Viết Về Mẹ (Khôi phục giúp Chú Út NTBB)

hoanganhauto

Thượng Sỹ
Trong lúc tìm bài thơ Mẹ Yêu giúp Chú Đức, Cháu đã tìm lại được topic này. Trong topic này có nhiều bài viết đầy cảm xúc. Cháu xin phép Chú Út cho cháu khôi phục lại những bài viết này ạ!

1. Một bài viết của một người cùng cơ quan Chú Út (NTBB)
Công ty mình hưởng ứng cuộc thi do Tổng Liên đoàn lao động Viêt Nam tổ chức : Cuộc thi viết "Từ hình ảnh người Mẹ, suy nghĩ về vai trò phụ nữ Việt Nam trong giai đình", và mình là 1 trong các thành viên Ban Giám khảo của công ty. Mình xin giới thiệu cùng ace 1 bài trong số các bài mình đã đọc.

MẸ ĐÃ KHÔNG KHÓC TRONG LỄ TRUY ĐIỆU ANH

Mẹ tôi mất lúc tôi đang học năm thứ 3 đại học, khi ấy bà mới 60 tuổi. Đã nhiều chục năm trôi qua, giờ tôi cũng đã gần bằng tuổi mẹ tôi ngày ấy, nhưng những ký ức về mẹ vẫn luôn hiện về nguyên vẹn cứ mỗi dịp giỗ bà, hoặc khi tôi thắp cho bà một nén hương trong những ngày lễ tết.

Tôi còn nhớ ngày còn đang đi học lớp vỡ lòng (những năm trước 1975 miền Bắc vẫn còn có lớp vỡ lòng), mỗi khi tôi ngồi nhổ tóc bạc cho mẹ ở bậu cửa, mẹ tôi âu yếm nói: “ Mẹ sẽ cố sống cho đến khi thằng Bé vào đại học”. Chả là mẹ tôi bị mắc căn bệnh nội tiết mà thời ấy khả năng y học cũng như điều kiện kinh tế gia đình khó kéo dài được tuổi thọ. Nhưng lúc đó tôi và các anh chị còn quá nhỏ để hiểu được mức độ nghiêm trọng của căn bệnh mà mẹ tôi mắc phải.

Bố mẹ tôi gốc miền Trung, thoát ly và sinh sống ở miền Bắc từ năm 1961. Gia đình đông con (chúng tôi có 8 anh chị em), một mình bố tôi làm công nhân trong một ngành văn hóa với đồng lương mà tôi còn nhớ như in, vì cứ mỗi năm học mới đến là lại phải viết sơ yếu lý lịch với mục “thu nhập bình quân”. Cũng may là hồi ấy, ở miền Bắc, học sinh được Nhà nước bao cấp học phí. Nhưng với tình hình cả nước có chiến tranh, nhất là miền Bắc bị Mỹ đánh phá ác liệt, các nhà máy công xưởng vốn đã khó khăn, nay lại phải tập trung cho tiền tuyến lớn miền Nam, hàng hóa tiêu dùng cho xã hội rất khan hiếm, cuộc sống của hầu hết các gia đình đều rất thiếu thốn. Thậm chí lương thực còn không đủ ăn, mỗi người chỉ được phân phối 14kg lương thực/tháng mà trong đó mỳ sợi, bột mỳ, ngô, khoai lang sắt lát phơi khô… luôn chiếm tỷ lệ cao. Với đàn con 8 đứa đang tuổi ăn tuổi lớn (anh em chúng tôi cách nhau năm một), mà chỉ có thu nhập từ đồng lương công nhân của bố nên chuyện chúng tôi phải nhịn đói đi học là thường xuyên, hoặc khá hơn thì được mẹ cho 1 hào để mua chiếc bán rán “không người lái” (không có nhân). Lâu lâu mới được cái bánh ấy, nhưng có tí nhân là đậu đỏ nấu đường, giá 2 hào. Và mẹ tôi là người “lèo lái” cho cái gia đình nhiều thành viên nhất khu phố. Cứ mỗi dịp cuối tháng là bà lại cắp rổ đi quanh xóm đến các nhà “khá” hơn để vay gạo, vay mỳ; hoặc ra chợ mua thiếu của mấy bác bán hàng thân quen, đến kỳ bố tôi có lương thì trả. Nhờ cái là mẹ tôi hoạt động xã hội rất hăng hái, nào là ban đại diện khu phố, nào là hội liên hiệp phụ nữ…, lại có tài hò Huế góp vui mỗi khi hội họp hay sinh hoạt tập thể, nên hầu như cả thị xã ai cũng biết. Bà lại rất vui tính và nhiệt tình với bà con chòm xóm nên rất được mọi người quý mến. Thế nên mỗi khi mẹ tôi “đi vay gạo” là không bao giờ về không. Ngoài cái tài "ngoại giao” ấy (mà sau này bọn tôi cứ nói đùa là mẹ mình như ông bộ trưởng kinh tế Lê Thanh Nghị, giỏi đi vay viện trợ của các nước XHCN), mẹ tôi còn “chỉ huy” đàn con tăng gia trồng khoai, sắn (củ mỳ) và chăn nuôi gà, heo. Nhà tôi ngay chân núi nên anh em chúng tôi cùng bố mẹ lên núi khai hoang và trồng hàng ngàn gốc sắn mỗi năm. Chất thải từ gà, lợn dùng làm phân bón. Đến mùa thu hoạch, mẹ tôi gánh khoai, sắn ra chợ bán lấy tiền mua rau, tôm, cá, thịt. Nhìn dáng mẹ tôi nhỏ bé oằn lưng với gánh sắn nặng trĩu, chúng tôi thương mẹ quá, có hôm chị lớn của tôi gánh đỡ cho mẹ ra chợ rồi mới đến trường…

