Những bài viết về top World Class Players

khiconanchuoi200

Truyền nhân Ma Long
Em xin phép lập topic này để nói về các tay vợt đẳng cấp thế giới, nơi để chúng ta nói về những con người làm nên bóng bàn của quá khứ, hiện tại và tương lai. Bác nào có bài viết nào hay thì hãy vào đây chia sẻ nha.

Cám ơn và mong nhận được sự ủng hộ của mọi người!
 

khiconanchuoi200

Truyền nhân Ma Long
Mở bát bài đầu tiên về Ma Long nhé, thần tượng bóng bàn đầu tiên của em :D

Hồi thứ nhất.

Viết về anh, chàng Thiên Bình họ Mã

Năm 2011 tôi bắt đầu chơi bóng bàn và anh là tay vợt đầu tiên tôi để ý, là tay vợt đầu tiên tôi biết đến, là tay vợt đâu tiên tôi bắt chước động tác, lối chơi và là tay vợt duy nhất tôi search trên Youtube.

Ta nghe tên anh - Ma Long- ta nhìn anh cầm vợt và chơi với quả bóng, ta cứ tưởng anh là một tên đao phủ mặt mũi bặm trợn cỡ Roy Kean trong bóng đá nhưng không. Ma Long năm 2008 ra mắt thế giới tại World Cup trước mắt chúng ta là một chàng trai trắng trẻo, khuôn mặt non choẹt, thư sinh, anh ít thể hiện cảm xúc của mình trong trận đấu không phải vì anh lạnh lùng như Zhang Jike mà hình như đó là chút nhút nhát, chút ke tay, chút sợ thua khi đối mặt với các huyền thoại đương đại của thế giới, năm đó, trước mặt anh là Timo Boll, người khuynh đảo bóng bàn Trung Quốc từ khi xuất hiện trong danh sách thi đấu quốc tế của đội tuyển Đức. Vẫn lối chơi vũ bão, mãnh liệt của mình, Ma Long trình diễn một thứ bóng bàn sao nó đẹp đến thế, cú giật thuận tay, trái tay đều phải nói là chuẩn mực và hoàn hảo về động tác, kỹ thuật. Người đẹp nhất của lối quăng cả cánh tay đấu với người đẹp nhất của lối gấp tay xoay lườn. Hết Set 4, Ma Long dẫn 3-1, ai cũng tin vào một kết thúc đẹp dành cho tay vợt trẻ này, nhưng đối thủ của anh là Timo Boll, theo các cụ nhà mình thì lúc đó đã là một con cáo già trong làng bóng bàn thế giới, kinh nghiệm và bản lĩnh của tay vợt sinh năm 1981 chính là thứ để anh lật ngược thế cờ trước con hổ non mới manh nha mọc nanh lúc đó. Set 5, rồi set6, tỉ số đã được san bằng, để rồi set chung kết Ma Long thua chóng vánh 11-5. Lúc đó anh đánh đẹp nhưng vẫn ngây thơ lắm, trong quả đánh của anh vẫn trong sáng lắm, chẳng hề có mưu mô tính toán gì cả, lối chơi của anh đơn giản và đều đều đến dễ đoán, chạy và giật, chạy và giật,.......... bóng cao thì bạt mà bóng thấp thì giật, câu chuyện ngây thơ vẫn kéo dài đến tận năm 2013, 2009 anh cố cứu từng quả trước Wang Hao nhưng bị nghiền nát trong tuyệt vọng, anh cố phá đổ bức tường Samsonov, và kết quả là bức tường đó vẫn cao hơn anh một tầm.

2010 anh lại thua Timo Boll tại Team cup dù đã dẫn 2-0 mặc dù TQ vẫn vô địch. 2011, lại một lần gác vợt trước Wang Hao và chịu nhiều lời qua tiếng lại, chịu những lời so sánh tiêu cực giữa anh và Zhang Jike, rằng 2 người bằng tuổi, anh nổi lên trước, anh gia nhập top 10 thậm chí top 5 trước Zhang, được chinh chiến tại các giải lớn trước Zhang tận 3 năm, mà sao danh hiệu đến với anh muộn thế.

