàng đơn nam châu Á năm 1953 và 1954.

Huy chương vàng đồng đội Asiad 1958 tại Nhật Bản (ông Đinh Văn Ngọc làm trưởng đoàn, ông Chu Văn Sáng làm huấn luyện viên, cùng năm tay vợt là Mai Văn Hòa, Trần Cảnh Được, Trần Văn Liễu, Lê Văn Tiết và Nguyễn Kim Hằng).

Được Liên đoàn bóng bàn thế giới xếp hạng 12 năm 1959.[1]

[sửa] Hậu nhân Mai Hoàng Mỹ Trang, Mai Xuân Hằng (gọi Mai Văn Hòa là ông cậu) là hai tay vợt nữ bóng bàn hàng đầu Việt Nam (năm 2010).
 
Last edited:

HAIGIAY

Binh Nhì
MAI Van Hoa (VIE R.)

Assoc Competition Year Location Singles Doubles XD Team
VIE R. Asian Championship TTFA 1957 Manila PHI Winner 1
VIE R. Asian Championship TTFA 1954 Singapore SIN Winner Runn-up
VIE R. Asian Championship TTFA 1953 Tokyo JPN Winner Winner 2
VIE R. Asian Games 1958 Tokyo JPN Winner 1
VIE R. World Championship 1959 Dortmund FRG Rd of 16 Rd of 128 dnp 3
VIE R. World Championship 1957 Stockhom SWE Rd of 32 Rd of 64 Scratched 5
VIE R. World Championship 1956 Tokyo JPN Rd of 32 Rd of 64 dnp 7
VIE R. World Championship 1955 Utrecht NED Rd of 64 Rd of 128 dnp 9
VIE R. World Championship 1952 Bombay IND Rd of 16 Rd of 32 dnp 5
VIE R. World Championship 1951 Vienna AUT Rd of 64 Rd of 16 dnp 7
FRA World Championship 1950 Budapest HUN Rd of 64 Rd of 32 dnp
 

HAIGIAY

Binh Nhì
Hà Tôn Thanh Hằng

1 Tiểu sử
2 Thành tích thể thao
Tiểu sử Hà Tôn Thanh Hằng sinh ngày 21 tháng 2 năm 1967, là con gái của ông Hà Tôn Hiếu và bà Trương Kim Xuyến. Thanh Hằng được sinh ra và lớn lên trong một gia đình trung lưu tại Sài Gòn, Việt Nam, cô có người em gái là Hà Tôn Thái Hân [1] cũng là Vận động viên ưu tú trong Đội tuyển Bóng bàn Thành phố.

Hà Tôn Thanh Hằng tập đánh bóng bàn từ năm lên 9 tuổi, những đường bóng đầu đời là do thân sinh huấn luyện và dìu dắt. Năm 1976 cô gia nhập vào Đội tuyển Bóng Bàn "Nhà Văn hóa Thiếu niên Thành phố" (Thành phố Hồ Chí Minh), tham dự giải Bóng bàn đầu tiên "Giải Bóng bàn Mừng Tổ Quốc Thống nhất", năm đó ở giải thiếu niên nữ không có sự phân hạng về tuổi tác, các Vận động viên dưới 12 tuổi phải đứng đầu khó khăn trước các cây vợt đàn chị. Cô là cây vợt nhỏ tuổi nhất thành phố (9 tuổi) đánh rất có nét vào đến vòng tứ kết mới bị loại, đã đoạt được giải khuyến khích của ban tổ chức và được kỳ vọng là tài nghệ của cô sẽ còn tiến xa [2].

Hai năm sau, cô đã có bước thăng tiến vượt bực, tham gia Đại hội Bóng Bàn Báo Khăn Quàng Đỏ, ở trận chung kết, với lối đánh tích cực tấn công bằng những quả giật phải, đẩy trái, Hằng lúc đó 11 tuổi đã đoạt chức Vô địch Thiếu nhi toàn thành 1978.[11] - [12]

Hà Tôn Thanh Hằng mỗi khi bước vào trận đấu là ôm bàn tiến công quyết liệt, ít khi chịu lui ra phòng thủ, với lối đánh tích cực cô đã đoạt giải Vô địch Đồng đội nữ và Đơn nữ Thiếu niên toàn quốc 1982[3].