Chúng tôi cứ thế lớn lên, trong thiếu thốn (như bao gia đình khác thời ấy), nhưng không lúc nào thiếu sự quan tâm dạy dỗ của bố mẹ. Bố tôi rất hiền và mải chú tâm vào công việc của mình ở công ty. Là "vị lãnh tụ tối cao” trong nhà, bố tôi chỉ “chỉ đạo” những “chủ trương lớn”, còn những lo toan hàng ngày cho đàn con thì mẹ tôi mới là người quán xuyến. Bố mẹ tôi luôn nhắc các con chuyện “đói cho sạch, rách cho thơm”, dù thiếu thốn cũng phải đối xử đàng hoàng và chu đáo với mọi người xung quanh. Trong sự dạy dỗ của bố mẹ (trình độ văn hoá của bố mẹ tôi chỉ là lớp 2, lớp 3), rất may là chúng tôi đứa nào cũng ngoan ngoãn và học giỏi. Hàng năm chúng tôi đem về cho mẹ cả xấp bằng khen, giấy khen về thành tích học tập. Những danh hiệu cao nhất về học tập và hạnh kiểm của học sinh thời ấy ở trường, thị xã, thành phố, và cả miền Bắc luôn có tên anh chị em chúng tôi. Hai người anh thứ tư và thứ năm của tôi còn 3 lần được nhận Giải thưởng Bác Hồ, phần thưởng là cuốn sổ tay có chữ ký sống của Bác - giải thưởng cao quý và vinh dự nhất cho một học sinh xuất sắc toàn diện về học lực và có đạo đức tốt, mà bất cứ học sinh nào thời ấy cũng ao ước và phấn đấu. Mẹ tôi xếp gọn ghẽ và gói ghém rất kỹ các phần thưởng của chúng tôi trong một miếng vải nhung đỏ và thường nói: “Khi nào thống nhất đất nước, về quê, mẹ chỉ mang theo tài sản này”.

Năm 1964, theo lời kêu gọi tổng động viên của Bác Hồ cho cuộc chiến tranh chống Mỹ, anh cả của tôi nhập ngũ vào Trường Sơn, và một năm sau, anh K., anh trai thứ hai của tôi, đang học lớp 10 (lớp cuối của cấp 3 thời ấy) cũng viết đơn tình nguyện lên đường. Anh K., với thể hình to cao đã được phân công vào một đơn vị trinh sát đặc công. Khi anh K. đi bộ đội, tôi mới học lớp 2. Tôi vẫn còn nhớ lần cuối cùng anh K. về thăm nhà trước khi theo đơn vị vào Nam, tháng 6 năm1966. Lúc chia tay, mẹ tôi động viên anh K. với vẻ mặt tươi tắn, nhưng tôi biết mẹ tôi có phần bịn rịn và lo lắng. Sau này, khi mẹ không còn nữa và chúng tôi đã trở thành các ông bố bà mẹ, anh chị em chúng tôi trong các dịp giỗ mẹ mới nhắc lại rằng: ngày xưa mẹ rất thương anh K. vì anh học giỏi, và là “lao động chính” trong nhà (ngoài bố) – anh K. rất khỏe và rất siêng năng trong việc tăng gia khoai sắn và “chỉ huy” đàn em làm theo (lúc đó anh cả tôi phải nghỉ học sớm và đi làm ở xa nhà)…

Anh K. đi B, chiến đấu ở chiến trường Thừa Thiên Huế, cũng là quê của bố mẹ tôi. Anh gửi thư ra thường xuyên, dù rằng thư thường phải mấy tháng mới ra tới nơi. Lúc ấy anh mới chưa tới 20 tuổi, nhưng trong các bức thư, anh viết như “người lớn”. Anh động viên và căn dặn chúng tôi từng đứa một phải làm những gì để giúp đỡ bố mẹ khi 2 anh lớn đi chiến trường xa. Anh thường kể chuyện chiến trường với tinh thần hài hước, hóm hỉnh và lạc quan để cả nhà yên tâm. Trong một bức thư, anh tôi kể là về trinh sát ngay tại làng KĐ, quê của mẹ tôi, và lần mò tìm được ông ngoại chúng tôi theo những thông tin ít ỏi và rất cũ mà mẹ cung cấp. Anh K. còn ngủ với ông ngoại được 1 đêm. “Chiến công” này của anh K. khiến mẹ tôi vui lắm và càng nung nấu ngày về quê xứ Huế khi hết giặc Mỹ.

