100 Bài thơ hay nhất thế kỷ 20

choctietlon

Super Moderators
81. BÊN MỘ CỤ NGUYỄN DU
Tác giả - Vương Trọng

Tưởng rằng phận bạc Ðạm Tiên
ngờ đâu cụ Nguyễn Tiên Ðiền nằm đây
Ngẩng trời cao, cúi đất dày
Cắn môi tay nắm bàn tay của mình
Một vùng cồn bãi trống trênh
Cụ cùng thập loại chúng sinh nằm kề

Hút tầm chẳng cánh hoa lê
Bạch đàn đôi ngọn gió về nỉ non
Xạc xào lá cỏ héo hon
Bàn chân cát bụi, lối mòn nhỏ nhoi
Lặng im bên nấm mộ rồi
Chưa tin mình đã đến nơi mình tìm

Không cành để gọi tiếng chim
Không hoa cho bướm mang thêm nắng trời
Không vầng cỏ ấm tay người
Nén hương tảo mộ cắm rồi lại xiêu

Thanh minh trong những câu Kiều
Rưng rưng con đọc với chiều Nghi Xuân
Cúi đầu tưởng nhớ vĩ nhân
Phong trần còn để phong trần riêng ai
Bao giờ cây súng rời vai
Nung vôi, chở đá tượng đài xây lên

Trái tim lớn giữa thiên nhiên
Tình thương nối nhịp suốt nghìn năm xa...

------

82. NHỚ HUẾ QUÊ TÔI
Tác giả - Thanh Tịnh

Sông núi vươn dài tiếp núi sông
Cò bay thẳng cánh nối đồng không
Có người bảo Huế xa, xa lắm
Nhưng Huế quê tôi ở giữa lòng.

Mười một năm trời mang Huế theo
Đèo cao nắng tắt bóng cheo leo
Giọng hò mái đẩy vờn mây núi
Man mát sông Hương lướt đỉnh đèo

Tôi gặp bao người xứ Huế xa
Đèn khuya thức mãi chí xông pha
Mở đường giải phóng về quê mẹ
Dựng khắp non sông bóng xóm nhà

Có bao người Huế không về nữa.
Gửi đá ven rừng chép chiến công
Có mồ liệt sỹ nâng lòng đất.
Buồm phá Tam Giang gió thổi lồng.

Nặng trĩu trăm năm bóng cổ thành
Bao lần máu đỏ nhuộm đồng xanh
Cờ sao ngày ấy buồn cung cấm
Sông nước xôn xao núi chuyển mình

Bao độ thu về, thu lại qua
Huế tôi thăm thẳm nhớ con xa
Mỗi lần phượng nở rung màu đỏ
Càng giục canh sương rộn tiếng gà.

-------

83.BẾP LỬA
Tác giả - Bằng Việt

Một bếp lửa chờn vờn sương sớm
Một bếp lửa ấp iu nồng đượm
Cháu thương bà biết mấy nắng mưa

Lên bốn tuổi cháu đã quen mùi khói
Năm ấy là năm đói mòn đói mỏi
Bố đi đánh xe khô rạc ngựa gầy
Chỉ nhớ khói hung nhèm mắt cháu
Nghĩ lại đến giờ sống mũi còn cay

Tám năm ròng cháu cùng bà nhóm lửa
Tu hú kêu trên những cánh đồng xa
Khi tu hú kêu bà còn nhớ không bà
Bà hay kể chuyện những ngày ở Huế
Tiếng tu hú sao mà tha thiết thế
Mẹ cùng cha bận công tác không về
Cháu ở cùng bà, bà bảo cháu nghe
Bà dạy cháu làm, bà chăm cháu học
Nhóm bếp lửa nghĩ thương bà khó nhọc
Tu hú ơi chẳng đến ở cùng bà
Kêu chi hoài trên những cánh đồng xa?

Năm giặc đốt làng cháy tàn cháy rụi
Hàng xóm bốn bên trở về lầm lụi
Đỡ đần bà dựng lại túp lều tranh
Vẫn vững lòng, bà dặc cháu đinh ninh
Bố ở chiến khu bố còn việc bố
Mày có viết thư chớ kể này kể nọ
Cứ bảo nhà vẫn được bình yên

Rồi sớm rồi chiều lại bếp lửa bà nhen
MỘt bếp lửa lòng bà luôn ủ sẵn
Một bếp lửa chứa niềm tin dai dẳng
Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa

Mấy chục năm rồi, đến tận bây giờ
Bà vẫngiữ thói quen dậy sớm
Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm
Nhóm niềm yêu thương khoai sắn ngọt bùi
Nhóm nồi xôi gạo mới sẻ chung vui
Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ
Ôi kỳ lạ và thiêng liêng- Bếplửa

Giờ cháu đã đi xa, có ngọn khói trăm tàu
Có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả
Nhưng vẫn chẳng bao giờ quên nhắc nhở
Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?