Một năm sau, Hà Tôn Thanh Hằng bước vào tuổi 16-lứa tuổi Cây vợt trẻ[4] cô đầu quân cho đội Bóng Bàn Công ty Hợp doanh IN số 2 và tiếp tục thi đấu giải Bóng Bàn Báo Khăn Quàng Đỏ lần thứ 6, sau khi hạ các cây vợt trẻ khác ở vòng ngoài, cô sung sức bước vào chung kết với Vận động viên Lê Ngọc Phương Lan (Quận Tân Bình) là con gái của ông Lê Văn Tiết (cựu tuyển thủ bóng bàn xuất sắc của Việt Nam). Đây là trận đấu căng thẳng nhất, kết thúc muộn nhất trong đêm chung kết. Vì Hà Tôn Thanh Hằng và Lê Ngọc Phương Lan là hai cây vợt có 2 lối đánh khác hẳn nhau, Phương Lan thuộc trường phái Lê Văn Tiết cầm vợt phản xoáy sở trường gò công kết hợp phản công, còn Thanh Hằng thuộc trường phái đôi công. Trong trận chung kết này Lan bi Hằng bắt trúng bài buộc phải đánh sở đoản... đành gác vợt và thua với tỉ số 1/3. Hà Tôn Thanh Hằng giành giải Vô địch đơn nữ Cây vợt trẻ thành phố năm 1983 (trích theo báo Tuổi Trẻ)[5].

Năm 1984, Hà Tôn Thanh Hằng đã có nhiều tiến bộ về bản lĩnh thi đấu, chủ động phát huy kỹ thuật mũi nhọn sở trường đôi công để chiến thắng, một lần nữa ở trận chung kết đã hạ tay vợt Lê Ngọc Phương Lan, để đoạt chức Vô địch đơn nữ Cây vợt trẻ toàn thành 1984[6]. Cùng năm đó, cô tham dự giải Bóng Bàn Báo Thiếu niên Tiền Phong 84 cùng với đồng đội là Phương Lan và Ngọc Phượng đã đoạt giải Vô địch Đồng đội nữ cây vợt trẻ và riêng cá nhân đã đoạt chức Vô địch nữ cây vợt trẻ toàn quốc[7]. Sau đó theo báo Tuổi Trẻ, cô đoạt chức Vô địch A1 thành phố 1984 và là "niềm hy vọng trong các cây vợt thành phố" cho những giải Quốc gia sắp tới [8]

Nhiều năm sau, Hà Tôn Thanh Hằng đã giành được thắng lợi này đến thắng lợi khác. Ở giải Vô địch bóng bàn Hạng A1 thành phố 1986, cô đã giành chức Vô địch A1 thành phố sau khi thắng Vận động viên Kiện tướng quốc gia Lê Thị Kim Tiếng (em gái của Cựu tuyển thủ Lê Văn Tiết) ở trận bán kết và thắng Kiện Tướng Quốc Gia Nhan Vị Quân ở trận chung kết[9]

Phong trào thể thao vào những năm sau khi đất nước thống nhất từ 1975 đến 1989, nước Việt nam hầu như không tham gia thi đấu giải quốc tế nào cả mà chỉ tổ chức những trận đấu giao hữu quốc tế tại sân nhà. Riêng bộ môn bóng bàn đã có nhiều trận tranh tài quốc tế giữa các Vận động viên nước ngoài và Vận động viên Việt nam. Ngày 2 tháng 5 năm 1984 tại Câu lạc bộ Phan Đình Phùng đã diễn ra những trận thi đấu giữa Đội Chim Báo Bão (Liên Xô) và đội tuyển thành phố (Việt nam) trong trận hữu nghị này cặp đôi nữ Việt nam Hà Tôn Thanh Hằng và Trần Tuyết Vân đã thắng cặp đôi nữ Liên Xô với tỷ số 2-1.[13]
Sau đó, ngày 23 tháng 4 năm 1986 tại Câu lạc bộ Phan Đình Phùng một lần nữa đã diễn ra những trận đấu giao hữu bóng bàn quốc tế giữa đội Chim Báo Bão (Liên Xô) và đội tuyển TPHCM (Việt Nam). Giải đồng đội (nam, nữ) được thi đấu theo thể thức 4 trận đơn, 1 trận đôi và trong lần ra quân này, các vận động viên thành phố đã giành thắng lợi lớn.
Ở trận đồng đội nữ 2 vận động viên ưu tú cấp Kiện tướng quốc gia là Hà Tôn Thanh Hằng và Lê Ngọc Phương Lan đại diện cho đội chủ nhà đã chiến thắng các vận động viên Kiện tướng Liên Xô. Đây là các trận so tài vừa hấp dẫn, vừa ngoạn mục và vừa cảm động vì sau khi Phương Lan thắng Vanda 2-0, Thanh Hằng thắng Biricova Taitana 2-0, cả 2 tay vợt Liên Xô đã… khóc nức nở. Trận thứ ba là trận đánh đôi, 2 vận động viên đội bạn đã thắng cặp đôi Hằng-Lan 2-0. Trận thứ tư Tatiana đã thắng Phương Lan 2-1 đưa tỷ số chung cuộc tạm thời của hai đội lên 2-2… Trận thứ 5 là trận quyết định giữa tay vợt Vanda và Hà Tôn Thanh Hằng, với kỹ thuật cao và kinh nghiệm dầy đặn Thanh Hằng đã thắng Vanda 2-0 đưa thắng lợi chung cuộc 3-2 cho đoàn Vận động viên Việt nam. (trích theo báo Tuổi Trẻ ngày 26-4-1986) [14]

