Góc nhìn: Người Nhật và bóng bàn

nhimpitt

Trung Sỹ
Góc nhìn: Người Nhật và bóng bàn
Đến tham dự Cây Vợt Vàng năm 2012, đội tuyển Nhật Bản được xem như một ẩn số lớn của giải với những tay vợt ở lứa tuổi thiếu niên. Nhưng chỉ sau ba ngày thi đấu, họ đã giành được không ít những thành công. Đằng sau sự thành công ấy là cả một câu chuyện dài của quá trình đào tạo và tuyển chọn.

Chuyện của những học sinh cấp 3…
Ông Tomioka Takeyoshi - đại diện của nhà tài trợ Butterfly, đồng thời cũng là một người có kinh nghiệm trong công tác huấn luyện bóng bàn của Nhật Bản chia sẻ: “Đội tuyển Nhật Bản tham dự giải đấu này với mục đích duy nhất là rèn luyện kinh nghiệm trận mạc cho các tay vợt trẻ, vì vậy thành phần tham dự của đội chỉ gồm những học sinh cấp 3”. Được biết, để có thể đến với Giải Cây Vợt Vàng, các tay vợt lứa tuổi học sinh của Nhật Bản đã phải trải qua một quá trình tuyển chọn rất kỹ càng. “Hàng năm, chúng tôi tổ chức một giải đấu mang tính toàn quốc dành cho các trường trung học, có 40 em học sinh sẽ được tuyển chọn từ giải đấu này. Sau đó chúng tôi tiếp tục lọc ra 20 em và sau cùng là một số em sẽ được chọn tham dự giải Cây Vợt Vàng”, ông Takeyoshi nói.

Nếu chọn lọc gắt gao là chuyện hết sức bình thường đối với một cường quốc thể thao như Nhật Bản thì điều đáng nói hơn nằm ở tiêu chí chọn lọc của các HLV người Nhật. Theo lời ông Takeyoshi, những tay vợt tham dự giải lần này không hẳn là những người sáng giá nhất trong đội trẻ bóng bàn của Nhật Bản. Trước khi đến giải đấu, các HLV của Nhật đã xem xét khá kỹ jeux đánh của các tay vợt dự giải danh tiếng như Nanthana Komwong và cuối cùng chọn lọc ra những người phù hợp nhất với giải đấu. Thậm chí, vì trình độ phát triển bóng bàn của Nhật Bản rất mạnh và có quá nhiều tay vợt giỏi nên các HLV chỉ chọn ra những tay vợt trẻ không có cơ hội thi đấu thường xuyên để đến với giải.

… đến giá trị của thể thao học đường
Khi được hỏi về dự định tương lai, các VĐV lứa tuổi học sinh của tuyển Nhật, bao gồm cả cô gái có cú giao bóng “sát thủ” Ayami cho biết, tất cả đều cho biết không có tham vọng sẽ trở thành VĐV chuyên nghiệp. Một tay vợt nữ chia sẻ: “Nếu thi đấu tốt trong một hai năm tới, em cũng hy vọng mình có thể lọt vào đội tuyển nhưng điều đó có lẽ sẽ không xảy ra đâu”. Với Ayami và các đồng đội, việc quan trọng nhất trước mắt vẫn là học và tất cả đều muốn được vào đại học như những học sinh bình thường.

Khi nghe câu trả lời của các tay vợt Nhật Bản, chúng tôi không khỏi băn khoăn và đặt ra câu hỏi cho ông Takeyoshi, nếu như Ayami và đồng đội đơn thuần chỉ là những VĐV không chuyên nghiệp thì giới bóng bàn chuyên nghiệp của Nhật Bản đã chọn họ đến với giải đấu này... làm gì (?!). Ông Takeyoshi trả lời một cách đơn giản: “Bởi vì chúng tôi muốn các em học sinh cấp 3 có cơ hội thi đấu” - và đó chính là tinh thần của thể thao học đường mà ông Takeyoshi muốn nhấn mạnh với người Việt. Nhật Bản sẵn sàng đầu tư một cách nghiêm túc cho niềm vui từ thể thao của các em học sinh, và qua đó, tạo nên sự phát triển từ “gốc rễ”, không chỉ trong một môn bóng bàn mà cả ngành thể thao. Tất cả những học sinh ở Nhật sẽ lấy Ayami làm hình mẫu và nỗ lực luyện tập, cho dù có không được trở thành VĐV chuyên nghiệp đi nữa, họ chắc chắn sẽ có cơ hội được đi thi đấu ở nước ngoài.

Và góc nhìn của người Việt
Có lẽ phần đông những NHM bóng bàn Việt Nam đều phải giật mình khi nghe những gì mà ông Takeyoshi nói. Nếu như ngay cả Ayami, tay vợt đánh bại Mai Hoàng Mỹ Trang và Nanthana Komwong cũng không được coi như một VĐV chuyên nghiệp thì trình độ phát triển của bóng bàn Nhật Bản thực sự bỏ xa chúng ta đến cỡ nào (?!). Nhưng vấn đề không chỉ nằm ở sức mạnh chuyên môn của bóng bàn Nhật Bản, mà chính là ở cách tuyển chọn VĐV của họ. Thể thao Việt Nam luôn có thói quen chọn ra những người giỏi nhất trong đội để đến với một giải đấu nào đó, dù là lớn hay nhỏ. Người Nhật thì khác, giống như ông Takeyoshi nói, chưa chắc những thước đo cố hữu trong nước đã đúng, cần phải đưa tất cả ra cọ xát với môi trường bên ngoài mới có thể chọn lọc được những người ưu tú nhất. Đó là lý do mà bóng bàn Nhật Bản đã không đem đến một giải đấu tầm quốc tế những em học sinh cấp 3 xuất sắc nhất. Vì biết đâu ở một giải đấu như vậy, bóng bàn Nhật có thể tìm ra “ngọc trong đá” từ những em không được đánh giá cao.

Bên cạnh vấn đề tuyển chọn, ông Takeyoshi còn muốn nhắn nhủ thêm một thông điệp với thể thao Việt Nam - đó là mô hình xây dựng thể thao học đường. Cũng tương tự như các nước phương Tây, Nhật Bản coi việc đem thể thao chuyên nghiệp đến với các trường học là điều tất yếu. Một học sinh vẫn có thể vừa chơi bóng bàn giỏi vừa vào đại học, và điều đó sẽ kích thích tất cả các bậc phụ huynh đưa con em đi học môn thể thao này. Rõ ràng, việc phổ biến trên diện rộng như vậy có thể giúp ngành thể thao Nhật Bản hầu như không bỏ sót một tài năng nào. Trong khi đó ở Việt Nam, khái niệm “học hành” và “thể thao chuyên nghiệp” vẫn còn trong quá trình “lần mò” để tìm đến cạnh nhau. Và với quan niệm trọng sự học của người Việt, cả nền thể thao của Việt Nam chứ không riêng gì một môn bóng bàn “vẫn còn hẻo lắm”, theo như cách nói của ông Takeyoshi cách đây nhiều năm.

(Huy Đăng - thethaohcm)
 

Bình luận từ Facebook

Top