Nhưng đến năm 1971, khi cuộc chiến tranh chống Mỹ đang vào hồi ác liệt nhất thì gia đình tôi nhận được tin anh K. hy sinh. Giấy báo tử của anh tôi - cũng như rất nhiều giấy báo tử các anh bộ đội khác lúc bấy giờ - chỉ ghi: “Đồng chí … đã hy sinh ngày …tháng …năm 1970 tại mặt trận phía Nam”. Như thế là anh tôi đã hy sinh trước đó 1 năm. Ngày ấy, ở miền Bắc, hầu như gia đình nào cũng có con em nhập ngũ, có người đi B. Và rất nhiều nhà đã trở thành “gia đình liệt sỹ”. Cứ mỗi khi gia đình nào có giấy báo tử thì các tổ chức chính quyền và đoàn thể địa phương tổ chức lễ truy điệu liệt sĩ để ghi nhận công trạng của các anh và gia đình, cũng là để thông báo cho bà con xóm phố biết mà cùng chia buồn. Lễ truy điệu anh tôi và 2 anh nữa cùng khu phố được tổ chức chung trong hội trường của hội phụ nữ thị xã. Buổi lễ diễn ra đơn giản nhưng trang nghiêm và tràn đầy tình cảm chia xẻ. Nhưng điều tôi muốn kể là nhiều ngày tháng sau lễ truy điệu anh tôi, bà con khắp thị xã còn nhắc lại chuyện mẹ tôi đã không hề khóc trong suốt buổi lễ…Tôi còn nhớ, buổi tối ấy mẹ tôi rất bình thản và vẫn xăng xái cùng ban tổ chức lo mọi việc cho buổi lễ truy điệu - mẹ tôi là trưởng ban đại diện và hội phó hội phụ nữ khu phố. Trong khi đâu đó trong hội trường có tiếng sụt sùi thổn thức thì mẹ tôi còn xung phong lên bục micrô hò Huế. Bài hò Huế có tinh thần lạc quan và động viên của mẹ tôi khiến không khí buổi lễ bớt phần trầm mặc, ánh mắt của mọi người tươi tỉnh trở lại. Anh chị em chúng tôi (năm đó tôi mới học lớp 6) tuy rất buồn vì anh trai hy sinh, nhưng cũng hiểu rằng mẹ đã nén nỗi đau riêng để cố gắng động viên tinh thần các bà mẹ khác, có con hy sinh trước anh K., cùng đợt anh K., và có lẽ còn các đợt khác sau này nữa…Mẹ tôi vẫn bình thản như thế cho đến khi buổi lễ truy điệu kết thúc. Mọi người ra về sau khi bắt tay, ôm vai nói những lời chia xẻ, động viên với các thành viên của 3 gia đình liệt sỹ. Tôi cũng nhận được nhiều cái xoa đầu của các bác, các cô chú và lời dặn dò: “Cố gắng lên cháu !”. Về đến nhà, anh chị em chúng tôi hầu như không ai nói với nhau câu nào, chỉ cầm tay nhau cùng ngắm nhìn di ảnh anh K. trong quân phục bộ đội. Rồi chúng tôi đi ngủ trong im lặng và buồn bã. Nhưng khi trời đã về khuya, trong căn nhà nhỏ bé bỗng vang lên tiếng nấc nghẹn của mẹ tôi trong buồng. Lúc này mẹ mới khóc…!

Nhiều chục năm sau, khi đất nước đã hòa bình, trong cố gắng đi tìm hài cốt của anh K, chúng tôi mới biết chính xác ngày anh hy sinh còn trước ngày ghi trong giấy báo tử hơn 1 năm - anh hy sinh năm 1969. Mẹ tôi mất năm 1978, và bà vẫn chưa thực hiện được ước nguyện là đem gói bằng khen, giấy khen thành tích học tập của đàn con về quê miền Nam để khoe với bà con nơi cố hương. Giờ đây, cứ mỗi khi lễ tết, khi nhìn lên ảnh mẹ trên bàn thờ sau làn khói hương, tôi lại nhớ đến giọng hò cao vút trong trẻo của bà trong buổi lễ truy điệu anh trai tôi cách đây 4 chục năm. Tôi thầm ước, con gái tôi mang chút gì “gen” của bà nội.
 

hoanganhauto

Thượng Sỹ
2. Bài thơ "Mẹ Yêu" Tác Giả Chú Nguyễn Minh Đức

MẸ YÊU

Con gom góp được hoa hồng
Đem về gây giống đem trồng ngoài sân
Ngày rằm tháng bảy tri ân
Kính mang tặng mẹ lòng dâng mẫu tình

Lòng mẹ như biển Thái Bình
Nuôi con dạy dỗ thân hình lớn khôn
Mừng vui vuốt tóc mẹ hôn
Dặn con về sớm nhớ ôn lại bài

Đường con đi vẫn còn dài
Gắng lên con nhé miệt mài ngày đêm
Tiền học mẹ gắng làm thêm
Bán buôn bưng gánh đêm đêm mẹ hiền

Mai sau mẹ có quy tiên
Đời con khỏi khổ có duyên phận rồi
Bên con mẹ vẫn hay ngồi
Lớn lên con hãy giống nòi rồng tiên

Con ở lại mẹ thăng thiên
Bệnh tình sức yếu tổ tiên ông bà
Hành trình một chuyến đi xa
Về bên thế giới mẹ à mẹ yêu

3.mebb0101

2. Bài thơ "Mẹ Yêu" Tác Giả Chú Nguyễn Minh Đức

MẸ YÊU

Con gom góp được hoa hồng
Đem về gây giống đem trồng ngoài sân
Ngày rằm tháng bảy tri ân
Kính mang tặng mẹ lòng dâng mẫu tình

Lòng mẹ như biển Thái Bình
Nuôi con dạy dỗ thân hình lớn khôn
Mừng vui vuốt tóc mẹ hôn
Dặn con về sớm nhớ ôn lại bài

Đường con đi vẫn còn dài
Gắng lên con nhé miệt mài ngày đêm
Tiền học mẹ gắng làm thêm
Bán buôn bưng gánh đêm đêm mẹ hiền

Mai sau mẹ có quy tiên
Đời con khỏi khổ có duyên phận rồi
Bên con mẹ vẫn hay ngồi
Lớn lên con hãy giống nòi rồng tiên

Con ở lại mẹ thăng thiên
Bệnh tình sức yếu tổ tiên ông bà
Hành trình một chuyến đi xa
Về bên thế giới mẹ à mẹ yêu

4. Ping80
Cháu mình hơn 1 tuổi rưỡi khi tập nói đã bập bẹ được câu :

Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ.
Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha.
Nước biển mênh mông không đong đầy tình mẹ.
Mây trời lồng lộng không phủ kín công cha.

Hôm nay cũng là ngày mất của mẹ mình 27 năm về trước. Những ai còn mẹ đọc bài này xin hãy sống cho thật hiếu thảo !
 

hoanganhauto

Thượng Sỹ
5. Tranthelong
Tùy bút Bông hồng cài áo của thiền sư Nhất Hạnh - một tác phẩm nổi tiếng được ông viết vào mùa Vu lan 1962 và là nguồn cảm hứng cho nhạc sỹ Phạm Thế Mỹ sáng tác nhạc phẩm cùng tên vào năm 1967. Xin post lên để mọi người cùng đọc và cảm nhận:

Ý niệm về mẹ thường không thể tách rời ý niệm về tình thương. Mà tình thương là một chất liệu ngọt ngào, êm dịu và cố nhiên là ngon lành. Con trẻ thiếu tình thương thì không lớn lên được. Người lớn thiếu tình thương thì cũng không "lớn" lên được. Cằn cỗi , héo mòn.

