Con đường đi lên của bóng bàn Việt Nam từ năm 1920 – 1975

nhimpitt

Trung Sỹ
Bài 1: Sự xuất hiện của quả banh nhựa ở Việt Nam

Sự xuất hiện của quả banh nhựa ở Việt Nam không được ghi nhận chính xác thời gian. Nhưng theo tài liệu sách báo thể thao ghi lai thì môn bóng bàn được biết đến từ đầu thập niên 1920, qua các cuộc so tài vui chơi giải trí trên chiếc bàn hơn 4m vuông.

Tuy nhiên, thời kỳ sơ khai của bóng bàn Việt Nam được xác định qua những sinh hoạt chính thức vào những năm 1930 với những cuộc tổ chức thi đấu riêng biệt từng miền. Đến năm 1933 thì giải vô địch bóng bàn 3 nước Đông Dương : Việt – Miên – Lào được tổ chức lần đầu tiên.

Từng bước một, sinh hoạt môn bóng bàn bắt đầu đi vào nền nếp và phát triển đều đặn, các giải vộ địch cũng được tổ chức thường xuyên hằng năm. Điều đáng ghi nhận là vào tháng 3-1938 tai Saigon có cuộc thi đấu giao hữu quốc tế đầu tiên, nhân dịp hai nhà vô địch bóng bàn thế giới của Hung Gia Lợi viễn du Á Châu, ghé thăm Hòn ngọc Viễn Đông. Nhà buôn dụng cụ thể thao Triệu Văn Yên, mà giới thể thao thời đó gọi là ông bầu Yên, rất đam mê quần vợt, đã đứng ra tổ chức cuộc so vợt Hung – Việt.

Hai tay vợt quốc tế Szabados ( 26 tuổi ) và Kelen ( 25 tuổi ) so tài với 4 đối thủ Việt nam gồm Nguyễn Văn Khai, Trương Vĩnh Các ( vô địch Nam Kỳ ), Lý Ngọc Sơn ( 18 tuổi ) của Hà Nội và Nguyễn Đình Thi ( 19 tuổi ) của Nam Định ( vô địch Bắc Kỳ ). Vì lần đầu tiên tổ chức thi đấu quốc tế nên khán giả mua vé vào xem đông nghẹt.

Hai tay vợt Nguyễn Văn Khai và Trương Vịnh Các được chỉ định ra quân đầu tiên. Trước lối đánh tấn công và dày dặn kinh nghiệm của bạn , hai đối thủ của ta đành chịu thất bại trong hai trận đấu đơn. Sau đó, ở trận đánh đôi Khai + Các đã gỡ lại danh dự.

Kết quả kỹ thuật như sau :

- Szabados thắng Các 2/0 ( 21-11,21-16 )

- Kelen thắng Khai 2/0 ( 21-4,21-12 )

- Khai + Các thắng Szabados + Kelen 3/2 ( 21-12, 18-21,21-12,15-21,21-19 )

- Sau thất bại của Khai và Các, những người có trách nhiệm tập trung săn sóc nhà vô địch Bắc kỳ với hy vọng “ đừng để thua dưới moyen ( điểm 10 )”

Trận thứ 4, Lý Ngọc Sơn gặp Szabados

Trong Khi nhà vô địch Thế Giới sử dụng kỹ thuật tấn công bên phải (droite ) và cú đánh trái tay ( revert ), thì Sơn áp dụng kỹ thuật cắt bóng chậm và dài. Với chiến thuật này, Sơn đã khống chế được sức tấn công của đối phương và thắng ván đầu tiên với tỷ số 21-18. Cả phòng đấu trường như muốn vỡ tung ra. Nhiều người vì quá vui mừng đã chạy ào vào sân bắt tay, quạt máy, đưa nước giải khát và cả trái cây cho Sơn. Do đó sau ván thứ nhất thay vì được vài phút nghỉ dưỡng sức thì trái lại sự nhiệt tình của khan giả làm cho Sơn mệt thêm.

Vào ván 2, Szabados thay đổi chiến thuật, thay vì tấn công nhanh và mạnh, dài thì đổi sang biến hóa tốc độ và thay đổi cả vị trí bóng rơi. Để đối phó chiến thuật này Sơn phải vất vả di chuyển đỡ bóng và do đó không khống chế được ý đồ của đối thủ, dành thua 2 ván sau với tỷ số 9-21, và 12-21.

Trận thứ 5 Nguyễn Đình Thi gặp Kelen.

