Những năm gần đây, khi bóng bàn chuyên nghiệp VN ngày càng nhạt nhòa bởi thành tích đi xuống cùng những vụ lùm xùm của đội tuyển thì ngược lại, bóng bàn nghiệp dư đang phát triển mạnh khắp cả nước.
Một trận đấu mừng sinh nhật lần thứ 5 của diễn đàn - Ảnh: bongban.org
Thật vậy, những người chơi bóng bàn nghiệp dư ở VN đã tổ chức giải đấu liên tục chín tháng trong một năm với hàng ngàn VĐV, hàng trăm CLB tham dự, áp dụng hệ thống tính điểm của Liên đoàn Bóng bàn Mỹ để xếp hạng VĐV, tạo diễn đàn cho hàng chục ngàn người yêu bóng bàn giao lưu, tạo phong trào rộng khắp cả nước...
Nhớ thuở mở “đất”
Trước năm 2007, những người yêu bóng bàn Hà Nội không có nhiều chỗ để chơi và thi thố bởi mỗi năm Hà Nội chỉ có hai giải truyền thống cho những người chơi nghiệp dư là giải Tăng Bạt Hổ và giải Nhà in Tiến Bộ.
Vì vậy, năm 2007, Tống Đức Thuận (kỹ sư xây dựng), Đoàn Tiến Dũng (kỹ sư công nghệ thông tin), Trần Quốc Hoàn... và một số thành viên trẻ khác đã lập trang web bongban.org cho những người chơi bóng bàn nghiệp dư tại VN. Đây chính là điểm xuất phát cho bóng bàn nghiệp dư VN phát triển mạnh mẽ và rộng khắp từ Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM với đủ mọi thành phần tham gia.
Anh Đoàn Tiến Dũng - admin chính của diễn đàn bongban.org - nhớ lại: “Trang web được thành lập tháng 3-2007 thì đến tháng 12-2007 chúng tôi đã tổ chức giải đấu tại TP.HCM. Đây là giải bóng bàn nghiệp dư toàn quốc đầu tiên quy tụ các tay vợt ở các CLB trong cả nước. Thậm chí nhiều tay vợt Việt kiều ở Úc, Đức, Mỹ cũng về nước tham gia thi đấu”.
Năm 2008, ban tổ chức diễn đàn bắt đầu tổ chức giải Premiership của từng khu vực là Hà Nội và TP.HCM. Đây là giải đấu nòng cốt của hệ thống giải bóng bàn nghiệp dư VN từ đó đến nay. Cụ thể, mỗi khu vực tại Hà Nội, TP.HCM tự tổ chức thi đấu với nhau theo điều lệ, luật thi đấu quốc tế. Sau khi thi đấu xong, kết quả thi đấu được gửi về ban tổ chức diễn đàn để tính điểm.
Từ mùa giải 2012, Hải Dương, Đà Nẵng cũng thực hiện hệ thống thi đấu Premiership của Hà Nội và TP.HCM. Cuối tháng 12 năm nay, Đà Nẵng sẽ là địa điểm thi đấu giải vô địch toàn quốc với sự tham dự của khoảng 500 VĐV đến từ khoảng 100 CLB nghiệp dư trong nước và nước ngoài tham dự. Đây sẽ là giải bóng bàn lớn nhất từ trước tới nay dành cho dân chơi nghiệp dư.
Áp dụng cách tính điểm của Mỹ
“Chúng tôi chia giải đấu làm bốn hạng A, B, C, D. Theo đó, A là những VĐV có thứ hạng cao nhất. Khi thi đấu thắng họ được cộng điểm và thua bị trừ điểm trên bảng xếp hạng. Công thức tính điểm và xếp hạng được thực hiện theo cách tính điểm của Liên đoàn Bóng bàn Mỹ. Hằng năm dựa trên kết quả này các VĐV cũng có sự lên, xuống hạng. 16 VĐV nam, nữ xuất sắc nhất của Premiership Hà Nội, TP.HCM còn được tham gia giải các tay vợt xuất sắc toàn quốc... Tuy là nghiệp dư nhưng hệ thống giải, tính điểm và quản lý dữ liệu của chúng tôi ăn đứt chuyên nghiệp” - anh Dũng đánh giá.