2012, năm anh đạt độ chín nhất trong sự nghiệp cùng lối đánh ngây thơ đó với thành tích ở các hệ thống World tour không thể tuyệt vời hơn và fan của anh đã mơ đến việc danh hiệu đầu tiên của Ma Long sẽ là danh hiệu danh giá nhất Olympic thì bóng ma mang tên Wang Hao lại gián tiếp ngăn anh đến với danh hiệu đó. Đành là vậy nhưng nhìn vào cái cách anh cổ vũ Wang Hao, tôi nghĩ anh không oán tránh Wang Hao, ánh mắt đó luôn luôn dõi theo, luôn luôn reo hò, cổ vũ hết mình cho người đồng đội. Mặc dù Wang lại thua, Zhang Lại vô địch, lại những lời so sánh về sự nghiệp của Zhang và Ma, nhưng lần này nhiều người thông cảm, nhiều người tiếc nuối hơn và nhiều người đặt câu hỏi: "Nếu Ma Long đánh trận chung kết với Zhang Jike thì có thể sẽ khác chăng?". Có thể lắm chứ, có thể Ma Long sẽ trở thành một trong những tay vợt vĩ đại nhất lịch sử TQ và chí ít cũng ngang tầm huyền thoại như Ma Lin, có thể Zhang Jike sẽ phải đợi thêm 4 năm nữa mới có thể bước vào ngôi đền của những huyền thoại và chật vật trong việc duy trì phong độ chứ không may mắn như vậy.

Con đường của Ma Long trắc trở lắm, gian nan lắm, đau đớn lắm, 1 phần do bản thân anh không vượt qua được chính mình khi 3 lần bại trận trước Wang Hao dù thành tích đối đầu với WH không phải là tồi. 1 phần số phận đã quá nghiệt ngã khi bắt 1 cậu bé có tư duy và lối chơi quá trong sáng như anh gặp lại con ngáo ộp trong giấc mơ của mình những 3 lần liên tiếp, anh không vượt qua được WH hay anh không vượt qua được chính mình?

Năm nay 26 và chuẩn bị bước qua 27, cánh cửa tới danh hiệu của anh ngày càng hẹp đi khi Xu Xin ngày càng trưởng thành, Fan Zhendong xuất hiện, Zhang Jike ngày càng lạnh lùng và lì lợm, Otvcharov ngày càng hoàn thiện lối chơi, nhưng chắc rằng WH sẽ không còn ở đó để cản bước anh nữa. Liệu rằng Ma Long có đủ bản lĩnh để vươn tới ngưỡng cửa huyền thoại hay sẽ mãi chỉ là một ngôi sao sáng rồi lại tắt như Chen Qi hay Hao Shuai?

2014, lối chơi đã thay đổi rõ ràng, đã có nhiều tính toán hơn, đường lối chiến thuật ngày càng rõ nét, lối đánh dựa vào tư duy đã rõ ràng chứ không còn phụ thuộc vào sức mạnh, tốc độ và kĩ thuật nhiều như trước nữa. Liệu rằng đây là bước chuyển biến khôn ngoan hay là sự thay đổi muộn màng của độ tuổi chuẩn bị sang bên kia sườn sự nghiệp.

Rồi thời gian sẽ trả lời tất cả, trước mắt là WC 2014, Zhang Jike đang hẹn gặp anh tại chung kết, sau đấy là WTTC 2015, và bước cuối cùng là OL 2016. Liệu anh vượt qua được bao nhiêu ải đây?

Hãy cứ chơi tốt trong 1 năm tới nhé, rồi chắc chắn anh sẽ có 1 suất tại OL chứ không phải ngồi ngoài nội dung đơn như OL 2012 đâu.


Cố lên chàng trai, cố lên thần tượng đầu tiên của tôi!


 

khiconanchuoi200

Truyền nhân Ma Long
Hồi thứ 2: Wang Liqin

Nguồn: Nhimpitt

Anh là một trong những biểu tượng của bóng bàn nam Trung Quốc và được xếp cạnh những tên tuổi lớn của thể thao đại lục như Liu Xiang (điền kinh), Yao Ming (bóng rổ) hay Lin Dan (cầu lông). Tên anh là Wang Liqin.