------

84. VƯỜN TRONG PHỐ
Tác giả - Lưu Quang Vũ .


trong thành phố có một vườn cây mát
trong triệu người có em của ta
buổi trưa nắng bầy ong đi kiếm mật
vào vườn rồi ong chẳng nhớ lối ra
vườn em là nơi đọng gío trời xa
hoa tím chim kêu bàng thưa lá nắng
con nhện đi về giăng tơ trắng
trái tròn căng mập nhựa sinh sôi

nơi ban mai cỏ ướt sương rơi
một hạt nhỏ mơ hồ trên má
hơi lạnh nào ngón tay cầm se gía ?
suốt cuộc đời cũng chẳng hiểu vì sao...

nơi đêm khuya vọng lại tiếng còi tàu
bỗng nhớ xa xôi những miền đất nước
nơi bài hát lên đường ta hẹn ước
nơi góc vườn ta để quên chùm hoa...

nơi vòm lá rì rào xao động cơn mưa
quả ngọt chín khi mùa ve lại đến
những chân trời màu hồng,
những chân trời màu tím
những ngôi sao bàng bạc cả hoàng hôn

nơi lá chuối che nghiêng như một cánh buồm
cánh buồm xanh đi về trong hạnh phúc
se sẽ chứ, không cánh buồm bay mất
qua dịu dàng ẩm ướt của làn môi

dưa hấu bổ ra thơm suốt ngày dài
em cũng mát lành như trái cây mùa hạ
nước da nâu và nụ cười bỡ ngỡ
em như cầu vồng bảy sắc hiện say mưa

đến bây giờ đánh giặc anh đi xa
nhìn lại mảnh vườn xưa thấy hẹp
biết bao điều anh còn chưa nói được
rối rít trong lòng một nỗi em em

rừng rậm đèo cao anh đã vượt lên
theo tiếng gọi con tàu ngày bé dại
vườn không níu được bước chân ở lại
nhưng lá còn che mát suốt đường anh

mảnh vườn em vẫn là mảnh vườn xanh
nơi ban đầu lòng ta ươm tổ mật
nơi ta hái những chùm thơ thứ nhất
nơi thu sang mây trắng vẫn bay về.

-----
85.MIỀN TRUNG
Tác giả - Hoàng Trần Cương

Bao giờ em về thăm
Quê hương anh một thời ngút lửa
Miền Trung mỏng và sắc như cật nứa
Chuốt ruột mình thành giải lụa Sông Lam

Miền Trung
Tấm lưng trần đen sạm
Những đốt sống Trường Sơn lởm chởm giăng màn
Thoáng bóng giặc núi bửa báng súng
Những đứa con văng mình như mảnh đạn
Thương mẹ một mình trời sinh đá mồ côi

Miền Trung
Bao đời núi bể kề đôi
Ôi! Biển Đông - giọt nước mắt của muôn ngàn thế hệ
Nóng hổi như vừa lăn xuống
Theo những tượng đá cụt đầu của Trường Sơn uy nghiêm

Miền Trung
Câu ví dặm nằm nghiêng
Trên nắng và dưới cát
Đến câu hát cũng hai lần sàng lại
Sao lọt tai rồi vẫn day dứt quanh năm

Miền Trung
Bao giờ em về thăm
Mảnh đất nghèo mùng tơi không kịp rớt
Lúa con gái mà gầy còm úa đỏ
Chỉ gió bão là tốt tươi như cỏ
Không ai giao mà trắng mặt người

Miền Trung
Eo đất này thắt đáy lưng ong
Cho tình người đọng mật
Em gắng về
Đừng để mẹ già mong.

-----
 

choctietlon

Super Moderators
86 . LÊN CÔN SƠN
Tác giả - Khương Hữu Dụng

Lên đỉnh Côn Sơn tìm Nguyễn Trãi
Trên đầu xanh ngắt một bầu không
Bàn cờ thế sự quân không động
Mà thấy quanh mình nỗi bão dông.