3 tháng sau, cũng tại CLB Phan Đình Phùng ngày 16 tháng 7 và 17 tháng 7 năm 1986 đoàn tuyển thủ bóng bàn thành phố được tiếp đón và thi đấu với đội bóng bàn Cộng hoà Liên bang Nga (CHLB). Trận đấu hay nhất gây nhiều hào hứng, lý thú được giới hâm mộ cổ vũ nồng nhiệt nhiều nhất là cuộc đối đầu giữa hai tay vợt chủ lực: Kiện tướng quốc gia Hà Tôn Thanh Hằng (TPHCM-Việt nam) và Kiện tướng thể thao Sidorova (Liên Xô), vô địch cúp bóng bàn Liên Xô năm 1985… Cả 2 vận động viên đều có lối đánh đôi công, tấn công phòng thủ xa bàn tạo nên nhiều pha bóng sôi nổi căng thẳng, đẹp mắt... Tay vợt Kiện tướng Liên Xô Sidorova đã thắng Thanh Hằng 2-1. Mặc dù Thanh Hằng thua Sidorova nhưng đây là một pha bóng hay trong trận đấu đẳng cấp quốc tế thật tuyệt vời…(trích theo Báo Tuổi Trẻ ngày 19-7-1986)[15] [16]
Hà Tôn Thanh Hằng là Vận động viên tiêu biểu cho làng Bóng Bàn Việt Nam thời bấy giờ, cô có lối đánh đẹp, vững chắc, đôi công hay, giật bóng đều, dứt bóng mạnh, tâm lý vững vàng đã liên tục chiến thắng trong các giải toàn thành và toàn quốc từ nhiều năm của thập niên 1970-90.

Cho đến cuối năm 1992 cô ngừng thi đấu để trở thành Huấn luyện viên cho một số Cơ quan, Xí nghiệp trong thành phố có phong trào thể thao như Viettronimex, Seaprodex, Cơ xưởng Thủy Sản Chiến Thắng, Xí Nghiệp Mì Bình Tây, v.v... Một thời gian sau đó cô định cư tại Mỹ, mặc dù khá lâu đã hơn 10 năm không cầm vợt, năm 2004 Hà Tôn Thanh Hằng bắt đầu tham gia nhiều Giải Bóng Bàn tại Mỹ-tiểu bang Pennsylvania và chiếm thứ hạng cao với tổng số điểm (National rating) là 2059 với tên là Nathalie HA [10]. Nhưng sau đó cô đã rút lui khỏi ngành vì lý do sức khoẻ và bây giờ cô chỉ viết sách-làm thơ. [17]
thể thao1976 Giải Bóng Bàn toàn thành "Mừng Tổ Quốc Thống nhất" - Giải khuyến khích Nữ Vận động viên nhỏ tuổi nhất[18]
Thành Tích
1978 Đại hội Bóng bàn Báo Khăn quàng đỏ toàn thành - Giải nhất nữ nhi đồng toàn thành[19][20]
1981 Đại hội Bóng bàn thiếu nhi và cây vợt trẻ toàn thành - Giải nhất Đơn nữ thiếu niên toàn thành[21][22]
1982 Đại hội Bóng bàn thiếu niên và cây vợt trẻ toàn quốc - Vô địch Đồng đội và Vô địch đơn nữ thiếu niên toàn quốc[23]
1983 Đại hội Bóng bàn Báo Khăn quàng đỏ toàn thành - Giải nhất Đơn nữ Cây vợt trẻ toàn thành[24]
1984 Đại hội Bóng bàn thiếu niên, nhi đồng cây vợt trẻ toàn thành (Giải Báo Khăn Quàng Đỏ lần 7) - Giải nhất đơn nữ cây vợt trẻ toàn thành [25]
1984 Đại hội Bóng bàn thiếu niên, nhi đồng và cây vợt trẻ toàn quốc (Giải Báo Thiếu Niên Tiền Phong 84) - Vô địch đồng đội và Vô địch đơn nữ cây vợt trẻ toàn quốc [26]
1984 Giải Bóng bàn A1 Thành phố - Vô địch đơn nữ A1 toàn thành [27]
1985 Đại hội Bóng bàn thiếu niên, nhi đồng và cây vợt trẻ toàn thành (Giải Báo Khăn Quàng Đỏ lần 8) - Giải nhất đơn nữ cây vợt trẻ toàn thành [28]
1986 Giải Bóng bàn A1 Thành phố - Vô địch đơn nữ A1 toàn thành [29]
1986 Tham gia Đội tuyển Bóng Bàn TPHCM cùng Nhan Vị Quân và đồng đội đã mang lại nhiều thành tích cho thành phố như:
- Vô địch Đôi nữ toàn quốc 1987[11], 1988, 1989[12]
- Vô địch Đồng đội nữ toàn quốc 1989[13], 1990[14], 1991
2004 Hạng thứ 15 trong TOP 25 Women toàn nước Mỹ [10].
ST.
 
Last edited:

Bình luận từ Facebook

Top