Sinh ngày 18-6-1978 tại Jiangsu, Wang làm quen với trái bóng nhựa khá sớm. Ngay từ năm 6 tuổi Wang Liqin đã tỏ ra say mê bóng bàn, một trong những môn thể thao phổ biến nhất tại Trung Quốc. Có năng khiếu, cần cù tập luyện nên dĩ nhiên thành công sớm đến với Wang Liqin. Anh lần lượt khoác áo đội tuyển tỉnh, đội tuyển trẻ Trung Quốc và rồi năm 1993 khi mới 15 tuổi đã được chọn vào đội tuyển bóng bàn nam quốc gia. Trở thành đồng đội của những Liu Guoliang, Kong Linghui, Ma Wenge, Wang Tao thực sự là một giấc mơ nhưng Wang không quá choáng ngợp mà biết nắm bắt lấy cơ hội để vươn lên. Theo Shi Zhihao, cựu HLV đội tuyển bóng bàn Trung Quốc, Wang Liqin là một tay vợt thông minh, siêng năng, mạnh mẽ nhưng không kém phần táo bạo. Mọi kỹ thuật khó anh đều sẵn sàng tập luyện mà không hề e ngại, chính vì vậy mà có thể coi anh là trong số ít những tay vợt toàn diện nhất của bóng bàn thế giới: đánh đều hai càng, đôi công tốc độ cao, séc vít biến hóa cùng khả năng di chuyển nhanh nhẹn. Điểm yếu lớn nhất của Wang là lối sống hướng về nội tâm, có phần nhút nhát khiến anh đôi khi không vượt qua được sức ép. Thất bại tại tứ kết WTTC 2003 (trước Schlager) và bán kết Olympic Athens 2004 (trước người đồng đội Wang Hao) là minh chứng. Thậm chí tại vòng tuyển chọn cho Olympic Athens, Wang suýt nữa đã bị loại vì một nguyên nhân lãng xẹt: đang chơi hay nhưng khi cán vợt bị gãy, anh mất 15 phút để thay vợt mới và chơi rất tồi. Sau trận đấu anh phát biểu rằng khi đó anh không còn tâm trí nào để thi đấu bởi luôn đinh ninh rằng vận rủi của mình đã đến. Anh bộc bạch “Đôi lúc tôi không khởi đầu như ý nên không thể kiểm soát được trận đấu. Tôi phải luyện tập chăm chỉ để khắc phục điểm yếu này”.

Nhưng không thể phủ nhận được những gì Wang Liqin đã đạt được cho đến nay. Không kể một lô những danh hiệu Quốc gia, châu lục, Á vận hội thì Wang đã hơn 20 lần vô địch ITTF Protour trong đó có 3 chức vô địch Protour Grands Finals. Ngay từ cuối những năm 90 các chuyên gia đã dự đoán Wang là người thống trị bóng bàn thế giới những năm đầu thế kỷ 21 và điều đó thật đúng đắn. Từ năm 2001 đến nay chưa bao giờ Wang thi đấu tồi tại các giải WTTC, dường như anh sinh ra là để chơi ở giải đấu này. Bắt đầu từ chức vô địch tại Nhật năm 2001 (thắng Kong Linghui 3-2 sau khi bị dẫn trước 0-2), anh đã bổ sung thêm vào bộ sưu tập 2 chức vô địch nữa vào năm 2005 (thắng Ma Lin 4-2) và năm 2007 (cũng thắng Ma Lin 4-3). Kể từ khi bóng bàn bước vào kỷ nguyên hiện đại đến nay, Wang là người thứ 2 sau Zhuang Zhedong (Vương Di Đông) vô địch thế giới 3 lần. Đó còn chưa kể đến chiếc HCĐ Olympic Athens cùng vài chức vô địch thế giới đồng đội.