-----


87. ĐỌC THƠ ỨC TRAI
Tác giả - Sóng Hồng

Đêm đông
Sương lạnh
Quanh nhà tiếng trùng ra rả.
Dưới đèn lần đọc thơ Ức Trai
Canh khuya nói chuyện với người xưa
Và thức tỉnh một thời qua.

Hơn năm trăm năm trước,
Nhân dân ta vùng lên đuổi quân xâm lược,
Ai chí khí hiên ngang,
Hơn đời mưu lược,
Cứu dân cứu nước, nhớ lời cha,
Một lòng ưu ái vì dân tộc,
Lo trước vui sau giữ nếp nhà.
Mười năm quyết chiến,
Ngang dọc xông pha,
Lấy nhân nghĩa chống bạo tàn,
Dựa sức dân dẹp tan kình ngạc.
Vung gươm khiếp vía quân Minh,
Múa bút mềm gan tướng giặc.

Sau khi sóng kình im bặt,
Chí đang hăng dựng nước buổi thanh bình,
Vì đâu phải lui về núi cũ,
Bạn với cúc tùng cho ngày tháng trôi qua!
Tưởng thoát chốn phồn hoa
Mặc ai bon chen danh lợi
Đau đớn nhìn việc đời biến đổi
Như mây trôi nước chảy xuôi dòng
Lúc thuyền ai
...................hờ hững
...............................ở trên sông!
Nhưng duyên nợ nước mây chưa trọn,
Chỉ lo việc lớn vẫn hăng say.
Bi kịch Lệ Chi Viên để lụy bậc thiên tài,
Hận anh hùng,
....................nước biển đông
.........................................cũng không rửa sạch!

Nay đọc thơ Người,
Lòng ta đau xót,
Thắm từng câu:
Yêu nước thương dân,
Tâm hồn cao khiết,
Sự nghệp muôn năm vẫn sáng ngời.

Ù ù gió thổi bên ngoài,
Trăng bạc rung rinh cành sấu,
Trông ra tưởng thấy Ức Trai,
Trên đỉnh Côn Sơn đang mỉm cười
Nhìn con cháu thời Hồ Chí Minh anh dũng
Đã lấy máu viết nên
Bình Tây đại cáo.

------


88. ĐÊM MƯA
Tác giả - Tô Hoàn

Con về thăm mẹ, đêm mưa
Mới hay nhà dột, gió lùa bốn bên

Mưa rơi sợi thẳng, sợi xiên
Cứ nhằm vào mẹ những đêm trắng trời

Con đi đánh giặc suốt đời
Vẫn không che được một nơi mẹ nằm.

--------


89. CỬU LONG GIANG TA ƠI
Tác giả - Nguyên Hồng

Ngày xưa ta đi học
Mười tuổi thơ nghe gió thổi mùa thu
Mắt ngẩng lên trông bản đồ rực rỡ
Như đồng hoa bỗng gặp một đêm mơ

Bản đồ mới tường vôi cũng mới
Thầy giáo lớn sao, thước bảng cũng lớn sao
Gậy thần tiên và cánh tay đạo sĩ
Ðưa ta đi sông núi tuyệt vời

Tim đập mạnh hồn ngây không sao hiểu
Mê Kông sông dài hơn hai ngàn cây số mông mênh
Nguồn tự Trung Hoa có Vạn lý trường thành
Có Hy Mã lạp sơn, Ðộng Ðình hồ, Tây du, Thủy Hử
Mê Kông chảy
Cây lao đá đổ
Ngẫm nghĩ voi đi
Thác Khôn cười trắng xóa
Lan hoang dứa mật thông nhựa lên hương
Những trưa hè ngun ngút nắng Trường Sơn
Rừng Lào- Miên rộng quá
Dân Lào - Miên mến yêu
Xôi nếp nước trong sẵn sàng chia bạn đói
Ta đi...bản đồ không còn nhìn nữa
Sáng trời thu lại còn bướm với trời xanh
Trúc đào tươi chim khuyên riả cánh sương đọng long lanh
Ta cởi áo lội dòng sông ta hát
Mê Kông chảy Mê Kông cũng hát
Rừng núi lùi xa
Ðất phẳng thở chan hòa
Sóng tỏa chân trời buồm trắng
Nam bộ
Nam bộ
Chín nhánh Mê Kông phù sa nổi váng...
Ruộng bãi Mê Kông trồng không hết lúa
Bến nước Mê kông tôm cá ngập thuyền
Sầu riêng thơm dậy đất Thủ Biên
Suối mát dội trong lòng dừa trĩu quả