Biết được chiến thuật của đối phường, vừa vào cuộc Thi liền vụt ngay mấy quả liên tiếp và thắng điểm luôn. Sau mấy điểm thua đầu, Kelen hiểu rõ : Thi không đỡ như Sơn. Thế là Kelen chơi tập trung hơn và sử dụng chiến thuật tấn công cả trái lẫn phải với tốc độ nhanh. Thi đứng lùi ra xa bàn đễ đỡ nên đã mất lợi thế đành thua ván đầu 14-21.

Vào cán thứ nhì, Thi gài bóng và biến hóa độ xoáy để trả bóng sang bàn đối phương. Kelen bị mất thuận lợi nên phải gò bóng lại trả sang. Chỉ chờ có thế, Thi chuyển sang tấn công và dứt điểm ở những quả bóng cao. Với chiến thuật này của Thi, Kelen bị động nên cố gắng giành chủ động lại, tấn công trước nhưng càng cố gắng tấn công lại bao nhiêu thì lại càng lầm lỡ bấy nhiêu và càng nhanh thua điểm. Thi đã thắng lại ván này 21-10 và tỷ số hai bên hòa 1/1.

Đến ván thứ ba, cuộc đấu diễn ra quyết liệt, cả hai đều giành thế chủ động tấn công. Bên nào tấn công nhanh hơn, mạnh hơn thì thắng. Rất tiếc thì Thi yếu bên “revert” nên thất thế hơn, dù tỷ số hai bên vẫn so kè 13-13 rồi sau đó Kelen bức đi luôn với chiến thắng chung cuộc 21-15.

Qua cuộc thi đấu Quốc tế này, phong cách lối đánh và kỹ thuật của hai tay vô địch Thế giới đã làm sau mê giới hâm mộ bóng bàn nước ta. Dù chúng ta thua, nhưng sau cuộc so tài hai nhà vô địch đã đánh giá làng bóng bàn Việt Nam như sau :

“ Chúng tôi đã thi đấu nhiều nơi, thắng nhiều cây vợt xuất sắc và vô địch ở một số nước Âu châu nhưng ở Việt Nam có tài, có nét độc đáo riêng nhưng không đều, người đỡ giỏi nhưng tấn công không hiệu quả, người tấn công hay lại đỡ kém. Biết thay đổi lối đánh nhưng hiệu quả không cao. Tay vợt hay nhất Việt Nam là Nguyễn Đình Thi”.

Rất tiếc hai năm sau, Nguyễn Đình Thi dù tài nghệ tuy chưa vươn tới đỉnh cao nhưng đã qua đời vào năm 1940.

Cuộc so tài chấm dứt, nhưng dư âm, khí thế cuộc đấu đã động viên và cổ vũ rất nhiều cho các tay vợt trong nước quyết tâm tập luyện. Những tay vợt nổi tiếng, một thời oanh liệt lúc bấy giờ chúng ta có thể kể : Mai Duy Dưỡng ( Hà nội ) và Trần Liên Lợi tự Ady ( Sài gòn ). Trần liên Lợi sau này có một người con nối nghiệp cha là danh thủ Trần Thanh Dương.

Sau thời kỳ đó, làng banh nhựa nước ta sản sinh thêm nhiều danh thủ tài nghệ cao, đủ trình độ để bước vào cuộc đấu Quốc tế chính thức, nổi bật nhất là Mai Văn Hòa.

Thêm một cơ hội tốt cho bóng bàn Việt Nam là vào năm 1949, tức 11 năm sau lần thi đấu Quốc tế đầu tiên, hai danh thủ Pháp là Haguenauer ( đương kim vô địch ) và Amouretti ( cây vợt số 2 ) lại sang Saigon đấu giao hữu.

Vào thời điểm này, tài nghệ hai danh thủ Pháp rất hay. Họ dùng chiến thuật tấn công. Tuy nhiên các tay vợt nước tay không phải tay vừa. Mai Văn Hòa với lối đánh cắt bóng phòng thủ vững chắc, kiên trì đã thắng tay vợt Amouretti 3/2 Chiến thắng này phần nào đã xác định trình độ bóng bàn Việt Nam. Do đó, nhờ sự vận động của Nhà cầm quyền thể thao Pháp nên chính phủ Pháp đã cho phép và tài trợ Việt Nam thành lập đoàn bóng bàn tham dự giải vô địch Thế giới lần thứ 17 tai Bugapest ( Hung gia Lợi ) vào năm 1950.