Ngày mẹ tôi mất, tôi viết trong nhật ký: Tai nạn lớn nhất đã xẩy ra cho tôi rồi! Lớn đến mấy mà mất mẹ thì cũng như không lớn, cũng cảm thấy bơ vơ, lạc lõng, cũng không hơn gì trẻ mồ côi. Những bài hát, bài thơ ca tụng tình mẹ bài nào cũng dễ, cũng hay. Người viết dù không có tài ba, cũng có rung cảm chân thành; người hát ca, trừ là kẻ không có mẹ ngay từ thuở chưa có ý niệm, ai cũng cảm động khi nghe nói đến tình mẹ.

Những bài hát ca ngợi tình mẹ đâu cũng có, thời nào cũng có. Bài thơ mất mẹ mà tôi thích nhất, từ hồi nhỏ, là một bài thơ rất giản dị. Mẹ đang còn sống, nhưng mỗi khi đọc bài thơ ấy thì sợ sệt, lo âu.... sợ sệt lo âu một cái gì còn xa, chưa đến, nhưng chưa chắc chắn phải đến :

Năm xưa tôi còn nhỏ
Mẹ tôi đã qua đời !
Lần đầu tiên tôi hiểu
Thân phận trẻ mồ côi.
Quanh tôi ai cũng khóc
Im lặng tôi sầu thôi
Để dòng nước mắt chảy
Là bớt khổ đi rồi...

Hoàng hôn phủ trên mộ
Chuông chùa nhẹ rơi rơi
Tôi thấy tôi mất mẹ
Mất cả một bầu trời.

Một bầu trời thương yêu dịu ngọt, lâu quá mình đã bơi lội trong đó, sung sướng mà không hay, để hôm nay bừng tỉnh thì thấy đã mất rồi. Người nhà quê Việt nam không ưa cách nói cao kỳ. Nói rằng bà mẹ già là kho tàng của yêu thương, của hạnh phúc thì cũng đã là cao kỳ rồi. Nói mẹ già là một thứ chuối, một thứ xôi, một thứ đường ngọt dịu, người dân quê đã diễn tả được tình mẹ một cách vừa giản dị vừa đúng mức :

Mẹ già như chuối ba hương
Như xôi nếp một, như đường mía lau.

Ngon biết bao ! Những lúc miệng vừa đắng vừa nhạt sau một cơn sốt, những lúc như thế thì không có món ăn gì có thể gợi được khẩu vị của ta. Chỉ khi nào mẹ đến, kéo chăn đắp lên ngực cho ta, đặt bàn tay (Bàn tay ? hay là tơ trời đâu la miên ?) trên trán nóng ta và than thở "khổ chưa, con tôi ", ta mới cảm thấy đầy đủ, ấm áp, thấm nhuần chất ngọt của tình mẹ, ngọt thơm như chuối ba hương, dịu như xôi nếp một, và đậm đà lịm cả cổ họng như đường mía lau. Tình mẹ thì trường cửu, bất tuyệt; như chuối ba hương, đường mía lau, xôi nếp một ấy không bao giờ cùng tận.

Công cha như núi Thái sơn,
nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra .

Nước trong nguồn chảy ra thì bất tuyệt. Tình mẹ là gốc của mọi tình cảm yêu thương. Mẹ là giáo sư dạy về yêu thương, một phân khoa quan trọng nhất trong trường đại học cuộc đời. Không có mẹ, tôi sẽ không biết thương yêu. Nhờ mẹ mà tôi được biết tình nhân loại, tình chúng sinh; nhờ mẹ mà tôi biết được thế nào là tình nhân loại, tình chúng sinh; nhờ mẹ mà tôi có được chút ý niệm về đức từ bi. Vì mẹ là gốc của tình thương, nên ý niệm mẹ lấn trùm ý thương yêu của tôn giáo vốn dạy về tình thương.

Đạo Phật có đức Quan Thế Âm, tôn sùng dưới hình thức mẹ. Em bé vừa mở miệng khóc thì mẹ đã chạy tới bên nôi. Mẹ hiện ra như một thiên thần dịu hiền làm tiêu tan khổ đau lo âu. Đạo Chúa có đức Mẹ, thánh nữ đồng trinh Maria. Trong tín ngưỡng bình dân Việt có thánh mẫu Liễu Hạnh, cũng dưới hình thức mẹ. Bởi vì chỉ cần nghe đến danh từ Mẹ, ta đã thấy lòng tràn ngập yêu thương rồi. Mà từ yêu thương tín ngưỡng và hành động thì không xa chi mấy bước.

Tây phương không có ngày Vu Lan nhưng cũng có Ngày Mẹ ( Mother"s Day ) mồng mười tháng năm. Tôi nhà quê không biết cái tục ấy. Có một ngày tôi đi với Thầy Thiên Ân tới nhà sách ở khu Ginza ở Đông Kinh, nửa đường gặp mấy người sinh viên Nhật, bạn của thầy Thiên Ân. Có một cô sinh viên hỏi nhỏ Thầy Thiên Ân một câu, rồi lấy ở trong sắc ra một bông hoa cẩm chướng màu trắng cài vào khuy áo tràng của tôi. Tôi lạ lùng, bỡ ngỡ, không biết cô làm gì, nhưng không dám hỏi, cố giữ vẻ tự nhiên, nghĩ rằng có một tục lệ chi đó. Sau khi họ nói chuyện xong, chúng tôi vào nhà sách, thầy Thiên Ân mới giảng cho tôi biết đó là Ngày Mẹ, theo tục Tây phương. Nếu anh còn mẹ, anh sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo, và anh sẽ tự hào được còn mẹ. Còn nếu anh mất mẹ, anh sẽ được cài trên áo một bông hoa trắng.