Mê Kông quặn đẻ...
Chín nhánh sông vàng
Nông dân Nam bộ gối đất nằm sương
Mồ hôi vã bãi lau thành đồng lúa
Thành những tên đọc lên nước mắt đều muốn ứa
Những Hà tiên, Gia định, Long Châu
Những Gò công, Gò vấp, Ðồng tháp, Cà mau
Những mặt đất
Cha ông ta nhắm mắt
Truyền cháu con không bao giờ chia cắt
Ta đã lớn
Thầy giáo già đã khuất
Thước bản to nay thành cán cờ sao
Những tên làm man mác tuổi thơ xưa
Ðã thấm máu của bao hồn bất tử
Những Minh Khai, Hà Huy Tập, Lê Hồng Phong, Trần Phú
Những bông hoa dân tộc anh hùng
Mười sáu tuổi xanh
Em Ðuốc Sống đốt mình phá tan kho giặc
Võ thị Sáu vùng răng cắn chặt
Giữ trung trinh cho đến phút cuối cùng
Ðạn giặc xuyên lỗ chỗ ngực măng non
Ðỏ thắm nụ cười
Chào Bác Hồ và Việt nam bất diệt.
Ðêm nay
Cửu Long Giang vẫn âm vang sóng cát
Sao khuya lấp lánh
Lửa chài thức sáng nhịp hát hò ơ
Ðồng Tháp xa đưa những tiếng mẹ ru
Hồ Chí Minh thành ca dao bát ngát.....







90. NGƯỜI VỀ
Tác giả - Hoàng Hưng

Người về từ cõi ấy
Vợ khóc một đêm con lạ một ngày

Người về từ cõi ấy
Bước vào cửa người quen tái mặt

Người về từ cõi ấy
Giữa phố đông nhồn nhột sau gáy

Một năm sau còn nghẹn giữa cuộc vui
Hai năm còn mộng toát mồ hôi

Ba năm còn nhớ một con thạch thùng
Mười năm còn quen ngồi một mình trong tối

Một hôm có kẻ nhìn trân trối
Một đêm có tiếng bâng quơ hỏi

Giật mình
một cái vỗ vai.
 

choctietlon

Super Moderators
91. Trở về quê nội

Ca Lê Hiến

Ôi quê hương xanh biếc bóng dừa
Có ngờ đâu hôm nay ta trở lại
Quê hương ta tất cả vẫn còn đây
Dù người thân đã ngã xuống đất này
Ta lại gặp những mặt người ta yêu biết mấy
Ta nhìn, ta ngắm, ta say
Ta run run nắm những bàn tay
Thương nhớ dồn trong tay ta nóng bỏng.

Đây rồi đoạn đường xưa
Nơi ta vẫn thường đi trong mộng
Kẽo kẹt nhà ai tiếng võng trưa
Ầu ơ... thương nhớ lắm
Ôi những bông trang trắng, những bông trang hồng
Như tấm lòng em trong trắng thủy trung
Như trái tim em đẹp màu đỏ thắm
Con sóng nhỏ tuổi thơ ta tắm
Vẫn còn đây nước chẳng đổi dòng
Hoa lục bình tím cả bờ sông.
Mẹ lưng còng tóc bạc
Ngậm ngùi kể chuyện ta nghe
Tám em bé chết vì bom xăng đặc
Trên đường đi học trở về.
Giặc giết mười người trong một ấp
Bà con khiêng xác chất đầy ghe
Chở lên Bến Tre đấu tranh với giặc
Làng ta mấy lần bom giội nát
Dừa ngã ngổn ngang, xơ xác bờ tre,
Mẹ dựng tạm mái lều che mưa gió
Ta có ngờ đâu mái lều của mẹ
Dưới lớp đất kia ngọn lửa vẫn còn
Mẹ ta tần tảo sớm hôm
Nuôi các anh ta dưới hầm bí mật
Cả đời mẹ hy sinh gan góc
Hai mươi năm giữ đất giữ làng
Ôi mẹ là bà mẹ miền Nam.