Đây là dịp để bóng bàn Việt Nam mở đầu chuyến Âu du và cũng là chuyến xuất ngoại đầu tiên của bóng bàn Việt Nam chinh phục Thế giới.

Cám ơn tác giả Lê Văn Inn.

( đón xem bài 2 Chuyến Âu du đầu tiên của Bóng Bàn Việt Nam- giải vô địch Thế giới lần thứ 17 – 1950 ).
 

nhimpitt

Trung Sỹ
Bài 2: Chuyến Âu du đầu tiên ( giải vô địch thế giới lần thứ 17 – 1950 )

Để chuẩn bị đội hình đại diện xứng đáng cho Việt Nam và nhất là tạo sự công bằng trong thể thao, từ ngày 18 đến ngày 20-11-1949 tại câu lạc bộ bóng bàn Đông Dương đã tổ chức cuộc thi đấu tuyển chọn đấu thủ cho đoàn vợt gỗ Âu du.

Đáng lý ra nếu không có cuộc thi đấu này mà căn cứ vào thành tích thì các đấu thủ sau đây rất xứng đáng thay mặt cho Việt Nam hơn cả. Đó là hai anh em Mai Văn Chất – Mai Văn Hòa, Trần Quang Nhụy và Vũ Đình Giác ( 4 tay vợt đang giữ chức vô địch đơn, đôi của Việt Nam và Đông Dương ).

Tuy nhiên trong cuộc thi tuyển, Trần Văn Liễu đã loại Vũ Đình Giác, Phó Đức Huy làm hơn Nguyện Xuân Thuận ( tuyển thủ miền Bắc ), và ba đấu thủ Chất – Hòa – Nhụy giữ vững được thành tích nên cùng chính thức khoán áo đại biểu Việt Nam tham dự giải vô địch Thế Giới lần thứ 17 tổ chức tại Budapest ( Hung Gia Lợi ) 1 tháng sau đó.

Ngày 14-12-1949 đoàn vợt gỗ Việt Nam xuống tàu La Marseillaise để bắt đầu cuộc “trường chinh vạn lý” hay nói rõ hơn, đây là cuộc Âu du lần thứ nhất ( theo lời kể của tay vợt Mai Văn Chất)

Ngoài 5 đấu thủ tham dự do Mai Văn Chất làm thủ quân, Ông Lương Văn Hòa làm trưởng đoàn, ông Honegger làm cố vấn chuyên môn ( đại diện chánh phủ Pháp trong đoàn ).

Đúng 8 giờ sáng ngày 31-12-1949, đoàn đã đặt chân lên hải cảng Marseille và đến ngày 2-1-1950 thì đến Paris, kinh đô nước Pháp.

Có lẽ lần đầu tiên đoàn vợt gỗ xuất ngoại nên sau khi đến Paris, các tay vợt nước ta đã được Nhật báo thể thao nổi tiếng L’Equipe của Pháp khoản đãi. Cuộc thư hùng chính thức sẽ thi đấu tại Budapest, nhưng trên đường viễn du của đoàn Việt Nam, Chính phủ Pháp có tổ chức cuộc so tài với các tay vợt Pháp – Anh – Bỉ - Hòa Lan v.v… Thế là Việt Nam đã nhập cuộc khảo thí.


GIẢI BÓNG BÀN QUỐC TẾ PHÁP.

Chiều ngày 7-1-1950 Tổng cục bóng bàn Pháp đã mở tiệc khoản đãi các đấu thủ tại phòng khánh tiết của Racing Club, và 8 giờ tối hôm đó bắt đầu thi đấu.

Nghe tin đoàn vợt gỗ Việt Nam đến Paris thi đấu, Việt Kiều đến ủng hộ gà nhà rất đông. Đoàn vợt gỗ Việt nam, trừ Trần Văn Liễu bị Parmemtier (Pháp) cho rơi ngay từ vòng đầu, các đấu thủ khác đều giành chiến thắng để đi tiếp vào vòng 2.