Tôi nhìn lại bông hoa trắng trên áo mà bỗng thấy tủi thân. Tôi cũng mồ côi như bất cứ một đứa trẻ vô phúc khốn nạn nào; chúng tôi không có được cái tự hào được cài trên áo một bông hoa màu hồng. Người được hoa trắng sẽ thấy xót xa, nhớ thương không quên mẹ, dù người đã khuất. Người được hoa hồng sẽ thấy sung sướng nhớ rằng mình còn mẹ, và sẽ cố gắng để làm vui lòng mẹ, kẻo một mai người khuất núi có khóc than cũng không còn kịp nữa. Tôi thấy cái tục cài hoa đó đẹp và nghĩ rằng mình có thể bắt chước áp dụng trong ngày báo hiếu Vu Lan.

Mẹ là một dòng suối, một kho tàng vô tận, vậy mà lắm lúc ta không biết, để lãng phí một cách oan uổng. Mẹ là một món qùa lớn nhất mà cuộc đời tặng cho ta, những kẻ đã và đang có mẹ. Đừng có đợi đến khi mẹ chết rồi mới nói: "trời ơi, tôi sống bên mẹ suốt mấy mươi năm trời mà chưa có lúc nào nhìn kỹ được mặt mẹ!". Lúc nào cũng chỉ nhìn thoáng qua. Trao đổi vài câu ngắn ngủi. Xin tiền ăn quà. Đòi hỏi mọi chuyện. Ôm mẹ mà ngủ cho ấm. Giận dỗi. Hờn lẫy. Gây bao nhiêu chuyện rắc rối cho mẹ phải lo lắng, ốm mòn, thức khuya dậy sớm vì con. Chết sớm cũng vì con. Để mẹ phải suốt đời bếp núc, vá may, giặt rửa, dọn dẹp. Và để mình bận rộn suốt đời lên xuống ra vào lợi danh. Mẹ không có thì giờ nhìn kỹ con. Và con không có thì giờ nhìn kỹ mẹ. Để khi mẹ mất mình có cảm nghĩ: "Thật như là mình chưa bao giờ có ý thức rằng mình có mẹ!"

Chiều nay khi đi học về, hoặc khi đi làm việc ở sở về, em hãy vào phòng mẹ với một nụ cười thật trầm lặng và thật bền. Em sẽ ngồi xuống bên mẹ. Sẽ bắt mẹ dừng kim chỉ, mà đừng nói năng chi. Rồi em sẽ nhìn mẹ thật lâu, thật kỹ để trông thấy mẹ và để biết rằng mẹ đang còn sống và đang ngồi bên em. Cầm tay mẹ, em sẽ hỏi một câu ngắn làm mẹ chú ý. Em hỏi: " Mẹ ơi, mẹ có biết không ?" Mẹ sẽ hơi ngạc nhiên và sẽ hỏi em, vừa hỏi vừa cười "Biết gì?" Vẫn nhìn vào mắt mẹ, vẫn giữ nụ cười trầm lặng và bền, em sẽ nói: "Mẹ có biết là con thương mẹ không ?" Câu hỏi sẽ không cần được trả lời. Cho dù người lớn ba bốn mươi tuổi người cũng có thể hỏi một câu như thế, bởi vì người là con của mẹ. Mẹ và em sẽ sung sướng, sẽ sống trong tình thương bất diệt. Mẹ và em sẽ đều trở thành bất diệt và ngày mai, mẹ mất, em sẽ không hối hận, đau lòng.

Ngày Vu Lan ta nghe giảng và đọc sách nói về ngài Mục Kiền Liên và về sự hiếu đễ. Công cha, nghĩa mẹ. Bổn phận làm con. Ta lạy Phật cầu cho mẹ sống lâu. Hoặc lạy mười phương Tăng chú nguyện cho mẹ được tiêu diêu nơi cực lạc, nếu mẹ đã mất. Con mà không có hiếu là con bỏ đi. Nhưng hiếu thì cũng do tình thương mà có; không có tình thương hiếu chỉ là giả tạo, khô khan, vụng về, cố gắng mệt nhọc. Mà có tình thương là có đủ rồi. Cần chi nói đến bổn phận. Thương mẹ, như vậy là đủ. Mà thương mẹ không phải là một bổn phận.

Thương mẹ là một cái gì rất tự nhiên. Như khát thì uống nước. Con thì phải có mẹ, phải thương mẹ. Chữ phải đây không phải là luân lý, là bổn phận. Phải đây là lý đương nhiên. Con thì đương nhiên thương mẹ, cũng như khát thì đương nhiên tìm nước uống. Mẹ thương con, nên con thương mẹ. con cần mẹ, mẹ cần con. Nếu mẹ không cần con, con không cần mẹ, thì đó không phải là mẹ là con. Đó là lạm dụng danh từ mẹ con. Ngày xưa thầy giáo hỏi rằng: "Con mà thương mẹ thì phải làm thế nào?" Tôi trả lời: "Vâng lời, cố gắng, giúp đỡ, phụng dưỡng lúc mẹ về già và thờ phụng khi mẹ khuất núi". Bây giờ thì tôi biết rằng: Con thương mẹ thì không phải "làm thế nào" gì hết. Cứ thương mẹ, thế là đủ lắm rồi, đủ hết rồi, cần chi phải hỏi " làm thế nào " nữa!

