KHÔI PHỤC VÀ PHÁT TRIỂN MÔN BÓNG BÀN TỈNH CAO BẰNG PART 1.

cuongcb

Binh Nhất
Những ai yêu mến môn thế thao bóng bàn ở Cao Bằng vẫn còn nhớ một thời huy hoàng của bóng bàn tỉnh ta khi được đánh giá là tỉnh có phong trào bóng bàn xuất sắc, các vận động viên (VĐV) cứ đi thi đấu là đạt giải cao, cho dù phải tranh tài với các đội mạnh trong khu vực phía Bắc.

KỲ I: MỘT THỜI SÔI ĐỘNG

NỞ RỘ PHONG TRÀO

Những năm 1955 - 1975 của thế kỷ trước có thể coi là thời kỳ phong trào bóng bàn phát triển sôi nổi và mạnh mẽ nhất. So với các môn thể thao cùng thời như bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn có nhiều lợi thế: tiết kiệm sân bãi, không phải di chuyển nhiều theo chiều dài của sân, nhưng vẫn buộc người chơi khéo léo, nhịp nhàng, nhạy bén, tốc độ; không cần đủ 11 người/đội như bóng đá, hay 6 người/đội như bóng chuyền, bóng bàn vừa có thể chơi đơn, vừa có thể chơi đôi. Chính vì sự tiện lợi và hấp dẫn, lại phù hợp với mọi lứa tuổi, mọi điều kiện kinh tế mà bóng bàn dần trở thành môn thể thao “thời thượng”. Mỗi năm có từ 400 - 500 người thường xuyên tập luyện và thi đấu bóng bàn. Lúc đó điều kiện còn khó khăn, nhưng người dân Cao Bằng có cách “khắc phục” riêng để thỏa mãn niềm đam mê bóng bàn. Những chiếc bàn, phản gỗ đơn giản, hay thậm chí là cánh cửa nhà được “chưng dụng” để làm bàn bóng bàn; dùng giấy báo làm lưới; có người tự đẽo vợt bằng gỗ, học sinh không có điều kiện sắm vợt dùng ngay tấm bảng đen thay thế… Tại các khu dân cư, xung quanh khu vườn hoa của Thị xã (nay là Thành phố) có xây các bàn bóng bàn bằng xi măng cố định để phục vụ người dân chơi bóng bàn.


Trận giao hữu bóng bàn giữa Câu lạc bộ bóng bàn Thị xã Cao Bằng và Đội bóng bàn huyện Long Châu (Trung Quốc) năm 1972.
Giao lưu thể dục thể thao giữa Cao Bằng và tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), trong đó có môn bóng bàn thường xuyên được tổ chức. Ngay từ những năm 1962, tỉnh mời đoàn bóng bàn Tịnh Tây (Quảng Tây, Trung Quốc) sang thi đấu giao lưu. Năm 1964, Cao Bằng lại được mời sang thi đấu giao lưu tại Tịnh Tây. Trước nhu cầu chơi và tập luyện bóng bàn của đông đảo người dân khắp các địa phương, những năm 1963 - 1964, Ty Thể thao (Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch ngày nay) quyết định mở các lớp huấn luyện môn bóng bàn cho các cơ quan ở thị xã Cao Bằng và tất cả các huyện. Mỗi cơ quan cử 1 người tham dự lớp tập huấn trong khoảng 10 - 15 ngày. Các học viên được trang bị những kiến thức, kỹ năng cơ bản để chơi môn bóng bàn, sau đó trở về hướng dẫn lại cho các đồng nghiệp trong cơ quan. Những lớp tập huấn này được công nhân, viên chức hưởng ứng rất nhiệt tình, mỗi lớp thu hút từ 20 - 30 người tham gia. Phong trào bóng bàn phát triển sôi nổi ở các cơ quan, xí nghiệp, trường học. Thời kỳ này, các giải thi đấu của tỉnh tổ chức luôn có trên dưới 100 VĐV nam, nữ tham gia. Ông Liêu Chí Sùng, VĐV - huấn luyện viên bóng bàn tiêu biểu của tỉnh trong thời kỳ này hào hứng nhớ lại: “Hầu như đơn vị nào cũng “sắm” bàn bóng bàn, đi đến đâu cũng thấy đánh bóng bàn. Công nhân, viên chức tranh thủ giờ nghỉ trưa, ngày nghỉ cuối tuần để tập luyện và thường giao lưu thi đấu với nhau. Không khí vô cùng sôi nổi và vui vẻ”.