Thật vậy, việc tìm hiểu và có hệ thống thông tin về các VĐV, CLB bóng bàn chuyên nghiệp VN hiện nay là không thể. Ngay hệ thống tuyển chọn VĐV cho đội tuyển quốc gia cũng không có cơ chế tính điểm khoa học và theo quy định quốc tế nên thường dẫn đến tuyển chọn cảm tính, thiếu cơ sở dẫn đến kiện cáo. Tuy nhiên với bóng bàn nghiệp dư, để tìm hiểu về thông tin của bất kỳ VĐV nào của hàng trăm CLB bóng bàn trên cả nước, số trận họ đấu, thứ hạng trên bảng xếp hạng nghiệp dư... người ta chỉ cần click vào địa chỉ bongban.org/pingpong là dễ dàng tìm được. Một điều tuyệt vời mà những người làm bóng bàn chuyên nghiệp VN phải suy nghĩ.
Sau khi có hệ thống giải và sân chơi, số CLB bóng bàn nghiệp dư tại Hà Nội, TP.HCM mọc lên ngày càng nhiều. Ở Hà Nội là CLB Nhà quàn, Đại La, Thanh Xuân, Duy Hưng, Thắng Lốp, Đại học Bách khoa, Vitas, Trần Hưng Đạo... Còn ở TP.HCM là CLB Đầu máy Sài Gòn, Văn Thánh, Lao động, Hoa Lư.
Bác Đinh Ngọc Ban - chủ nhiệm CLB Nhà quàn, CLB lâu đời nhất của bóng bàn nghiệp dư Hà Nội - nhớ lại: “CLB Nhà quàn có từ thời Pháp thuộc nằm tại nhà tang lễ ở khu tập thể đối diện số 32 Nguyễn Công Trứ, quận Hai Bà Trưng. CLB có khoảng 70 thành viên tập luyện vào buổi sáng và chiều. CLB Nhà quàn nổi tiếng với nhiều VĐV lớn tuổi. Thậm chí, bác Nguyễn Minh Khánh năm nay gần 80 tuổi vẫn tham gia thi đấu. Nhà quàn nổi tiếng là CLB của những ông già máu lửa nhất Hà Nội”.
Suýt cầm sổ đỏ lấy tiền tổ chức giải
Năm 2009 khi ban tổ chức diễn đàn tổ chức giải toàn quốc tại Nam Định, trưởng ban tổ chức giải năm đó là bác Trần Quốc Hoàn. Do đến ngày thi đấu, ban tổ chức giải vẫn không tìm được nhà tài trợ, không có cách nào khác bác Hoàn tính kế cầm sổ đỏ lấy tiền làm giải. May đến phút cuối, một doanh nghiệp tại Vũng Tàu tài trợ cứu giải với hơn 200 triệu đồng.
Yêu bóng bàn, anh Đoàn Tiến Dũng sau này cũng bỏ việc tại một công ty công nghệ thông tin để phục vụ diễn đàn và tổ chức giải bóng bàn nghiệp dư. Anh Nguyễn Hải Triều, đại diện diễn đàn tại TP.HCM, chia sẻ: “Lắm lúc không có tiền tổ chức giải cũng nản lắm nhưng phải cố. Hầu hết tiền tổ chức giải, tiền thưởng của tất cả các giải là các VĐV tự đóng góp”.
Xúc động biết bao khi thông tin trên diễn đàn còn ghi rõ: Giải Gà cay lần 1 tại Xí nghiệp đầu máy Sài Gòn năm 2011 với ý nghĩa “kết nối niềm đam mê, mở rộng tình bạn bè” với những nhà tài trợ: anh Hoàng Tàu tài trợ phí sân thi đấu, anh Tú tài trợ 1 lít keo nước cho tốp 3, anh Hỷ: 500.000 đồng, Cường Anti: 500.000 đồng, Lucky Sport: 3 áo và bóng thi đấu...
KHƯƠNG XUÂN
nguồn:
http://thethao.tuoitre.vn/The-thao/517929/Khi-nghiep-du-qua-mat-chuyen-nghiep.html