Thương mẹ không phải là một vấn đề luân lý đạo đức. Anh mà nghĩ rằng tôi viết bài này để khuyên anh về luân lý đạo đức là anh lầm. Thương mẹ là một vấn đề hưởng thụ. Mẹ như suối ngọt, như đường mía lau, như xôi nếp một. Anh không hưởng thụ thì uổng cho anh. Chị không hưởng thụ thì thiệt hại cho chị. Tôi chỉ cảnh cáo cho anh chị biết mà thôi. Để mai này anh chị đừng có than thở rằng: Đời ta không còn gì cả. Một món quà như mẹ mà còn không vừa ý thì họa chăng có làm Ngọc hoàng Thượng đế mới vừa ý, mới bằng lòng, mới sung sướng. Nhưng tôi biết Ngọc hoàng không sung sướng đâu, bởi Ngọc hoàng là đấng tự sinh, không bao giờ có diễm phúc có được một bà mẹ.

Tôi kể chuyện này, anh đừng nói tôi khờ dại. Đáng nhẽ chị tôi không đi lấy chồng, và tôi, tôi không nên đi tu mới phải. Chúng tôi bỏ mẹ mà đi, người thì theo cuộc đời mới bên cạnh người con trai thương yêu, người thì đi theo lý tưởng đạo đức mình say mê và tôn thờ. Ngày chị tôi đi lấy chồng, mẹ tôi lo lắng lăng xăng, không tỏ vẻ buồn bã chi.

Nhưng đến khi chúng tôi ăn cơm trong phòng, ăn qua loa để đợi giờ rước dâu, thì mẹ tôi không nuốt được miếng nào. Mẹ nói: "Mười tám năm trời nó ngồi ăn cơm với mình, bây giờ nó ăn bữa cuối cùng rồi thì nó sẽ đi ăn ở một nhà khác". Chị tôi gục đầu xuống mâm khóc. Chị nói: "Thôi con không lấy chồng nữa". Nhưng rốt cuộc thì chị cũng đi lấy chồng. Còn tôi thì bỏ mẹ mà đi tu. "Cắt ái từ sở thân" là lời khen ngợi người có chí xuất gia. Tôi không tự hào chi về lời khen đó cả. Tôi thương mẹ, nhưng tôi có lý tưởng, vì vậy phải xa mẹ. Thiệt thòi cho tôi, có thế thôi. Ở trên đời, có nhiều khi ta phải chọn lựa. Mà không có sự chọn lựa nào mà không khổ đau. Anh không thể bắt cá hai tay. Chỉ khổ là vì muốn làm người nên anh phải khổ đau. Tôi không hối hận vì bỏ mẹ đi tu nhưng tôi tiếc và thương cho tôi vô phúc thiệt thòi nên không được hưởng thụ tất cả kho tàng qúi báu đó. Mỗi buổi chiều lạy Phật, tôi cầu nguyện cho mẹ. Nhưng tôi không được ăn chuối ba hương, xôi nếp một và đường mía lau.

Anh cũng đừng tưởng tôi khuyên anh: "Không nên đuổi theo sự nghiệp mà chỉ nên ở nhà với mẹ!". Tôi đã nói là tôi không khuyên răn gì hết -- tôi không giảng luân lý đạo đức -- rồi mà! Tôi chỉ nhắc anh: "Mẹ là chuối, là xôi, là đường, là mật, là ngọt ngào, là tình thương". Để chị đừng quên, để em đừng quên. Quên là một lỗi lớn : Cũng không phải là lỗi nữa, mà là một sự thiệt thòi. Mà tôi không muốn anh chị thiệt thòi, khờ dại mà bị thiệt thòi. Tôi xin cài vào túi áo anh một bông hoa hồng: để anh sung sướng, thế thôi.

Nếu có khuyên, thì tôi sẽ khuyên anh, như thế này. Chiều nay, khi đi học hoặc đi làm về, anh hãy vào phòng mẹ với một nụ cười thật trầm lặng và bền. Anh sẽ ngồi xuống bên mẹ. Sẽ bắt mẹ dừng kim chỉ, mà đừng nói năng chi. Rồi anh sẽ nhìn mẹ thật lâu, thật kỹ, để trông thấy mẹ và để biết rằng mẹ đang sống và đang ngồi bên anh. Cầm tay mẹ, anh sẽ hỏi một câu ngắn làm mẹ chú ý. Anh hỏi: "Mẹ ơi, mẹ có biết không?" Mẹ sẽ hơi ngạc nhiên và sẽ nhìn anh, vừa cười vừa hỏi: "Biết gì?" Vẫn nhìn vào mắt mẹ, giữ nụ cười trầm lặng và bền, anh sẽ hỏi tiếp: "Mẹ có biết là con thương mẹ không?" Câu hỏi sẽ không cần được trả lời. Cho dù anh lớn ba bốn mươi tuổi, chị lớn ba bốn mươi tuổi, thì anh cũng hỏi một câu ấy. Bởi vì anh, bởi vì chị, bởi vì em là con của mẹ. Mẹ và anh sẽ sung sướng, sẽ sống trong tình thương bất diệt. Và ngày mai mất mẹ, Anh sẽ không hối hận, đau lòng , tiếc rằng anh không có mẹ.

Đó là điệp khúc tôi muốn ca hát cho anh nghe hôm nay. Và anh hãy ca, chị hãy ca cho cuộc đời đừng chìm trong vô tâm, quên lãng. Đóa hoa mầu hồng tôi cài trên áo anh rồi đó. Anh hãy sung sướng đi.