Nhìn vào thể hình mảnh khảnh (cao 1m86, nặng 75 kg) của Wang ta sẽ thấy hoàn toàn tương phản với lối đánh mạnh mẽ của anh. Những cú giật thuận tay của Wang bao giờ cũng thuộc hàng uy lực nhất thế giới, điểm rơi hiểm hóc và độ chuẩn xác cao, biến đây thành vũ khí lợi hại của anh (quả trái tay cũng cực hay, rất xoáy và mạnh). Tuy nhiên những quả vẩy cổ tay trên bàn của Wang lại rất mềm mại khiến cho các đối thủ rất e ngại. Sở trường của Wang là đánh đơn nhưng anh đánh đôi cùng không tồi, 2 chức vô địch đôi nam nữ (đều với Quách Diệu) năm 2005, 2007 là ví dụ tiêu biểu. Đỉnh cao là chiếc HCV Olympic Sydney 2000 (đứng cùng Yan Sen), người thất bại trước đôi Wang-Yan lúc đó là hai huyền thoại Kong Linghui-Liu Guoliang. Tuy nhiên vài năm trở lại đây, Wang dường như đã phần nào khôi phục được tâm lý nhút nhát. Tại giải vô địch đồng đội thế giới năm 2004 tổ chức ở Doha, Qatar, trong trận quyết định Wang gặp Werner Schlager, người lúc đó là ĐKVĐ TG và đã đánh bại Wang 1 năm về trước ở Paris. Vợt của Wang lại bị gãy khiến anh mất tinh thần, thua nhanh 2 séc đầu nhưng thật ngạc nhiên, anh lại tỏ ra bình tĩnh lạ thường, giành từng điểm 1 để thắng ngược 3-2. Tháng 3 –2005, Wang gặp Ma Lin tại chung kết Qatar Open, anh bị dẫn trước 0-7 trong séc 3 nhưng đã bừng tỉnh vươn lên thắng lại 11-9 (trước đó mỗi lần bị dẫn xa anh đều buông xuôi). Hoặc chung kết WTTC 2007 vừa qua, Wang Liqin đã thực sự đứng trên bờ vực thất bại vì bị Ma Lin dẫn 3-1 và 7-1 ở séc 5, không một ai tin rằng anh có thể lật ngược thế cờ, trừ anh và anh đã làm được. Chiến thắng ngược 4-3 trong tình hình đó được ITTF coi là một trong những pha lội dòng nước ngược ngoạn mục nhất lịch sử. Thực ra, biến chuyển của Wang bắt đầu từ khi Liu Guoliang lên thay Shi Zhihao làm HLV trưởng đội tuyển Trung Quốc. Liu cho rằng "Wang Liqin có khả năng đánh bại bất cứ tay vợt nào trên thế giới miễn là anh ấy phải vượt qua được sức ép. Khả năng của Wang là không phải bàn cãi”. Hàng loạt cơ hội được mở ra và Wang đã tận dụng để liên tục giữ vị trí số 1 thế giới. Chưa chiến thắng tại World Cup và Olympic (nội dung đơn nam) nên mục tiêu của anh là vô địch tại Olympic Bắc Kinh 2008 (vô địch World Cup không phải mục tiêu quá sức của anh). Theo Wang “Chiến thắng bao giờ cũng ngọt ngào, nhất là trên quê hương mình thì vị ngọt lại càng đậm đà hơn. Tôi hy vọng mình sẽ thành công”. Rõ ràng anh đủ khả năng làm được điều đó nhưng sức ép là cực lớn. Ngoại trừ các cây vợt mạnh như Samsonov, Boll, Ryu Seung Min thì để có tên trong đội Trung Quốc là không dễ chút nào. Ma Lin, Wang Hao chưa bao giờ là những đối thủ dễ chơi, Chen Qi, Hao Shuai mạnh mẽ lên rất nhiều còn Ma Long, Xu Xin ngày càng trưởng thành. Vì vậy nhiều người cho rằng Wang sẽ không vô địch Olympic (còn phải chờ xem) và anh không thể trở thành một huyền thoại của làng bóng bàn. Thực ra chỉ cần với 3 chức vô địch thế giới cùng hàng lô những danh hiệu vô địch đã đủ để anh bước chân vào ngôi đền thiêng của những huyền thoại môn bóng nhựa. Con đường anh đang đi chứng tỏ điều đó dù rằng nó có thể không trải toàn hoa hồng mà có cả chông gai, mật đắng.

(St)
 

khiconanchuoi200

Truyền nhân Ma Long
Hồi thứ 3:
Chuang Chih-yuan - Chàng chiến binh cô độc

Nhắc đến các cường quốc bóng bàn trên thế giới hiện nay, hẳn NHM sẽ nghĩ ngay tới Trung Quốc ngay từ khi câu hỏi được đặt ra, tiếp theo TQ thì hẳn sẽ là Đức nơi mà thời điểm hiện tại sản sinh ra nhiều tay vợt xuất sắc nhất sau TQ như Timo Boll, Dimitrij Otvcharov, Patrick Baum, Christian Subb,...... hay Nhật Bản với những M. Kenta, Mizutani Jun hay Koki Niwa,.... sau đó là Thụy Điển, nơi mà các tay vợt xuất sắc nhất, những huyền thoại của thế giới đã ra đời từ đó như J. Persson, JO Waldner,....

Bên cạnh những cường quốc bóng bàn với nhiều tay vợt xuất sắc đến vậy thì vẫn có nhiều tay vợt khác của nhiều nước trên thế giới mang đến những làn gió lạ cho thế giới bóng bàn. Không chỉ là những làn gió lạ, họ còn là người mang trách nhiệm của cả một dân tộc khi mà tài năng của họ tại quê hương mà họ sinh ra là nổi trội hơn hẳn đến nối ngay cả những thế hệ đi sau cũng khó có thể bắt kịp để tiếp bước những đàn anh. Có rất nhiều những tay vợt như vậy, như V. Samsonov - bộ mặt của bóng bàn Belarus gần 17 năm trở lại đây, W. Schlager - gần như là người duy nhất mang vinh quang về cho Áo kể từ WTTC 2003, còn rất nhiều những tay vợt như vậy nữa như Gao Ning (Singapore) hay Kraenga (Hy lạp) nhưng hôm nay tôi sẽ nói đến Chuang Chih-yuan - Chàng kị sỹ đơn độc của bóng bàn Đài Loan.