Ta có ngờ đâu em ta đấy
Dưới mái lều kia em đã lớn lên
Em đẹp lắm như mùa xuân bừng dậy
Súng trên vai cũng đẹp như em
Em ơi! Sao tóc em thơm vậy
Hay em vừa đi qua vườn sầu riêng
Ta yêu giọng em cười trong trẻo
Ngọt ngào như nước dừa xiêm
Yêu dáng em đi qua cầu tre lắt lẻo
Dịu dàng như những nàng tiên
Em là du kích, em là giao liên
Em chính là quê hương ta đó
Mười một năm rồi ta nhớ, ta thương.
Đêm đầu tiên ta ngủ giữa quê hương
Sao thấy lòng ấm lạ
Dù ngoài trời tầm tã mưa tuôn
Tiếng đại bác gầm rung vách lá
Ôi quê hương ta đẹp quá!
Dù trên đường còn những hố bom
Dù áo em vẫn còn mảnh vá
Ta về đây chẳng mang gì cho em cả
Chỉ có trái tim chung thủy, sắt son
Và khẩu súng trong tay cháy bỏng căm hờn.

9-1965
92. Một vị tướng về hưu

Nguyễn Đức Mậu


Thôi, đã dứt đường binh nghiệp
Tuổi hưu rồi, bác ở quê
Chạnh nhớ bạn bè thuở trước
Cùng đi có đứa không về

Người vợ tuổi già như bác
Miếng trầu nhai dập chiều mưa
Hồi còn trẻ xa nhau mãi
Giờ thương biết mấy cho vừa

Huân chương xếp vào góc tủ
Nay hàm tướng tá mà chi
Tuổi già công danh xem nhẹ
Cuộc đời như nước trôi đi

Thuở trước bạn cùng súng đạn
Nay khuây hàng xóm bạn già
Bao dốc, bao rừng đã vượt
Lối mòn quanh quẩn vào ra

Ngày đi khuất bóng mẹ cha
Ngày về sửa sang mộ cũ
Âm thầm một tấc đất sâu
Hương khói tờ mờ màu cỏ

Ngôi nhà nắng mưa vẫn đó
Đàn con mỗi đứa một nơi
Nếu không có trẻ hàng xóm
Tuổi già hẳn nhiều đơn côi

Những đêm gió thổi buốt trời
Vết thương cũ còn đau nhức
Ôi sư đoàn xưa giờ đâu
Người cũ, ai còn, ai mất?

Về hưu giờ thôi quyền chức
Ai người nhớ bác, lại chơi
Ai kẻ xa lòng, tránh mặt
Niềm riêng một mảnh trăng trời.
93. Gửi bác Trần Nhuận Minh


Trần Đăng Khoa

Bỏ làng ra thành phố
Hai anh em thợ cày
Thân cũng như hoa cỏ
Hồn gửi vào gió mây

Người bảo bác theo Đỗ
Em phải học Lý thôi
Bác đã bay dưới đất
Em đành đi trên giời

Bác âm thầm chìm nổi
Cùng kiếp người lang thang
Em lông nhông bầu bạn
Với kiến đen chó vàng

Bao nhiêu là giun dế
Đã khiêng vác em lên
Tên tuổi em xủng xoảng
Những mõ ran trống rền

Bác làm bông lau ngàn
Thả hồn vào hoang vắng
Khi buồn thì hát ca
Lúc vui thì im lặng

Em quẩy bầu trăng gió
Bác gánh bao nỗi người
Sóng đôi mà đơn độc
Đi mang mang trong đời

Nhưng giờ em đã chán
Những vinh quang hão huyền
Chỉ muốn làm mây trắng
Bay cho chiều bình yên

Trả niềm vui cho cỏ
Trả nỗi buồn cho cây
Lại áo tơi nón lá
Ta về với luống cày

Đất trời thì chật hẹp
Làng quê thì mênh mông
Thung thăng em với bác
Ta cưỡi thơ ra đồng...
94. Đèo Cả