NHẤT HẠNH (1962)


Và nhạc phẩm Bông Hồng Cài Áo:
Tác giả: Nhạc Phạm Thế Mỹ, thơ Thích Nhất Hạnh

Một bông Hồng cho em
Một bông Hồng cho anh
Và một bông Hồng cho những ai
Cho những ai đang còn Mẹ
Đang còn Mẹ để lòng vui sướng hơn
Rủi mai này Mẹ hiền có mất đi
Như đóa hoa không mặt trời
Như trẻ thơ không nụ cười
Như đời mình không lớn khôn thêm
Như bầu trời thiếu ánh sao đêm

Mẹ, Mẹ là giòng suối dịu hiền
Mẹ, Mẹ là bài hát thần tiên
Là bóng mát trên cao
Là mắt sáng trăng sao
Là ánh đuốc trong đêm khi lạc lối

Mẹ, Mẹ là lọn mía ngọt ngào
Mẹ, Mẹ là nải chuối buồng cau
Là tiếng dế đêm thâu
Là nắng ấm nương dâu
Là vốn liếng yêu thương cho cuộc đời

Rồi một chiều nào đó anh về nhìn Mẹ yêu, nhìn thật lâu
Rồi nói, nói với Mẹ rằng "Mẹ ơi, Mẹ ơi, Mẹ có biết hay không ?"
- Biết gì ? "Biết là, biết là con thương Mẹ không ?"

Đóa hoa màu hồng vừa cài lên áo đó anh
Đóa hoa màu hồng vừa cài lên áo đó em
Thì xin anh, thì xin em
Hãy cùng tôi vui sướng đi.

Mời mọi người thưởng thức nhạc phẩm qua giọng ca sâu lắng của nữ ca sỹ Khánh Ly:


[video=youtube;pLIbkJG5s9A]http://www.youtube.com/watch?v=pLIbkJG5s9A[/video]
 

hoanganhauto

Thượng Sỹ
6. nguoi thich bong ban (NTBB)

Bông hồng cài áo

Một bông Hồng cho em
Một bông Hồng cho anh
Và một bông Hồng cho những ai
Cho những ai đang còn Mẹ
Đang còn Mẹ để lòng vui sướng hơn
Rủi mai này Mẹ hiền có mất đi
Như đóa hoa không mặt trời
Như trẻ thơ không nụ cười
Như đời mình không lớn khôn thêm
Như bầu trời thiếu ánh sao đêm

Mẹ, Mẹ là giòng suối dịu hiền
Mẹ, Mẹ là bài hát thần tiên
Là bóng mát trên cao
Là mắt sáng trăng sao
Là ánh đuốc trong đêm khi lạc lối

Mẹ, Mẹ là lọn mía ngọt ngào
Mẹ, Mẹ là nải chuối buồng cau
Là tiếng dế đêm thâu
Là nắng ấm nương dâu
Là vốn liếng yêu thương cho cuộc đời

Rồi một chiều nào đó anh về nhìn Mẹ yêu, nhìn thật lâu
Rồi nói, nói với Mẹ rằng "Mẹ ơi, Mẹ ơi, Mẹ có biết hay không ?"
- Biết gì ? "Biết là, biết là con thương Mẹ không ?"

Đóa hoa màu hồng vừa cài lên áo đó anh
Đóa hoa màu hồng vừa cài lên áo đó em
Thì xin anh, thì xin em
Hãy cùng tôi vui sướng đi.

Đây là một trong những bài bát mà mình rất thích, ca từ thật đẹp và tình cảm, giai điệu ngọt ngào sâu lắng.

Có lẽ do tuổi tác, do bọn mình đã trải qua những năm tháng bi hùng của đất nước, nên khi "về chiều" thường ưa nhớ lại những gì đã gắn bó với mình thời trai trẻ. Những bài hát về người mẹ, về đất nước, về các anh hùng liệt sỹ, các bản tình ca thời chiến tranh và sau này là xây dựng hòa bình...mình rất thích nghe.
 

hoanganhauto

Thượng Sỹ
7. Nguyễn Minh Đức

Đây là một trong những bài bát mà mình rất thích, ca từ thật đẹp và tình cảm, giai điệu ngọt ngào sâu lắng.

Có lẽ do tuổi tác, do bọn mình đã trải qua những năm tháng bi hùng của đất nước, nên khi "về chiều" thường ưa nhớ lại những gì đã gắn bó với mình thời trai trẻ. Những bài hát về người mẹ, về đất nước, về các anh hùng liệt sỹ, các bản tình ca thời chiến tranh và sau này là xây dựng hòa bình...mình rất thích nghe.

KÝ ỨC

Tôi sinh ra trong những năm bão lửa
Chiến tranh buồn hóa xác tuổi thơ
Chúng tôi đi đi khắp mọi nơi
Để lại đằng sau những xóm nhà ruộng lúa

Những quả đạn giăng không đúng lối
Bạn ngã xuống đôi mắt còn giận dỗi
Nó đã thay tôi cùng mọi người
Tất cả được sống cuộc đời nghèo trong sáng

Xóm đất trũng Mẹ buồn không còn nữa
Bà đã xa con lúc nó còn chập chững
Tôi không trách Người sao nỡ bỏ
Trách chiến tranh đã ly tán gia đình

Hôm nay không rền vang bom nổ
Hưởng yên vui trong tổ quốc hòa bình
Tôi mãi vươn lên theo nhịp sống tuổi xuân
Tỏ hết lòng thành kính Mẹ dâng lên
 