Sự nghiệp của tay vợt sinh năm 1981 bắt đầu từ rất sớm, từ thời mà Jan Ove Waldner còn ở đỉnh cao phong độ tức là từ khoảng 13 năm trước, khi mà anh còn rất trẻ. Ta thấy anh xuất hiện trong WTTTC năm 2000 khi anh đối đầu với JO Waldner - Người mà khi ấy đã là huyền thoại nhưng vẫn là một trong những chủ lực của Thụy Điển lúc bấy giờ. Thuy thua cuộc trước Waldner nhưng những gì anh thể hiện trong trận đấu đó quả thực là rất tuyệt, những cú giật thuận tay trái phá, cùng những quả trái tay cực xoáy, lối đánh hai càng đẹp mắt, đây là sự bắt đâu của huyền thoại người Đài Loan.

Lối chơi của Chuang là lối tấn công bạo liệt bằng hai càng, lối chơi của Chuang có nét gì đó rất giống với phần đa số tay vợt của Trung Quốc. Cũng động tác xoay lườn, cũng cú quất cả cánh tay, cũng một bộ chân linh hoạt và một sự quyết tâm bền bỉ, từ khi anh bước ra đấu trường thế giới, anh đã là mối nguy hiểm với bất kỳ tay vợt nào.
Chuan có sự tự tin thật đáng khâm phục cùng tinh thần cống hiến tuyệt với, khả năng đối giật của anh là một trong những ví dụ điển hình cho sự tự tin đó. Đối giật có lẽ là một trong những khả năng nổi trội nhất, là thế mạnh của tay vợt này, vô cùng bên bỉ đến từ bộ chân, cú thuận tay và ngay cả khi bị ép trái, anh cũng không ngần ngại trả lại bằng một cú BackHand trái phá.

Chuang có tất cả những tố chất của một nhà vô địch, một tượng đài của bóng bàn thế giới và thậm chí anh còn có những thứ mà kể cả những tay vợt thành công hơn anh phải ngả mũ kính phục. Và thực tế đã chứng minh bằng việc anh liên tục góp mặt trong top 10 nhiều năm vừa qua và đáng chú ý là anh đã từng lọt vào Top 3, vị trí mà lâu nay người hâm mộ mặc định dành cho những cái tên đến từ Trung Quốc.

Nhưng với những tố chất kể trên, tại sao Chuan vẫn chỉ có thể thành công tại những giải đấu nhỏ. Ở những giải đấu lớn, anh thường bị loại từ rất sớm, thành tích tốt nhất của anh tại một giải đấu lớn là vào đến bán kết của Olympic 2012 và thất bại trước Wang Hao mặc dù đã dẫn trước 2-0 trong trận đấu đó. Và sau đó anh cũng bỏ lỡ cơ hội dành HCĐ OL khi thất bại trước Dimitrij Otvcharov trong trận tranh giải 3.
Có lẽ cũng chính vì sự tự tin của anh, do lực đánh của anh khá nhẹ và chỉ cải thiện được phần nào gần đây chứ không uy lực như các tay vợt TQ nên khi đối giật anh thường đánh không an toàn, hay tự hỏng khi xoay qua những cú trái. Lối chơi của anh giống các tay vợt TQ nhưng lại ở một đẳng cấp thấp hơn nhưng được nâng cấp bởi quả trái và có lẽ do anh đã quá lạm dụng nó. Khi đã bị bắt bài thì việc "điều trị" anh là hoàn toàn trong khả năng.

Có lẽ lối của anh không đặc sắc như những Timo Boll hay Samsonov nên việc dễ dàng bị bắt bài cũng là lẽ đương nhiên khi mà thế giới bóng bàn ngày càng phát triển.

Cái đáng nói là khi liên tục thất bại tại các giải đấu lớn, anh vẫn không nản lòng, vẫn bền bỉ tích điểm tại những giải WorldTuor, vẫn liên tục góp mặt trong Top 10 dù các đối thủ của anh ngàng càng mạnh và thay đổi, từ thời Waldner, Person cho đến thời của Schlager, Ryu Sung Min, thời của Wang Liqin, Ma Lin cho đến thời của Wang Hao, Ma Long hay thậm chí cho đến tận thời đại bây giờ của những Ma Long, Zhang Jike, Xu Xin và sắp tới là của những Yan An, Zhou Zu, Fan Zhendong,........ anh vẫn bền bỉ chiến đấu chống lại cả một thế lực khổng lồ ngoài kia, vẫn là bộ mặt của bóng bàn Đài Loan.
Tuy không biết là anh còn có thể trụ được trong cái đấu trường khốc liệt kia bao lâu nhưng chắc rằng, khi nào còn sức lực, chắc chắn anh sẽ vẫn chiến đấu mặc dù lối chơi tốn sức của anh chắc chắn sẽ làm anh không thế trụ vững lâu thêm nữa vì anh cũng là tay vợt đã có tuổi và sau 2 năm có phong độ cực hay vừa rồi cũng đã đến lúc anh xuống sức bằng chứng là trận thua 4-0 trước Mizutani - người thường được cho là cửa dưới.