Hữu Loan

Đèo Cả!
Đèo Cả!
Núi cao ngút!
Mây trời Ai Lao
....................sầu đại dương
Dặm về heo hút
Đá mù sương
Bên quán "Hồng quân"
..............................người
......................................ngựa
.............................................mỏi
Nhìn dốc ngồi than
..........................thương
....................................ai
.......................................lên
............................................đưỠ ?ng
Chầy ngày
...............lạc giữa núi
Sau chân
.............lối vàng
........................xanh tuôn
Dưới cây
............bên suối độc
Cheo leo chòi canh
..........................như biên cương
Tóc râu
...........trùm vai rộng
Không nhận ra
....................người làng
Ngày thâu
..............vượn hú
Đêm canh
..............gặp hùm lang thang
Rau khe
...........cơm vắt
Áo phai
...........màu chiến trường
Gian nguy
..............lòng không nhạt
Căm thù
............trăm năm xa
Máu thiêng
.............. sôi dào dạt
Từ nguồn thiêng
...................... ông cha
"Cần xây chiến lũy ngất
Đây hình hài niên hoa
- Xâm lăng!
Xâm lăng!
Súng thèm
...............gươm khát..."
Ai ngân lung lay
.....................đêm quê nhà
Nhớ lần thăm Đèo Cả
Hậu phương từ rất xa
Ăn với nhau bữa
......................heo rừng
..................................công thui
...............................................chᠠ??m muối
Trên sạp cây rừng
Ngủ chung
...............nửa tối
Biệt nhau
.............đèo heo
.........................canh gà
Râu ngược
...............chào nhau
.............................bên góc núi.
Giặc từ vũng Rô
...................... bắn tới
Giặc từ trong
...................tràn ra
Nhưng Đèo Cả
....................vẫn đứng vững
Đèo Cả Nam
.................máu giặc
.............................mấy
...................................lần
.......................................nắng
..............................................khô
Sau mỗi lần thắng
Những người trấn Đèo Cả
Về bên suối đánh cờ
Người hái cam rừng
......................... ăn nheo mắt
Người vá áo
................thiếu kim
........................... mài sắt
Người đập mảnh chai
............................vểnh cằm
........................................ cạo râu
Suối mang bóng người
..............................soi
..................................những
..........................................về đâu ?
95. Cô bộ đội ấy đã đi rồi


Phạm Tiến Duật

Cô bộ đội ấy đã đi rồi
Chuyển đơn vị vào vùng rừng trong ấy
Em gái đi, các anh ở lại
Biết đến bao giờ mới được gặp nhau

Lũng thì thẳm mà rừng thì sâu
Để hun hút nhớ nhau biền biệt
Bao nhiêu bạn bè, bao nhiêu bạn bè thân thiết
Xa nhau như xa nhau hôm nay

Thôi em đừng bẻ đốt ngón tay
Nước mắt dễ lây mà rừng thì lặng quá
Anh biết rồi bao nhiêu vất vả
Tháng năm dài cùng nhau đi qua

Để sáu bảy năm em gái xa nhà
Hăm bảy tuổi chuyện chồng con chưa nói
Cả một thời trẻ trung sôi nổi
Ở bên nhau bếp lửa giữa rừng xa

Nhớ nhau, nhớ nhau ở giữa rừng già
Ngón tay nóng cầm viên thuốc mát
Cái đêm đói ngồi nghe chim đắp tát
Con chó vàng cọ chân em đòi ăn

Nhớ nhau, nhớ nhau những buổi mưa dầm
Căn nhà dột tóc em ướt hết
Anh ngồi nghĩ gì em chẳng biết
Cứ hát tràn những câu hát bâng quơ

Nhớ trưa đỉnh đèo ta đứng ngẩn ngơ
Nhìn mây trắng chân trời ngỡ biển
Biển Đông thì xa, biết ta nhìn chẳng đến
Nhưng em vui anh kể chuyện em nghe

Trưa vác gạo ta dừng bên khe
Một đoàn tù binh đi qua đang đứng ngó
Bên những thằng người áo quần loang lổ
Bóng em lồng bóng suối trong veo

Lúc ấy lòng anh biết mấy tự hào
Tự hào vì có em ở đây, tự hào vì đất nước
Ở đây màu hồng xiết bao thân thuộc
Xao xuyến lòng anh, xao xuyến bạn bè

Đến chào anh sáng mai em đi
Như ngày nào chào bà con hàng xóm
Sự xa cách nhỏ trong sự xa cách lớn
Một cuộc chia tay trong triệu cuộc chia tay

Rồi ngày mai xa vắng nơi đây
Em lại có bao nhiêu đồng đội mới
Trong chiến tranh một khát khao sôi nổi
Là nhân dân đoàn tụ muôn đời

Cô bộ đội ấy đã đi rồi.
 