hoanganhauto

Thượng Sỹ
8. Nguyễn Minh Đức

Cứ mỗi khi màn đêm buông xuống tôi lại nghe tiếng khóc nức nỡ của thằng bé nhà bên, thật tội nghiệp nó đang ngồi dưới cây khế trông như một chú thỏ con, ban sáng tôi còn thấy nó chơi đùa cùng bọn trẻ con trong làng thật ngon con mắt, còn buổi tối nó có gì buồn hè? chắc nó sợ ma hay hờn tủi chuyện gì đó?
Tôi là người cùng gia đình vừa dọn nhà đến ở chung mảnh đất rộng với nhà thằng bé đã một tuần rồi. Hàng ngày tôi vẫn thấy ngôi nhà bên thật yên tĩnh, mọi người trong nhà đều đi vắng chỉ còn lại thằng bé dễ thương lẩn quẩn trước sân. Thỉnh thoảng tôi mới thấy một ông già và một người đàn ông trạc tuổi ba mươi ghé qua ôm hôn lấy nó thật lâu, đưa cho nó một gói bánh kẹo, vài tiền lẻ rồi lại đi ngay.
Một chút tò mò tôi được nghe một người trong làng kể lại ngôi nhà này cách đây ba năm về trước còn có thêm một người phụ nữ xinh đẹp, phúc hậu về làm dâu sinh ra thằng bé được hai năm thì vĩnh viễn ra đi vì một nỗi buồn, còn ông già là nội của nó, hàng ngày phải đi làm công sở gì đó để kiếm tiền nuôi nó nên thỉnh thoảng mới về và người đàn ông kia là người cha còn trong tuổi lính nên đã xa làng.
Từ khi nghe được câu chuyện tôi lại thấy thằng bé thật đáng thương hơn, tuổi thơ của bé đã phải chịu mất mát và giữa vùng đất nghèo này tương lai của bé sẽ được gỉ? Vậy là ngày hôm sau trên tay cầm gói kẹo tôi đến trước sân làm quen với bé, quả thật nó đang buồn thiu một mình.
Tôi hỏi:
- Cha mẹ em đi đâu? Sao em không đi chơi làng trên?
Nó nói:
- Người ta bảo mẹ em chết lâu rồi, mẹ em hiền lắm, thương em nhiều kia, còn cha đi làm xa nên không về được
Vậy em ở với ai?
- Em ở với ông nội, ông nội cũng đi làm, tối mới được về chơi một chút với em
Những câu trả lời thật thơ ngây và đầy vô tư của bé làm tôi chợt nghĩ về tuổi thơ của mình, tuy hai thời kỳ có khác nhau vì tôi hơn bé tròn mười năm nhưng phải nói rằng tôi được hạnh phúc nhiều điều hơn nó
Tôi lại hỏi:
- Bé có thích làm bạn với anh không? Bé đi học chưa? Anh chỉ bé học bé có chịu không?
Bé đáp:
- Thích bạn chứ. Học nữa à? Sợ lắm. Hàng ngày ở nhà đã được kèm học bị khẽ tay đau quá! Bé chưa đi học ở trường mà?
Tôi nói:
- Anh chỉ bé học nhưng sẽ không khẽ tay bé đâu, bé đừng sợ
Thế là ngay ngày hôm sau chúng tôi gần gũi nhau hơn. Tôi luôn chỉ nó học bằng hết sức lực của tôi bắt đầu bằng những chữ vỡ lòng a, b, c ... và thật thích thú là nó tiếp thu rất nhanh và còn nhớ lâu, tôi nuôi một hy vọng gì đó và thầm nghĩ:
- Được rồi! Trong bất hạnh em còn một trí tuệ, em phải là Bông hoa xinh
Ngoài giờ học tôi còn phải đùa giỡn làm nó vui, làm ngựa cho nó cưỡi vì lúc nào nó cũng buồn, còn đi tắm cùng nó ở cái giếng mà ông nội nó khi về đây đã tạo ra rồi. Một hôm tôi hỏi:
- Anh chưa biết tên bé?
Bé nhoẻn miệng cười:
- Bé tên ... Kẹt, xấu xí lắm. Cái tên này ông nội đặt cho lúc mẹ sinh ra bé ở nhà ông bà ngoại thì cầu Ngân Sơn bị sập không bồng về cho ông nội xem mặt, vì mong đợi nên đặt vậy đó
Rồi thời gian cứ trôi nhanh mãi, sự cố gắng của tôi và bé đã gặt được nhiều điều tốt đẹp, bé đến trường và học rất cừ khôi, tháng nào cũng được khá, giỏi và kết thúc mỗi năm học bế về một bằng khen kèm phần thưởng thật to. Tôi ôm hôn lấy bé bằng những giọt nước mắt cứ lăn trên hai đôi má chúng tôi. Thật hạnh phúc không gì bằng giữa vùng đất khô cằn này mà tôi đã trồng nên một bông hoa có sức sống thật là quyến rũ
Cứ cái đà tiến bền bỉ, cậu học sinh thật đáng yêu của tôi đã hoàn thành xuất sắc các năm học, rồi một ngày tình cờ tôi được nghe nó thi đậu tốt nghiệp trung học phổ thông với số điểm thật cao và còn được khen về đánh bóng bàn hay, phong trào văn thể học sinh cấp trường, cấp tỉnh. Tôi thật nhanh chân trở về nhà chia vui với người nội của nó đã dồn hết sức già nuôi nấng nó bao năm qua, giờ đây ông cũng đã sức yếu tàn hơi và thật tội nghiệp cho nó ngày nhận giấy báo vào đại học cũng là lúc người nội trút hơi thở cuối cùng nhưng tôi tin rằng nơi suối vàng ông sẽ bằng lòng với lời gửi gắm và kỷ vật đã cất giữ, trao lại tròn hai mươi năm từ người mẹ kính yêu của nó. Giờ đây hai ngôi mộ được đặt ở nơi quê còn tôi đã chuyển đi nơi khác thật xa với bề bộn nhiều việc

THANH SƠN TỰ

Thanh Sơn gió thổi vi vu
Mẹ tôi nằm đó ngàn thu yên bình
Đêm nghe chuông tiếng nguyệt hình
Dưới lòng đất lạnh trở mình nhớ con
 

hoanganhauto

Thượng Sỹ
Còn một hai tháng nữa là tới mùa vu lan báo hiếu. Những bài viết đầy cảm xúc này sẽ cho mỗi người một cảm nhận khác nhau. Chúng ta hãy trân trọng và yêu quý những gì mình đang có và thông cảm với những mảnh đời bất hạnh hơn chúng ta. Thân mến!
 

Bình luận từ Facebook

Top