DẤU ẤN THÀNH TÍCH

Giai đoạn thành công của bóng bàn Cao Bằng được ghi dấu bằng thành tích đầu tiên vào năm 1956, khi VĐV Liêu Chí Sùng giành vô địch đơn nam giải bóng bàn Khu Tự trị Việt Bắc. Cùng thời còn có các VĐV tiêu biểu như: Bùi Nguyễn Du, Ngô Lương Tĩnh, Hoàng Công Vinh thường xuyên tham gia thi đấu các giải vô địch bóng bàn miền Bắc và giải Khu Tự trị Việt Bắc, giải 4 tỉnh: Cao Bằng - Lạng Sơn - Bắc Ninh - Bắc Giang, đạt thứ hạng cao. Ấn tượng nhất đối với các VĐV thế hệ này là chiến thắng thuyết phục trước cả 3 cây vợt của Trường Huấn luyện kỹ thuật Thể dục thể thao Trung ương và trận thắng sát nút 5 -4 giữa đội tuyển bóng bàn tỉnh ta với đội tuyển bóng bàn Trịnh Tây (Quảng Tây, Trung Quốc) trên sân nhà nhân dịp Quốc khánh 2/9/1962. Đây là những dấu ấn khẳng định chất lượng và vị thế của bóng bàn tỉnh nhà trong khu vực, cũng là cơ sở để chúng ta tự tin trong bồi dưỡng, đào tạo những thế hệ VĐV kế cận.

Năm 1960, lớp đào tạo bóng bàn đầu tiên của tỉnh do ông Liêu Chí Sùng làm huấn luyện viên với 8 VĐV lứa tuổi thiếu niên được thành lập. Sau hơn 1 năm, 2 VĐV là Nguyễn Thị Ngọc Sương và Lê Công Khanh được Trường Huấn luyện kỹ thuật Thể dục thể thao Trung ương tuyển chọn đi bồi dưỡng. Không lâu sau đó, Hoàng Thị Ngọc Sương được tuyển vào đội bóng bàn quốc gia đi thi đấu Giải vô địch bóng bàn thế giới tại thủ đô Praha (Tiệp Khắc), ghi một dấu ấn rạng rỡ vào phong trào bóng bàn Cao Bằng.

Hệ thống các giải thi đấu bóng bàn thời kỳ này rất ổn định và phong phú. Từ các giải liên cơ quan, liên ngành đến các giải giao hữu với các tỉnh trong khu vực được tổ chức thường xuyên, giải thiếu niên nhi đồng được cấp huyện, thị, cấp tỉnh tổ chức hằng năm đã thu hút rất nhiều đối tượng tham gia thi đấu, tạo điều kiện cho công tác tuyển chọn VĐV. Đặc biệt, dù trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhưng tỉnh thành vẫn lập được Trường Văn hóa thể thao (1966), đào tạo 3 môn: bóng đá, bóng bàn, bắn súng. Việc phát triển có bài bản đã giúp cho môn bóng bàn ổn định về phong trào và từ đây rất nhiều VĐV trẻ được phát hiện, như: Trần Minh Trung (3 lần vô địch Giải bóng bàn Khu Tự trị Việt Bắc); Liêu Minh Lâm (nhì đơn nữ Giải bóng bàn Nhi đồng toàn miền Bắc năm 1969); Phạm Văn Cao (cây vợt thiếu niên xuất sắc, VĐV bóng bàn cấp 1 Quốc gia năm 1986); VĐV bóng bàn nổi tiếng của quân đội và vô địch toàn quốc Vũ Thị Hòa cũng trưởng thành từ lớp bóng bàn của Trường Văn hóa thể thao Cao Bằng.

Sau năm 1975, phong trào bóng bàn Cao Bằng tiếp tục phát triển lên một bước mới. Đi đôi với việc duy trì phong trào, công tác đào tạo VĐV được quan tâm. Các VĐV được đào tạo bài bản theo hướng hiện đại thông qua các lớp năng khiếu nghiệp dư tại Sở Thể dục - Thể thao, Trung tâm Huấn luyện thể thao của tỉnh. Cùng với các thế hệ đi trước, nhiều VĐV đã giành được thành tích cao qua các giải bóng bàn thiếu niên, nhi đồng khu vực, toàn quốc, Hội khỏe Phù Đổng và Đại hội Thể dục, thể thao toàn quốc.

Tuy nhiên, bước vào thời kỳ mở cửa, hội nhập của đất nước, với sự xuất hiện của ngày càng nhiều các môn thể thao hiện đại hấp dẫn khác: cầu lông, quần vợt… Bóng bàn tỉnh ta đối mặt thế nào trước sự cạnh tranh mạnh mẽ đó?

Du nhập vào Cao Bằng từ rất sớm (khoảng trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945), bóng bàn nhanh chóng trở thành môn thể thao được nhiều người yêu thích. Trong thời kỳ bao cấp và những năm cuối thế kỷ XX, phong trào bóng bàn ở Cao Bằng có những lúc ở “đỉnh cao”, được nhiều địa phương trong khu vực đến học tập, là cái nôi của nhiều VĐV tiêu biểu. Nhưng rồi có thời điểm môn thể thao này gần như “dậm chân tại chỗ”. Làm thế nào để vực dậy một môn thể thao từng là thế mạnh của tỉnh là vấn đề mà ngành thể thao và người yêu thích bóng bàn đang rất quan tâm.
(Trích: Bài viết của Hà Quỳnh Trang Phóng viên Báo Cao Bằng)
 

Bình luận từ Facebook

Top