choctietlon

Super Moderators
96. Quê hương



Nguyễn Bá Chung

Ba mươi năm xa cách quê hương
Bảy lần về thôi cũng là tạm đủ
Nhớ lần đầu - tóc tang trời ủ rũ
Đến bây giờ ánh sáng đã bừng lên

Có cái gì là lạ không thể quên
Như nỗi nhớ không biết tên mà gọi
Như nỗi đau không thể làm dịu vợi
Như ngôi nhà vẫn mãi mãi đi tìm

Như bầu trời nửa xám nửa không quen
Mảnh đất vỡ bồi máu xương ta đó
Đỉnh Yên Tử hoa đại còn vết đỏ
Những người xưa vì nước xả thân mình

Con đường quê vẫn mãi mãi gập ghềnh
Bao năm tháng những người làng chịu đói
Năm Ất Dậu tất cả làng tụ lại
Ăn cháo hoa suốt cả mấy tháng trời

Bát cháo hoa mà ngọt cả một đời
Quý hơn cả bao ngọc vàng cộng lại
Xa ngàn dặm để mà còn nhớ mãi
Vết thương đau chưa chôn đủ tháng ngày

Để về đây nhận lại mặt người
Để mình biết mình vẫn là mình cũ
Bao đổi thay thăng trầm bong lớp vỏ
Nhìn quê hương để lại nhận ra mình.
97. Cổ lũy cô thôn

Phạm Thiên Thư

Một dãy trường thành trấn ải biên
Còn viền dương lạnh gác bên triền
Cô thôn trúc lặng – sương nhòa khói
Cổ Lũy thành trơ – gió thoảng nền
Buồm cá nâu vênh – bờ bến đậu
Đàn cò trắng nổi – cụm tùng lên
“Cô thôn Cổ Lũy” hư mà thực
Dù chỉ nghe qua cũng chạnh niềm.



98. Bông và mây

- Ngô Văn Phú

Trên trời mây trắng như bông
Ở dưới cánh đồng bông trắng như mây
Có cô má đỏ hây hây
Đội bông như thể đội mây về làng.



99. Mẹ

Nguyễn Ngọc Oánh

Cành bàng thả lá heo may
Mẹ gầy, cái dáng khô gầy cành tre
Gót chai nứt nẻ đông hè
Ruộng sâu bấm mãi đã tòe ngón chân

Mẹ ngồi vá áo trước sân
Vá bao mong ước, tay sần mũi kim
Bát canh đắng lá chân chim
Lẫn vài con tép Mẹ tìm dành con

Co ro một mảnh chăn mòn
Tàn đêm giấc ngủ hãy còn ngoài chăn
Mẹ gom giẻ rách, giấy manh
Mặc đôi quang thủng giữ lành tiếng rao

Áo nâu phơi vẹo bờ rào
Cái phận đã bạc còn cào phải gai
Quả cà cõng mấy củ khoai
Con thút thít, Mẹ nghẹn hai ba lần

Tối về đến lớp bình dân
I tờ nhặt được đôi vần lại rơi
Cha con trời gọi về trời
Chái nhà mưa dột, ướt lời ru thương

Tiễn con ra chốn chiến trường
Gạt thầm nước mắt mong đường con khô
Hai tay hết sẻ lại cho
Còn phần Mẹ-một thân cò qua sông…




100. Tháp Chàm

Văn Lê

Ngút ngàn ở giữa rừng xanh
Hiện lên ngọn tháp một mình cô đơn
Người xưa đã chọn mặt tường
Để lưu giữ lấy tâm hồn thiêng liêng

Nắng chiều ngọn tháp đổ nghiêng
Thời gian ăn rỗng cả viên gạch hồng
Vậy mà trong thớ đất nung
Vẫn còn in đậm chân dung con người

Còn đây vũ nữ lả lơi
Trăm năm vẫn múa không người lại xem
Thần tình yêu nép bên thềm
Mũi tên số phận chưa tìm đích bay

Còn đây một mẩu cánh tay
Một bàn chân gãy, một cây gươm cùn
Một con ngựa mất yên cương
Một cây cung cháy, lửa cồn xung quanh

Những gì thuộc của chiến tranh
Chẳng còn giữ được nguyên lành, lạ không!
Bao năm gió táp mưa rừng
Vẫn không xóa được chân dung con người

Để chiều nay trước mắt tôi
Một người múa với một người đứng xem
Vô tư như một ngọn đèn
Tháp Chàm lặng lẽ sáng lên giữa rừng.
 

Bình luận từ Facebook

Top