Hòa thắng Nelkin 3/1, Nhụy thằng Cafiero 3/0, Chất thắng Barto 3/0 và Huy thắng Tardy 3/0. Ra quân năm trận đầu tiên với 4 trận thắng, 1 bại, đoàn Việt Nam đã gây bất ngờ cho những người theo dõi cuộc so tài quốc tế này. Chiếc vợt tài hoa Anh Cát Lợi Richard Bergmann, đương kim vô địch Thế giới, còn giữ vai trò phóng viên thể thao của nhiều Nhật báo tại Anh Các Lợi, đã chạy lăng xăng và tíu tít hỏi thăm các đấu thủ vóc nhỏ da vàng. Trong khi đó lãnh đạo các đoàn Bỉ, Hòa Lan, Sarrebruck thì đi tìm ông trưởng đoàn Lương Văn Hòa để mời các tay vợt Việt Nam đến xứ sở họ đánh giao hữu. Thật là cả một sự vinh hạnh lớn cho đoàn Việt Nam.

Vì ngày thi đấu chính thức giải vô địch Thế giới là 29-1-1950 nên chương trình cuộc so vợt quốc tế được thảo ra như sau :

19-1-1950 thi đấu ở Sarrebruck ( kinh đô La Sarre )

21-1-2950 thi đấu ở Hòa Lan ( thủ đô Utrecht )

23-1-1950 thi đấu ở Bỉ ( kinh đô Brusselles )

Cuộc tranh tài bóng bàn quốc tế Pháp được tiếp tục. Ở vòng ba Huy, Chất bị Cor Du Buy ( vô địch Hòa Lan ) và Collier quật ngã. Trong khi đó Nhụy thắng Juste, Hòa hơn Rubini cùng ty số 3/0 tiến vào vòng bán kết (1/8)

Ở vòng đấu này, Nhụy thua chiếc vợt số 1 Pháp Haguenauer 0/3, Hòa thua Amouretti khít khao 2/3, sau khi đã dẫn trước 2/1 và ván thứ tư dẫn điểm 11-5. Thế là giải đơn Việt Nam rũ áo.

Về giải đôi, cặp Chất + Huy thua ở vòng đầu. Cặp Hòa + Nhụy xuất sắc thắng cặp đương kim vô địch đôi Pháp Haguenauer + Lanskoy 3/1, nhưng rất tiếc ở vòng bán kết Hòa + Nhụy lại thua cặp Agapoff + Bedos 2/3.

Như thế, cuộc tranh tài giải bóng bàn quốc tế Pháp chấm dứt. Đoàn vợt gỗ Việt Nam đã gây được cảm tình của khan giả Âu Châu. Một tờ báo Bỉ, xuất bản ngày 13-1-1950 đã viết như sau:

“Người Việt Nam đã thu phục Paris, với tài ba họ đã được khán giả ưu thích nhất. Mặc dầu hình dáng thấp, nhỏ con nhưng đủ các đức tính của dân tộc với đôi mắt tinh, thân hình dẽo dai, bước đi uyển chuyển. Về bóng bàn, dù không kèn không trống nhưng họ đã có một bưới dài trên con đường tiến bộ. Chắc sẽ phải tiến xa hơn nữa.

Chừng 10 ngày nữa thôi chúng ta ( dân Bỉ ) sẽ được thưởng thức tài nghệ của các đấu thủ Việt Nam”.

Đây là lần thứ hai trên địa hạt thể thao, bóng dáng Việt Nam xuất hiện ở cuộc tranh tài Âu Châu vì hai năm trước lần đầu tiên đoàn thể thao Việt Nam đến Helsinki ( Phần Lan ) phó hội Olympic 1952. Căn cứ theo thành tích thi đấu vừa rồi ở Pháp, nếu Hòa thắng Amouretti ( một năm trước, khi đoàn Pháp đến Việt Nam, Hòa đã từng hạ Amouretti và cũng nhờ trận thắng lịch sử này mà đoàn Việt Nam mới có chuyến Âu du) và nếu cặp đôi Hòa + Nhụy thắng ở trận bán kết thì ngôi vương số 1 ở giải quốc tế này, có lẽ tên tuổi Việt Nam đã được khắc ghi vào bảng vàng.

Kết quả giải quốc tế Pháp quốc với chứ vô địch như sau:

Đơn nam: Bergmann ( Anh Cát Lợi )

Đơn nữ:V.Thomas ( Anh Cát Lợi )

Đôi nam: Leach- Simons ( Anh Cát Lợi )

Đôi nữ: Beolet – Delay ( Pháp quốc )

Đôi nam nữ: Leach – Thomas ( Anh Cát Lợi )

Như vậy trong 5 huy chương, Anh Cát Lợi giành 4 còn 1 là Pháp.
 

Bình luận từ Facebook

Top