Có lẽ còn rất lâu nữa, bóng bàn Đài Bắc mới sản sinh được ra tay vợt như anh và dù không có những danh hiệu lớn nào, anh vẫn xứng đáng là một huyền thoại của đất nước, là một anh hùng trong giới bóng bàn của Đài Bắc. Cám ơn anh, người chiến binh cô độc, một cá tính bền bỉ đáng khâm phục của bóng bàn thế giới!!

-Jerry P-
 

khiconanchuoi200

Truyền nhân Ma Long
Hồi thứ 4:
Wang Hao - Người anh hùng thất bại
Một trong những bài viết đầu tiên của mình về những tay vợt thế giới, bài này chắc chưa được tốt lắm nhưng có lẽ là bài mà mình tâm đắc nhất

Nói anh là anh hùng dân tộc của bóng bàn Trung Quốc cũng chẳng sai, một thần tượng thực sự của giới trẻ chơi bóng bàn Trung Quốc cũng như những tín đồ chơi PenHold trên thế giới.

Có lẽ song song với Ma Lin - Người đồng đội của tuyển TQ phát huy tối đa lối đánh C-Penhold truyền thống, là lối một càngthì Wang Hao là đại diện tiêu biểu của lối C-Pen hiện đại, tức là phát huy toàn diện cả hai càng khi sử dụng thành thạo mặt BackHand trong tất cả những cú đánh dùng phần trái tay của anh.

Kỹ thuật của Wang Hao khá toàn diện, những quả phải uy lực, chuẩn mực khi kết hợp được cả cơ thể để phát lực. Sự linh hoạt, khả năng xoay trở và phản xạ tuyệt vời trong những tình huống Short Attack. Và đặc biệt là cú trái của anh, thật khó tin khi một tay vợt dọc có thể phát huy cú trái của mình toàn diện đến vậy, tất cả đểu sử dụng mặt vợt bên BackHand. Từ giật trái, chặn bóng, đấm bóng, đờ mi, cho đến đối giật xa bàn - điều mà kể cả những người có thể chủ động trong cú trái như những tay vợt ShakeHand cũng khó có thể làm được.

Chính cái thương hiệu PenHold hai càng của Wang Hao đã góp một phần không nhỏ vào việc quảng bá C-Pen của Trung Quốc việc mà những Ma Lin, Liu Gualiang chỉ có thể dừng lại ở mức thần tượng chứ không thể phát triển mạnh mẽ như lối chơi hiện đại của Wang Hao. Do lối chơi của Ma Lin và Liu phải dùng nhiều đến phản xạ, sự nhanh nhẹn của đôi chân hay còn gọi là footwork - điều mà chỉ có những Ma Lin và Liu phát huy được, còn như những người bình tường như chúng ta, chơi PenHold kiểu truyền thống với một tay vợt ShakeHand thì coi như chấp một càng, rất dễ bị "ÉP" trái quá mức cho dù quả phải của họ có tốt đến mức nào. Wang Hao thì khác, nếu tập theo lối của Wang Hao thì ta ngang nhiên có thể đôi công trái với bất cứ lối đánh nào.

Sự nghiệp của Wang Hao bắt đầu nổi lên khi anh đoạt HCB OL Athens năm 2004, từ khi ở tuổi đôi mươi, WH đã lọt đến trận CK ở giải đấu danh giá nhất trong sự nghiệp của một tay vợt bóng bàn. Năm đó quả trái của WH chưa được phát huy hết như bây giờ và quả thuận tay của anh lại không bằng được Ryu Sung Min - Tay vợt lên đồng năm đó. Nhưng thực sự năm đó, WH bị loại vẫn là một cú Shock với người Trung Quốc. Và thực tế chứng minh, kể từ trận thua đó, trong mỗi lần gặp lại Ryu, WH không thua bất cứ một trận nào.

2 năm sau, tiếp tục lại là một thất bại tại World Cup trước Timo Boll, mọt trận đấu đấy cảm xúc khi Timo Boll đánh quá hay và giành điểm cách biệt ở set 7. Và phải 2 năm sau nữa, WH mới giành được danh hiệu lớn đầu tiên trong sự nghiệp.

2008, tiếp tục là một năm đáng nhớ với WH, anh lần thứ 2 liên tiếp tiến vào trận CK OL Bắc King và hầu như không gặp bất cứ khó khăn nào. Lần này, Ryu đã sa sút nghiêm trọng và bị loại trước, đối mặt với anh ở trận CK là người đồng đội Ma Lin. Mọi thứ, thiên thời, địa lợi, nhân hòa đều nằm trong tay WH nhưng trách cho số phận nghiệt ngã, Ma Lin đánh quá xuất thần, và từ đầu năm 2008 cho đến 2010, Ma Lin luôn là tay vợt kị rơ nhất với WH. Năm đó Ma Lin đã bước lên bục cao nhất của giải đấu trong sự tiếc nuối của NHM Wang Hao.

2009, với bước tiến mạnh mẽ, Wang Hao đã lên ngôi tại WTTC sau khi đánh bại Ma Long ở bán kết và độc cô cầu bại của WTTC Wang Liqin ở trận CK với những tỷ số quá cách biệt. Khẳng định sức mạnh hủy diệt của WH.

2011, cũng tại giả đấu WTTC, Wang Hao lại vào đến CK, vẫn đánh bại Ma Long ở bán kết, nhưng lần này, anh thất bại trước tay vợt mới nổi Zhang Jike, người vừa thất bại 2 trận liên tiếp trước anh tại German Open và World Cup 2010.

2012, OL 2012 tại London, lần thứ 3 tiến đến trận CK, đối thủ của anh lại là Zhang Jike. Lần này Zhang Jike đã có thương hiệu riêng, lối chơi đã thành thương hiệu của Zhang và đương nhiên anh có sự tiến bộ nhất định trong khoảng thời gian không gặp nhau trước đó. Lần này, sẽ là lần cuối của WH tại đấu trường OL, khi mà HLV họ Liu đã ưu ái gạt cậu học trò cưng Ma Long ra khỏi danh sách đánh đơn của đội tuyển.

Lần này, dường như số phận lại trở nên nghiệt ngã với WH khi anh tiếp tục để thua cuộc, nhìn điệu bộ sau trận đấu của anh, hẳn là các Fan trung thành của WH sẽ không cầm được nước mắt.

Sự nghiệp của WH là một bản hùng ca vô cùng hoành tráng, có thể khiến bất cứ tay vợt nào thèm muốn, song đối với anh thì có lẽ chẳng bao giờ là đủ khi mà 3 lần về nhì tại đấu trường danh giá nhất OL. Tôi thích lối chơi của Ma Long, tính cách của Timo Boll và sự lạnh lùng của Waldner, Schlager nhưng người khiến tối khâm phục nhất lại là Wang Hao - Một anh hùng thất bại.

-Jerry P-

 

khiconanchuoi200

Truyền nhân Ma Long
Hồi thứ 5:
Mizutani Jun - Hi vọng mãi chỉ le lói

Mizutani Jun, chàng trai người Nhật Bản với cái tay trái khéo léo đã từng một thời gian là niềm hi vọng của bóng bàn thế giới nói chung khi họ muốn có chút gì đó mới mẻ khi mà bóng bàn thế giới đã bị thao túng bởi Trung Quốc một thời gian quá lâu rồi. Là niềm hi vọng của Nhật Bản nói riêng kể từ khi Koji Masushita - Huyền thoại choper của đất nước mặt trời mọc đi đến quyết định giải nghệ.

Anh là một trong những tay vợt được thế giới đặt kỳ vọng lớn nhất, khi mà đội ngũ "chống" Trung Quốc đã trở nên quá già nua từ lâu như Timo Boll, Samsonov, Schlager, J. Person,..... hay đã giã từ sự nghiệp bóng bàn chuyên nghiệp như Waldner, hay chính đồng hương tiền bối Matsushita. Thực sự, sự kỳ vọng vào anh là rất lớn khi mà nền bóng bàn thế giới có lẽ đã quá ngán ngẩm cái viễn cảnh các nhà vô địch những giải đấu lớn liên tiếp là những vận động viên Trung Quốc, "họ" có lẽ rất thèm được thưởng thức một lối đánh mới, một con người thuộc quốc tình khác ngoài Trung Quốc bước lên đỉnh vinh quan của những giải đấu lớn như thể W. Schlager làm được ở WTTC 2003, Ryu Sung Min làm được tại OL 2004, Timo Boll tạo nên cuộc lật đổ tại WorldCup 2006, hay xa hơn là việc V. Samsonov lên đỉnh vinh quang tại World Cup 2009.

Thực tế, với lối chơi của anh, theo quan điểm của cá nhân mình thì có phần nào đó giống Timo Boll, về cả động tác, lẫn độ sắc. Những quả giật siêu xoáy, những quả trái mạnh mẽ, khả năng chặn đẩy không tồi cộng thêm với đôi chân có tốc độ khá nhanh, và bộ chân của Jun là một trong những điểm mạnh của anh, thậm chí có phần nhanh hơn Timo Boll. Nói chung là lối chơi công thủ hai càng toàn diện, một lối chơi mà hiếm có tay vợt nào dám lựa chọn khi mà phần lớn các tay vợt chọn lối tấn công càng phải hơn hẳn càng trái, trên thế giới hiện tại, chỉ có 3 tay vợt theo đuổi lối chơi này đó là Timo Boll, V. Samsonov và Jun và có thể phát triển nó lên mức nghệ thuật.

Nhưng tại sao với một tay vợt có thể cho là toàn diện đến thế, sự nghiệp của Mizutani Jun vẫn lận đận, vẫn bị xếp vào dạng chiếu dưới khi đối đầu với những Ma Long, Xu Xin, Zhang Jike hay cả những Timo Boll, Samsonov hay Ovtcharov trong thời điểm này. Trong mỗi lần đối đầu với những tay vợt kể trên, anh thi đấu không hề tồi, đã từng dẫn trước Zhang Jike 3-0 trước khi thua ngược 3-4 một cách khó hiểu tại World Cup 2010. Từng ngang nhiên đánh đôi công, đối giật với các tay vợt có lối đánh hủy hiệt như Ma Long, Wang Hao hay Xu Xin. Vậy câu hỏi là tại sao lại như vậy?

Câu trả lời theo quan điểm cá nhân mình đó là hai lý do sau:1. Thể lực

Trong những trận đấu kéo dài đến set 5 hay set 7, dễ dàng thấy rằng trong khoảng thời gian đầu trận như Set 1, Set 2, Jun thi đấu cực tốt, liên tục những pha ăn điểm, đối giật với những tình huống kéo dài đến 7-8 lần chạm vợt của hai tay vợt. Ngoài những tay vợt người Trung Quốc, có lẽ Jun là tay vợt có nhiều tình huống đối gật nhất trong nền bóng bàn hiện đại.

Nhưng đầu trận thi đấu tốt bao nhiêu thì cuối trận ta có thể nhận thấy sự xuống sức rõ ràng khi anh không "khỏe" như các tay vợt Trung Quốc, khi bị đưa đến những Set cuối trận, anh thường để thất bại với tỉ số khá cách biệt.

Thói quen Lob bóng bổng cũng là một trong những lý do ảnh hưởng không nhỏ đến thể lực trong trận đấu của Jun. Anh có khả năng Lob bóng rất bền, khả năng cứu bóng đỉnh cao với việc đưa những quả bóng từ những tư thế rất khó vào bàn và cũng có thể phản công ngay khi có cơ hội. Nhưng với việc thực hiện liên tục những tình huống LOB bóng, và khả năng bạt bóng rất tốt của các tay vợt Trung Quốc kể cả với những tay vợt C-PenHold như Wang Hao, Xu Xin và những tình huống bỏ nhỏ rất quái của Ma Lin, Samsonov thì việc chạy nhiều mà vẫn thua và còn bị mất thể lực là việc không khó đoán.

2. Sự tự tin

Như đã nói ở trên, Mizutani có thói quen LOB bóng khá nhiều, nhưng thường rất bị động, dễ dàng bị điều chứ không nghệ thuật như Samsonov với khả năng điều bóng ngay cả khi LOB.

Thường thì trong những tình huống bị cướp công, Jun chỉ chặn từ 2-5 quả rồi đưa đối thủ vào thế Smash-Lob và với những đối thủ kể trên, anh quá bị động và hay thất bại mặc dù rất bền bỉ.

Ngay cả trong những tình huống tấn công trước, nếu bị phản công lại, khả năng cao là anh lại tiếp tục LOB khi không tự tin né giật.

Với 2 lý do trên thì trong bóng bàn hiện đại, anh bị xếp vào chiếu dưới khi đối đầu với các tay vợt TQ là điều không tránh khỏi. Từ năm 2008, anh đã mang đến làn gió mới cho bóng bàn thế giới, họ mong chờ sẽ có một ngày anh lật đổ đế chế TQ hùng mạnh kia nhưng dường như anh vẫn mãi chỉ là niềm hi vọng le lói mà thôi. Nhưng dù sao chúng tôi vẫn mong có một ngày nào đó, anh sẽ tiến bộ vợt bậc để đánh tan sự nhàm chán của bóng bàn thế giới!

-Jerry P-

 

Bình luận từ Facebook

Top